Thầy yêu dấu của con,
Năm nay đi linh thao mà con chưa ghi được lời nào trong „nhật ký tĩnh tâm“ như thường khi con vẫn làm trong các khóa linh thao.
Con vẫn nhớ những giây phút êm ả bên Thầy trong giờ thong dong, quỳ chiêm ngắm Thầy yêu dấu trong Mặt Nhật, được đặt trên chiếc bàn nhỏ, trước ngọn đèn chầu trong căn phòng ấm cúng này. Nơi đây con nhớ đến mầu nhiệm Thánh Thể, mà mỗi ngày vẫn được tái diễn qua lời truyền phép của linh mục chủ tế, người đại diện Thầy trang trọng kính cẩn cử hành, để bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Thầy hiển hiện và hiện diện trong hình bánh, để Thầy ở với chúng con mọi ngày cho tới tận thế.
Thánh Thể là một Hồng Ân Thiên Chúa ban cho loài người, là món quà vô giá thể hiện Tình Yêu Thương vĩnh viễn của Ngài ban cho chúng con, cho toàn thể nhân loại. Nơi đây, vì yêu thương,Trái Tim Thầy luôn mở rộng để đón nhận tất cả nhân loại, cho dù nhân loại đầy tội lỗi… cho dù hàng ngày Thầy vẫn bị loài người chúng con đóng đinh, sỉ nhục và phản bội Thầy bằng những cử chỉ dối trá, tham lam, giận dữ, gian manh, ăn chặn, giết người, bất công, chèn ép, chia rẽ, ganh ghét, bách hại…
Trong ba ngày tĩnh tâm theo phương pháp linh thao của Thánh Inhazio Loyola, linh mục đang giúp chúng con gặp gỡ Thầy qua Lời Thầy do Thánh Sử Marco ghi lại. Thầy đã thắp lên cho chúng con một ngọn lửa tin yêu, cách riêng cho chính con, và con tự nhủ, phải giữ gìn ngọn lửa này để luôn sưởi ấm tâm hồn mình và để mang hơi ấm đến cho anh chị em con, những người ở ngay bên cạnh con, trong gia đình con, những người ở xa con, những người mà Thầy cho con gặp gỡ họ.
Nghĩ đến anh chị em, đến tha nhân con lại nhớ năm vừa rồi con đi dự một khóa tĩnh huấn ba ngày Cursillo với tôn chỉ „một tay nắm Chúa, một tay nắm anh em“ của Phong Trào Cursillo. Ba ngày hồng ân đó con đã học được nhiều điều hay, nhiều điều rất ích lợi cho đức tin của con, mà điều con ghi nhớ nhất là tinh thần phục vụ của các anh chị em đi trợ tá khóa. Các anh chị phục vụ mọi người với một tâm tình quảng đại, đầy lòng nhân ái, và kiên nhẫn dịu dàng trong từng cử chỉ, từng lời nói. Có phải giây phút này Thầy nhắc nhở con, hãy học gương phục vụ đó mà thực hành nắm tay anh chị em để giới thiệu với Thầy. Thầy ơi, muốn được như vậy thì chính con phải học tập nhiều với Thầy về tình yêu thương, về lòng từ bi, về sự từ bỏ mình và nhất là phải luôn ở trong Thầy như Lời Thầy ở trong con. Từ bỏ những tội lỗi trong con người yếu hèn của con. Xin Thầy giúp con để con biết sống đẹp lòng Thầy.
Thầy ơi! Ngày xưa, cách đây 2000 năm, thời của Thầy đang sống và đi rao giảng cùng với các môn đệ, Thầy cũng gặp bao nhiêu là khó khăn, bao sự hiểu lầm, bao sự ganh ghét, đố kỵ đến nỗi họ muốn giết Thầy chỉ vì Thầy thẳng thắn, dám lên án những bất công, Thầy dám đánh đuổi những kẻ buôn, người bán trong „NHÀ CHA TA“, chỉ vì Thầy nhiệt tình vâng lời Chúa Cha, chỉ vì Thầy luôn luôn muốn làm sáng danh Cha mình. Thầy có buồn nhiều không khi Thầy bị bắt, bị đánh đập, bị sỉ nhục, vác nặng cả nỗi cô đơn trên đường lên núi Calvario, bị treo trên cây thập tự thì môn đệ của Thầy cũng bỏ Thầy mà chạy tản mát.
Con nghĩ, hẳn là Thầy cũng buồn chứ, nhưng mà Thầy thương họ nhiều hơn, vì Thầy biết họ chỉ là những „chiếc bình sành“ dễ vỡ. Ngày nay chúng con, những đứa con đầy tội lỗi của Thầy cũng bỏ Thầy mà tản mát khắp nơi, song Thầy cũng vẫn thương yêu và kiên nhẫn chờ đợi chúng con trở về. Xin Thầy đưa chúng con về hiệp nhất với Thầy và ở trong Thầy, Thầy nhé.
Treo trên thập tự, hình ảnh này làm lòng con quặn đau Thầy ơi, nhìn Mẹ Maria đau khổ tận tâm can mà vẫn thinh lặng đứng dưới chân Thầy bị treo lơ lửng, có người mẹ nào ở thế gian mà can đảm và chịu đựng được như Mẹ Maria. Con thương Mẹ quá sức. Mẹ chính là tấm gương mà con đã noi theo để âm thầm chịu đựng những chướng khí của chồng con, của con cái con và của chính mình. Chỉ biết bắt chước Mẹ mà cầu nguyện liên lỉ cho họ và cho mình.
Thầy tinh tuyền vô tội mà Thầy chịu để cho thế gian lên án, sỉ nhục, đánh đòn, bêu rếu suốt đoạn đường vác cây thập tự. Hình phạt này đế quốc Roma chỉ dành cho người nô lệ, họ coi Thầy như nô lệ, Thầy chịu hạ mình đến vô cùng tận, Thầy chịu hủy mình ra không Thầy bị đâm vì chúng con phạm tội, Thầy bị nghiền nát vì chúng con lỗi lầm, Thầy chịu sửa trị để chúng con được bình an, Thầy mang thương tích để cho chúng con được chữa lành. (Is 53, 5)
Thầy ơi, người Do Thái cho cái chết của Thầy trên thập tự là một sự ô nhục , dân ngoại thì coi đó là một cái chết điên rồ, ngu xuẩn, nhưng Chúa Cha công nhận đó là sự vinh hiển, sự khôn ngoan của Thầy. (ICr 1,24)
Họ nghĩ như thế vì họ không biết được đó chính là mầu nhiệm cao cả mà chỉ có Thiên Chúa đầy quyền uy, Đấng tạo thành trời đất, Đấng yêu nhân loại đầy tội lỗi và muốn cứu nhân loại, nên sai Thầy đến thế gian này mà chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để cứu độ tất cả chúng con. Họ không hiểu rằng giờ này chính là lúc Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!(Ga 12,23) vì nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24).
Con người trong thế giới ngày nay họ không cần Thiên Chúa, họ say mê tiền tài của cải, vật chất, danh vọng, nên họ đánh mất đi sự thẳng thắn, chân thật, tinh khiết của lương tâm con người, trái tim họ trở nên chai đá, vì thế sự ác, sự dữ lan tràn khắp mặt đất. Họ say mê „cái tôi“ của họ khi họ phát minh hay khám phá ra được những kỳ công mà họ nghĩ là chỉ nhờ trí thông minh của họ, nhất là những giá trị khoa học hiện đại ngày nay. Họ tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho họ trí thông minh. Họ còn tự cho mình quyền hành của một vị tạo hóa trong việc can thiệp vào nhiệm mầu sự sống con người, họ ra luật cho phép phá thai, cho phép trợ tử v.v…
Con xin Thầy ban cho họ ơn nhận biết được Tình Yêu và quyền năng của Thiên Chúa, biết đến sự hiện diện của Thầy ở thế gian này, chính nhờ Thần Khí Thầy mà trái đất này trở nên nhân ái hơn, đẹp đẽ hơn và có ý nghĩa hơn, phải không Thầy yêu dấu của con. Con cám ơn Thầy ban cho con những giây phút thắm thiết này.
Xin Mẹ Maria giúp con gìn giữ mãi mãi tình yêu Thầy trong con. Xin tôn vinh và cảm tạ Thầy. Thầy ơi, con yêu Thầy, con yêu Thầy.
Elisabeth Nguyễn