Lần trước chúng ta đã bắt đầu tìm hiểu đề tài hành hương trong cuộc sống tôn giáo. Nó là một hiện tượng nhân chủng lịch sử đại đồng, vì được tín hữu của mọi tôn giáo trên thế giới thực thi trong cuộc sống.
Thật không phải là điều quan trọng định đoạt, nếu người bắt đầu lên đường hành hương chưa có ý niệm rõ ràng và trong sáng về hành hương, cũng như không thể đòi hỏi có sự hoán cải tràn đầy ngay từ đầu. Vì thế cấu trúc hình thái của lộ trình hành hương chỉ có tính cách hướng dẫn sư phạm, nếu người hành hương không cố ý thực sự lãnh trách nhiệm và không khước từ hành động biểu tượng của việc hành hương. Hành hương là một sự kiện cứu độ, nó lắng nghe sự thúc đẩy của Thiên Chúa một cách ý thức, người hành hương đi lại trong chính mình lịch sử – là cái parabôn vòng cung diễn tả vận mệnh toàn vẹn của chúng ta – trong cấu trúc và trong cái năng động phục sinh xuống – lên hay chết – sống lại của nó. Tất cả đều nhắm giáo dục thân xác, con tim, linh hồn qua các thử thách vật lý và cuộc chiến đấu tinh thần.
Vì thế, độ dài và thời gian lâu của con con đường có giá trị của nó. Vị trí “tận cùng trái đất” đã tạo thế đứng cho sự nổi tiếng của đền thánh Compostela: các lộ trình của thánh Giacôbê, kéo dài phần lớn trên đất Tây Ban Nha và Pháp để đổ tín hữu hành hương vào trong “Dải ngân hà” , vào vùng Galizia xa xôi, nêu bật việc giải thoát khỏi các bánh xe quay của sự ngẫu nhiên để mở ra cho miền vô tận. Giêrusalem cũng giống như thế, và nó là điểm xa của phương đông kitô trong thế giới hồi giáo.
Cuộc hành hương có thể là cá nhân hay tập thể. Nói cho cùng, việc phân chia này chỉ có tính cách bề ngoài. Người hành hương một mình, ngoài việc mang theo một thúc đẩy vượt quá họ để tháp nhập vào một sự hiệp thông cuộc sống với các người hành hương khác, tại đền thánh họ thực hành các cử chỉ truyền thống, và như thế làm thành cộng đoàn với xã hội hành hương. Cả khi tình liên đới này có mau qua đi nữa, các cử chỉ ấy để lại nơi họ một dấu vết; cả khi họ không phải là tín hữu thực hành đạo và sau cuộc hành hương họ cũng sẽ không là tín hữu sống đạo, họ vẫn là người được tháp nhập vào trong một sự thánh hiến tập thể , tháp nhập với những người đã chia sẻ kinh nghiệm này và sống chiều kích tinh thần của nó.
** Mặc dù có các phương pháp và các kỹ thuật mà các khoa học nhân chủng cống hiến cho chúng ta giúp phân tích nó, trong khiá cạnh sâu thẳm và phong phú nhất của nó hành hương vẫn là một mầu nhiệm không thể dò thấu được. Sự thân tình của trái tim con người với các khát vọng của nó, sự rộng mở cho siêu nhiên và hành động dự phòng và biến đổi của Chúa Thánh Thần vượt thoát khỏi mọi sắp xếp thứ loại.
Thế Thánh Kinh có nói gì về hiện tượng hành hương không? Mạc khải do thái kitô tuân theo luật lệ của việc nhập thể cần sự đóng góp của suy tư đi trước, bắt đầu từ các phạm trù khác nhau, hoặc có tính cách lược đồ hoặc có tính cách tương quan của tôn giáo so sánh. Nhưng nền tảng thần học cho thấy ý nghĩa sau cùng của hình thái này, được tìm trong phần đất chắc chắn và có hiệu lực quy tắc của Thánh Kinh trao ban cho nó một nội dung mới và độc đáo. Đức tin thực thi một nhiệm vụ phê bình liên quan tới điều này, đồng thời nó biến đổi thực tại này, bằng cách khiến cho nó diễn tả một trong các khiá cạnh không bên lề hay phụ thuộc, nhưng nòng cốt của cuộc sống kitô. Đây là một đề tài mà trong một cách thế nào đó nó tóm tắt kinh nghiệm tinh thần của Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước.
Trong Thánh Kinh chúng ta tìm thấy ba phạm trù có thể coi là đồng tâm: thứ nhất, bắt đầu từ bên ngoài, như một con diều, chúng ta ghi nhận điều kiện lữ hành của dân Thiên Chúa, qua đó cho tới khi nào nó còn ở trong “tình trạng trên đường” thì con nguời phải coi mình là xa lạ và di cư. Thứ hai, tiến bước: chúng ta có cuộc hành hương như dấu chỉ được cơ cấu hóa của con đường này. Thứ ba, ở trung tâm, trong phụng vụ của việc rước kiệu chúng ta gặp thời điểm mạnh mẽ nhất và kiểu diễn tả lễ nghi của thực tại đó. Thật khó mà có thể phân biệt hai dấu chỉ đầu tiên thường giao thoa nhau, cả khi tên gọi thường được dùng cho điều kiện bước đi của cuộc sống cũng như cho cử chỉ tôn giáo ám chỉ nó. Ở đây chúng ta khởi hành từ dấu chỉ thứ nhất để tập trung chú ý vào dấu chỉ thứ hai.
Trong Thánh Kinh Cựu Ước cuộc hành hương nổi tiếng thứ nhất là cuộc hành hương của tổ phụ Abraham. Lịch sử cứu độ đã khai mào với Abraham, là mẫu gương đầu tiên trao ban hình dạng cho niềm tin kinh thánh, “người Arameo lang thang” (Đnl 26,5). Ông đã được Thiên Chúa kêu gọi ra khỏi quê hương xứ sở của ông, từ bỏ cuộc sống định cư ổn định sung túc và bảo đảm để sống như người du mục lang thang nay đây mai đó, và đi đến một vùng đất ngoại quốc xa lạ (St 12,1; 15,7; 17,1), đã được hứa cho ông và cho dòng dõi ông làm gia nghiệp (St 23,4; Dt 11, 8tt.).
** Lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, là Đấng khác xa với tất cả mọi thần linh khác, không bị cột buộc vào một nơi đặc biệt, mà bước đi với tôi tớ của Ngài (St 17,1). Sau này Thiên Chúa sẽ lữ hành với dân Ngài và cũng sống dưới lều như họ. Đối với lộ trình không ngừng của đức tin lữ hành, Abraham được yêu cầu bẻ gẫy một cách hoàn toàn và triệt để với quá khứ của ông; “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Từ đó nảy sinh ra cám dỗ thường xuyên là dừng lại, tìm an ninh bằng cách đâm rễ sâu vào các sự vật ở tầm với, tìm cắm neo cho con tầu đời mình. Và đây là một sự kiện sẽ tạo thành thử thách của sa mạc trong thời xuất hành đối với dân Do thái.
Con đường lữ hành liên tục của tổ phụ Abraham đạt tột đỉnh trên nơi cao là núi Morigia, nơi Thiên Chúa yêu cầu ông sát tế Igiaác là con một của ông cho Ngài. Nhưng Thiên Chúa chỉ muốn thanh luyện và thử thách đức tin của tổ phụ thôi, vì điều Ngài muốn không phải là cái chết của Igiaác, nhưng là cái chết của tâm thức loài người nơi tổ phụ, để từ niềm tin tinh tuyền của ông Thiên Chúa xây dựng lịch sử cứu độ với dân Do thái phát xuất từ tổ phụ.
Cuộc sống bước đi này, cuộc sống lữ hành này, cuộc đời du mục khởi đầu này sẽ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một ký ức và một gia tài tập thể liên quan tới căn tính tinh thần của tất cả mọi tín hữu, mà Abraham là cha, bằng cách ghi dấu họ một cách không thể xoá nhoà được: tin là “bước đi với Thiên Chúa” (St 48,15; 5,24; 6,9), là giải quyết trùng hợp với niềm hy vọng của chúng ta, sống một cuộc đời thử thách, chỉ với sự tin tưởng hiện sinh, cắm neo một cách vững chắc nơi đá tảng các lời hứa của Thiên Chúa.
Biến cố xuất hành nền tảng ghi đậm dấu ý thức của Israel như một dân tộc tái đề nghị với dân Chúa lộ trình đức tin lữ hành của tổ phụ Abraham. Kinh nghiệm này giờ đây mang gương mặt của cuộc giải phóng. Thiên Chúa giải phóng dân Ngài khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập để lên đường lữ hành tiến về miền Đất Hứa. Thật ra từ trang đầu tiên trong Thánh Kinh cho tới trang cuối cùng Thiên Chúa luôn luôn là Đấng giải phóng. Ngài bước vào lịch sử loài người và lịch sử thế giới để bẻ gẫy mọi xích xiềng cầm giữ và giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ: nô lệ sự dữ, nô lệ cái chết và tội lỗi, nô lệ các chế độ và ý thức hệ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và cả tôn giáo đàn áp và chà đạp các quyền tự do và phẩm giá của con người.
** Việc tạo dựng cho thấy Thiên Chúa giải phóng vũ trụ khỏi cảnh hỗn mang nguyên thuỷ, bằng cách phân chia và sắp xếp các sự vật cho hài hoà thứ tự, qua đó Ngài tạo dựng khung cảnh sống toàn vẹn cho con người. Khi giải phóng dân Do thái khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, Thiên Chúa chỉ cho họ con đường hứng khởi tươi vui của sự tự do, tự do là người và nhất là tự do là con cái và là dân của Thiên Chúa. Truyền thống lữ hành này là đề tài của sứ điệp kinh thánh: nó là nguy cơ của lòng tin. Con đường của sự tự do – một trường học dậy tình liên đới – không phải là con đường dễ dàng. Lý do vì con người luôn luôn nhung nhớ các thiện ích, các sung sướng hạnh phúc ảo tưởng của thời bị giam cầm: nào là củ hành củ tỏi, nồi thịt bung, miếng dưa hấu, như dân Do thái đã than van với ông Môshê. Họ thèm các thực phẩm của thời sống kiếp nô lệ, nhung nhớ chúng, và sẵn sàng khước từ cuộc sống tự do để trở lại với cuộc sống nô lệ bên Ai Cập. Bên cạnh đó là các khó khăn thử thách của cảnh cô quạnh trong sa mạc, của cái nóng bỏng cháy da ban ngày và cái lạnh giá buốt ban đêm, của cảnh đói khát, mệt nhọc, của sa mạc kinh hoàng lột trần tâm hồn con người trước Thiên Chúa và chính mình. Tất cả đều là một thử thách liên tục, và là cám dỗ trở lại đàng sau luôn luôn rình rập con đường lữ hành của dân Do thái trong sa mạc Sinai xưa kia, và của tín hữu mọi thời đại.
Nhưng trên đường lữ hành tiến về Đất Hứa Giavê Thiên Chúa đã luôn luôn hiện diện và dồng hành với dân Ngài trong Lều Hội Ngộ. Ngài hiện diện một cách thực sự, nhưng cũng nội tại và siêu việt với biết bao dấu chỉ diễn tả sự quan phòng của Ngài – hầu như đó là một phép lạ thưòng xuyên – đến độ ngôn sứ Hosea gọi thời dân Do thái lữ hành qua sa mạc Sinai là thời đính hôn, là mùa của tình yêu thời son trẻ. Ngôn sứ là người đầu tiên dùng thứ ngôn ngữ hôn nhân để miêu tả các tương quan thân tình giữa Giavê Thiên Chúa và dân Ngài. Thiên Chúa là Phu Quân và dân Do thái là hiền thê của Ngài. Tuy dân Do thái là người vợ bất trung luôn luôn bị cám dỗ bỏ Thiên Chúa để chay theo tôn thờ các thần giả, ngoại tình với chúng, ngôn sứ viết trong chương 2: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập.” (Hs 2,16.17). Thiên Chúa đưa dân Do thái vào trong sa mạc để hấp hôn, để tái ký kết giao ước tình yêu với họ. Con đường lữ hành như thế cũng là con đường của tình yêu thương, của sự thân tình, của việc đính hôn, của các tương giao phu thê. Đây không chỉ là kiểu diễn tả, nhưng là thực tại nhiệm mầu trong tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Do thái nói riêng và đối với toàn nhân loại nói chung.
TMH 536
Linh Tiến Khải
RV