5 Phút cho Lời Chúa Tháng 09-2018

>> Tải về MS word file

Mục Lục

Ngày 1 – 8: Trang 1

Ngày 9 – 15: Trang 2

Ngày 16 – 22: Trang 3

Ngày 23 – 30: Trang 4

* * *

01/09/18 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 21 TN
Mt 25,14-30

 

LÀ TÔI TRUNG CỦA CHÚA

Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!(Mt 25,21)

Suy niệm: Mặc dù chế độ buôn bán nô lệ đã chấm dứt, và biết bao cuộc cách mạng đẫm máu đã diễn ra nhằm giải phóng con người khỏi kiếp nô lệ bị bóc lột, áp bức, thế nhưng nạn buôn người và muôn vàn hình thức người bóc lột người vẫn tồn tại một cách còn tàn bạo và tinh vi gấp bội phần. Từ hơn 2.000 năm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta phá bỏ xiềng xích của mối quan hệ chủ-nô ấy bằng cách sống như người tôi trung của Thiên Chúa. Là tôi tớ của Chúa, chúng ta được ban cho làm chủ tài sản của Ngài để sinh lợi. Và khi đã sinh lợi cho Nước Chúa, chúng ta được đồng thừa hưởng gia nghiệp với Ngài, là phần thưởng Ngài dành cho “tôi tớ tài giỏi và trung thành”. Chẳng những thế, vị Chủ đó thân hành trở thành đầy tớ, sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37).

Mời Bạn: Người xưa có nói: Hiền tài phải gặp được minh quân thì mới thoả chí bình sinh. Người Ki-tô hữu hạnh phúc không gì sánh bằng khi được Chúa làm gia nghiệp, được có Đức Ki-tô Vua Vũ Trụ là minh quân để phụng thờ. Để phụng sự Vua Ki-tô và sinh lời cho Nước Trời, điều cần thiết yếu là yêu thương phục vụ mọi người anh em, vì Ngài đã nói: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Mời bạn hãy đi và thực hành như vậy.

Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm: Mỗi khi tôi không thực thi bác ái với tha nhân là tôi đang xúc phạm đến Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

 

02/09/18 CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – B
Mc 7,1-8a.14-15.21-23

 

THỜ CHÚA VỚI CẢ TẤM LÒNG

“Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng trí chúng thì xa ta. Chúng có thờ phượng ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (Mc 7,6b-7)

Suy niệm: Những người tỏ ra vồn vã bề ngoài nhưng trong lòng lại không phải vậy nếu không phải là kẻ khoa trương “trăm voi không được bát nước xáo” thì cũng là hạng giả dối, đãi bôi. Chúa Giê-su mạnh mẽ lên án thói sống này; Ngài gọi những người sống như thế là giả hình, chỉ “thờ kính Chúa ngoài môi miệng, mà lòng trí thì xa Chúa.” Ngài cho biết lối thờ kính đó là “vô ích”, bởi vì đó là sống theo “những giới luật của người phàm” chứ không phải là thực thi “giới răn của Thiên Chúa”. Và cho dù họ có thực thi “giới răn của Chúa” thì cũng chỉ bằng hình thức bên ngoài chứ không phải với tất cả sự chân thành xuất phát tự đáy lòng.

Mời Bạn: Trong xã hội Việt Nam hôm nay, căn bệnh giả dối và khoe khoang ấy giống như một khối u ác tính trong giai đoạn di căn. Thật vậy, sự giả dối và tính khoe khoang đã gây ra biết bao nhiêu hệ lụy tai hại trong cuộc sống gia đình và xã hội mà mọi người cần phải lên án loại trừ. Với Chúa Ki-tô, điều luật lớn nhất chính là yêu mến Chúa và yêu thương anh em. Đó là giới răn trọng nhất. Còn tất cả những điều khác chỉ là phụ thuộc.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải người đời” (Cl 3,23).

Cầu nguyện: Đọc kinh “Kính Mến”.

 

03/09/18 THỨ HAI TUẦN 22 TN
Th. Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 4,16-30

 

ĐÓN NHẬN THA NHÂN

“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)

Suy niệm: Đức Giê-su trở về nhà quê của mình và “chia sẻ Lời Chúa” trong hội đường như người vẫn quen làm. Dân làng một mặt thán phục cách giảng dạy của Người. Họ như “uống” từng lời của Đức Giê-su. Nhưng mặt khác, họ lại bị trói chặt trong cái định kiến chật hẹp của mình. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao…”. Họ như muốn lu loa rằng: ông này chỉ là con bác thợ mộc bình thường, bày đặt đi đâu năm bữa nửa tháng về đây lại lên mặt dạy đời cho các ông các bà sao? Thấu suốt tâm tư của họ, Đức Giê-su nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24). Cay đắng để thốt ra những lời như thế thì trong lòng đã có biết bao xót xa, những tha thiết đem Lời với những người thân sao xa diệu vợi.

Mời Bạn: Những người đồng hương của Chúa Giê-su, chỉ vì những định kiến hẹp hòi, không thể chấp nhận Ngài dù họ “thán phục những lời hay ý đẹp” Ngài đã nói. Còn bạn, bạn có nhận ra tính cách độc đáo của mỗi người anh chị em để nhờ đó đón nhận họ với những đề nghị, sáng kiến trong việc xây dựng cộng đoàn không?

Sống Lời Chúa: Hãy mở lòng đón nhận những cái mới dưới ánh sáng của Lời Chúa. Hãy để cho Lời hướng dẫn để có thể nhận ra giá trị của từng con người ẩn giấu sau dáng vẻ đơn sơ mộc mạc của họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi người chúng con là một món quà của Chúa để dành cho nhau. Xin cho chúng con biết đón nhận nhau để chúng con được thêm phong phú và Hội Thánh được luôn phát triển.

 

04/09/18 THỨ BA TUẦN 22 TN
Lc 4,31-37

 

ĐỂ CHÚA CHIẾM NGỰ

“Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! ” (Lc 4,36)

Suy niệm: Dân chúng nhìn nhận Chúa Giê-su giảng dạy có uy quyền; chính mắt họ nhìn thấy Ngài trục xuất một tên quỷ ra khỏi một người ngay trong hội đường. Ngài hành động rất quyết liệt và mạnh mẽ. Tên quỷ nhận biết Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa, và biết Ngài đến tiêu diệt chúng. Không cần chi những lời xưng tụng của quỷ, Chúa quát mắng, bảo nó câm đi và trục xuất nó ra khỏi người ấy. Ngài không cho phép nó chiếm ngự linh hồn một người con của Chúa. Chúa Giê-su tỏ ra từ bi với kẻ có tội, nhưng không bao giờ khoan nhượng với quỷ ma là thù địch muôn đời của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Khi chịu phép rửa tội, ta từ bỏ ma quỷ, những quyến rũ bất chính của ma quỷ và ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Dòng nước thanh tẩy cho ta được làm con Chúa, tâm hồn và thân xác chúng ta trở nên đền thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi  ngự trị. Bởi vậy, nơi con ngưởi của ta không có chỗ cho ma quỷ.

Sống Lời Chúa: Để Chúa chiếm ngự tâm hồn mình, tôi năng xưng tội, rước lễ, đồng thời tôi mặc lấy tâm tình khiêm nhu, hiền lành, trung thực, bác ái. Tôi tỉnh thức với các mưu mô ma quỷ, và dứt khoát chống lại những cơn cám dỗ lôi kéo tôi làm điều mất lòng Chúa, xua đuổi Chúa ra khỏi lòng tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Xin Chúa đến chiếm ngự lòng con và biến đổi con nên giống Chúa. Xin giúp con giữ gìn sự trong trắng tâm hồn của con và của những người Chúa giao phó cho con. Xin cho tâm hồn con trở nên mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa gieo vào được tự do lớn lên. Amen.

 

05/09/18 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Th. Tê-rê-xa Can-cu-ta 
Lc 4,38-44

 

ĐIỀU CHÍNH YẾU

“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43)

Suy niệm: Chúa Giê-su đến trần gian, công việc chính yếu của Ngài là rao giảng mầu nhiệm Nước Trời; mầu nhiệm mà không có một nhà sáng lập tôn giáo nào trước đó rao giảng. Mầu nhiệm đó mời gọi con người hướng về, vì đó là cội nguồn và là nơi hạnh phúc muôn đời. Chúa Giê-su đã xác định công việc chính yếu của cuộc đời Ngài là rao giảng, Ngài đã dồn sức và miệt mài để công việc đó được hoàn thành: “Tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”

Mời Bạn: Ngày nay, Giáo Hội được Chúa sai đi cũng để làm công việc chính yếu là rao giảng và làm vinh danh Chúa. Thế nhưng, trong một xã hội xoay cuồng với tốc độ kỹ thuật số, nhiều khi con người không đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là điểm chính yếu của cuộc đời; người môn đệ và Giáo Hội của Chúa cũng không phải là ngoại trừ. Đối với tôi, với chúng ta, đâu là điều chính yếu, đâu là điều tùy phụ? Chúng ta rất quen với câu hỏi này. Thế nhưng nhiều khi vì nhiều lý do, vì hoàn cảnh, chúng ta lại chọn điều tùy phụ và rồi để mãi vướng mắc, sa lầy trong những điều tuỳ phụ đó. Vậy, hôm nay bạn hãy xác định: Tôi, chúng ta đã tập chú vào điều chính yếu là “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” chưa (x. Mc 16,15)?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì tôi dừng lại một giây để định hướng: “Tôi quyết tâm làm việc này tốt đẹp như ý Chúa muốn để làm vinh danh Chúa và để loan báo Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô cho anh em tôi.”

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã đặt con trong cuộc đời này vì một mục đích, xin cho con nhận ra và chu toàn mỗi ngày, để làm vinh danh Cha. Amen.

 

06/09/18 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11

 

HIỆU NGHIỆM CỦA SỰ VÂNG LỜI

“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5)

Suy niệm: Tất cả truyền thống Kinh Thánh xác nhận rằng vâng lời trọng hơn của lễ bởi vì của lễ chỉ là những đồ vật bên ngoài còn vâng lời là cho đi những ý riêng, những tình cảm mà ta ôm ấp trong máu thịt của mình. Vâng lời là cho đi cả con người của ta! Ngoài ra Kinh Thánh ghi lại biết bao mẫu gương chứng minh hiệu quả của đức vâng lời thật là cao quí và to lớn: Áp-ra-ham vâng lệnh Thiên Chúa hiến tế chính I-sa-ác con mình đã mở đầu cho giao ước khai sinh một dân riêng của Chúa; Mẹ Ma-ri-a thưa “vâng” đã đem Con Thiên Chúa đến với loài người; và sự vâng phục của Phê-rô khiến ông và các bạn chài thu được một mẻ cá chưa từng có trước đây trong nghề của mình.

Mời Bạn: Vâng lời mà thấy được những lợi ích cụ thể trước mắt thì không khó; còn vâng lời để xoay chuyển một tình thế gần như vô vọng mới là điều đáng quí và đáng nói. Sự vâng phục này đòi hỏi một lòng tin và một tình mến.

Chia sẻ: Hãy chia sẻ một kinh nghiệm mà vì thiếu vâng phục đưa bạn tới một kết cục không tốt; và một kinh nghiệm vì vâng lời mà gặt hái được những kết quả tốt đẹp cho bản thân bạn và cho người khác nữa.

Sống Lời Chúa: Thánh Phao-lô nói: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” để rồi Ngài hoàn toàn tín thác và vâng phục. Cũng thế, bạn cần biết Đấng mà mình vâng phục là ai để không phải hy sinh vô ích và tai hại. Đấng ấy chính là Chúa, Đấng không lừa dối ai bao giờ!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con ơn biết sẵn lòng vâng nghe Lời Chúa dạy; vì Lời Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của con. Amen.

 

07/09/18 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39

 

NIỀM VUI TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI

“Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” (Lc 5,34)

Suy niệm: Tiệc cưới luôn luôn là dịp vui mừng; điều này lại càng đúng với phong tục ở Ít-ra-en. Đám cưới thường kéo dài cả tuần lễ có khi tới nửa tháng, là một sự kiện cộng đồng giống như một lễ hội. Người ta đàn ca nhảy múa, ăn uống linh đình. Tâm điểm của tiệc cưới là cô dâu và nhất là chú rể. Sự hiện diện của chú rể là niềm vui trọn vẹn nhất trong một đám cưới. Đức Giê-su thường dùng hình ảnh tiệc cưới để diễn tả niềm vui Nước Trời mà Ngài đem đến cho nhân loại, một niềm vui trọn vẹn và vĩnh cửu. Trong tiệc cưới ấy, Đức Giê-su chính là chú rể và cô dâu là toàn thể nhân loại được qui tụ trong Hội Thánh. Và vì thế “có thể bắt các bạn hữu Ngài ăn chay, đang khi Ngài còn ở với họ chăng?”

Mời Bạn: Không phải ngày nào bạn cũng thức dậy với nụ cười trên môi hay hát khe khẽ một bản nhạc ưa thích. Bạn thường gặp những bực tức, buồn phiền… hơn là niềm vui trong cuộc sống xô bồ hôm nay. Dù vậy bạn có thể cảm nếm hạnh phúc khi biết rằng chàng rể Giê-su đang ở với mình, với tất cả sự chăm sóc và tình yêu thương.

Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc khi rước Thánh Thể không? Bạn hãy tha thiết cầu xin Chúa cho bạn cảm nếm ân huệ đó.

Sống Lời Chúa: Khởi đầu ngày sống với một việc làm tích cực cho người chung quanh, để chia sẻ niềm vui mình đang được hưởng là được Thiên Chúa yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã đến “định cư” với nhân loại, để đem niềm vui Nước Trời cho chúng con. Xin giúp chúng con cảm nhận niềm vui ấy mỗi ngày. Amen.

 

08/09/18 THỨ BẢY TUẦN 22 TN
Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
M1 1,1-16.18-23

 

MA-RI-A, TẶNG PHẨM TUYỆT VỜI CỦA THIÊN CHÚA

Mẹ Người là Ma-ri-a đính hôn với Giu-se, trước khi về chung sống với nhau, thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. (Mt 1,18)

Suy niệm: Có lần các du khách đang thăm viếng các hang động Carlsbad nổi tiếng ở Mexico thì đèn đuốc bỗng nhiên tắt ngúm. Trong đám người quờ quạng trong bóng tối có hai em bé khóc thét lên vì khiếp sợ. Lúc đó người mẹ của hai em lên tiếng bảo: “Các con đừng sợ. Sẽ có người bật đèn sáng trở lại cho chúng ta…” Trình thuật của sách Sáng Thế về tội nguyên tổ tiên báo một người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn. Đó là tia sáng an ủi và hy vọng cho nhân loại đang chìm trong bóng tối tội lỗi đầy sợ hãi và thất vọng. Tia sáng đó trở thành chùm sáng trong ngày sinh của Đức Ma-ri-a báo hiệu hừng đông của kỷ nguyên ơn cứu độ đang đến gần. Mẹ là tặng phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại “bởi Mẹ sinh ra Mặt Trời Công Chính là Chúa Ki-tô, Người đã chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời” (Đức Gioan Phaolô II).

Mời Bạn: Mừng sinh nhật Mẹ Ma-ri-a là dịp để tạ ơn Chúa về kỳ công Chúa làm nơi Mẹ để thực hiện chương trình cứu độ chúng ta. Bạn có cảm nhận được sự kỳ diệu đó không? Và nhất là bạn có cảm nhận được niềm vui và niềm hy vọng vì được có Đức Ma-ri-a là “Mẹ sinh ra Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô” và cũng là Mẹ của chúng ta không?

Chia sẻ: Cách bạn tôn sùng Mẹ có diễn tả niềm vui và hy vọng cứu độ không?

Sống Lời Chúa: Bạn có món quà gì mừng sinh nhật Mẹ Ma-ri-a chưa? Bạn đừng quên kinh Mân Côi là kinh mà Mẹ ưa thích nhất đó!

Cầu nguyện: Đọc/hát kinh Magnificat để tạ ơn Thiên Chúa.

Chia sẻ Bài này:

Related posts