Chúa Giê Su đã nhiều lần đề cập tới Lý Nhân Quả nhưng rõ nhất có lẽ là lời này “Không có cây tốt lại sinh trái xấu. Cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt. Vì xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi lùm gai cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).
Cây nào thì trái ấy. Cây ám chỉ cho cái nguyên nhân phát sinh còn trái là kết quả là sự hình thành của năng lực phát động. Hễ có nhân thì ắt có quả. Ngược lại có quả thì ắt phải có nhân. Điều tưởng chừng như hiển nhiên ấy lại rất khó để nhận biết và chấp nhận. Lý do là vì tính chất nhân quả diễn ra trong sâu kín mịt mờ còn trong thực tế, người ta chứng kiến điều ngược lại. Kẻ ăn ở hiền lành nhiều khi lại bị thiệt thòi sống trong bần cùng nghèo khó. Trái lại kẻ ăn ở bất nhân thất đức lại có cuộc sống sang giàu, ăn trên ngồi chốc.
Mặc dầu luật nhân quả khó để nhận biết nhưng nó lại chi phối toàn bộ đời sống nhân loại kể cả trong tôn giáo. Có thể nói tôn giáo nào cũng đều dựa trên luật nhân quả. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hệ tại ở việc tạo nhân. Tôn giáo nào chủ trương xây dựng dựa trên bạo lực sẽ có bạo lực. Tôn giáo nào đề cao sự giải thoát sẽ có hoa trái của sự giải thoát.
Đạo Công giáo cũng còn gọi là Đạo Chúa là Đạo Giải Thoát siêu xuất thế gian như lời nguyện của Chúa Giê Su trước khi đi nộp mình chịu chết “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghét bỏ họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc thế gian vậy” ( Ga 17, 14 ).
Đạo Chúa vốn dĩ là Đạo Xuất Thế nhưng nay đã bị tục hóa để thành ra Đạo Nhập Thế có nghĩa người ta muốn xây dựng Nước Trời ở nơi trần gian này. Nguyên nhân sâu xa khiến đưa đến Tục Hóa đó là vì trước nay vẫn giải nghĩa Kinh Thánh theo…mặt chữ ( Sens Litteral ) về Đấng Tạo Hóa và khi đã theo nghĩa này thì chẳng bao giờ có thể chấp nhận Thuyết Nhân Quả. Tại sao? Bởi vì với thuyết Thần Tạo này thì Thiên Chúa chính là cái nguyên nhân đầu tiên sinh thành vũ trụ vạn vật.
Quan niệm Đấng Tạo Hóa không chấp nhận Nhân Quả và vì thế sẽ không làm sao biết được đâu là cái nguyên nhân đưa đến hạnh phúc hay khổ đau của con người. Để có thể nhận biết nguyên nhân ấy là gì chúng ta nhất định cần phải biết đến câu chuyện sa ngã của Nguyên Tổ nơi Vườn Địa Đàng.
“Giê hova ĐCT đem người ở vào cảnh vườn Eden để trồng và giữ vườn. Rồi Giê hova phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( 2, 15 -17 ).
Cái chết sau khi ăn trái cấm cố nhiên không phải chết về phần xác nhưng là về phần tâm linh. Trước khi ăn thì con mắt tâm linh mở tức đó là con mắt của trí tuệ vô phân biệt. Còn sau khi ăn thì con mắt tâm linh khép lại để con mắt xác thịt mở ra “ Đoạn mắt hai người liền mở ra biết rằng mình lõa lồ bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” ( St 3, 7 ).
Cái thấy của con mắt xác thịt là cái thấy biết mang tính đối đãi nhị nguyên phân biệt: Ta, người. Thị, phi. Trái, phải. Nam, nữ. Giàu, nghèo. Sang, hèn v.v…Hết thảy phàm phu chúng ta đều sống với ý thức phân biệt ấy và đây chính là cái nguyên nhân gây ra đau khổ.
Liền sau khi ăn trái cấm hai ông bà nguyên tổ đã bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Về phần người nữ thì bị chúc dữ “ Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén. Ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sinh con. Sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng Adam: Vì ngươi đã đã nghe theo lời vợ mà ăn trái cấm. Đất sẽ bị nguyền rủa vì ngươi. Trọn đời ngươi phải khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và ngươi sẽ phải làm đổ mồ hôi trán mới có cái để ăn…” ( St 3, 16 -19 ).
Qua trình thuật Kinh Thánh về Tội Nguyên Tổ cho thấy: Ăn Trái Cấm (sống với ý thức phân biệt) là Nhân còn bị đuổi khỏi Địa Đàng sống trong đau khổ là Quả. Theo định luật Nhân Quả thì gây nhân nào sẽ tạo quả đó không hề sai chạy mảy may. Hễ cứ sống với ý thức phân biệt, thấy có ta có người (Ngã – Nhân) thì sẽ không thể không vướng vào tham, sân, si mà đã vướng tham sân si thì không làm sao thoát khỏi khổ đau.
Với định luật Nhân Quả cho thấy hoàn toàn không có một đấng thần linh nào quyết định cho hạnh phúc hay khổ đau của con người. Tất cả đều do việc tạo nhân. Tạo nhân lành sẽ có quả lành. Tạo nhân ác sẽ có quả ác.
Nguyên tắc là như vậy. Thế nhưng trong việc tạo nhân ấy con người với bản chất vô minh nó không thể tự tạo lấy cho mình một cái nhân thiện hảo để có được kết quả thiện hảo mà cần phải nhờ đến tôn giáo như một phương thế để cải tạo mình.
Đạo là con đường và con đường của Đạo Chúa là hết lòng thực thi Giao Ước Tình yêu: Vậy nên phải nhận biết rằng: Giê hova ĐCT ngươi ấy là ĐCT thành tín, giữ sự Giao Ước nhân từ đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến, vâng giữ các điều răn Ngài và báo ứng nhãn tiền cho những kẻ nào ghét Ngài mà hủy diệt chúng đi. Ngài không trì hoãn đâu cùng kẻ nào ghét Ngài đâu sẽ báo ứng nhãn tiền cho những kẻ đó” (Đnl 7, 9 -10).
Chỉ trong một đoạn văn mà đã nhắc tới hai lần sự báo ứng. Yêu mến, vâng giữ các giới răn của Chúa sẽ được quả báo tốt đẹp. Trái lại sẽ bị hủy diệt. Yêu mến Thiên Chúa đó là giới răn quan trọng bậc nhất “ Có luật sư hỏi thử Chúa Giê Su mà rằng: Thưa Thầy tôi phải làm gì để thừa thọ sự sống đời đời ? Ngài hỏi lại người ấy: Trong luật pháp có chép điều gì, ngươi đọc thể nào ? Người ấy thưa rằng: Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết sức hết ý chí mà thương yêu Chúa là ĐCT ngươi và thương yêu kẻ lân cận như mình. Ngài lại phán tiếp rằng:Ngươi đáp phải, hãy làm điều đó thì sẽ sống” ( Lc 10, 25 -28 ).
Hiểu luật nhưng phải làm theo luật thì mới sống và đây chính là sự sống đời đời. Tuy nhiên cái việc làm theo luật là rất khó. Lý do bởi vì luật yêu thương ấy là yêu thương Đấng Chúa ở nơi mình. Có yêu thương Đấng ở nơi mình thì mới có thể yêu thương người lân cận mình được “ Vì có ai nói rằng tôi thương yêu ĐCT mà lại ghét anh em mình đó là kẻ nói dối. Vì kẻ nào chẳng thương yêu an hem mình là người mình đã thấy thì có thể nào thương yêu ĐCT là Đấng mà mình chẳng từng thấy được ư ? ( 1Ga 4, 20 ).
Yêu thương Đấng Thiên Chúa chẳng từng thấy biết. Chính điều ấy mới có thể gây tạo cho mình một cái nhân lành tối thượng hầu hưởng quả lành tối thượng. Con người chỉ yêu thương những gì mình thấy, mình cảm nhận. Thế nhưng tất cả những thứ do giác quan đem lại đều là giả dối không thật. Yêu thương những thứ giả dối nay còn mai mất ấy thực chất chỉ là vị kỷ là yêu mình.
Đạo Chúa là Con Đường Tình yêu nhưng để có thể đi trọn con đường Tình Yêu ấy thì phải tin sâu lẽ Nhân Quả có nghĩa tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa “ Bầy nhỏ ơi! Đừng sợ vì Cha các ngươi vui lòng ban Nước Trời cho các ngươi. Hãy sắm cho mình túi tiền không cũ mòn, của báu không hề hết ở trên trời là nơi kẻ trộm không thể đến gần, sâu mọt cũng không làm hư nát. Vì chưng của báu các ngươi ở đâu thì lòng dạ các ngươi cũng ở đó” (Lc 12, 32 -34).
Của báu đây chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại (Lc 17, 20 -21) Một khi Nước Trời vốn sẵn đủ ở nơi ta thì việc tìm kiếm Nước ấy không phải là tìm cái chi ở bên ngoài mình nhưng là quay về với chính mình “ Vả Đức Chúa Giê hova là Đấng Thánh của Itraen có phán như vầy: Các ngươi sẽ được cứu rỗi là tại trở lại và yên nghỉ. Các ngươi sẽ được sức mạnh là tại yên lặng và trông cậy. Nhưng các ngươi lại không muốn thế” ( Is 30, 15 ).
Đạo Chúa là Đạo Cứu Rỗi “Hỡi anh em là con cái thuộc dòng giống Apr a ham và kẻ kính sợ ĐCT trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền đến anh em rồi” ( Cv 13, 26 ). Bởi Thiên Chúa là Đấng nội tại “ở trong anh em” thế nên để được cứu rỗi thì chỉ có một con đường duy nhất đó là trở về với Ngài.
Việc trở về ấy diễn ra không chỉ một lần nhưng trong từng mỗi niệm tưởng. Với bản chất vô minh con người luôn sống trong vọng tưởng phân biệt và điều ấy khiến tâm hồn không lúc nào được ngơi nghỉ bình an. Sự bình an đích thực bao giờ cũng gắn liền với thập giá bỏ mình “ Thật các sự sửa trị đương thời coi như không vui vẻ chi trái lại là buồn sầu. Nhưng về sau thì sinh ra bông trái công chính bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như thế ( Dt 12, 10 ).
Bỏ mình tức bỏ “Cái Tôi” đi luôn là điều khó. Thế nhưng nhân nào quả ấy, cứ tin tưởng cậy trông phó thác bỏ mình đi tất sẽ có được kết quả lớn lao cả trong đời này lẫn đời sau. Cũng bởi Đạo Chúa là Đạo Xuất Thế nên nó chứa đựng toàn là nghịch lý và nghịch lý ấy không đâu rõ cho bằng ở nơi Tám Mối Phúc Thật.
Người đời tìm kiếm hạnh phúc ở nơi sự giàu sang phú quý thì Chúa lại nói “Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật”. Người đời muốn hơn thua tranh cạnh thì Chúa lại nói “Ai hiền lành ấy là phúc thật …..
Tám mối phúc thật vẫn được gọi là Hiến Chương Nước Trời. Điều này cho thấy để vào được Nước Trời mầu nhiệm ấy thì phải cố gắng chấp nhận hầu tạo cho mình một kết quả mỹ mãn như lời Chúa hứa “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta ghét bỏ, cự tuyệt các ngươi như là quân gian ác. Ngày đó hãy vui mừng nhảy nhót vì phần thưởng các ngươi trên trời là rất lớn” ( Lc 6, 20 -23 ).
Phùng Văn Hóa