Hàng ngày đọc tin tức ta sẽ thấy chán ngán thế sự mà thốt lên như Nguyễn Du đã từng than rằng:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Vâng”, mạng xã hội chúng ta sẽ thấy gì?
Tôi đã thấy một bác sĩ lợi dụng lúc mẹ của bệnh nhi đi lấy giấy xét nghiệm, hắn hãm hiếp đứa bé mới 3 tuổi.
Tôi cũng thấy những nữ sinh phải ngủ với thầy giáo để được điểm tốt, những sinh viên ra trường phải trao thân mới có việc làm. Tôi còn thấy bộ trưởng gíao dục mặc nhiên cho phép sinh viên bán dân 3 lần, nếu lần thứ tư mới bị đuổi học!
Tôi còn thấy những bảo mẫu đánh trẻ không chút nương tay. Những nghịch tử bất hiếu ra tay độc ác với đấng sinh thành.
Tôi khôngchỉ thấymột gã thanh niên có học chặt chém bạn gái mình thành từng khúc,màcả người vợ ân ái lại chặt chồng thành nhiều khúc vất vương vãi trên đường.
Tôi thấy người đi đường bị cướp, may mắn giật lại được túi tiền, nhưng túi rách, tiền bay ra, xung quanh thiên hạ xúm lại nhặt, nhưng không phải nhặt giúp, mà nhặt hết đi không chừa lại đồng nào. Thay vì bị 1 đứa cướp, anh ta bị cả con đường đè ra mà cướp… Còn rất nhiều tin.
Đây là những hình ảnh đáng buồn của con người Việt Nam hôm nay. Sự hoà khí, hoà hợp giữa con người với nhau đang mất dần mà thay vào đó là bạo động, là tranh chấp, thù hận. . . Ngày nay, người ta có thể đánh nhau, thậm chí giết người vì những nguyên nhân nhỏ nhặt. Chuyện đi đường va chạm giao thông, va chạm không xin lỗi, nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời,…đều dẫn đến ẩu đả gây thương tích cho nhau.
Không chỉ bạo lực trong sinh hoạt thường ngày mà ngay cả những nơi thánh thiêng của lễ hội Chùa chiền vẫn có những thảm án đẫm máu bởi chen lấn, giành giựt . . . như ở Đền Trần hay Đền Gióng , . . .
Các chuyên gia tội phạm cho rằng đây là hệ lụy của sự vô cảm, thái độ sống ích kỷ, chỉ biết mình, tâm lý chụp giật, tôn thờ vật chất, sống thực dụng… dẫn đến thái độ sống thơ ơ trước nỗi đau đồng loại, vô cảm trước việc làm sai trái xảy ra hàng ngày.
Xã hội là vậy nhưng còn người Công giáo thì sao? Liệu chúng ta có thể sống làm chứng cho tình yêu như Thiên Chúa mời gọi hay không?
Trong những dịp bác ái cứu trợ tôi thấy người Công giáo ít ra không vô cảm với khổ đau của tha nhân. Ai cũng rộng lòng của ít lòng nhiều cùng chia sẻ với những người bị thiên tai. Tôi cũng thấy rất nhiều những cá nhân tự nguyện dấn thân để đem tình thương đến cho người nghèo, người tâm thần, người bất hạnh qua những chén cơm, chén cháo đầy tình nghĩa. Tôi cũng thấy nhiều giáo xứ, nhiều đoàn hội bao bọc cho một cô nhi viện hay một nhà dưỡng lão dành cho người vô gia cư.
Đây là nét đẹp của người Công giáo. Đây là điểm son mà chúng ta cần phát huy hơn nữa. Vi chưng “người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau”.
Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta là người ky-tô hữu phải biết sống yêu thương. Yêu thương là lẽ sống của người tín hữu. Yêu thương cũng là nét đẹp của người tín hữu. Yêu thương là trở nên giống Thầy Giê-su. Vì Thầy đã từng làm gương về một đời sống yêu thương.
Cuộc đời Chúa Giê-su luôn yêu thương. Ngài yêu thương nhân loại nên luôn xả thân cứu người. Từng hơi thở. Từng bước chân của Ngài luôn là những nhịp cầu yêu thương. Ngài đã trở nên khuôn mẫu cho mọi tình yêu, vì “không có tình yêu nào cao quý hơn, tình yêu dám thí mạng vì bạn hữu”.
Hôm nay Chúa bảo người biệt phái: “ông không còn xa Nước Trời bao nhiêu”. Từ ngữ không còn xa như muốn nói tình trạng của ông hiểu biết luật nhưng chưa thực sự sống yêu thương. Ông hiểu luật. Ông biết luật mến Chúa yêu người. Nhưng cái biết còn phải đi đến thực hành mới vào được Nước Trời.
Là người ky-tô hữu Chúa cũng bảo “không phải ai nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu”. Điều quan yếu là thực hành những điều Chúa dạy mới được ở bên Chúa trong Nước Trời.
Ước gì chúng ta hãy noi gương ThầyGiê-su để trở thành con người đẹp, con người có nhân cách, có nghĩa khí trước mặt mọi người. Xin cho chúng ta được vào Nước Trời khi sống những điều mình tin bằng việc mang ra thực hành lời Chúa dạy. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền