Tháng Mười Một nhớ về người cha

          Chiều nay 02 tháng 11, Lễ Các Đẳng Linh Hồn tôi và đứa cháu nội sang nghĩa trang Tân Bình thắp hương cầu nguyện cho ông bà còn các con cháu thì dự lễ và cầu nguyện cho mẹ chúng tại Trà Cổ. Nghĩa trang giờ này dường như đã trở thành một vườn hoa với muôn màu rực rỡ. Người người lặng lẽ đi lại giữa các phần mộ khói nhang phảng phất rì rầm đọc kinh.

          Cầu nguyện xong, hai ông cháu trở về lễ  đài  tham dự Thánh lễ  đồng  tế trong đó có cả cha Thăng là cháu gọi bằng cậu hiện là chánh xứ Quảng Tâm cũng về dự. Ngước lên lễ đài thấy có hai câu đối treo dọc xuống ghi hàng chữ chân phương:

          “ Đường trần gian qua mau như gió thoảng..

          Chốn Thiên Đàng tồn tại mãi thiên thu”

          Đọc xong hai hàng chữ ấy tôi chợt nghĩ miên man về cuộc thế mau qua và sự vĩnh hằng của Thiên Đàng. Nơi nghĩa trang này cũng như bao nghĩa trang khác vẫn im lìm nằm đó những nấm mồ. Còn dưới lòng đất là những nắm xương có khi lâu lắm rồi  chỉ còn là …mùn đất !!! Có phải chỉ là những nắm xương rời rạc hay còn là gì nữa ?

          Vâng, có lẽ không chỉ trong niềm tin Công giáo mà với người đời cũng vậy cũng vẫn tin còn có một cái gì đó…linh thiêng. Chẳng vậy mà nàng Kiều trước mộ Đạm Tiên đã không khỏi buồn rầu thốt lên lời cảm thán:

          “ Nỗi niềm tưởng đến mà đau…

          Thấy người nằm đó, biết sau thế nào ?”

          Cái…biết sau của nàng là biết cái phận hồng nhan bạc phận của mình sau này rồi ra cũng chết nhưng chết rồi sẽ ra sao, có như cái mả “ Vùi nông một nắm, mặc dầu cỏ hoa” này chăng ?

          Thân phận con người trước cái chết càng nghĩ càng …thấm. Tuy nhiên với những kẻ có niềm tin thì đó lại là niềm hy vọng lớn lao…chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…

          Tôi vẫn nuôi hy vọng và ngày càng tin rằng cha mẹ mình hiện đang hưởng phúc Thiên Đàng. Riêng với người cha dù người mất đã lâu lắm rồi  nhưng trong tôi vẫn ghi khắc hình  dáng của người với biết bao thương nhớ…

          Làng Vĩnh Thọ quê tôi là …họ lẻ nằm ven sông Hồng cùng xóm với MC nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn. Xóm giáo nghèo, có lẽ chỉ có khoảng dăm chục nóc gia nhưng cũng có cha xứ là cha Quang sau này làm đức cha. Cha tôi trong nhiều năm  liền làm phó trương coi sóc khoảng năm sáu …họ lẻ khác. Vào dịp chịu Phép Thêm Sức bọn nhỏ chúng tôi phải đi bộ từ lúc trời còn tối mịt để vào Bách Lộc cách đó khoảng bảy cây số.

          Sống trong thời chiến tranh tao loạn, làng tôi lại là …Làng Tề. Cha tôi khi đó chưa tới tuổi năm mươi, người sinh năm 1904, vóc dáng nhỏ nhắn trung bình nhưng giờ đây nhớ lại tôi cho rằng cha mình là người vừa khôn khéo đối xử mọi mặt vừa cương nghị biết cộng tác với cha xứ trải qua bao khó khăn, nguy hiểm.

          Nói…nguy hiểm thật không có gì…quá đáng bởi lẽ sau này nhắc đến tôi được biết  trong cái họ đạo nhỏ bé đó mà đã có vài người tuy chỉ là quản giáo hoặc có ít chữ nghĩa như chú Nghiêu  cũng bị Việt Minh bắt đi tù mãi tận trên đường ngược không có ngày về !.

          Còn nhớ trong những  năm tháng ấy cha tôi không khi nào dám ngủ ở nhà, chẳng biết ở đâu. Có lần cha con phải vào ngủ trong…bốt Kim Lũ nơi mà ông anh đóng lính ở đó. Ngay đêm ấy du kích mò về đốt cháy rụi ngôi nhà thờ lợp tranh của cha Vịnh và những căn nhà dọc con phố chợ.

          Mấy hôm sau, vào lúc trời còn mờ sáng, cha con tôi dắt díu nhau lúp xúp đi qua những ruộng ngô ruộng khoai…về làng. Chẳng hiểu sao sau ngần ấy năm dài đăng đẵng tôi vẫn còn nhớ như in cái cảnh tượng xa xa trên một gò đất cao lô nhô có bóng mấy người đàn ông, từ đó phát ra những tiếng trống…tom tom nghe rất đanh và…buồn.

          Ôi chao ! cái tiếng trống rời rạc ấy cứ đeo đuổi tôi trong suốt cuộc đời cùng với hình ảnh người cha…lận đận cùng vận nước điêu linh. Có lần tôi thấy cha ngồi lặng lẽ vẻ bất động trước thềm  trong buổi chiều tà khi nghe tin cậu Kiên, em vợ của cha vừa bị người ta đâm chết tại gốc muỗm rìa làng Phú Châu. Nghe tiếng khóc rấm rứt của mẹ sau bếp tôi cũng không thấy sợ bằng cái dáng vẻ lặng lẽ của cha.

          Cái dáng vẻ bất động ấy tôi lại bắt gặp  một lần nữa khi người ngồi trên tấm phản gỗ trong căn nhà lá ở trại Lộc Hưng ( Chí Hòa ) khi nghe tin tổng thống Diệm bị đảo chánh lần thứ nhất ngày 11 tháng 11 năm 1960….

          Lần thứ hai tổng thống Diệm bị đảo chánh và giết chết ngày 02 tháng 11 năm 1963  thì tôi không có nhà, đang ở trong TTHL Quang Trung, bị động viên khóa 10 HSQ Trừ Bị. Vào ngày chủ nhật tiếp tân tại Vườn Cộng Hòa sau đảo chánh ít ngày  cha tôi cùng ông chánh Diu ( bố của Liễu ) khăn đóng áo dài lên thăm hai chúng tôi trong bộ quân phục mới tinh. Cha chỉ nói ít lời nhắn nhủ động viên rồi nhìn chúng tôi với ánh mắt đăm chiêu, chẳng biết thời thế này rồi sẽ tới đâu ?

          Tôi là con út trong bốn anh chị em, sinh ra  thì đã ốm yếu gầy mòn bởi vậy  có tên là Út Đọn. Có lẽ chính vì thể  trạng  như  thế cha lại càng yêu thương tôi hơn ?Còn nhớ khi trọ học ở trại Văn Côi thị xã Sơn Tây cha hay ghé thăm. Mỗi lần như vậy cha đều đem cho khi thì hộp sữa bò khi thì chai thuốc bổ hiệu Kim Tân…

          Giờ đây  nghĩ lại tôi thấy đó là tất cả tấm lòng của người cha lo cho con trai. Để có được tấm lòng ấy tôi chắc cha đã nhiều phen…bụng đói, đi bộ dưới trời nắng cả vài cây số. Ngày đó làm gì  có xe có cộ và tiền đâu  mà ăn hàng ăn quán ?

          Càng nghĩ tôi càng thương cha quá đỗi quá chừng thế nhưng biết làm sao được  khi cha không còn ở trên cõi đời này nữa ? Nhưng rồi ngẫm  nghĩ  tôi lại có niềm tin rằng cha hiện đang ở trên Thiên Đàng và người hẳn cũng hài lòng về tôi. Vì đâu lại dám tưởng  như thế ? Đó là vì dù không khi nào nói ra nhưng tôi biết cha rất kỳ vọng vào đứa con trai của mình.

          Dù  gia đình nghèo nhưng cha vẫn cố  gửi tôi lên tỉnh học với sự giúp sức của cha quan thầy là cha Thiện trước là phó xứ Vĩnh Thọ. Học trên tỉnh được một năm thì thi vào chủng viện Tông ( Sơn Tây ) đậu vào tràng thử nhưng chưa học được ngày nào thì…di cư vào nam. Vào nam tôi lại học hết tiểu học rồi thi vào Tiểu Chủng Viện Phan Xi Cô  ( Bùi Chu Di Cư ) học được bốn năm Chúa không …chọn nữa thì về.

          Trong một lần cùng với mấy cha trong địa phận, cha có ra thăm tại chủng viện Phước Tỉnh nằm sát bờ biển. Hai cha con ngồi trên bực thềm ngó mông ra biển khơi mênh mông dạt dào song vỗ. Ôi ! Lần đó chắc cha vui lắm và lại càng kỳ vọng ở tôi hơn nữa. Thế nhưng….

          Trước biến cố bảy lăm, khi đó tôi và vợ con đã chuyển vào ở trong Khu Gia Binh BTTM. Còn ông bà thì về Ấp Tân Bình ( Hố Nai ) gần vợ chồng bà chị gái tôi đã ở đó trước không lâu. Ở trong Khu Gia Binh mới được vỏn vẹn chưa tới một năm thì biến cố xảy ra, tôi bị đuổi  khỏi đó với vài thứ vật dụng cá nhân. Muốn gỡ vài tấm tôn đem theo cũng không được.

          Cùng với cả nước trong những tháng năm gian khổ ấy, cha ở với vợ chồng tôi còn mẹ thì ở với vợ chồng chị gái. Cha thì ngày càng già yếu còn tôi phần  thì vất vả mưu sinh phần thì  sống mà không còn hy vọng gì cả. Cha ốm có vài ngày không ăn chỉ vài muỗng sữa rồi…ra đi nhẹ nhàng như trong một giấc mơ sau khi đã  xưng tội rước lễ chịu Xức Dầu lần sau hết.

          Ngồi  trong đêm một mình bên cha dưới hai ngọn nến và cây Thánh Giá ở đầu giường. Tôi không nghĩ ngợi được gì và cũng chẳng cầu nguyện chi bởi cho đến khi ấy  vẫn chưa được Ơn Chúa cho trở lại. Dẫu vậy nhưng  tôi thâm tín rằng ngay khi ấy cha vẫn thấy tôi đứa con tội nghiệp của người.

          Cha ơi ! cha vẫn còn kỳ  vọng ở con chứ ? Giờ đây con đã được ơn  trở lại và con mong mỏi có ngày sẽ được gặp cha không phải trong chốn thế gian khổ lụy này nhưng là trên cõi vĩnh phúc đời đời chẳng bao giờ  còn xa nhau  nữa./.

Phùng  Văn  Hóa.

Chia sẻ Bài này:

Related posts