Mùa Vọng, sống tỉnh thức

          Có thể nói đời sống con người đều diễn ra trong sự chờ mong. Đứa bé mong mẹ về chợ để được quà. Các em học sinh mong ngày tốt nghiệp. Người nông dân gieo trồng  mong  ngày gặt hái. Thanh niên, thiếu nữ mong chờ người yêu đến. Đã gọi là…mong thì cái khoảng thời gian ấy bao giờ  cũng thấy nó…lâu và trong cái khoảng thời gian …lâu lắc ấy người ta nào biết làm gì hơn là sự…bồn chồn sốt ruột ?.

          Đối với đời thường đã vậy còn đời…đạo thì sao ?  Người Công giáo  đang sống trong Mùa Vọng là thời gian của sự đợi trông, vậy chúng ta đợi trông điều gì  Đó có phải là đợi mong Chúa đến lần thứ hai trong Ngày Tận Thế hay không ? “ Này hãy  thí dụ nơi cây vả, vừa lúc nhành non lộc nứt thì các ngươi biết mùa hạ đã tới gần. Cũng vậy khi các ngươi thấy mọi điều ấy  thì khá biết rằng Con Người đã gần, thật như đang ở trước cửa. Quả thật Ta nói cùng các ngươi: Dòng dõi này hẳn chẳng qua đi  cho đến khi mọi điều ấy thành sự. Trời đất sẽ qua đi song Lời Ta hẳn chẳng qua đâu ! ( Mt 24, 32 -35 ).

          Chúa sẽ đến trong lần thứ hai, Giáo Hội vẫn tuyên xưng như vậy trong các Thánh lễ và Kinh Tin Kính. Thế nhưng chúng ta có tin và sống điều mình tin có nghĩa có thực sự đợi chờ Chúa đến hay không ?

          Làm sao để sống cái điều mình  chờ mong trong Ngày Chúa Đến ? Đó là điều cần hết sức quan tâm bởi nếu không thì hậu quả sẽ vô cùng bi đát “ Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đặt coi sóc người nhà mình để phân phát cho họ đồ ăn đúng giờ ? Phước cho đầy tớ ấy khi chủ về thấy làm như vậy. Quả thật Ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi sóc cả của cải mình. Nhưng nếu đầy tớ ác kia thầm nói rằng: Chủ ta đến chậm bèn đánh đập gia nhân và ăn uống với phường say rượu thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ, giờ nó không hay mà phân thây nó và định phần cho nó đồng số phận với kẻ giả hình. Tại đó sẽ chỉ có khóc lóc và nghiến răng” ( Mt 24, 45 -50 ).

          Chúa nói những lời trên đây trong viễn cảnh  Ngày Tận Thế. Tuy nhiên  có nhiều quan điểm khác nhau về…ngày này và một trong những quan điểm ấy là Cánh Chung Học ( Eschatologie ) “ Những sự sau hết không phải chỉ là những biến cố sẽ đến sau cùng. Chúng còn là điểm kết thúc con đường tiến hóa đã tới lúc thành tựu. Chúng không phải  chỉ là mục đích của lịch sử Cứu Độ tiến tới  và thực hiện chung cuộc mọi lời hứa đã làm chuyển động lịch sử ấy và đưa lịch sử ấy tới chỗ chung hoàn. Điều này có nghĩa là  Ơn Cứu Độ do Đức Giê Su Ki Tô thực hiện từ bản chất có tính lịch sử hay sử tính” ( Jean Herve’ Nicolas. O.P – Cánh Chung Học )

          Theo thần học thì Cánh Chung là điểm kết thúc con đường tiến hóa đã tới lúc thành tựu. Chẳng hiểu con đường…tiến hóa ấy đã bắt đầu từ đâu và kết thúc khi nào. Thế nhưng có điều chắc chắn  là nó không mảy may liên quan gì đến sự tỉnh thức  Chúa luôn nhắc nhở “ Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết Chúa các ngươi đến nhằm ngày, giờ nào. Nhưng hãy biết điều này. Nếu chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm đến thì tỉnh thức không để cho nó đào khoét ngạch nhà mình. Vậy nên các ngươi cũng hãy chực  sẵn vì Con người đến trong giờ các ngươi không ngờ” ( Mt 24, 42 -44 ).

          Qua ví dụ trên cho thấy Chúa đến rất bất ngờ. Bởi đó chúng ta  phải luôn sẵn sàng chờ đợi trong tỉnh thức. Chúa đến ám chỉ cho sự chết và đối với cái chết thì không ai có thể biết nó xảy đến khi nào. Có người đi vào giấc ngủ rồi không thức dậy.  Có người đau ốm liệt giường lâu năm chầy tháng muốn chết mà không chết được. Ngày nay qua tin tức báo chí, truyền hình chúng ta thấy cái chết đối với con người  dưới đủ mọi hình thức: Chết vì tai nạn giao thông. Chết vì cháy nổ. Chết vì ngộ độc rượu. Chết vì tiêm chích ma túy quá liều v.v…

          Những cái chết…bất đắc kỳ tử  như thế đều trong tình trạng không tỉnh thức và như thế thật…nguy hiểm. Lý do nguy hiểm là vì khi ấy tâm thức sẽ bị lôi kéo vào trong những con đường ác ( ác đạo ). Tâm thức là cái quyết định cho đời sống dù trong khi sống cũng như khi chết. Có tâm thức lành sẽ được về cõi lành. Trái lại tâm thức ác sẽ về cõi ác.

          Nói tâm thức quyết định cho đời sống. Điều ấy có nghĩa tất cả hành vi cũng như lời nói, việc làm đều phát xuất từ nơi tư tưởng. Có tư tưởng…ăn mới ăn. Cũng vậy có tư tưởng đi, đứng, nằm, ngồi, rửa bát, quét nhà thì mới đi, đứng, nằm, ngồi….

          Điều khác biệt sâu xa giữa tỉnh ( thức ) và mê chính là ở chỗ: Đi, đứng, năm, ngồi….thì Biết là đi, đứng, nằm, ngồi….Trái lại mê thì đi, đứng, nằm, ngồi….nhưng không biết là đang đi, đứng, nằm, ngồi ….Cái Biết đó chính là tỉnh thức là sống trong chánh niệm là thắp sáng hiện hữu….

          Hết thảy phàm phu đều sống trong mê… dù cho có là  Ác Si Mét ( 284 – 212 TCN ) nhà bác học thiên tài  đã khám phá ra lực đẩy của nước khi ông ta bước vào bồn tăm thấy nước tràn ra ngoài  trong khi vẫn trần  như nhộng vừa chạy vừa la tướng lên: Eureka, Eureka….

          Cái “ Biết” tức sự tỉnh thức  trong  những giây phút cuối cùng cuộc đời của mỗi người  là vô cùng quan trọng vì nó quyết định cho đời sau: Lành hay Dữ “ Ngươi hãy viết cho sứ giả của HT tại Sạc Đe rằng: Đấng có bảy Linh của ĐCT và bảy ngôi sao phán rằng: Ta biết công việc ngươi, ngươi có tiếng là sống nhưng mà là chết. Hãy tỉnh thức và làm cho vững các điều còn lại là các điều hầu chết. Vì Ta thấy công việc ngươi  ở trước mặt ĐCT  Ta đều không được trọn vẹn chi cả. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã nhận và nghe thế nào. Hãy giữ lấy và ăn năn hối cải đi. Nếu ngươi không tỉnh thức Ta sẽ đến như kẻ trộm và ngươi hẳn chẳng biết giờ nào Ta  thoạt đến trên ngươi” ( Kh 3, 1 -3 ).

          Tiếng là sống đấy nhưng thực ra là..chết và đây là cái chết tâm linh. Bề ngoài xem ra có vẻ đạo đức thánh thiện lắm nhưng bề trong thì đầy nhóc tham, sân, si. Đối với những hạng người này Chúa rất gớm ghiếc bởi chưng đó là hạng…giả hình. Làm tội nhưng không biết đó là…tội, đó là cái thảm cảnh của ngày hôm nay như lời đức Thánh cha Pio XII đã  cho biết “ Tội lớn nhất của thời đại không phải là tội này tội kia nhưng là cái tội đã đánh mất cảm thức về tội.”.

          “Mất cảm thức về tội”  tức là không có sự tỉnh thức trong mọi hành vi, lời nói cũng như việc làm kể cả việc đọc kinh lần hạt, nghe đọc sách Thánh v.v…Tất cả những điều ấy trước Thiên Chúa đều không có chi trọn hảo, cần phải được sám hối hầu trở về với Đấng Chúa ở nơi mình “ Phàm kẻ Ta yêu mến thì Ta răn bảo, sửa trị. Vậy hãy chân thành và hối cải đi. Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe Tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy. Ăn bữa tối với người và người với Ta. Kẻ chiến thắng Ta sẽ cho ngồi với Ta trên  ngai Ta như Ta đã chiến thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai của Ngài. Ai có tai hãy nghe điều Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh” ( Kh 3, 19 -22 ).

          Sẽ có  Ngày Chúa Đến bất chợt trong lần thứ hai và lần này là trong vinh quang “ Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến” ( Mt 24, 30 ). Chúng ta tin điều ấy và hết lòng tỉnh thức đợi chờ. Tuy nhiên còn có một sự tỉnh thức vô cùng cần thiết cho mỗi người trong giờ phút lâm chung là giờ của báo ứng “ Ta sẽ tùy công việc của mỗi người mà báo ứng” ( Kh 2, 23 ). Sự báo ứng ấy chính là lẽ nhân quả không bao giờ sai chạy với những kẻ nào đã cố gắng tỉnh thức trong lúc bình thời thì khi ấy chắc chắn Chúa sẽ  đến trong phút lâm chung cùng với lời hứa “ Để Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 3 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts