Dân Do Thái là Dân Riêng của Chúa và điều ấy đã được chính Thiên Chúa xác nhận “ Vì ngươi là một Dân Thánh dành cho Giê hova ĐCT ngươi. Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài. Đức Giê hova trìu mến và chọn lấy ngươi chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu. Thật số các ngươi là ít hơn các dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giê hova thương yêu các ngươi và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ phụ các ngươi” ( Đnl 7, 6 -8 ).
Là Dân Riêng có nghĩa là dân được tuyển chọn nhưng cũng chính vì sự tuyển chọn ấy mà dân Do Thái đã có một vận mệnh phải nói là rất ư bi tráng. Vừa mới hình thành nhưng đã bị đi đày trong đất nước Ai Cập hơn bốn trăm năm. Trải qua bao gian nan nguy hiểm chiến đấu chống lại quân thù trải suốt bốn mươi năm trong sa mạc, trở về miền đất Canaan chưa được bao lâu để rồi lại bị các lân bang sâu xé bắt đi lưu đày biệt xứ trong nhiều thế kỷ mãi cho tới TK 20 năm 1948 sau nhiều cuộc chiến sống còn mới có tên trên bản đồ thế giới nhưng sự tồn vong của nó cũng chẳng có chi bền vững…
Qua lịch sử hình thành và tồn tại của dân Do Thái cho ta nhận ra điều này đó là hễ dân tộc hoặc cá nhân nào được tuyển chọn thì cũng phải trải qua những chướng nạn lớn lao mới có thể nhận được lời hứa của Thiên Chúa. Để có thể vượt qua chướng nạn thì nhất thiết phải cậy trông và có lòng quyết chí đi theo đường lối Chúa. Dân Do Thái đã không làm như vậy:
“ Hỡi Đức Giê hova, Ngài là Cha chúng tôi, Danh Ngài là Đấng Cứu Chuộc chúng tôi từ trước đời đời. Hỡi Đức Giê hova sao để chúng tôi lầm lạc xa đường Ngài ? Sao để lòng chúng tôi cứng cỏi đến nỗi chẳng kính sợ Ngài. Xin hãy vì các tôi tớ Ngài và các chi phái của cơ nghiệp Ngài mà trở lại. Dân Thánh của Ngài được Xứ này làm cơ nghiệp chưa bao lâu mà kẻ thù chúng tôi đã giày đạp nơi Thánh của Ngài. Từ lâu nay chúng tôi đã như một dân không hề được Ngài cai trị và không còn đội Danh Ngài nữa. Ôi ! ước gì Ngài xé rách các tầng trời Ngài ngự xuống và làm rung động các núi trước mặt Ngài. Như lửa đốt củi khô. Như lửa làm sôi nước hầu cho kẻ thù nghịch biết Danh Ngài. Các dân tộc run rẩy trước mặt Ngài” ( Is 63, 16 -19. 64, 1 -2 ).
Qua lời cầu này cho thấy dân Do Thái thuở ấy đã có hai điều lầm lẫn lớn. Thứ nhất: Mặc dù nhìn nhận Giê hova là Đấng Cha nhưng Đấng Cha ấy lại…ngự tít trên các tầng mây và cũng vì tin tưởng như vậy nên mới kêu cầu Ngài…xé rách các tầng trời ngự xuống như lửa đốt củi khô v.v…Thứ hai: Đã lầm tưởng miền Canaan là Đất Hứa và là nơi Thánh v.v…
Cũng bởi sự lầm lẫn ấy nên khi Chúa Giê Su Đấng Cứu Thế được sinh ra trong thân phận con người thì họ đã không thể nhận ra “ Họ nói rằng, đó há chẳng phải là Giê Su con của Giosep mà cha mẹ người chúng ta đều biết đó ư ? ( Ga 6, 42 ).
Dưới đánh giá của người Do Thái thì Đấng Cứu Thế cũng là một với Đấng Messia sẽ đến trong vinh quang lẫy lừng hầu giúp họ đánh đuổi quân thù làm nên một nhà nước Itsraen hung cường bá chủ thiên hạ. Đang khi đó Đấng Cứu Thế Giê Su lại đến trong âm thầm lặng lẽ trong một gia đình nghèo khó làng Nazareth.
Sự lầm lẫn về Đấng Cứu Thế Giê Su sẽ còn diễn ra trong suốt những năm Ngài công khai giảng đạo và cuối cùng điều gì đến phải đến. Người ta đã đóng đinh Chúa Giê Su trên cây thập tự như một tên gian phi cướp của giết người.
Tại sao dân Do Thái lại đang tâm giết Chúa Giê Su Cứu Thế. Đấng mà cha ông họ đã mòn mỏi đợi trông ? Đó là vì Chúa đến là để rao giảng Sự Thật nhưng Sự Thật ấy đã bị thế gian chối bỏ “ Chúa Giê Su bèn phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Theo Chúa, ở trong Đạo Chúa mục đích là để nhận biết Sự Thật. Vậy Sự Thật ấy là gì ? Đó là hết thảy đều được tạo dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Là Con Thiên Chúa điều ấy có nghĩa Thiên Chúa quả thực là Cha mỗi người. Nhận biết Thiên Chúa là Cha đó là chân lý vô cùng cao cả mà nhờ đó chúng ta có được Sự Sống Đời Đời “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức Chân Thần duy nhất cùng Giê Su mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Nhận biết Đấng Cha có nghĩa là nhận biết một Thực Tại Hằng Hữu vốn dĩ sẵn đủ ở nơi chính mình. Thực tại ấy cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại trong tâm hồn con người ( Lc 17, 20 -21 ). Sự lầm lẫn có tính nghiêm trọng của người Do Thái trước đây và thần học hiện nay chính là ở chỗ đã không nhận biết Thiên Chúa cũng như Nước Trời là một Thực Tại nội tại. Cũng vì không nhận biết Thực Tại thâm sâu ấy mà người Do Thái mới lầm chấp Canaan là Đất mà Thiên Chúa đã Hứa ban cho tổ phụ họ. Đồng thời Nước Trời của thần học lại thành ra Nước Trời ….tục hóa “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Giê Su rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh…” ( Albert Nolan – Đức Ki Tô Trước Khi Có Ki Tô giáo ).
Nếu Nước Trời là tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo hết nghèo….như thần học nói thì có cần chi đâu mà phải….dọn đường Chúa đến ? Việc dọn đường cho Chúa đến chỉ thực sự cần thiết một khi Chúa đến với tâm hồn mỗi người.
Có như thế chúng ta mới nhận biết và đem ra thực hành lời kêu gọi của tiên tri Isaia “ Có tiếng kêu trong đồng vắng: Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng. Các thung lũng phải lấp cho đầy. Mọi núi đồi phải bạt cho thấp. Chỗ cong queo phải nắn cho ngay. Đường gập ghềnh phải san cho phẳng và mọi loài xác thịt sẽ thấy sự Cứu Rỗi của Thiên Chúa” ( Lc 3, 4 -6).
Dọn đường cho ngay thẳng tức là đừng có lòng gian dối tà vạy. Thung lũng phải lấp cho đầy tức phải bỏ đi lòng tham dục ích kỷ, thay vào đó là lòng yêu thương bác ái. Núi đồi bạt cho thấp tức bỏ đi lòng kiêu căng, sân giận…..
Có hai chướng ngại làm cho con người không thể nhận biết Nước Trời ở nơi mình: Một là lòng tham dục ( phiền não chướng ) Hai là những kiến thức sai lầm ( Sở tri chướng ).Lòng tham dục mặc dù xem ra có vẻ tác hại ghê gớm cho con đường thực hiện tâm linh tức nhận biết Nước Trời. Thế nhưng nó lại có thể dứt trừ bằng việc ăn năn sám hối chừa cải để quay về với Chúa. Trái lại với kiến thức tức những quan niệm sai lầm thì vô cùng tai hại vì nó dẫn con người trong những nẻo đường tăm tối mà không hề hay biết.
Một trong những quan niệm lầm lạc mà Hội Thánh Chúa đang phải đương đầu đó là nạn Tục Hóa tôn giáo hay còn gọi là Giải Thiêng ( De’sacralisation ). Một khi đã…Giải Thiêng thì đương nhiên sẽ đưa tới sự thỏa hiệp với thế gian và như thế thì việc dọn đường để đón Chúa trở thành vô nghĩa.
Tại các Giáo Xứ, người ta đang nô nức sửa soạn Mừng Chúa Giáng Sinh. Trang hoàng cổng chào mọi ngõ xóm. Đua nhau làm hang đá làm sao cho có ý nghĩa năm này phải khác với năm trước.Ngôi sao dẫn đường cho…ba vua được kết đèn điện nhấp nháy và treo thật cao hướng về Chúa Hài Đồng trong hang đá. Ngôi sao dẫn đường chỉ dành cho…ba vua còn chúng ta thì sao ? Mỗi người có làm gì để Chúa đến với tâm hồn mình hay không ?
Tất cả những cái gọi là…Mừng Chúa Giáng Sinh ấy nếu chỉ có cái hình thức bề ngoài như thế thì người vô thần CS họ cũng làm và còn làm …tích cực là đàng khác. Năm 1957 nhà cầm quyền muốn tỏ cho dân chúng trong nước cũng như quốc tế thấy là ở Việt Nam Đạo Công Giáo vẫn được tự do hành đạo và tổ chức lễ nghi đầy đủ. Thế rồi họ đã cho người đến treo cờ quạt, đèn sao tại mặt tiền nhà thờ chánh tòa Hà Nội. Tiếp đó sang năm 1958 không hề hỏi han họ cũng cho người đến, mang dụng cụ, thang tre đến định làm như năm trước nhưng bị cha chánh xứ Giu Se Trịnh Văn Căn cho người kéo chuông báo động. Giáo dân kéo đến và xảy ra xô xát. Cha La San Nguyễn Văn Vinh ( 1912 -1971 ) trèo lên thang, quay mặt ra, hai tay đan chéo làm hiệu giống như bị còng và dõng dạc hô to “ Tự do là như thế này ư ???.
Cố nhiên cha Vinh bị bắt lập tức và rồi đã bị kiên giam trong trại tù Cổng Trời ( Hà Giang ) suốt trong 12 năm chết rũ tù. Cha Vinh ở tù được ít lâu vô vàn khổ cực thì có cán bộ cao cấp đến gặp và nói: Ông sẽ được thả ngay bây giờ với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh ( CT/ UBLLCG ). Cha Vinh đã khẳng khái trả lời: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi.”.
Đường lối của linh mục …quốc doanh Nguyễn Thế Vịnh là đường,…thỏa hiệp. Còn của cha Vinh là đường thập giá Chúa Ki Tô. Đường Thập Giá là đường vinh quang của những chứng nhân. Còn thỏa hiệp là đường phản bội mang lấy án phạt đời đời. Hơn bao giờ hết, lúc này là lúc Giáo Hội cần đến chứng nhân biết chừng nào ! Chúa đã chết và sống lại để cho chúng ta được có Sự Sống Đời Đời “ Các ngươi hãy là chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 21, 48 )./.
Phùng Văn Hóa