Một chút se se lạnh với sương mù sớm mai lãng đãng. Những đèn sao nhấp nháy ẩn hiện trên những ngôi nhà cao tầng, những cây thông Noel. Những hang đá đã được dựng lên và đâu đó tiếng nhạc Silent Night văng vẳng báo hiệu một mùa Giáng Sinh lại đến.
Mùa Giáng sinh, mùa Tình yêu Ngôi Lời giáng thế. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận kiếp con người, mang thân phận nô lệ, sinh ra trong hang đá nghèo và lạnh lẽo để đồng cảm với thân phận con người mỗi chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự khiêm hạ, chấp nhận mang thân phận con người, giáng sinh trong cảnh nghèo hèn vì yêu thương nhân loại.
Thiên Chúa là Cha luôn đi trước trong việc bày tỏ tình thương với con người. Để cứu độ con người, Con Chúa phải trở nên con người. “Ngôi Lời trở nên người phàm” từ tình yêu ở giữa đời người để cứu độ con người.
Lời loan báo về Đấng Messia thời Cựu Ước đã trở thành hiện thực khi Con Chúa mặc lấy xác thân giống phàm nhân như chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Nhập Thể không chỉ là sự kiện lịch sử cứu thế mà còn là sự thật: Con Chúa bỏ trời đến với trái đất nhằm cứu độ con người.
Ngôi Lời là ánh sáng thật chứ không ảo, là mầu nhiệm “ở giữa” trong tính phổ quát như lời ngôn sứ Isaia “mọi người phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Việc ở giữa của Đấng Cứu Thế mang cho nhân loại một nhãn quan mới, đó là biết nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong một thế giới đầy bóng tối của tội lỗi.
Đấng Cứu Thế không cứu độ một tư tưởng mà là cứu độ trọn vẹn con người. Khi nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng, người ta lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa và dốc lòng ăn năn thống hối. Họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên hỏi thánh Gioan: “Chúng tôi phải làm gì đây?”.
Để trả lời, thánh Gioan thúc giục mọi người chuẩn bị đón Đấng Messia đến bằng cách thực hiện những việc làm ý nghĩa và cụ thể nhất. Ngài mời gọi họ sống tốt trong hoàn cảnh riêng của mình và quảng đại chia sẻ những gì mình đang có. (x. Lc. 3,10-14)
Vậy chúng ta ăn năn thống hối và “đổi đời” cách nào để đón Chúa đến trong năm “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”? Rất đơn giản và thực tế: hãy bắt đầu từ việc chu toàn bổn phận hàng ngày của mình, tha thứ và hòa giải với tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Sẵn sàng rộng tay chia sẻ với tha nhân, nhất là những người đang bị thử thách vì nghèo khổ, bệnh tật và cô đơn.
Thiên Chúa “nhân từ và giàu lòng thương xót” đã sai Con Một của Ngài mang tình thương cứu độ đến cho nhân loại, đặc biệt cho những người nghèo khổ. Chúng ta hãy đến với những người khác, hãy sẵn sàng giao lưu, đối thoại với họ. Hãy tạo nên những nhịp cầu rất cần thiết cho thế giới chúng ta hôm nay. Để mọi người có thể đến với nhau, trao đổi với nhau trong tình huynh đệ, vì tất cả đều là con của một Cha ở trên Trời. Hãy nối kết với nhau, hãy hợp nhất với nhau, làm thành một Gia Đình Nhân Loại Duy Nhất. (Thư Mục vụ Mùa Vọng 2015 của cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc)
Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trên máng cỏ trong hang đá Bêlem. Người là hiện thân của lòng thương xót, của tình yêu, của hòa bình, của tự do. Chiêm ngắm Người, ta sẽ rút ra được những câu trả lời cho những vấn đề nan giải của thế giới, của con người, và nhất là của chính bản thân ta. Sống theo lòng thương xót Người, ta sẽ góp phần xây dựng một thế giới tràn đầy tình yêu thương, tha thứ.
“Người đến nhà mình, mà người nhà không chịu đón nhận …”. Liệu có giả tạo không khi một mặt người ta vui vẻ đón Chúa nhưng mặt kia lại rắp tâm loại trừ người khác! Liệu ánh sáng sao dẫn đường trong ta có phải là ánh hào quang nội tâm hay chỉ là dạ quang phát sáng ban đêm nhưng lại tắt ngúm ban ngày?
Trong suốt mùa Vọng, chúng ta đã dọn lòng, sám hối. Sám hối là dọn đường cho Chúa đến nhưng cũng là dọn lối để đến với tha nhân. Xin cho chúng ta luôn biết sám hối và quyết tâm sống công bình bác ái, tha thứ cho nhau. Xã hội hôm nay còn đó rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh cần đến lòng thương xót. Xin hãy mở lòng thương xót như Chúa Cha để Ngôi Lời nhập thể trong lòng ta mang lại nguồn ơn cứu độ, hạnh phúc cho trần gian.