Tín hữu chúng ta đến với Tòa Giải Tội mục đích là để xin ơn tha thứ và làm hòa với Thiên Chúa. Thế nhưng đau lòng thay có người lại đến để cố tình giễu cợt cha giải tội mà đồng thời đấy cũng chính là hiện thân của Đức Ki Tô.
Câu chuyện được cha giảng lễ kể ra có ý để thức tỉnh lương tâm Ki Tô Hữu trong cái thời đại hầu như đã đánh mất ý thức về tội “ Dịp gần lễ Giáng Sinh 2018 vừa qua, một người vào Tòa Giải Tội xưng cái tội…tày trời “ Phá thai hai lần trong một năm”. Họ nói rồi cười ngạo nghễ như kiểu đùa cợt chứ không bằng thái độ sám hối gì hết. Cha bức xúc lên tiếng cảnh cáo đó là trọng tội…giết người. Phải thật lòng sám hối ăn năn. Quyết tâm không tái phạm nữa rồi đến Tòa Hòa Giải xưng tội lại cho nghiêm túc khi đó mới được lên Rước Lễ. Tên này từ chối và cười khanh khách như một Sa Tan, nói lời cảm ơn cha rồi vùng vẫy đứng dậy bỏ về” ( Nguồn ĐBĐM – 01/01/2019 – Bồ Câu Trắng – Quá Đau Lòng ).
Xưng ra cái tội hai lần phá thai trong một năm. Nghe lời khuyên nhủ của cha giải tội rồi cười khanh khách như Sa Tan, đứng dậy bỏ ra về. Cái hành vi…bỏ ra về ấy xét ra thật khủng khiếp bởi vì nó đã từ chối ơn tha tội và quyết chí bước đi trên con đường dữ ác ( ác đạo ).
Một khi đã quyết chí bước đi trên con đường dữ như thế thì đương nhiên sẽ phải lãnh hậu quả trong Hỏa Ngục đời đời. Đã gieo nhân nào thì ắt sẽ gặt quả đó làm sao tránh khỏi ? Mặc dầu vậy giữa Nhân và Quả còn một yêu tố vô cùng quan trọng khác đó là Duyên. Duyên tức những điều kiện để cho Nhân thành Quả.
Gieo hạt giống gì tất sẽ mọc lên cây đó. Gieo hạt đậu nành sẽ mọc lên cây đậu nành. Gieo hạt lúa sẽ mọc lên cây lúa. Tuy nhiên không phải hễ cứ gieo hạt xuống sẽ mọc lên thành cây mà cần phải có đầy đủ điều kiện ( Duyên ) đó là hạt giống phải tốt, không bị lép. Có ánh sáng, độ ẩm đầy đủ và không bị côn trùng cắn phá v.v…
Về vấn đề “ Duyên” này, xin nghe tiếp câu chuyện khác cũng trong bài giảng lễ. Đó là trường hợp của người bán thuốc phá thai. Bà này kể với một linh mục là có mười đứa con nhưng đã…bỏ hết tám đứa chỉ còn hai đứa hiện ở với ông chồng cũ còn bà ta lại đang có mang với người đàn ông khác. Bà ấy tâm sự rằng luôn bị lương tậm cắn rứt. Nhưng còn ngại ngần gì đó chưa muốn xưng tội. Bẵng đi khoảng một năm bà ấy điện thoại với cha và nói: Con lại vừa phá thai hai tháng trước. Nếu con chết lúc này chắc phải xuống tầng địa ngục sâu nhất. Tội con liệu có được Chúa xót thương tha thứ không hả cha ?. Cuối cùng nhờ ơn cứu giúp bà ấy đã lãnh nhận Bí Tích Giải Tội và thật tâm trở về với Chúa.
Với hai câu chuyện trên đây cho thấy. Một đàng không có lòng ăn năn hối cải và rồi cứ đi trên con đường dữ. Một đàng sau một thời gian dài. Bị lương tâm cắn rứt và đã được ơn trở lại. Sự trở lại của người đàn bà tội lỗi ấy là do ở nơi “ Cái Duyên”.
Nói đến “ Duyên” thì nó đan xen chằng chịt với nhau trùng trùng bất tận. Tuy nhiên cụ thể mà nói thì việc trở lại của người đàn bà ấy trước hết là vì đã gặp được vị linh mục có lòng nhẫn nại biết lắng nghe. Sau nữa là do bị lương tâm thôi thúc đồng thời vẫn còn…sợ cái án phạt của Hỏa Ngục nên mới quay lại làm hòa với Chúa qua Bí Tích Giải Tội.
Qua vụ việc này cho thấy vai trò của tâm linh tôn giáo là hết sức quan trọng. Người ta dù có tôn giáo hay không, mỗi khi làm điều xấu, ác cũng đều bị lương tâm cắn rứt. Duy có điều khác biệt này là: Người có đạo những khi bị lương tâm cắn rứt như thế biết mình đang ở trong tình trạng mắc tội bèn tìm đến làm hòa với Chúa. Trái lại người không sống đời sống tôn giáo thì những khi bị lương tâm dày vò thì hoặc chối bỏ hoặc khỏa lấp bằng những thứ mà họ cho là…vui thú ở đời để rồi cứ mặc tình sống trong tội.
Việc chối bỏ tiếng lương tâm như thế được nêu đích danh đó là tình trạng…mất ý thức về tội. Đgh Pio XII nói: “ Tội lớn nhất của thời đại không phải là tội này tội kia nhưng là đã đánh mất cảm thức về tội”.
Một khi đã đánh mất cảm thức về tội thì phạm tội nhưng không cho đó là tội. Đối với người đời thì chỉ khi nào vi phạm luật pháp mới bị coi là có tội. Luật giao thông cấm đi ngược chiều. Ai vi phạm luật cấm ấy là…có tội sẽ bị CSGT lập biên bản xử phạt. Luật cấm hút thuốc trong bệnh viện. Vi phạm luật ấy là có tội. Luật cấm tham nhũng nhưng vi phạm luật ấy sẽ bị …lôi ra tòa v.v…
Luật pháp do con người đặt ra có mục đích để giữ gìn an ninh trật tự cho xã hội. Thế nhưng nếu không ý thức được mục đích ấy thì người ta sẽ vi phạm một khi không ai biết hoặc có thể dùng đồng tiền hoặc thế lực để qua mặt luật pháp.
Trong lãnh vực luật pháp dù của đời hay của đạo cho thấy bởi có luật nên mới …có tội. Nếu không có luật giao thông thì đâu có ai bị xử phạt vì tội vi phạm luật giao thông ?Điều hiển nhiên ấy ngay trong lãnh vực tâm linh cũng không khác. Bởi có các giới răn thế nên ai vi phạm mới là kẻ có tội “ Vậy thì phải nói làm sao ? Luật pháp há là tội ư ? Đời nào có vậy ! Nhưng nếu chẳng bởi luật pháp thì tôi chẳng biết tội là gì. Vì nếu luật pháp không nói: Chớ tham dục thì tôi không biết sự tham dục là gì ?” ( Rm 7, 7 ).
Dĩ nhiên luật không phải là…tội nhưng nó có mục đích là để tránh tội. Người đời cố tình vi phạm luật pháp là bởi không biết mục đích của nó là để giữ gìn an ninh trật tự cho xã hội. Còn người có đạo cũng vậy. Họ không tuân giữ các giới răn là vì không biết mục đích của các giới răn là để gìn giữ mình bước đi trên đường ngay nẻo chính.
Mặc dầu mục đích của việc tuân giữ các giới răn là để tránh tội hầu bước đi trên đường chân lý. Thế nhưng một khi đã đánh mất cảm thức về tội thì giới răn chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ngay cả người…có đạo cũng ngang nhiên phạm tội mà không cho đó là tội. Luật Chúa cấm không cho những người ly dị tái hôn Rước Lễ nhưng vẫn cứ thản nhiên bước lên Bàn Thánh. Hai người đồng tính cũng cho phép được làm lễ hôn phối trong nhà thờ v.v..và v.v…
Bất cứ điều gì cũng phải có cái nguyên nhân của nó. Vậy bởi nguyên nhân nào lại đưa đến tình trạng đánh mất cảm thức về tội như thế ? Đó là vì người ta đã không tin vào Luật Nhân Quả. Đức Ki Tô nói “ Không có cây tốt lại sinh trái xấu. Cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt. Vì cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi lùm gai. Cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát sinh điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát sinh điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).
Chứa cái gì sẽ có cái đó. Chứa thiện thì sinh ra thiện. Chứa ác thì sinh ra ác. Về cái…sự chứa ấy thì hẳn nhiên phải có cái …kho để chứa và cái…kho đó chính là Tạng Tâm mỗi người. Tất cả những gì con người đã nghe, đã thấy đã làm đã nói đã nghĩ suy ….đều được đem vào chất chứa ở nơi Tạng Tâm để tạo thành cái…Nghiệp của mỗi người. Chất chứa điều lành sẽ tạo nên nghiệp lành. Ngược lại chất chứa điều ác sẽ tạo nên nghiệp ác.
Trong việc tạo nghiệp này thì tôn giáo đóng một vai trò hết sức quan trọng và vai trò ấy có mục đích là để tạo ra những nhân duyên lành hầu cho ta được hưởng quả lành. Ngay cái việc chúng ta được là người Công Giáo cũng là một cái duyên hết sức lớn lao bởi đã được Ơn Chúa kêu gọi “ Chỉ có một thân thể. Một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được kêu gọi đến một hy vọng một phép rửa một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).
Cùng với nhân duyên được kêu gọi làm người Công Giáo. Chúng ta còn được Chúa ban cho biết bao ơn lành khác và một trong những ơn trọng đại ấy đó là chúng ta có được Đức Maria làm Mẹ. Chính ở nơi Mẹ, chúng ta mới có thể tạo lập được những nhân lành cao cả. Tại sao ? Bởi lý do đơn giản là vì Mẹ luôn có Chúa ở cùng. Sứ thần Gabriel trong Ngày Truyền Tin đã nói với Đức Maria “ Mừng vui lên. Hỡi Đấng đầy ơn sủng. Thiên Chúa ở cùng Bà” ( Lc 1, 28 )./.
Phùng Văn Hóa