Để đi đến thành công thì bất cứ tổ chức nào dù là đời hay đạo cũng luôn đề cao sự hiệp nhất, kết đoàn. Cách mạng Pháp 1789 đề ra ba phương châm hành động: Tự Do ( Liberte’ ) Bình Đẳng ( Egalite’ ) Hiệp Nhất ( Fraternite’ ) và ngay cả cái đảng CSVN cũng hô hào: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.
Thế nhưng từ việc đề ra những phương châm như thế để đi đến hành động thì kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Cách mạng Pháp trong khoảng mười năm ấy ( 1789 – 1799 ) là cả một thời kỳ hỗn loạn: Nội chiến xảy ra liên miên cùng với các cuộc chiến tranh lớn nhỏ với nước ngoài gây xáo trộn khắp cả Âu Châu ! Còn với lời hô hào đoàn kết được gán cho ông Hồ ấy thì sao, có đoàn kết được chút nào hay chỉ toàn là …đấu đá, tranh giành quyền lực, chia bè kết nhóm hòng thanh toán nhau ?
Đối với xã hội dù cho có đề cao sự hiệp nhất nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể có được điều ấy bởi bản chất nó vốn dĩ là sự chia rẽ. Còn về phần Ki Tô giáo trong khoảng vài chục năm nay vẫn nỗ lực kêu gọi sự hiệp nhất nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Nói đến …hiệp nhất hay còn gọi là Đại Kết chúng ta không thể không không biết đến nguồn gốc, xuất xứ của nó:
“ Có thể lấy năm 1910 như khởi điểm của Phong Trào Đại kết. Vào năm ấy một đại hội của các Hội Truyền Giáo Tin Lành ( World Missionary Conference ) được tổ chức ở Edinburgh ( Scotland ). Lý do đưa tới việc tổ chức Đại Hội là thực trạng chua chát của các xứ truyền giáo khi mà các giáo đoàn trẻ chất vấn những nhóm thừa sai: Tại sao các ông đều rao giảng một Đức Ki Tô như nhau mà các ông lại chia rẽ thành bao nhiêu là phe nhóm. Nào là phái Giám Lý. Nào là phái Luther. Nào là phái Giám Nhiệm….Tại sao các ông vừa mang cho chúng tôi Tin Mừng của Đức Ki Tô mà vừa mang theo các sự phân hóa từ Âu Mỹ sang đây làm gì ? Chính vì ý thức rằng sự chia rẽ giữa các Ki Tô Hữu là một chướng ngại cho việc truyền giáo cho nên các Hội Truyền Giáo mới quyết định nhóm họp lại để tìm cách thức giải quyết. Cuộc gặp gỡ giữa các Hội Truyền Giáo đã dần dần đưa tới sự gặp gỡ giữa các Giáo Hội dưới danh nghĩa của Hội Quốc Tế Truyền Giáo ( International Missionary Council ) ra đời năm 1921” ( nguồn BKTT Wikipedia – Phong Trào Đại Kết ).
Phong trào Đại kết được khởi xướng do người Tin Lành. Giáo Hội Công Giáo trong khoảng thời gian dài về sau mới chính thức gia nhập phong trào này bằng cách thiết lập văn phòng Hiệp Nhất Các Ki Tô Hữu năm 1988 rồi sau đó trở thành Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Sự Hiệp Nhất vào năm 1989.
Nếu người Tin Lành kêu gọi Hiệp Nhất giữa các hệ phái của họ vì cho rằng sự chia rẽ làm chướng ngại cho việc truyền giáo thì Giáo Hội Công Giáo qua CĐ Vatican II cũng đồng quan điểm như vậy: “ Quả thực sự phân rẽ này vừa trái ngược tỏ tường với ý muốn của Đức Ki Tô vừa là cớ vấp phạm cho thế giới và gây tổn hại cho sứ mạng rất cao cả là rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” ( Lời mở đầu Sắc Lệnh Đại Kết ).
Như vậy phải chăng mục đích của Hiệp Nhất chỉ là để cho việc Truyền Giáo có được sự thành công hay sao ? Sự thực hoàn toàn không phải như vậy. Đúng là Chúa Giê Su cầu nguyện cho sự hiệp nhất nhưng đó là hiệp nhất giữa các Tông Đồ để họ được nên giống như Ngài “ Con chẳng những vì họ cầu xin thôi đâu nhưng cũng vì kẻ nhơn lời họ mà tin Con nữa để họ thảy đều hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Lại để cho họ cũng ở trong chúng ta. Hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -21 ).
Chúa Giê Su cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Tông Đồ với mục đích để họ được …nên giống Ngài tức “ Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” Nên giống Đức Ki Tô có nghĩa…trở nên Ki Tô Hữu là bằng hữu của Chúa “ Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe biết nơi Cha Ta. Chẳng phải các ngươi đã chọn Ta bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi để các ngươi đi mà kết quả và hoa trái các ngươi còn lại luôn” ( Ga 15, 15 -16 ).
Qua lời Chúa đây cho thấy Ki Tô Hữu không phải chỉ là cái danh…xuông vì có chịu Phép Rửa Tội nhưng là bạn hữu của Đức Ki Tô vì đã hết lòng tin và nghe lời Ngài. Một khi đã là Ki Tô Hữu thì nhất định cần có sự hiệp nhất. Lý do là vì tất cả đều cùng bước theo Đức Ki Tô trên con đường về với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Để đi trên con đường về với Chúa Cha thì nhất thiết cần có sự hiệp nhất bởi lẽ đây là con đường đi sâu vào nội tâm đầy rẫy những cạm bẫy, trắc trở. Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giáu chẳng ai từng biết bao giờ ngoài ra Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những người Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 27 ).
Tin nơi mạc khải của Đức Ki Tô bởi đó chúng ta cũng có thể mạnh dạn tuyên xưng Thiên Chúa là Cha và quả thật Ngài là vậy. Tuy nhiên để có được niềm tin ấy chúng ta không thể không…hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền. Thánh Cypriano ( 210 – 288 ) nói: “ Người không có Giáo Hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha” ( Habere non protest Deum Patre qui Ecclesiam non habet Matrem ).
Giáo Hội làm Mẹ ở đây có nghĩa là Mẹ của các Bí Tích. Nói cách khác không có GHCG Tông Truyền do Đức Ki Tô thiết lập thì không thể có chức Linh Mục mà không có Linh Mục thì đương nhiên chẳng thể có Bí Tích nhất là hai Bí Tích Thánh Thể và Giải Tội.
Hai Bí Tích này đóng một vai trò vô cùng thiết yếu trong cuộc lữ hành trần gian của mọi tín hữu. Mỗi khi phạm tội tức đã làm mất đi sự hiệp nhất với Giáo Hội cũng là Nhiệm Thể Chúa Ki Tô nhưng nhờ Bí Tích Giải Tội ta lại có thể làm hòa với Đấng Cha ở nơi mình.
Dẫu vậy việc…làm hòa ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể bởi đây chính là Bí Tích của sự hiệp nhất. Thánh Cypriano nói “ Chính những lễ tế hiến dâng lên Chúa đã làm sáng tỏ sự nhất trí của Ki Tô Hữu. Một sự nhất trí được kiên cường bởi một đức bác ái vững chắc và bất khả phân chia vì khi Chúa muốn làm nên Thân Mình Người được hình thành bởi việc nên một của nhiều hạt lúa miến cũng như khi Người muốn rượu được ép từ nhiều trái nho hợp lại thành Máu của Người thế nào thì Người cũng muốn đàn chiên chúng ta làm nên một khối hiệp nhất với nhau như vậy”.
Bí Tích Thánh Thể đem lại cho ta sự hiệp nhất trong Tình yêu và chính trong sự hiệp nhất ấy chúng ta mới có thể …gặp gỡ với Đấng Cha cũng là yếu tính Tình Yêu ở nơi mình “ Chúng ta biết và đã tin sự thương yêu của Thiên Chúa vẫn có đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình yêu. Ai ở trong sự thương yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng ở trong người ấy” ( 1Ga 4, 16 ).
Sự hiệp nhất chỉ có thể đến với Giáo Hội qua Bí Tích Thánh Thể. Thế nhưng Bí Tích Thánh Thể lại là mầu nhiệm chúng ta chỉ có thể đón nhận bằng đức tin và lòng yêu mến. Không có đức tin chẳng những Bí Tích thành vô hiệu mà còn là…án phạt cho những ai lãnh nhận cách bất xứng “ Cho nên hễ ai không xứng đáng mà lại ăn bánh, uống chén của Chúa thì mắc tội với Mình và Máu của Chúa. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình và như thế mới ăn bánh uống chén ấy được vì người nào không phân biệt Thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó tức là ăn uống án phạt cho mình” ( 1C 11, 27 -29 ).
Quả thật Bí Tích Thánh Thể đem lại sự hiệp nhất nhưng thực tế hiện nay cho thấy điều trái ngược. Sự chia rẽ trong Giáo Hội ngày càng trầm trọng và nguyên nhân gây ra cho nó không ngoài việc Bí Tích Thánh Thể đã không còn được tin, yêu như đòi hỏi của mầu nhiệm này.
Giáo Hội đang có chia rẽ sâu sắc với những quan điểm khác biệt trong đó Bí Tích Thánh Thể đã bị xúc phạm nặng nề. Có nơi thì cho rước lễ bằng tay. Có nơi trên lưỡi. Có quan điểm cho rằng người ly dị tái hôn vì đã lỗi luật Chúa nghiêm trọng nên không thể rước lễ. Có quan điểm khác lại cho rằng vì tình thương yêu của Chúa nên chấp nhận….Chẳng những thế mới đây Giáo hội Đức còn quyết định cho những người phối ngẫu Tin Lành được rước lễ. Hoặc tệ hại hơn nữa ngay tại nhà thờ chính tòa Paris người ta còn cho cả hai mươi mục sư với phẩm phục Tin Lành được công khai rước lễ trong ngày lễ Chúa Nhật v.v…
Chấp nhận cho những người đang mắc trọng tội nơi mình hoặc những người không tin nơi mầu nhiệm Cực Thánh ấy được rước lễ. Đây chính là hậu quả đương nhiên của việc Tục Hóa. Một khi đã bước vào con đường Tục Hóa tức Giải Thiêng ấy thì các Bí Tích trong Đạo chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Đang khi đó Bí Tích Thánh Thể đem lại cho ta sự sống đời đời “ Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời. Ta sẽ khiến cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta cũng ở trong kẻ ấy. Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế. Kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy” ( Ga 6, 54 -57 ).
Ai ăn Thịt và uống Máu Thánh Chúa thì có sự sống đời đời. Đối với người Do Thái, lời ấy thật khó nghe và ngay khi ấy cũng đã có mấy môn đệ bỏ Chúa mà đi ( Ga 6, 60 ). Trước tình cảnh ấy Chúa Giê Su không có ý kêu gọi những người ấy …ở lại để nói đó chỉ là biểu tượng hay dụ ngôn …gì đó. Không ! Những ai bỏ đi thì cứ mặc họ đi…Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu nhưng cũng là mầu nhiệm rất khó để mà tin. Về phần Phê Rô, ông đã tin và hết sức chân thành nói “ Thưa Chúa chúng tôi biết đi đến cùng ai ? Chúa có lời ban sự sống đời đời” ( Ga 6, 68 ).
Phê Rô hết lòng tin, yêu Chúa để rồi đã được trao cho chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh này. Từ đó nhờ vào sự hiệp nhất yêu thương các ngài đã vượt qua biết bao nguy nan sóng gió của đời Tông Đồ. Chúa cầu nguyện cho sự hiệp nhất đồng thời cũng ban cho lời hứa khi dâng lên Chúa Cha lời khẩn nguyện “ Cha ơi ! Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã ban cho Con cũng được ở đó với Con để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con là vinh hiển Cha đã ban cho Con vì từ trước buổi Sáng Thế Cha đã thương yêu Con” ( Ga 17, 24 )./.
Phùng Văn Hóa