Năm Kỷ Hợi nói chuyện về chú heo

Heo là con vật thuộc 12 con giáp, rất thân thiện và gần gũivới con người. Phần nhiều những con vật nào cũng chỉ ăn với ngủ, nhưng con heo là sướng nhất vì được người nuôi nấng nên luôn luôn ấm thân, chỉ ăn và ngủ, khỏi phải lo lắng điều gì. Người miền Bắc gọi heo là con lợn. Heo ăn tạp, cái gì cũng ăn, không biết „kén cá chọn canh“ là gì cả, vì thế heo béo tốt, ủn ỉn và hiền từ không giống với loài thú dữ khác như sư tử, hùm, beo, thì phải săn mồi mới có mà ăn, nên nó rất hung dữ,  nó săn và ăn cả người ta…

Heo vốn nhàn nhã, sống vô tư, không lo nghĩ, được người ta nuôi và luôn vỗ béo để làm thịt cung cấp chất protein cho loài người, vì thế heo lúc nào cũng tròn trịa, mũm mĩm,nên người ta nghĩ rằng, năm heo sẽ mang nhiều niềm vui, nhiều vận may, tụ tài tụ lộc, tụ phúc đức, lợi nhuận dồi dào, thoải mái cả tinh thần và vật chất.

Một linh mục nói vui với giáo dân: „Ông bố nói với đứa con gái: Bố sẽ đem về nhà một con heo, nên cần một người cho heo ăn, tắm rửa cho heo và đưa heo đi ngủ… Ông bố chưa nói xong thì đứa con gái liến nói: Con sẽ tình nguyện làm con heo“. Câu chuyện này ngụ ý nói đến bản tính con người ta từ nhỏ đã chỉ thích sung sướng mà không muốn làm gì.Ý nói nhiều người trong cộng đoàn trong giáo xứ của ngài, chỉ thích hưởng thụ những điều người khác hy sinh làm lợi cho mình về tinh thân và thể chất mà không hề bắt tay vào việc chung trong cộng đoàn…mà lại hay lên tiếng chê bai v.v…

Heo có nhiều loại như heo Móng Cái, heoTây Ninh, heo Mọi, (loại heo này nhỏ con mầu đen, thịt chắc, được người miền Thương nuôi ở những làng Thượng trên cao nguyên Ban-mê-thuột và cao nguyên Pleiku, Tuyên Đức, Dalat  rất nhiều  heo Năm Móng, heo Ba Giò, heo Mépvà nhiều tên riêng như „Lão Trư“ (tên của Trư Bát Giới), heo Tu Lại, ông Hợi, , chú Ủn Ỉn, chú Lợn Snowball, cô heo Squealer, vv… 

Trong 12 con giáp, loại heo gần gũi thân cận nhất với gà và chó.Nhà nông và nhà chăn nuôi, khi làm chuồng nuôi heo, họ dùng tầng trệt, sàn đất cho đàn heo, làm sàngỗ hay tre để nuôi gà ở trên, vàchuồngcủa chú chó ở ngay trướcchuồng của chúng.

Heo là một con vật mà chỉ nói đến tên, chúng ta cảm thấy gần gũi, quen thuộc, vì thịt heo thường xuyên hiện diện trong bữa cơm trong mọi gia đình, một con vật mà hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca  ẩm thực,  con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng“.

Trong hội họa dân gian,  tranh Đông Hồ thường xuất hiện vào dịp Tết, những chú heo mập mạp mũm mĩm là biểu tượng thể hiện sự chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông vui, sanh sôi nảy nở,  phúc lộc dồi dào,  rất phong phú  trong văn hóa  Tết Việt Nam.  Theo lịch Á Châu, mỗi năm biểu tượng một con vật trong 12 con giáp, đều được họa sĩ Đông Hồ múa bút thật văn hoa muôn mầu, muôn sắc điểm tô cho con vật đó một cách nghệ thuật vui tươi, huy hoàng, hạnh phúc…

Những câu ca dao về việc cưới hỏi thật là dễ thương, và chú heo luôn được đứng hàng đầu đưa vào những lễ nghi hỏi cưới trong văn hóa làng xã:

“Em về thưa với mẹ cha

bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo

Đầu heo lớn hơn đầu mèo

Làng ăn không hết, làng treo đầu đình“

hoặc

“Cưới em anh nghĩ cũng lo

Con lợn chẳng có, con bò thì không“

Đôi khi các anh chị chỉ cần một cặp vịt và một đôi bông tai làm sánh lễ, nói lên tình yêu nồng đậm giữa hai người,cùng trong hoàn cảnh nghèo, mà yêu nhau tha thiết:.

“Người ta giàu thì đầu heo mâm thịt

Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt đôi bông“ 

Và đơn sơ như:

“Người ta thách lợn, thách gà

em thách cưới, một nhà khoai lang“ 

Trong dân gian, có những vụ đặt tên thật dí dỏm lấy danh của chú heo qua những cá tính của từng người. Con người tánh tình dễ dãi và mập mạp mà hiền từ, mang biệt danh “mập như heo”, hơi ngố ngố hay ngốc nghếch thì được biệt danh “ngu như heo”, người lười học, lười làm việc thì có tên “lười như heo”, người ăn nhiều hay tham ăn được gọi “ăn như heo”, người ham ngủ thì có danh là “ngủ như heo”, người được nuông chiều quá thì được ca tụng “sướng như heo”, và người một tháng chưa tắm giặt một lần thì có danh là “dơ như heo”, vv…

Con heo nổi tiếng nhất trong văn chương của Tàu là Trư Bát Giới trong truyện  “Tây Du Ký”.  Theo truyền thuyết  giả tưởng, Trư Bát Giới vốn giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái, người chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh ở Thiên Đình. Trong bữa tiệc lớn, rất linh đình,  hội tụ đủ các chức sắc, Trư Bát Giới đã bị „cú đờ phút“hút hồn ngay khi nhìn thấy sắc đẹp của Hằng Nga. Bát Giới mượn men say của rượu, tán tỉnh Hằng Nga và bị nàng kề tai rỉ rón, ngọt ngào tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Thế là „a lê hấp“, Bát Giới bị đày xuống hạ giới để theo Tam Tạng đi thỉnh kinh, mà tu thân, cho chừa thói trăng hoa.

Trư Bát Giới được mọi người gọi là Lão Trư, mang âm hưởng một chút che bai, khinh bỉ. Lão Trư mang hình hài của một con heo xấu xí và thầy Tam Tạng đặt tên cho là “Bát Giới” với ý nghĩa là tám ranh giới để Lão Trư tu sửa: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm giường quá rộng và ăn chay trường.

Vì là cốt khỉ nên Lão Trư hay nhảy nhót leo trèo và lý lắc mọi chuyện. LãoTrưluôn tỏ ra ghen tị với Tôn Ngộ Không là đệ tử ruột của Tam Tạng, lúc nào Lão Trư  cũng tìm cách hạ bệ Tôn Ngộ Không và luôn luôn phá bĩnh những người đồng hành, lúc thì húc người này, khi thì chọc cùi chõ người kia, làm cho những họ bị rắc rối đủ điều, bởi sự lười biếng, thói háu ăn và bản tính háo sắc trước những cô gái đẹp.

Trư Bát Giới đã học được 36 trong số 108 phép thiên cương địa sát. Tuy số lượng chỉ bằng một nửa 72 phép của Tôn Ngộ Không, nhưng uy lực của Lão thì hơn chứ không kém, nên Lão cứ vênh vênh cái mặt trơ trơ. Dù vậy, do năng lực của lão bị hạn chế nên phép thuật của Lão Trư  thua kém rõ rệt so với Tôn Ngộ Không. Điều này làm cho Lão Trư càng cay cú và ghét thậm tệ Tôn Ngộ Không hơn nữa.

Khi hoàn tất việc thỉnh kinh, tất cả bạn đồng hành của Lão Trư đều trở thành Phật hoặc La Hán. Chỉ riêng mình Bát Giới là không, mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng Bát Giới vẫn còn quá nhiều tham sân si, nhiều đố kỵ, nhiều ganh tị và nhất là rất kiêu ngạo. Vì vậy, Trư Bát Giới được phong là “Tịnh đàn sứ giả” với phần thưởng là công việc lau dọn bàn thờ”, nơi mà chàng Trư có thể ăn thỏa thích những hoa quả thừa.

 Heo cũng còn là biểu tượng của vật tế lễ cúng bái như sính lễ hôn nhân, đám giỗ, quà cưới cho cô dâu, tạ lễ sau khi thành công ở thương trường buôn bán, sanh con, cúng tế thần linh, lễ khai trương, v.v.

Ở các bán đảo Thái Bình Dương, loại heo không lông Kapia thường được dùng làm con vật để tế thần, vì người ta tin rằng heo có linh hồn, sẽ linh thiêng.

Heo là con vật được nữ thần Demeter, thần sinh sản trong thuyết Hy Lạp Cổ Đại ưa thích, vì heo là biểu tượng cho sự sinh sản con cái sung túc, nên phụ nữ Hy Lạp hay mua heo mạ đồng, mạ vàng để trong nhà hay phòng riêng để cầu sanh nhiều con

Người thổ dân da đỏ ở Mỹ cũng xem heo là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn.

 Ở đại học Arkansas, USA đặt tên cho đội thể thao là Sus Scrofa (Con Lợn Lòi).(https://en.wikipedia.org/wiki/Domestic_pig).

Ở Thái Lan, Đội Lợn Hoang, đội bóng nhí gồm 12 thành viên thiếu niên bị kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan suốt 18 ngày, trong năm vừa qua 2018 đã nổi tiếng trên khắp thế giới.

Với trẻ con Việt nam, con heo đất còn là người bạn thân thiết. Thuởn hỏ, các bé đã được ba mẹ ông bà tặng cho con heo bằng đất và dạy cách tiết kiệm bằng cách bỏ vài đồng bạc cắc vào cái khen hỏ trên lưng chú heo, cho chú heo ăn, khi nào no cành bụng thì cho phép đập vỡ con heo ra, lấy tiền mua món gì mình thích mà đã được cha mẹ hay ông bà đồng ý chop hép. Thế là hả hê lắm lắm.

Tôi chính là con nhỏ đó và cho đến bây giờ, đã lên chức bà rồi, mà vẫn cứ làm như thế cho đến ngày nay, vẫn cứ còn tiết kiệm để dành cho từng đứa cháu nội ngoại, mỗi đứa một con heo đất.

 Nhạc sĩ Ngọc Lễ đã viết cho các em một bài hát dễ thương về “Con heo đất”: “Mẹ mua cho em con heo đất í o. Ngày hôm nay em vui lắm í o… Làm sao cho heo mau lớn í o..Heo không đòi ăn cơm. Heo không đòi ăn cám. Heo chỉ cần em bế trên tay ầu ơ. Em không thèm mua kem. Em không thèm mua bánh. Em để dành cho heo. Em lì xì heo đất hai trăm mỗi ngày. Này heo ơi! Ngon nhé! í o. Này heo con ơi! Mau lớn í o…”

Thương chúc các em bé nào cũng có một “con heo đất” để làm vui vẻ niềm hy vọng và thăng hoa tuổi thơ dấu ái của mình.

 Năm mới 2019 đã đến.Tết Kỷ Hợi, Chú Heo tròn trịa dễ thương cũng đã đến trước thềm nhà, đang ủn ỉn, húc húc cái mõm vào cánh cửa nhà mình. Kính chúc mọi người một năm Mới Kỷ Hợi dồi dào sức khỏe, chan hòa lòng yêu thương và giàu lòng quảng đại.để góp phần làm cho thế giới ngày nay an hòa hơn./-

Elisabeth Nguyễn (24.01.2019)

Chia sẻ Bài này:

Related posts