Một ngôn ngữ còn đang sử dụng là một ngôn ngữ sống, ngôn ngữ sống thì có thay đổi, bổ sung, như khoa điện toán vẫn phải tạo ra rất nhiều từ mới để diễn tả những ý tưởng mới. Trường hợp từ “ngôn sứ” cũng vậy. Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của từ “propheta” và những từ đang có trong tiếng Việt để dịch từ này.
2. Propheta
2.1. Tìm hiểu về từ nguyên
Tiếng Latinh cổ propheta là từ tiếng Hylạp prophetes, nghĩa là người thông ngôn (interpreter), người phát ngôn (spokeman) đặc biệt của các thần linh, bởi tiếp đầu ngữ pro có nghĩa là “trước” và động từ phermi có nghĩa là “nói”, từ nguyên ngữ Ấn Âu có âm gốc *bha (chẳng hạn, bhanati trong ngôn ngữ văn chương cổ Ấn Độ (tk. IV tcn), nghĩa là “nói”). Prophetes được dùng trong bản Thánh Kinh LXX để dịch tiếng Hipri nabi hoặc khozeh, nghĩa là thầy bói (soothsayer), thầy thị kiến (seer).
Tiếng Hipri có những chữ này: (1) Nabi, do động từ naba có nghĩa là “sôi sùng sục”, “sủi bọt ra” như một suối nước, thuật từ này có nguồn gốc từ tiếng Ảrập có nghĩa “tỏ bày, nói ra”. Vì vậy nabi là người nói một cách tự do từ một trái tim bị thúc đẩy bởi sự linh ứng từ Thiên Chúa. (2) Khozeh, do một động từ có nghĩa là “nhìn thấy”, vì vậy khozeh được gọi là nhà tiên tri, thầy thị kiến (1 Sm 9,10-11), người đã nhìn thấy Thiên Chúa hiển lộ, những sự thật của Thiên Chúa, và nói ra những gì đã đuợc nhìn thấy nơi Thiên Chúa.
Theo các tác giả gần đây, từ Hylạp prophetes được dịch ra Latinh cổ là vates (thầy bói), nhưng từ Latinh hoá propheta đã chiếm ưu thế trong thời hậu cổ điển (năm 300-700), chủ yếu do các văn sĩ Kitô giáo, chắc chắn bởi vì thuật từ vates (thầy bói) tạo sự liên tưởng ngoại giáo. Trong tiếng Latinh hiện đại, prophetes cũng dịch là mantis [1]. Ý nghĩa không tôn giáo trong tiếng Anh (prophet: thi sĩ) có từ năm 1848; và từ năm 1615 prophet còn được sử dụng để chỉ Mahomet để dịch thuật từ al-nabiy của tiếng Ảrập, và đôi khi cũng gọi là al-rasul, nghĩa là “sứ giả” (messenger).
2.2. Tìm hiểu về nội dung
Từ propheta được sử dụng trong các tôn giáo lớn như: Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Bahá’i giáo với những nội dung như sau:
- Propheta là những sứ giả được Thiên Chúa soi sáng, để nói nhân danh Thiên Chúa, để chuyển đạt các mệnh lệnh của Thiên Chúa hay các đòi hỏi đã có trong lề luật, những lời cảnh cáo hay những lời hứa cho dân Ngài.
- Trong Cựu Ước: (a) Môisen là vị propheta lớn nhất trong các vị prophetes [2] của Cựu Ước, là người được chọn để nói thay cho Thiên Chúa và hướng dẫn dân Israel. (b) Thường viết hoa để chỉ một trong 4 vị ‘Đại Prophetes’ là: Isaia, Giêrêmia, Êdêkien và Đanien; hoặc một trong 12 vị ‘Tiểu Prophetes’ là Hôsê, Giôen, Amốt, Ôvađia, Giôna, Mikha, Nakhum, Khabacúc, Xôphônia, Khácgai, Dacaria và Malakhi. (c) Vua Đavít được gọi là ‘vua propheta’. (d) Một trong những nhà thị kiến (thầy bói), cuối thời các Thẩm Phán, tự xưng là được thần ứng, tuỳ theo lòng tin bình dân, có những năng lực siêu nhiên (1 Sm 19,20-24). (e) Thầy bói, người hành nghề đoán trước tương lai.
- Trong Tân Ước: (a) Phúc Âm có nói đến propheta Dacaria (Lc 1,67), propheta Simêôn và prophetissa [3] Anna (Lc 2,25.36). (b) Gioan Tiền Hô được coi là propheta lớn nhất mọi thời vì được tuyển chọn để loan báo khởi điểm việc thực hiện ý định cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa. (c) Những người được linh ứng để tiếp tục công việc của các prophetes thời Cựu Ước và để khích lệ anh em của họ, được xếp sau các Tông đồ thời Hội Thánh sơ khai (1 Cr 12,28).
- Mahomet (570-632), người sáng lập Hồi giáo.
- Bahá’u’lláh (1817-1892), người sáng lập Bahá’i giáo.
- Người được xem hay tự cho mình là một lãnh tụ hay vị thầy được linh ứng.
- Nhà tiên tri hay người báo trước việc tương lai: tiên tri cảnh báo, tiên tri tận thế.
- Người tuyên ngôn một giáo lý, một sự nghiệp hay phong trào.
Tóm lại: Theo Thánh Kinh, propheta là sứ giả của Thiên Chúa và là nhà thuyết giáo, thứ đến là người báo trước tương lai (nhà tiên tri) [4].
3. Ngôn sứ và sứ ngôn
3.1. Tìm hiểu ý nghĩa theo tự điển
* Ngôn: chữ Hán là言, cách cấu tạo chữ có nhiều giải thích: (a) có người giải thích là bộ 辛 (tân, cổ văn nghĩa là người tù) và chữ口 (khẩu, miệng), nói thẳng là ngôn. (b) Hay là bộ舌 (thiệt: lưỡi) và chữ 二 (cổ văn là thượng), những gì phát xuất từ lưỡi là ngôn. (c) 言 (ngôn) cổ văn là音 (âm). Dù cách giải thích cấu tạo chữ như thế nào đi nữa, chữ “ngôn” cũng có nghĩa là: dt. (1) Âm thanh phát xuất từ miệng để tuyên xưng chính mình là ngôn. (2) Mệnh lệnh. (3) Nghị luận. (4) Lời nói. (5) Một câu văn: nhất ngôn. (6) Một chữ: ngũ ngôn thi. (7) Họ Ngôn. (động từ) (8) Nói.
* Sứ : Chữ Hán là使: gồm bộ 人 (nhân: người) và chữ 吏 (lai: lại, tới lui), có những nghĩa sau đây:
使: dt.(1) Người vâng mệnh trên đi làm một việc gì. (2) Viên chức được phái đi làm việc ở nước ngoài. (3) Vâng mệnh của chủ nhân mà ứng phó với người ngoài. (4) Nhận làm một việc khó khăn nguy hiểm. (5) Những vị thuốc để làm truyền tống điều độ cho phương thuốc: tá sứ. đt.(6) Lệnh. (7) Sai phái. (8) Sử dụng.
Chữ Nôm có 3 nghĩa : dt.(1) Bông ngọc lan, bông sứ cùi (frangipani, hoa đại). (2) Tên loại chuối : chuối sứ. (3) : Đất nung tráng men, gốm trắng: chậu sứ.
3.2. Tìm hiểu về nguồn gốc và ngữ pháp
Vì có người cho rằng việc ghép từ “ngôn” và từ “sứ” thành từ “ngôn sứ” là không hợp lệ, không đúng văn phạm. Nên sau đây, chúng tôi thử tìm hiểu về nguồn gốc và việc ghép từ này.
“Ngôn sứ” và “sứ ngôn” là hai thuật từ không có trong tiếng Trung Quốc, chỉ mới có trong tiếng Việt từ 30-40 năm nay. Đây là hai thuật từ ghép phụ nghĩa [5], gồm hai thành tố cùng loại (gốc chữ Hán), đều có nghĩa, có quan hệ hạn định [6]. Nếu xét theo quan hệ cú pháp của tiếng Hán [7]: trong “ngôn sứ” [8] thì “sứ” là thành tố chính, chỉ sự vật (người) và “ngôn” là thành tố phụ, chỉ hành động, ngược lại: trong “sứ ngôn” [9] thì “ngôn” là thành tố chính, chỉ sự vật (lời) và “sứ” là thành tố phụ, chỉ hành động. Như vậy, “ngôn sứ” và “sứ ngôn” (theo cú pháp tiếng Hán) là hai thuật từ có nghĩa khác nhau. Nhưng từ “sứ ngôn” trong bộ Điển ngữ Thần học Thánh Kinh [10] là từ ghép nghĩa theo quan hệ cú pháp của tiếng Việt [11], nên đồng nghĩa với từ “ngôn sứ” (tương tự Thánh Kinh và Kinh Thánh). Đây là một trường hợp phức tạp và hãn hữu, hiện nay các tác giả Công giáo vẫn sử dụng hai thuật từ này với nội dung khác nhau tuỳ theo ngữ cảnh.
Về nguyên tắc, nghĩa của từ ghép phụ nghĩa không thể có hiện tượng tự do về mặt trật tự; yếu tố nào phải đứng trước, yếu tố nào phải đứng sau, là một vấn đề do thói quen thông thường (ngữ ngôn) chứ không phải do chuẩn mực chi phối (ngữ pháp). “Ngôn sứ” cấu tạo theo lối Hán, “sứ ngôn” cấu tạo theo lối Việt, hai thuật từ này có thể song song tồn tại. Đây là hiện tượng song song tồn tại của hai kiểu cấu tạo (1 bên Hán, 1 bên Việt) chứ không phải là bắt nguồn từ hiện tượng song song tồn tại của hai khả năng mà mỗi kiểu cấu tạo cho phép như ở trường hợp những từ ghép láy nghĩa (ví dụ: đơn giản / giản đơn, đấu tranh / tranh đấu, ca ngợi / ngợi ca, che chở / chở che…).
Theo Cha Lê Văn Lý, thói quen thông thường là một định luật quan trọng của ngôn ngữ, ngài đưa ví dụ: trước kia người ta nói lý trưởng, tỉnh trưởng (từ cấu tạo theo tiếng Hán), nhưng sau này lại xuất hiện thuật từ trưởng ấp (từ cấu tạo theo tiếng Việt). Đúng lý phải nói là ấp trưởng, nhưng thói quen lại nói là trưởng ấp, và ngài viết: “Người nào nói ngược lại với thói quen: ‘Ấp trưởng’ thay vì ‘trưởng ấp’, ‘học ngữ’ thay vì ‘ngữ học’, ‘học đại’ thay vì ‘đại học’, sẽ không được quần chúng noi theo, nếu như không bị người ta chê cười” [12].
Theo chúng tôi, người Công giáo hiện nay quen dùng từ sứ ngôn theo cấu tạo tiếng Hán hơn là tiếng Việt, và thuật từ sứ ngôn không dùng đồng nghĩa với ngôn sứ (propheta) mà chỉ dùng với nghĩa là lời ngôn sứ (prophetia) mà thôi.
3.3. Nhận xét về việc dùng từ ngôn sứ để dịch từ propheta
Trong tài liệu CHÚ THÍCH BẢN DỊCH NGHI THỨC THÁNH LỄ của Uỷ ban Phụng tự HĐGMVN (xb. 1992), trang 30 có viết: ‘Từ Hylạp prôphêtês gồm hai yếu tố: prô và phermi. Phemi là nói, còn “prô” trong từ “prôphêtês” có nghĩa là ‘thay thế cho’. Về từ “prô” trong từ“prôphêtês”, A. Gelin và L. Monloubou có viết: “La particule ‘pro’ qui entre dans la composition du mot grec ‘prophète’ n’est point le ‘pro’ temporel (dire à l’avance), mais plutôt le ‘pro’ substitutif (dire à la place de). Ainsi… le terme grec nous indiquerait plus un prédicateur (forthteller) qu’un prédiseur (foreteller) (Introduction à la Bible II, Paris 1973, Desclée, tr. 241).
Như vậy, propheta là ‘người nói thay cho ai’ (Thiên Chúa hoặc thần linh) trước khi có nghĩa là ‘người biết trước’. Vả lại nhìn vào công việc của các ngôn sứ, chúng ta thấy các ngài thường được sai đi và thay mặt Thiên Chúa, nói những gì Người đã dạy qua luật Môisê, còn yếu tố ‘biết trước’ không phải là yếu tố chính yếu.
Vì thế, chúng tôi xin đề nghị dùng từ ‘ngôn sứ’ để dịch từ Propheta: ngôn sứ là người được sai đi nói thay mặt ai nói chung và thay mặt Thiên Chúa nói riêng trong Thánh Kinh”.
Lý do mà UBPT HĐGMVN (1992) đã đề nghị dùng từ “ngôn sứ” để dịch từ propheta là vì ngôn sứ là người được sai đi nói thay mặt ai nói chung và thay mặt Thiên Chúa nói riêng trong Thánh Kinh xem ra diễn tả nội dung của từ propheta là ‘người nói thay cho ai’ (Thiên Chúa hoặc thần linh) trước khi có nghĩa là ‘người biết trước’ nhiều hơn khi so sánh với thuật từ tiên tri là người biết trước.
Trong tài liệu MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CUỐN NGHI THỨC THÁNH LỄ 2005, đề ngày 08/09/2006, hai cha Anbetô Trần Phúc Nhân và Micaen Nguyễn Hữu Phú thay mặt Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ có viết: “Theo cách hiểu thông thường, tiên tri là người “biết trước” việc sẽ xảy ra. Như vậy từ ngữ này không nói hết được ý nghĩa của từ propheta (Latinh) hay prôphetes (Hylạp). Vai trò chính yếu của prôphetes không phải là biết trước và báo trước tương lai, nhưng là thay mặt Thiên Chúa mà nói ra ý của Chúa. Vì thế SLR 1992 đề nghị dùng từ “ngôn sứ”, nghĩa là người được sai đi để thay mặt Chúa (sứ) nói lên lời (ngôn) của Chúa (CT tr. 42-43)”.
4. Tiên tri
4.1. Tìm hiểu ý nghĩa theo tự điển
* Tiên: Có rất nhiều chữ Hán (先,仙,僊, 僲, 氙, 氠, 鱻, 秈, 籼, 戔(戋), 箋(笺), 牋, 鞯, 涎,湔, 椾, 箯, 籛, 濺, 揃, 煎, 跹, 躚, 蹮, 綅, 鞭, 韉, 鬋, 鮮 [13]), nhưng liên quan đến từ “tiên tri” phải là chữ 先. Chữ này có bộ 人 (nhân: người) và chữ 之 (chi: đi): người ở trên, nghĩa là người đi trước, “tiên” có những nghĩa này: (1) Sớm, trước: tiên học lễ, hậu học văn. (2) Ở phía trước. (3) Người lớn tuổi: tiên sinh. (4) Thế hệ trước: tiên nhân, tiên hiền. (5) Người đã chết: tiên phụ (cha tôi, người đã mất). (6) Tiếng lịch sự: nữ sĩ môn, tiên sinh môn (thưa quý bà, quý ông). (7) Điều chủ yếu. (8) Đứng đầu. (9) Khởi xướng. (10) Thứ nhất. (Đông từ) (11) Hướng dẫn / khởi xướng / giới thiệu.
Chữ Nôm có 1 nghĩa là: Câu chửi: tiên sư nó.
* Tri: Cũng có rất nhiều chữ Hán (知, 夂, 滓, 菑, 葘, 緇(缁), 菑, 錙(锱), 蜘, 鼅) nhưng liên quan đến thuật từ “tiên” tri phải là知. Chữ “tri” có bộ 矢 (thỉ: nhanh) và chữ 口 (khẩu: miệng): khi người ta biết được sự việc, thì miệng mới có thể nhanh chóng nói ra. “Tri” có những ý nghĩa sau: (1) Biết, nhận ra: tri âm. (2) Thông hiểu sự vật: tri thức. (3) Được biết nhiều: hải nội tri danh. (4) Báo: thông tri. (5) Thân thiết: tri giao, tri kỷ. (6) Tiếp tân: tri khách (sự đón khách – cổ văn). (7) Trông coi, cai trị một hạt: tri phủ. (8) Cảm thấy sự vật, những quan niệm đến từ trực giác: lương tri. (9) Muốn. (10) Thưởng thức. (11) Phát giác. (12) Ghi nhớ. (13) Sang ngang, đôi. (14) Họ Tri. (15) (cụm từ): tri canh điểu (chim sẻ đỏ cổ – robin), tri liễu (con ve sầu).
Chữ Nôm có 1 nghĩa là: Day cho nhẵn lì: Lấy chân tri con kiến…
2.2. Tìm hiểu ý nghĩa theo từ điển
Trong các từ điển Tiếng Việt và Hán Việt, “tiên tri” nghĩa là: đt. (1) Biết trước, dt.(2) Người sáng suốt đoán trước được việc sẽ xảy ra: Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri (Truyện Kiều).
Theo từ điển TỪ HẢI (Đài Loan) [14], “tiên tri” có 2 nghĩa (xin dịch nguyên văn) là: Được lý giải trước hơn người bình thường. Sách Mạnh Tử – Vạn Chương Thượng: “Để những người đó biết trước rồi giúp những kẻ khác biết sau, để họ giác ngộ truớc giúp những người khác giác ngộ sau”. Chú giải: Tri: biết lý do của sự việc. (Prophet) từ ngữ tôn giáo, còn gọi là kẻ tiên báo, những người truyền đạt ý chỉ của thần để cảnh cáo người đời. Những vị tiên tri cổ đại của Israel được các sử gia coi trọng nhất, họ cho rằng sự phát triển niềm tin của dân tộc Do Thái đều do công hướng dẫn của những người này, cuối cùng khai sinh ra Kitô giáo (xem H. 2).
Theo từ điển TỪ HẢI (TQ) [15], tiên tri có 3 nghĩa (xin dịch nguyên văn) là: Hiểu biết sự việc sớm hơn người khác. Sách Mạnh Tử-Vạn Chương Thượng: “Trời sinh dân này, để họ biết trước rồi giúp những kẻ biết sau, để họ giác ngộ trước rồi giúp những người giác ngộ sau”. Những người được Thượng Đế tuyển chọn để thông truyền ý chỉ của Thượng Đế hay tiên báo sự việc được Thánh Kinh Do Thái giáo, Kitô giáo nhắc đến. Theo truyền thuyết của Do Thái giáo, những tiên tri thời kỳ trước có quyền sách phong quốc vương, như tiên tri Samuel, Elia; những vị ở thời kỳ sau như Isaia, Giêrêmia đều là những vị lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng về chính trị. Dịch từ tiếng Ảrập “AL-Năbi”, cũng gọi là kẻ tiên báo, kẻ biết sự việc ẩn dấu. Hồi giáo tin rằng nơi các dân tộc đều đã có xuất hiện một số người được Thánh Alah tuyển chọn hay mặc khải để loan truyền sứ mạng của Thánh Alah, dẫn người khác đến với chính lộ. Họ được gọi là “tiên tri”, cũng gọi là sứ giả của Thánh Alah. Những học giả Hồi giáo Trung Quốc thời giao tiếp giữa triều Minh và triều Thanh đã dịch là “Thánh Nhân”, Kinh Koran nhắc đến tên và sự tích của 26 tiên tri, gọi Mahomet là vị tiên tri cuối cùng, là vị chí thánh (xem H. 3).
H. 3 – Nguyên văn giải nghĩa chữ tiên tri trong Từ Hải
xuất bản tháng 01/2002, tại Thượng Hải, của Trung Quốc
3.3. Tìm hiểu về nguồn gốc
Trong quá trình phát triển chữ quốc ngữ, từ “propheta” lúc đầu chưa được dịch nghĩa, chỉ mới được phiên âm là “phôrôphêta” như có thể thấy trong Sách Dạy Tập Đi Đàng Nhân Đức Lọn Lành [16] (xb. 1897): “Nhân vì sự ấy, Đức Chúa Trời đã dùng miệng ông thánh Phôrôphêta Giêrêmia mà phán rằng: Kẻ khôn ngoan chớ cậy tài trí khôn ngoan…” (Q.I, Đoạn I, tr. 27), “Cho nên ông Phôrôphêta Igiaia đã trách rằng: sao bay chẳng dùng tiền bạc bay mà mua bánh mua quà? Sao chẳng lấy công lênh bay khó nhọc mà nuôi mình, bay chịu khó nhọc làm nhiều việc lành, bay dùng công ấy mà làm ích cho mình bay, chẳng hơn là bỏ nó mất đi hết ru?” (Q.III, Đoạn I, tr. 29).
Từ “tiên tri” được dùng để dịch từ “propheta” trong bản Thánh Kinh tiếng Việt đầu tiên [17] (xb. 1913), đây là có lẽ là lần đầu tiên thuật từ “tiên tri” được sử dụng trong Giáo Hội Việt Nam, sau đó được Hội Đồng Kinh (Huế, 28/07/1924) cho sử dụng [18] trong các Kinh Cầu Các Thánh, Kinh Cầu Đức Bà và Kinh Cầu Dõi Linh Hồn… về sau được sử dụng phổ biến trong các kinh sách và phụng vụ mặc dù vẫn còn một vài kinh chưa được cập nhật như Kinh Cầu Đức Bà Diễn Ca [19] (xb. 1940) có câu:
“Nữ Vương trên các Tổ Tiên,
Gồm trên các Thánh Sấm Truyền Phôrô
Nữ vương trên thánh Tông Đồ
Cùng trên các thánh Chúa cho phúc lành…”.
hoặc Kinh hát Lễ Sinh Nhật ông thánh Gioan Baotixita, trong Mục Lục (xb. 1974) tr.501:
“Các nam nhi sinh bởi phụ nhân,
không ai lớn hơn Gioan đặng;
Đấng hiền trí gọi là tiền thánh…”.
Trước 1975, trong nhà nguyện Đại Chủng viện Vĩnh Long có ghi câu đối của Cha Phaolồ Nguyễn Văn Thích:
“Kê cổ tiên hiền truyền chủ dụ,
Nhi kim Thánh Tử đối dân đàm” (Dt 1,1).
3.4. Nhận xét về việc dùng từ tiên tri để dịch từ propheta
3.4.a. Hai quyển từ điển Từ Hải nói trên đã có những giải thích đúng và khá đầy đủ về “prophet” mà Trung Quốc đã dịch là “tiên tri” [20]. Và như vậy, người Trung Quốc có thể hiểu từ “tiên tri” với nội dung số giống như từ propheta của Kitô giáo.
3.4.b. Nhưng điểm cần lưu ý là ở nội dung số của từ này: Câu trích dẫn từ Vạn Chương Thượng của sách Mạnh Tử là một minh hoạ cho thấy “tiên tri” (được liên tưởng đến thành ngữ “tiên tri tiên giác”) để chỉ hàng trí thức, và trí thức (tiên tri) thì ‘đương nhiên’ có bổn phận đem sự hiểu biết của mình để thức tỉnh người khác, bổn phận đó quyết liệt như mệnh trời sai khiến vậy: “Thiên chi sinh tư dân dã, sử tiên tri giác hậu tri, sử tiên giác giác hậu giác dã; dư thiên dân chi tiên giác giả dã; dư tương dĩ tư đạo giác tư dân dã; phi dư giác chi nhi thuỳ dã! (nghĩa là: Trời sanh ra dân này, khiến người hiểu biết trước đánh thức kẻ hiểu biết sau, người thức tỉnh trước đánh thức kẻ thức tỉnh sau; ta là kẻ thức tỉnh trước của dân trời sinh ra đây, ta sẽ đem đạo ấy mà đánh thức dân này; nếu không phải ta đánh thức họ thì còn ai nữa!)” (Mạnh tử, Vạn Chương Thượng [21]). Chu Hy chú giải: “Tri là biết việc phải nên thế, giác là biết lẽ tất nhiên thế, đánh thức kẻ hiểu biết sau, kẻ thức tỉnh sau, như là gọi kẻ ngủ cho tỉnh dậy. Nói là trời sai khiến, là vì lẽ trời đương nhiên như thế, như là trời sai khiến vậy”. Theo Hồ Thu Nguyên viết trong tập Trung Quốc Cổ Đại Trí Thức thì: phần tử trí thức là những người hiểu trước biết trước (tiên tri tiên giác) rồi đem sự hiểu biết học hỏi của mình cống hiến cho tiến bộ nhân loại, xã hội, dân tộc. Nếu “propheta là người cưu mang mặc khải”, theo kiểu nói của cha K. Rahner [22], hay là người được Thiên Chúa sai đi để nói ý Chúa ra cho dân, thì bậc tiên tri tiên giác cũng là người cưu mang minh triết (sự hiểu biết) và là người được thúc bách bởi mệnh trời phải làm nhiệm vụ giáo hoá dân.
3.4.c. Thực ra từ “prophetes” dùng trong bản LXX không phải là biên dịch mà chỉ là phỏng dịch của từ “nabi” (người nói một cách tự do từ một trái tim bị thúc đẩy bởi sự linh ứng từ thần linh) trong tiếng Hipri [23], do đó có thể nói từ “tiên tri” là biên dịch của từ “nabi”, hay nói cách khác: “tiên tri” dịch sát nghĩa với nabi hơn so với từ “ngôn sứ” [24].
3.4.d. Đoàn sủng tiên tri là một đoàn sủng cho mặc khải (Am 3,7; Gr 23,18; 2V 6,12) giúp cho con người biết được điều mà sức riêng họ không thể khám phá ra được. Đối tượng của đoàn sủng đó vừa đa tạp vừa đồng nhất: Đó là ý định cứu rỗi sẽ hoàn thành và thống nhất nơi Đức Giêsu Kitô (x Dt 1,1t). Thiên Chúa phán rằng: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,… thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,11-12). Như vậy – theo nghĩa này thì – lời loan báo [25] của propheta hoàn toàn là lời tiên tri nghĩa là ‘nói trước điều sẽ đến trong tương lai’, một nội dung mà từ “ngôn sứ” không diễn tả được!
3.4.e. Như vậy, từ “tiên tri” quả thật là “cũ kỹ” nhưng không hẳn chỉ là “thầy bói”, nghèo nàn nội dung hay thiếu đúng đắn… trái lại, với tư cách một bậc tiên tri tiên giác, người được thôi thúc phải nói ra lời Thiên Chúa đã soi sáng cho mình trước đó, như một nhà thuyết giáo để nói thay cho Thiên Chúa, đồng thời danh hiệu tiên tri cũng khẳng định rằng lời của Chúa – mà ông loan báo – sẽ được thực hiện.
Tóm lại, có thể nói: Tiên tri là ‘người được thôi thúc phải nói ra điều đã được biết trước đó nhờ hiểu biết nói chung và nhờ Thiên Chúa linh ứng nói riêng trong Kinh Thánh, như một nhà thuyết giáo với niềm tin rằng lời mà ông loan báo sẽ được thực hiện’ xem ra diễn tả nội dung của từ “propheta” muốn diễn tả, tức là từ “nabi”, hơn khi so sánh với từ “ngôn sứ” là ‘người được sai đi nói thay cho ai đó’.
5. Lời kết
Từ “Ngôn sứ” nói lên rằng propheta là người được sai đi để thay mặt Chúa (sứ) nói lên lời (ngôn) của Chúa. Danh xưng ngôn sứ diễn tả nhiệm vụ của propheta, ngôn sứ là danh từ chỉ chức vụ. Từ “Tiên tri” nói lên rằng propheta là người nói ra điều đã được biết trước đó nhờ Thiên Chúa linh ứng với niềm tin rằng lời mà ông loan báo sẽ được thực hiện. Danh xưng tiên tri diễn tả tính chất của propheta, tiên tri là danh từ chỉ bản chất.
UBPT HĐGMVN (2005) sau khi đã cân nhắc và bỏ phiếu đã quyết định sử dụng trở lại từ “tiên tri” trong các bản văn phụng vụ Thánh Lễ thì rất đúng với nghĩa propheta, nhưng không có nghĩa là từ “ngôn sứ” không được sử dụng trong các tài liệu khác. Chẳng qua vì lựa chọn nào cũng bao hàm sự từ bỏ và đây là một quyết định khó khăn không thể tránh được.
——————————–
[1] Mantis (Lat.) cũng có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là mantis nghĩa đen là con bọ ngựa, nghĩa bóng là prophetes (do tư thế đôi chân trước của con vật này tạo liên tưởng đến hình ảnh người giơ hai tay lên cao để cầu nguyện).
[2] Số nhiều của tiếng Latinh.
[3] Giống cái của từ propheta.
[4] Donald Attwater, THE CATHOLIC ENCYCLOPAEDIC DICTIONARY, Cassell & Co., Ltd., 2nd Edition Revised, USA, 1949: “A prophet among the Jews was a messenger of God and a preacher, secondarily a foreteller of the future”.
[5] Từ ghép phụ nghĩa là kiểu từ ghép nghĩa có một thành tố trực tiếp đứng làm nòng cốt rồi bên cạnh ghép thêm một thành tố khác, đứng làm thành tố phụ, hai thành tố quan hệ không bình đẳng với nhau, ví dụ: thiên thần, phẩm phục, thí nghiệm,… phân biệt với những từ ghép láy nghĩa gồm các thành tố có vai trò bình đẳng với nhau và có ý nghĩa láy nhau như: phụng thờ, yêu mến, hư vô, tranh đấu, thị phi, thành bại…
[6] Quan hệ hạn định: thành tố phụ giới hạn ý nghĩa thành tố chính, ví dụ: học trò, hải quân, bệnh viện…; phân biệt với quan hệ động bổ (động từ + bổ từ): vệ sinh, phòng bệnh, cứu thương,… và quan hệ động trạng (động từ + trạng từ): cải tiến, lạc hậu…
[7] Theo cú pháp tiếng Hán trong kết cấu chính phụ, thành tố phụ bao giờ cũng đặt trước thành tố chính, theo dạng: định tố + danh từ hoặc bổ tố + động từ.
[8] Latinh: propheta, Hylạp: prophetes, Anh: prophet, Pháp: prophète, Việt: (còn dịch là) tiên tri.
[9] Latinh: prophetia, Hylạp: prophetia, Anh: prophecy, Pháp: prophètie, Việt: (còn dịch là) lời tiên tri, sấm ngôn, ơn nói tiên tri.
[10] Công trình dịch thuật bộ VOCABULAIRE DE THÉOLOGIE BIBLIQUE (Cerf, Paris, 2èr Edition, 1971) từ tiếng Pháp sang tiếng Việt do 50 chủng sinh làm việc dưới sự hướng dẫn của linh mục viện trưởng và linh mục khoa trưởng phân khoa thần học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt từ 1973-1976 – trong đó có thầy Phanxicô Xaviê Trịnh Văn Phát (nay là linh mục đang làm mục vụ tại Úc Châu) là người đã sử dụng thuật từ “sứ ngôn” lần đầu để dịch từ prophète, từ “sứ đồ” để thay cho tông đồ, từ “Sứ Vụ” để dịch từ Actes des Apostres.
[11] Cú pháp tiếng Việt ngược lại với cú pháp tiếng Hán nói trên (ct. 7).
[12] x. Lê Văn Lý, SƠ THẢO NGỮ PHÁP VIỆT NAM, TrungTâm Học Liệu Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 1-3.
[13] Chúng tôi không giải nghĩa những chữ này, vì sợ làm rối người đọc.
[14] Từ điển TỪ HẢI (ĐL), nxb Trung Hoa, Đài Loan, tháng 12/1972.
[15] Từ điển TỪ HẢI (TQ) do Hạ Chinh Dân (chủ biên) và 554 học giả Trung Quốc cải biên, xuất bản tại Thượng Hải, tháng 01/2001 là quyển từ điển có giá trị và chính xác hàng đầu ở Trung Quốc.
[16] Bản nguyên tác bằng tiếng Pháp LA PRATIQUE DE LA PERFECTION CHRÉTIENNE do cha Alphonse Rodriguez viết năm 1616. Bản phóng tác bằng chữ Nôm cổ do Philipphê cố chính Trung (Philippe Sérard, MEP) viết năm 1799 và in tại Ninh Bình năm 1865, dày 4800 trang. Bản dịch quốc ngữ có tựa đề SÁCH DẠY TẬP ĐI ĐÀNG NHÂN ĐỨC LỌN LÀNH, in lần I tại Kẻ Sở năm 1897, dày 2000 trang; in lần II tại Hong Kong năm 1906, gồm 4 quyển, dày 2280 trang.
[17] Cố chính Linh (Albertus Schlicklin, Địa phận Tây Đàng Ngoài), THÁNH KINH – Cứ bản Vulgata, Societé des Missions Etrangères, Hong Kong, 1913.
[18] In lần I trong “BẢN KINH MỚI ĐỌC SÁNG TỐI NGÀY THƯỜNG VÀ NGÀY CHỦ NHẬT”, Kẻ Sở, 1925, do Đức cha Anrê Bắc truyền tử (imprimatur).
[19] Còn gọi là Kinh Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, kinh này hát khi đi rước hoa vào nhà thờ dâng kính Đức Mẹ, xem Toàn Niên Kinh Nguyện, xuất bản năm 1940.
[20] Không riêng Trung Quốc, cả Nhật Bản cũng dịch từ propheta là nhà tiên tri (預言者,予言者).
[21] Mạnh Tử, Chu Hy tập chú, MẠNH TỬ, Tập hạ, Nguyễn Thượng Khôi dịch, Trung Tâm Học Liệu xuất bản, in lần II, Sài Gòn, 1972, tr.111.
[22] Karl Rahner, SACRAMENTUM MUNDI – AN ENCYCLOPEDIA OF THEOLOGY, VOL. 3, Burn & Oates, London, 1970, tr. 111.
[23] Xem bài của Bruce Vawter, CM: INTRODUCTION TO PROPHETIC LITERATURE trong THE NEW JEROME BIBLICAL COMMENTARY, Prentice Hall Inc., New Jersey, 1990. tr. 186-200.
[24] Trong tiếng Indonêsia, mặc dù vay mượn rất nhiều từ tiếng Anh và Hà Lan, từ propheta được dịch là nabi (!).
[25] Không chỉ là lời nói, mà có thể là hành động hay đời sống kèm theo dấu chỉ…
————————————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. THE OXFORD CYCLOPEDIC CONCORDANCE, Oxford University Press, Ely House, London, tr. 236.
2. J. Dheilly, EN CE TEMPS-LÀ, LE JOURNAL DE LA BIBLE, Lã Thanh Lịch OP. dịch: ĐỂ LÀM GIÀU KIẾN THỨC KINH THÁNH, UBĐKCG TP.HCM, in ronéo, 1992, tập IV, tr. 1325.
3. THE RANDOM HOUSE UNABRIDGED DICTIONARY, Random House Inc., 2006.
4. Lm. Hồng Phúc, CSsR, ĐIỂN NGỮ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO, 1996.
5. Olivier de La Brosse & Ntg, DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, Cerf, Paris, 1968.
6. Nguyễn Tài Cẩn, NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, in lần II, 1981.
7. Lê Văn Lý, SƠ THẢO NGỮ PHÁP VIỆT NAM, Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1972.
8. CHÚ THÍCH BẢN DỊCH NGHI THỨC THÁNH LỄ của Uỷ ban Phụng tự HĐGMVN, (1992).
9. Mạnh Tử, Chu Hy tập chú, MẠNH TỬ, Tập hạ, Nguyễn Thượng Khôi dịch, Trung tâm Học liệu xuất bản, in lần II, Sài Gòn, 1972.
10. Karl Rahner, SACRAMENTUM MUNDI – AN ENCYCLOPEDIA OF THEOLOGY, Burn & Oates, London, 1970, Vol.3, tr. 111.
11. Bruce Vawter, CM: INTRODUCTION TO PROPHETIC LITERATURE trong THE NEW JEROME BIBLICAL COMMENTARY, Prentice Hall Inc., New Jersey, 1990. tr. 186-200.
12. Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1999.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Nguồn: emty