Trong cuộc sống, ta thường nghe nói đến những hi sinh, như hi sinh tiền của để làm việc từ thiện, bác ái, giúp đỡ người nghèo khó; cha mẹ hi sinh làm việc vất vả cho con cái ăn học thành người; các chiến sĩ hi sinh để tổ quốc được trường tồn; hy sinh hãm mình; các Thánh Tử đạo đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin, chân lý…
Có nhiều động lực khác nhau tạo ra những hi sinh trong cuộc sống này…
Ta cùng tìm hiểu một số động lực tạo ra sự hi sinh cao đẹp:
Động lực hy sinh vì con cái, vì đồng loại; vì lý tưởng bảo vệ tổ quốc.
Ta cùng theo dõi một định nghĩa về hi sinh trong tự điển Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam: “1. Hi sinh là nhận về phần mình một cách tự nguyện sự mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp. Hi sinh xương máu để dành độc lập. Chịu đựng mọi hi sinh.2. Chết vì nghĩa vụ, lí tưởng cao đẹp. Tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh…”
Hi sinh là nhận về phần mình một cách tự nguyên sự mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp.
Trong lãnh vực hi sinh này, nói chung là hi sinh cho tha nhân,cho tổ quốc, người ta thấy thể hiện nhiều nơi từng cá nhân,các chiến sĩ, đặc biệt nơi các bà mẹ trên khắp thế giới,trong những truyện thật đời thường, qua các phương tiện thông tin, hoặc được các nhà thơ, nhà văn tiêu biểu hóa vào các trang thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết… còn lưu lại đến hôm nay, và mai sau cho hậu thế…
Xin được đan cử một số trường hợp sau đây:
Nạn đói 1945 ở Việt Nam.
Người ta đã nói nhiều đến nạn đói năm 1945 của Việt Nam, chết cả hai triệu người vì thiếu hạt gạo, thiếu củ khoai, củ săn… Có biết bao đứa trẻ được cứu sống khi đang ngậm vú mẹ, hoặc mút những giọt máu cuối cùng của mẹ, khi bà mẹ đã chết…
“Thảm thay em nhỏ mới sanh
Nào cháu có biết mẹ mình chết đâu!
Lệ nhòa chan chứa đêm thâu
Ngậm vú mẹ chết, gục đầu một bên” (ĐPL)
Trận động đất ở Armeni thuộc Liên Bang Xô Viết.
Gần đây hơn, vào tháng 12 năm 1988 một trận động đất cường độ lên đến 6,8 độ Richter,đã xẩy ra tại Armeni thuộc Liên Bang Xô Viết, cướp đi sinh mạng của 25.000 người. Sau trận động đất nhiều ngày, người ta cứu được bà mẹ Petrosyan với hai đầu ngón tay bị xẻ nát, cùng đứa con 4 tuổi. Bà kể lại: lương thực do bà cựa quạy vớ được trong bóng tối, giữa đám gạch đổ nát là hũ mất chỉ còn một chút, rồi cũng hết… Người con của bà nhiều lần kêu lên: mẹ ơi con khát! con khát lắm! Bà đã rờ rẫm được mảnh kính vỡ, và rạch đầu ngón tay mình cho con mút…Lấy mấu mình nuôi con.
Sự hi sinh của các chiến sĩ để bảo vệ tổ quốc
Người ta còn thấy sự hy sinh đó đã thể hiện nơi hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ trong mỗi quốc gia để bảo vệ cho nền độc lập của đất nước mình; bảo vệ tự do, nhân quyền của dân tộc và nhân loại. Lịch sử của nhân loại và của mỗi dân tộc bao ngàn năm đã chứng minh nét cao cả, hào hùng trong những sự hy sinh vì tổ quốc, vì quyền sống của con người…
Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh vì chữ hiếu hi sinh mối tình của mình
Trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du (1766-1820) thì chính nàng Kiều đã tự nguyện hy sinh mối tình đầu đầy mộng mơ với chàng thư sinh Kim Trọng để “bán mình chuộc cha”:
“Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình:
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”
Và Kiều đã ngậm ngùi thốt lên
“Đau lòng từ biệt sinh ly
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên”
Rồi Kiều phải cậy nhờ Thúy Vân, em ruột mình thay Kiều nối tiếp mối duyên với Kim Trọng:
“Cậy em , em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em…
Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc, chắc lòng chẳng quên!”
(Kiều, Nguyễn Du)
Chị Lạc trong truyện ngắn Anh Phải Sống của Khái Hưng hi sinh chết để các con được sống
Truyện ngắn “Anh Phải Sống” của nhà văn Khái Hưng, trong Tự Lực Văn Đàn của Việt Nam (1932-1942), ta được chứng kiến cảnh hy sinh đến não lòng của chị Lạc vợ anh phó Thức, khi chị Lạc nghĩ đến những đứa con nheo nhọc ở nhà, rồi đây ai sẽ nuôi chúng! Lạc đã âm thầm buông tay, không bám vào vai chồng, để lặng lẽ chìm sâu xuống lòng sông Nhị Hà vào một chiều mưa gió, để chồng đủ sức bơi vào bờ…
“Bỗng lạc run run khẽ nói: “Thằng Bò! Cái Nhớn!, Cái Bé! Không! Anh Phải Sống! Thức bổng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ” (Trích trong truyện ngắn Anh Phải Sống của Khái Hưng)
Những mãu chuyện nêu trên, cho ta thấy động lực Mẹ đã hi sinh là vì sự sống của con cái…
Động lực hy sinh vì đức tin, vì chân lý thể hiện nơi các Thánh tử vì đạo.
Trước tiên ta cùng tìm hiểu đức tin là gì? Theo tự điển Công Giáo của HĐGMVN thì:
“Đức tin là ơn Thiên Chúa ban để tín hữu tự do gắn bó trọn vẹn với Thiên Chúa, đón nhận những chân lý mặc khải trong Đức Giêsu Kitô. Đây là một trong ba nhân đúc đối thần (x. DV5)
Đức tin của tín hữu bắt nguồn từ đức tin của Hội Thánh. Đức tin này có trước, sinh ra, nuôi dưỡng đức tin của tín hữu, và đã được công bố trong kinh Tin Kính”.
Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội Công Giáo, từ khi Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh nơi trần thế, với người đứng đầu là Thánh Phêrô đến nay, đã có hàng vạn Kitô hữu khắp nơi trên thế giới đã sẵn sàng chịu tử vì đạo với muôn vàn hình phạt độc ác, tàn bạo và dã man, để bảo về đức tin, bảo về chân lý…
Trong 12 vị Tông đồ theo Chúa thì có tới 10 vị hi sinh chịu tử vì đao, chỉ có thánh Gioan chết lúc tuổi già, và ông Giuda treo cổ chết…
Tính riêng ở Việt Nam, một đất nước mà đạo Công Giáo mới được đón nhận vào năm 1533 thì đã có khoảng 300.000 Kitô hữu đã sẵn sàng chịu tử vì đạo, trong đó đã có 117 vị được phong Thánh.
Đây quả là những gương hi sinh cao cả đã sãn sàng bỏ mạng sống của mình để bảo vệ đức tin, bảo vệ chân lý. Gương hi sinh đó còn sáng ngời đến mãi muôn đời sau; đạo Chúa ngày một lan rộng… đúng như nhà văn Tertullianô đã nói:
“Máu các vị tử đạo là hạt giống sinh nhiều giáo hữu”
Hi sinh, tử đạo hàng ngày
Ngày nay, việc tử đạo có thể diễn ra hàng ngày trong đời sống mỗi Kitô hữu, như phải hi sinh quyền lợi vật chất, tiền bạc, bổng lộc, danh vọng, lạc thú để chấp nhận một cuộc sống bình thường khó nghèo, nhưng yên lòng, bình an tâm hồn, đức tin không bị sứt mẻ…
Tôi nhớ mãi một câu truyện thật ý nghĩa, gây ấn tượng do Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục giáo phận Bắc Ninh kể cho anh chị em thuộc nhóm trợ tá từ Miền Nam ra giúp giáo phận Bắc Ninh mở Khóa Ba Ngày thuộc Phong trào Cursillo.
Chuyện ba cây cung
Ngài kể: “một buổi sáng đẹp trời, ông chủ muốn vào rừng săn bắn. Trước khi đi, ông đến khu vực chứa cung tên, rồi ngắm nghía mãi những cây cung, sau một lúc chọn lựa, ông cầm cây cung nhỏ xinh sắn, ông trương cung lên, thì cây cung nhỏ thở than: ông ơi! Thân con nhỏ bé, ông trương nhẹ nhẹ thôi nhé, không con lại đứt mất ông ạ! Ông chủ lặng lẽ bỏ cây cung xuống vị trí ban đầu…
Ông lại ngắm nghía, hồi lâu, có vẻ ưng ý, cây cung cònmới này, ông cầm lên, sau một vài động tác chuyên nghiệp của người thợ săn, ông lại trương cung lên. Cây cung tỏ ra đau đớn than vãn: ông ơi! Con mới được làm, còn non trẻ, xin ông nương nương cho con với, không có lại gẫy nát mất ông ạ! Ông chủ lại lặng lẽ bỏ cây cung xuống!
Ông chủ có vẻ trầm ngâm, đi đi lại lại, sau cùng ông cũng cầm cây cung thứ ba lên, với vẻ ưng ý, dù cây cung này xem ra đã cũ rồi. Sau một vài động tác chuyên nghiệp, ông lại trương cung lên và không quên liếc nhìn phản ứng của cây cung. Khác với hai cây cung trước, cây cung thứ ba mỉn cười thưa với ông chủ. Thưa ông, phận con do ông làm ra, ông muôn sử dụng thế nào tùy ý ông, miễn sao vừa ý ông. Ông chủ mỉn cười và mang cây cung đó vào rừng…”
Tôi ngẫm nghĩ mãi trong nhiều năm tháng: Thân xác, và trí tuệ của tôi là do Thiên Chúa ban tặng, tôi có bổn phận phải nuôi dưỡng thân xác và trau dồi trí tuệ. Sống đức tin, tôi phải hi sinh, phó thác đời tôi trong tay Chúa! Như lời nói của chiếc cung thứ 3…
Phần kết
Tôi xin muộn câu chuyện của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam để kết thúc bài viết này:
Câu truyện ba người đầy xe hồ.
Trong một lần nói chuyện với anh chị em tham dự Đại Hội Ultreya tại giáo phận Xuân Lộc, Đức cha đã kể một câu chuyện:
“Một người ăn mặc chỉnh tề đến một công trường đang hoạt động. Ông ta hỏi một người, mồ hôi ướt đẫm áo đang đẩy một xe hồ: “chú ơi! Chú đang làm gì thế?”. Người đẩy xe hồ tỏ vẻ bực tức, rồi trả lời: “Ông không thấy tôi làm vất vả đây à, còn hỏi gì?”. Người mặc quần áo chỉnh tề cám ơn rồi bỏ đi.
Người ăn mặc chỉnh tề lại đến một nơi đang xây dựng, và cũng hỏi một người thợ đang kéo một xe hồ câu hỏi như trên. Người kéo xe cho xe ngừng lại và vui vẻ trả lời: “chúng tôi đang góp phân xây dựng công trình phúc lợi cho xã hội”. Rồi người ăn mặc chỉnh tề cám ơn, ông đến một nơi đang xây dựng công trình của tôn giáo, và cũng hỏi một người đẩy xe hồ câu tương tự như hai người trên. Người đẩy xe, không những vui vẻ trả lời, mà còn giải thích nhiều điều về công trình đang xây dựng.
Qua câu chuyện Ngài kể, tôi suy nghĩ: Sống đức tin giữa cuộc đời là biết tìm được niềm vui trong mọi công việc, mà mình đảm nhân, dù công việc đó có khó khăn, cực nhọc, ta sẽ tìm được sự bình an và hạnh phúc ngay ở đời này!
Động lực chính cho những hi sinh của người Công Giáo là biết sống tin tưởng, cậy trông phó thác, và yêu mến, dù ta đang sống trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào,thì hạnh phúc biết bao!
Người Công Giáo mãi mãi tôn kính sự Hi sinh vĩ đại, cao cả của Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chịu chết, và đã sống lại để cứu chuộc cho muôn dân.
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh