Cách đây vài tuần có đọc được trên mạng một lá thư của một người học trò gửi cho Thầy của mình…Câu chuyện trong lá thư…có vẻ “khó tin”…vì nó quá đẹp…Thế nhưng chính cái đẹp này lại là điều cần nói đến nên – dù là thật hay không thật – thì cũng không là vấn đề, miễn là cái đẹp được trân trọng và đáng để chúng ta suy gẫm…Câu chuyện đẹp ấy như thế này :
Chú xe ôm dừng xe trước cổng cho cô sinh viên xuống. Bất ngờ cô đưa cho chú gói quà và nói:
Chú về nhà rồi mở ra xem nhé. Bắt đầu từ ngày mai cháu không đi học nữa. Hôm nay cháu đã tốt nghiệp rồi. Cám ơn chú nhiều…
Chú xe ôm về nhà, cất xe, vào phòng mở gói quà ra, ngoài bộ quần áo còn có cả một số tiền lớn, và một bức thư như sau:
Thưa Thầy, em là Tuyết Lan, học toán với Thầy năm lớp sáu ở trường Nguyễn Trãi…Lên lớp 9 thì em nghe tin Thầy bị giảm biên chế, đồng thời Thầy cũng bị đau giây thanh quản nên khó nói. Từ đó, Thầy đi lái xe ôm kiếm sống, lúc nào cũng đeo khầu trang kín mít để đừng có học trò nào nhận ra. Nhưng em đã nhận ra Thầy khi Thầy ngồi đón khách ở ngã tư Bình Hưng. Từ đó, em không tự đạp xe đi học nữa mà đặt “mối” Thầy chở em đi học suốt hết lớp 9, hết phổ thông, và lên đại học…
Sáng nào đi học, em cũng lấy theo ba phần ăn: một cho em đến lớp ngồi ăn, hai biếu Thầy một phần, và ba là biếu bà bán vé số ở góc đường Nguyễn Du…
Ngày nào em cũng mua cho bà mấy tờ vé số, rất mong trúng số, nhưng chẳng hy vọng lắm…
Bố mẹ em hay thắc mắc về hành vi của em, nhưng vì cưng em…nên bố mẹ cũng chiều ý em…
Em phát hiện Thầy rất yêu nghề dạy học. Dù không đến lớp nữa, nhưng Thầy đã lập một trang web dạy kèm cho tất cả những ai bị yếu toán. Thầy đã dạy dỗ tận tình, giúp nhiều bạn lấy lại căn bản toán bị mất, để các bạn có nền tảng học tiếp. Thầy cứ tập trung hướng dẫn biết bao học sinh trung học cơ sở trở nên vững về toán…
Thì ra ban ngày Thầy chạy xe ôm, ban đêm Thầy lên internet để dạy học miễn phí. Em nhận ra Thầy vì cách nói quen thuộc của Thầy: “Học như các em thì còn lâu mời thành bác sĩ !”. Lên mạng rồi mà Thầy vẫn nói bông đùa như thế. Thầy vẫn hay nói vào cuối các buổi học là các em gắng học để sau này phụng sự cho đời. Bây giờ lên mạng, Thầy vẫn nói câu đó. Trong cuộc đời thực, Thầy là chú xe ôm đen đúa vất vả, nhưng trên mạng, Thầy vẫn còn uy phong của một thầy giáo tận tụy, hiền lành, thông minh…
Hình như trời không phụ lòng người, Thầy không biết là em mua mãi rồi cũng trúng số độc đắc, lúc đó em đang học năm thứ III. Em lĩnh tiền rồi đưa hết vào gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Em kiên nhẫn chờ đến hôm nay…
Hôm nay em đã tốt nghiệp nên sẽ không còn đi xe ôm nữa mà sẽ tự lái xe máy đi làm. Em biếu Thầy toàn bộ số tiền trúng số độc đắc của em như chút tấm lòng của người học trò ngày xưa, mà sự thành công của em hôm nay đã có bàn tay, tấm lòng của Thầy trong đó…
Bụi phấn rơi cho lòng ai mở lối
Làm nhịp cầu thủa trước nối thủa sau
Bài chưa xong ngồi cặm cụi đêm thâu
Ơn người dạy, bạc mái đầu khó trả. (sưu tầm)…
Còn ở trong cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” của tác giả Edmondo De Amicis, cậu bé Enrico cũng có dịp về thăm lại Thầy giáo cũ của cha mình…Người viết xin được ghi lại tâm tình Thầy/Trò ở giây phút cuối ngày thăm viếng đầy ơn nghĩa ấy:
Hơn hai giờ chiều một chút, chúng tôi rời khỏi quán (nơi hai cha con đãi Thầy cũ một bữa trưa – nv). Thầy Crosetti muốn đưa chúng tôi ra ga. Bố tôi lại chìa tay ra cho Thầy vịn vào, còn tôi cầm ba-toong cho Thầy. Người qua đường đứng lại nhìn, vì tất cả đều biết Thầy, một vài người lên tiếng chào. Tới một quãng giữa phố, từ một cánh cửa sổ để ngỏ vọng ra tiếng trẻ con đọc bài. Thầy dừng lại, trông có vẻ đượm buồn. Thầy nói:
-Trò Bottini, cảnh này khiến ta đau lòng lắm, khi ta nghe tiếng trẻ nhỏ đọc bài trên lớp mà ta lại không có mặt ở đó, khi nghĩ rằng có người khác đang dạy dỗ chúng thay chỗ ta. Ta đã nghe tiếng nhạc này suốt sáu mươi năm, và ta yêu mến cái âm thánh đó. Bây giờ ta bị tách ra khỏi cái gia đình ấy rồi, vậy là ta không còn con cái gì nữa.
-Không đâu, thưa Thầy – Bố tôi trả lời – Thầy vẫn còn có rất nhiều người con ở khắp nơi trên thế giới, họ vẫn nhớ về Thầy, như con luôn nhớ về Thầy.
-Không, không – Thầy buồn bã trả lời – Ta không còn lớp nào để dạy, ta không còn đứa con nào nữa. Không có con cái, ta không còn sống được bao lâu nữa. Mạng sống của ta giờ tính từng ngày.
-Xin Thày đừng nói thế, đừng nghĩ về chuyện đó nữa. Thầy đã làm được rất nhiều việc tốt, bằng rất nhiều cách khác nhau. Thầy đã sử dụng cuộc đời của mình một cách cao quý !
Thầy Crosetti đưa mái đầu bạc trắng của mình vào vai bố tôi một lúc, tay Thầy nắm chặt tay tôi.
Chúng tôi ra ga. Tàu chuẩn bị chạy. Bố tôi hôn hai má Thầy và nói:
-Tạm biệt Thầy!
-Tạm biệt trò! Cám ơn con! Tạm biệt. – Thầy nói, hai tay run rẩy cầm lất tay bố tôi đặt lên lồng ngực.
Tới lượt tôi hôn Thầy, tôi thấy mặt Thầy đã đầm nước mắt. Bố đưa tôi vào khoang tàu, và trước khi tàu lăn bánh, bố nhanh nhẹn gỡ cây ba- toong cũ kỹ trong tay Thầy ra, thay vào đó là cây ba- toong chắc chắn và đẹp đẽ của ông, cây ba- toong có cán bằng bạc bên trên có khắc chữ cái đầu tên bố. Bố nói:
-Thầy hãy giữ nó làm kỷ niệm nhé.
Thầy cố gắng đưa trả nó và lấy lại chiếc gậy cũ, nhưng bố tôi đã ở trong tàu và đóng cửa lại. Tàu chuyển bánh.
-Tạm biệt Thầy, thầy giáo kính yêu của con !
-Tạm biệt con trai của ta. Xin Chúa phù hộ vì con đã tới đây an ủi tuổi già cô quạnh này.
-Hẹn gặp lại Thầy ! – Bố tôinói to, giọng đầy xúc động.
Thầy giáo lắc đầu như muốn nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa”. Nhưng bố tôi đinh ninh nhắc lại:
-Có, có chứ. Chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Thầy trả lời bằng cách giơ bàn tay run rẩy lên trời như muốn nói: “Chúng ta sẽ gặp nhau trên đó!”
Tàu đưa chúng tôi đi xa dần, trên sân ga vẫn còn thấy Thầy đứng đó với bàn tay giơ cao.
Thời gian này trên Truyền Hình – ở phần Tin Tức – lại thấy có mấy câu chuyện buồn về người thầy giáo…và điều tệ hại hơn là những chuyện ấy cứ được nhắc đi nhắc lại ít ra cũng vài ba buổi Thời Sự như vậy…Dĩ nhiên những chuyện được nhai đi nhai lại ấy của một số ít – rất ít – những trường hợp… chẳng ăn nhập gì đến đại đa số những người thầy tận tâm tận lực hằng ngày cho sự nghiệp “trăm năm trồng người” của mình…Nhưng dù sao cũng để lại chút gì đó chua xót…Nhất là khi phụ huynh đã khá quen với những gì trên mạng…nên cũng dễ để có những phản ứng…rất ư là “mạng xã hội !”…Thực tế là không ít những người thầy – để được đứng trên bục giảng – cũng đã phải trải qua không biết bao nhiêu là thử thách…Ngoài những năm tháng đi qua các chặng đường của ngành học, còn phải chạy đôn chạy đáo hết phòng nọ, cơ quan kia…để có thể được tuyển dụng…Về đến ngôi trường mình phục vụ…thì bên trên, bên dưới, cạnh phải, cạnh trái…đủ thứ áp lực…Lương công nhân viên chức lại quá bọt bèo…Cách đây một thời gian có tình trạng cắt hợp đồng với một số giáo viên ở một vài tỉnh thành…và trên Truyền Hình, người xem cũng thấy chua xót khi nhìn thấy những khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt…với một nỗi lo rất thật: Đóng góp công sức suốt thời tuổi trẻ, và đến khi đã lớn tuổi thì mất việc, họ không còn có thể tìm được công việc ở bât cứ đâu…
Theo dõi chương trình “Cặp Lá Yêu Thương” và người viết thấy là mỗi khi được hỏi: Lớn lên con muốn làm gì ? Thì hầu hết các em đều trả lời : Ước mong là thầy, cô giáo hay làm bác sĩ…Nghĩa là trong đầu óc các em: Thầy, cô giáo và bác sĩ…vẫn là những con người tốt, có điều kiện để làm ích cho con người, cho xã hội…
Cách đây bốn chục năm hơn – ở cái thời tem phiếu – khi mà khẩu phần lương thực hằng tháng của giáo viên là 15 kg bao gồm 8 kg gạo và 7 kg mầu với những lát sắn hay khoai khô nhiều bụi bặm, vài ba anh chị bạn giáo viên trong khu vực đến gặp và ngỏ ý xin ý kiến về việc nghỉ dạy, người viết đã động viên họ: Ráng lên, bục giảng là của các bạn…và học trò là sự nghiệp…Bỏ dạy, các bạn để lớp trẻ lại cho ai ? Và lớp trẻ ấy – trong hôm nay – đã có rất nhiều bạn thành công cũng như thành danh…
Ngòi bút liên lỉ đấu tranh cho những người phải bám trên mảnh đất của mình để sinh tồn, John Steibeck (1902-1968) đã có chia sẻ : Một thầy giáo tuyệt vời cũng là một nghệ sĩ tuyệt vời và trên thế giới chỉ có số ít những người như vậy. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần.
Còn Jacques Bazun lại có một trải nghiệm : Với nghề dạy học không thể nhìn thấy kết quả của một ngày làm việc. Kết quả ấy vô hình và có lẽ vẫn còn đó đến 20 năm sau.
Và Sidney Hook thì tôn vinh: Bất cứ ai khi nhớ đến thời đi học đều nhớ đến thầy,cô giáo chứ không phải là các phương pháp hay kỹ thuật giảng dạy. Thầy cô chính là trái tim của hệ thống giáo dục.
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp.