“Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay viết, “Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria… Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh… Những người bị phân tán đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi bối cảnh này là “Cơn gió bách hại”. Cơn gió này đã đưa các tông đồ và các Kitô hữu ra khỏi Giêrusalem để đi tới các vùng khác của Giuđêa và Samaria.
Nếu phấn hương và các mầm giống được gió đưa đi tứ tán và gieo trồng khắp nơi thế nào, thì các môn đệ của Đấng Phục Sinh cũng được đưa đến mọi nơi như vậy. Họ mang theo hạt giống Lời Chúa, để gieo, để vãi cho các mảnh đất tâm hồn khắp thế giới. Từ trong cơn gió bách hại, các tín hữu ra đi và đó là cách thức đầu tiên mà Thánh Thần Đấng Phục Sinh chỉ dạy Hội Thánh sơ khai truyền giáo. Đây là cách Thiên Chúa truyền giáo và đây cũng là cách Thiên Chúa muốn chúng ta truyền giáo.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, nhưng là hiện diện và sống chân thật dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần là Đấng chỉ ra những cách thế huyền nhiệm, đưa ra những nơi chốn chúng ta phải đến, chỉ rõ những con người chúng ta phải gặp để công bố danh Chúa Giêsu.
Anh Chị em,
Sau biến cố Tháng Tư Đen 1975, hơn 4 triệu người Việt định cư tại 103 quốc gia. Đông nhất là Hoa Kỳ; thứ hai, Cambodia; thứ ba, Pháp. Riêng Mỹ, 2 triệu; đông nhất tại California, Texas, Washington và Florida. Những người công giáo Việt Nam, đặc biệt ở Mỹ, đã làm nên những cộng đồng, giáo xứ sầm uất, nề nếp. Tuy ở đất khách quê người nhưng không ít cộng đoàn vẫn duy trì lòng đạo đức truyền thống cùng những nét văn hoá đậm sắc dân tộc.
Riêng anh em Tiểu Chủng Viện chúng tôi, sau những ngày dài nhất đó, Giáo Phận cũng gắng gượng cầm cự được bốn năm. Dù chỉ trên 60 người, nhưng rất thiếu thốn. Mãi cho đến cuối năm 1979, người ta ném súng ống vào tường thành, chính mắt tôi nhìn thấy và với lý do tàng trữ vũ khí, họ ập vào, đuổi chúng tôi ra khỏi mái trường thân yêu. Họ đã lấy nhà của chúng tôi một cách tức tưởi như thế đó. Tiểu Chủng Viện là một cơ sở giữa lòng thành phố, giá đất mỗi mét vuông hiện hành được tính bằng kim cương. Như chim vỡ tổ, cha con chúng tôi tan tác mỗi người một nơi; chúng tôi về với gia đình, với giáo xứ. Ấy thế, việc Chúa nhiệm mầu, giờ đây các cựu chủng sinh nay là ông ngoại, ông nội, là rường cột trong các Hội Đồng Giáo Xứ. Và tính từ 1971, lớp chúng tôi có 103 chủng sinh thì có 9 anh em làm Linh mục, trong đó 3 anh ở ngoại quốc; 4 xuống miền Nam; 2 ở lại Huế, một trong hai đang là Giám Đốc Đại Chủng Viện và tôi, Cha xứ nhà quê. Nhìn lại 17 năm lang thang, anh thì đạp xích lô, anh thì đi cày, anh thì chạy máy gạo, anh thì làm mì sợi… tôi thấy mọi sự không ngoài ý Chúa.
Phần tôi, 17 năm, lái xe cày, chạy máy gạo, thợ máy; dạy giáo lý, tập hát từ giáo xứ này qua giáo xứ khác; rồi đi Đại Học, ra trường, vào Đại Chủng Viện… làm Linh mục, dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, dạy nhạc… Tôi may mắn được tiếp xúc với mọi hạng người… từ nông dân cho đến trí thức. Đặc biệt giới sinh viên lương giáo mà cho đến nay, tôi vui mừng, một niềm vui bên trong khi thấy hàng trăm sinh viên lương giáo nay thành đạt; cách riêng các bạn lương dân, họ có một cảm tình sâu sắc về đạo công giáo. Việc rất nhiều học trò cũ của tôi khoe, “Con lấy chồng đạo”, hoặc “Vợ con công giáo”… cho thấy một cái gì đó toàn là ơn Chúa. Viết đến đây, tôi hết lòng biết ơn cha mẹ và gia đình; đặc biệt các Cha xứ… mà không có họ, chắc chắn Giáo Phận Huế không có một Linh mục đang ngồi viết bài cho Quý Anh Chị đây.
Chúng ta có thể cầu nguyện, “Lạy Chúa, mỏng manh như sợi bồ công anh, Chúa thổi con trong gió; con nên hùng dũng như lính chiến… xin cho con biết sống như Chúa chờ”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)