Giáo lý Công giáo dạy: Chúa Giê Su có hai bản tính, Bản Tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Giáo lý dạy như vậy nhưng trên phương diện thần học thì đã nảy sinh những thắc mắc không thể giải gỡ. Nhân lễ Thăng Thiên vừa rồi, cha An Tôn Đinh Minh Tiên, dòng Đa Minh Việt Nam có bài suy niệm đăng trên trang mạng TTHV Đa Minh, trong đó có đoạn: “ Trong ngày lên trời, Chúa Giê Su chính thức từ bỏ thân xác con người ( nhân tính ) để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nói cách khác Chúa Giê Su giũ bỏ nhân tính để chỉ còn lại thiên tính. Nhưng Chúa Giê Su phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời”.
Về việc Chúa Giê Su lên trời giũ bỏ nhân tính để chỉ còn thiên tính. Có người nêu thắc mắc: “ Thiển nghĩ đây là điều mới mẻ đối với vốn giáo lý khiêm nhường của chúng tôi và của đại đa số tín hữu Công giáo Việt Nam. Quả tình chúng tôi chưa bao giờ được nghe dạy như thế. Chỉ được dạy: Chúa Giê Su là Thiên Chúa Nhập Thể và cứ như thế mãi mãi nghĩa là Người là người thực sự chứ không khoác nhân tính như người ta khoác một chiếc áo để có thể giũ bỏ dễ dàng. Đã đành thân xác của Người đã biến đổi với biến cố Phục Sinh. Không còn lệ thuộc không gian và thời gian nữa nhưng vẫn có thể “ ăn, uống” bên bờ hồ Galile với các Tông Đồ một cách rất người chứ không phải ma. Người đã về trời với thân xác ấy” ( Nguồn Vietcatholic. News – 03/6/2019 – Vũ Văn An – Góp ý với cha An Tôn Đinh Minh Tiên về việc Chúa Giê Su giũ bỏ nhân tính để chỉ còn nhân tính ).
Cho rằng Chúa Giê Su về trời cùng với thân xác …biết ăn, biết uống ấy để rồi đưa đến kết luận Ngài không bao giờ rời bỏ nhân tính. Vậy thử hỏi, nhân tính là gì ? Có phải chăng nhân tính là thân xác hay thân xác là nhân tính ?
Nhân tính chẳng qua đó là …cái tính của con người. Vậy tính của con người là gì ? Câu hỏi tuy đơn giản nhưng đó là đề tài hết sức rộng lớn và cũng là mối quan tâm đặc biệt của mọi nền triết học Đông, Tây kim cổ.
Nói “ Bản Tính” tức cái Tính vốn sẵn có ( Bản, Gốc ) ở nơi con người. Cái…sẵn có ấy còn được gọi là Bản Thể ( Substance ) hay Yếu Tính ( Essentiel ) tùy từng quan điểm.
Trong triết học cổ đại Hy Lạp, mỗi trường phái lại có cho mình một định nghĩa khác nhau về Bản Thể. Thales ( phỏng 624 – 546 ) cho nguyên chất sơ bản của vũ trụ là…Nước. Còn Anaximendre ( 610 – 545 ) và Phytagore ( 570 – 486 ) đồng quan điểm cho nguyên lý sơ bản ấy là Bất Định. Heraclite ( 544 – 424 ) cho là Lửa hoặc Logos tức Lý Tính Đại Đồng v.v..,
Theo triết cổ đại Hy Lạp thì cái gốc của vũ trụ vạn vật là do các nguyên lý sơ bản ấy quyết định. Còn triết học về sau đã có cái nhìn sâu hơn về Tính tức Bản Tính ở nơi con người.
Toàn bộ triết học Đông phương đều có bàn về Bản Tính con người. Đức Khổng Tử cho Thiên Mệnh là Tính “ Thiên mệnh chi vị Tính. Suất Tính chi vị đạo. Tu đạo chi vị giáo. Đạo dã giã, bất khả tu du ly dã. Khả ly, phi đạo dã” ( Mệnh trời gọi là Tính. Phát triển thuận theo Tính gọi là đạo. Tu dưỡng theo đạo gọi là giáo. Cái đạo ấy không thể xa rời dù chỉ trong chốc lát. Nếu có thể xa rời được thì đó không phải là đạo – Sách Trung Dung – Thiên 11 ).
Nếu Tính là cái trời phú cho thì ắt phải là thiện. Nhưng Tuân Tử, một Nho gia cự phách lại nói Bản Tính con người là ác “ Nhân chi tính ác. Kỳ thiện giả ngụy giã” ( Tính của người là ác. Những điều thiện là do người đặt ra – Thiên Tính Ác ).
Nói Tính thiện hay Tính ác, đó là nói về tính hậu thiên khi con người sinh ra đã chịu tác động của ngoại cảnh. Ngoài cái tính hậu thiên đó ra còn có tính tiên thiên đã sẵn có của con người ngay từ khi chưa sinh ra.
Về cái Tính Tiên Thiên hay còn gọi là Bản Tính sẵn có này thì có nhiều trường phái triết học phủ nhận cho rằng nó không hề có. Triết Duy Vật vì cho là vật chất quyết định ý thức bởi vậy không đặt vấn đề …Tính. Đối với triết Hiện Sinh vô thần cũng vậy, cả F. Nietzche ( 1844 – 1900 ) và J.P. Sartre ( 1905 – 1980 ) đều phủ nhận Bản Tính hiểu như cái chi đó không thay đổi. Nit cho rằng: Người là con vật mà Tính của nó chưa định. Sartre nói: Con người chỉ là một dự phóng vô ích….
Phủ nhận không có Bản Tính tức đã đồng thời phủ nhận cái căn nguyên xuất phát của con người. Đang khi đó việc tìm biết ấy chính là một trong ba nan đề của triết học. Thật vậy có biết con người sinh bởi đâu thì mới biết nó sống trên đời đề làm gì ? Ngược lại thì không…
Nhận ra như vậy để cho thấy vấn đề cốt lõi của triết học xưa nay vẫn là làm sao để biết được Bản Tính con người là gì. Bởi vậy cái học rốt ráo của Nho giáo là Tận Kỳ Tính. Của Phật giáo là Giác Ngộ Bản Tâm và của minh triết Hy Lạp là Biết Mình “ Hãy tìm cho biết về chính mình mày” ( Connais Toi – Toi – Mêmes )
Mệnh lệnh của minh triết là như thế, nhưng rồi triết Hy Lạp thông qua Aristote, rút cục đã đưa ra một câu định nghĩa về Bản Tính vô cùng tai hại: “ Người là con vật có Lý Trí” ( L’ Animal raisonnable ).
Câu định nghĩa này cho thấy Lý Trí là Bản Tính của con người. Có điều nên biết, hễ nói tới Lý Trí thì nó chỉ có thể là Lý Trí phân biệt và theo triết học Kant đây chính là “ Cái Tôi Tưởng” ( Le Je Pence ) tức khả năng kết luận ( La raison est le pouvoir de conclure ).
Kết luận có nghĩa đi từ quan niệm này sang quan niệm khác mà không hề nhắm đến Thực Tại. Tôi tưởng, tôi cho, tôi nghĩ, tôi quan niệm rằng….Thiên Chúa mà tôi đã được học, được cho biết…phải là như thế chứ không thể khác …
Thần học từ bao lâu nay đã chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi câu định nghĩa “ Người là con vật có lý trí” để rồi đã chấp chặt vào một thứ Thiên Chúa của quan niệm chứ không phải Thực Tại như chính Ngài Là ( Ego sum qui sum – Xac 3, 14 ).
Chấp vào Thiên Chúa của quan niệm để rồi …gạt bỏ Thiên Chúa của Thực tại, Đấng mà lẽ ra cần hết lòng tìm kiếm “ Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi hết lòng tìm Ta” ( Gr 24, 13 ).
Có tìm mới gặp, không tìm thì không thể gặp. Điều tất nhiên ấy không thể không đưa đến triền miên các cơn khủng hoảng mà nguyên nhân gây ra cho nó cũng không ngoài một câu định nghĩa sai lầm. Heidegger, triết gia đương đại của TK 20 đã đưa ra lời bình phẩm: “ Nền móng câu định nghĩa đó là thú vật ( Zoologique ). Chính trong khung cảnh của câu định nghĩa trên mà đã kiến tạo nên quan niệm về con người của Âu tây, tất cả những gì là tâm lý, luân lý, tri thức luận, nhân bản. Đã từ lâu chúng ta bị xiêu bạt trong mớ lộn xộn những ý tưởng và khái niệm, ngôn từ trong các môn đó. Là vì cứ sự nó đã đặt nền trên một câu định nghĩa sa đọa” ( Kim Định – Nhân Bản )/
Câu định nghĩa sẽ quyết định đúng, sai cho vấn đề. Nếu câu định nghĩa “ Người là con vật có Lý Trí” đã đẩy thần học bước vào con đường Duy Lý khiến đưa đến các cơn khủng hoảng không thể tránh. Vậy thì đâu là câu định nghĩa xác đáng về Bản Tính ?
Ngay đoạn mở đầu Kinh Thánh về việc sáng tạo con người đã chép: Thiên Chúa phán: “ Chúng ta hãy tác tạo con người nên như hình ảnh Ta và theo tượng Ta” ( St 1, 26 ). Được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa. Điều ấy hiển nhiên mang ý nghĩa từ muôn thuở, con người đã mang phẩm vị Con Thiên Chúa.
Hết thảy chúng ta đều mang phẩm vị Con Thiên Chúa nhưng chỉ vì vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) mà đã không nhận biết Thiên Chúa ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn bày tỏ cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Chúa nói…Biết Cha thì cái biết ấy hoàn toàn không phải cái biết của tri thức phân biệt nhưng là Tình Yêu: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau vì sự yêu thương đến từ Thiên Chúa. Hễ ai yêu thương thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai chẳng có lòng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1Ga 4, 7 -8 ).
Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều ấy có nghĩa gì, nếu chẳng phải Thiên Chúa Tình Yêu ấy là Bản Thể ở nơi mỗi người và như thế chúng ta có thể xác định Tình Yêu chính là Bản Tính đã được Thiên Chúa…phú bẩm nơi mỗi người.
Bản Tính con người là Tình Yêu. Điều này cho thấy con người nói riêng và toàn thể sinh linh vạn vật nói chung đều có căn nguyên xuất phát bởi Tình Yêu. Từ cái căn nguyên Tình Yêu ấy xuất phát để rồi từ đó lại quay trở về “ Vạn vật tịnh tác. Ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân. Các phục quy kỳ căn” ( Vạn vật cùng đều sinh ra. Ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi ! Mọi vật trùng trùng đều trở về gốc của nó – Lão Tử ĐĐK chương 16 ).
Trở về chỉ có thể là trở về…gốc và cái gốc ấy chính là Bản Thể Tình Yêu vốn sẵn có ở nơi mỗi người. Bản Thể ấy có khi Đức Ki Tô gọi là Nước Trời có khi là Nhà Cha v.v…Dù với danh xưng nào thì đó cũng ám chỉ cho một Thực Tại vượt ngoài suy tư, lý luận của con người. Để có thể …đến được với Thực Tại ấy thì duy chỉ có một con đường đó là hết lòng tìm kiếm “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ).
Tìm kiếm đây không phải là tìm cái chi ở bên ngoài nhưng là trở về với Bản Tính đích thực ở nơi mình là Tình Yêu: “ Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha Ta. Các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Ai có các giới răn của Ta và giữ lấy. Ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 20 -21 )./.
Phùng Văn Hóa