Nhà thơ Hàn Mặc Tử – Nguyễn Trọng Trí đã từng có lời rao bán TRĂNG:
Trăng ! Trăng ! Là Trăng ! Trăng – Trăng !
Ai mua Trăng – tôi bán Trăng cho
Không bán đoàn viên , ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây, tôi thối chữ thơ…
Không ! Không ! Không ! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi , anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt…Là anh dại quá :
Trăng vàng , Trăng ngọc…bán sao đang !
Trăng ! Trăng ! Là Trăng ! Trăng – Trăng !
Trăng sáng , Trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu ngyện cho Trăng tôi…
Tôi lần cho Trăng một tràng chuỗi,
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời.
Trăng ! Trăng ! Trăng ! Là Trăng ! Trăng – Trăng !
Người viết rất thích thơ của Hàn Mặc Tử, nhưng lại không dám “bình” thơ của họ Hàn – đơn giản vì không ở trong “nỗi đau” của nhà thơ…Tuy nhiên qua những câu thơ trong bài “Trăng Vàng – Trăng Ngọc” này, người viết có cảm nhận là nhà thơ đã hình thành từng nhịp trong nỗi đau cùng cực khi căn bệnh ở trạng thái “trái gió trở trời”…và nhà thơ dốc từng hơi…để hát về TRĂNG…Bởi vì rao để bán Trăng – có lẽ là vầng trăng treo lửng lơ bầu trời – chứ còn “Trăng tôi”…thì tôi đâu có bán, bởi vì “Trăng tôi” là “Trăng vàng – Trăng ngọc” – “bán sao đang”…Chẳng những không bán mà còn cầu cho “Trăng tôi” với một tràng chuỗi” : ấy phải chăng là “hồn Trăng” – ấy phải chăng là “Trăng Trinh Nữ”…
Sở dĩ người viết nghĩ ngay đến chuyện về “TRĂNG” – đương nhiên không là những kiếm tìm khoa học nhằm khám phá TRĂNG như những cuộc chạy đua vào vũ trụ của các cường quốc – nhưng lại là TRĂNG của THƠ – của HỒN : vô cùng vô tận – hiển hiện và mông lung…
Có câu chuyện kể rằng : một vị thiền sư tu hành trong một ngôi chùa trên ngọn núi chót vót…Đêm kia, tản bộ trong rừng dưới ánh trăng dịu nhẹ và thanh thoát, ông đột nhiên “ngộ” ra một điều gì đó nên trong lòng thấy vô cùng sảng khoái…Lâng lâng niềm vui trong lòng, ông quay gót về chùa…và – vừa về đến cổng chùa – ông phát hiện một tay trộm đang mò mẫm tìm cách đột nhập vào chùa…
Loay hoay thật lâu, nhưng tay trộm không tìm được gì có giá để lấy…Anh ta quay lưng bước ra…thì đụng vị thiền sư…vẫn đứng chờ ngoài cửa vì sợ làm kinh động anh ta…Biết rất rõ là tay trộm sẽ hụt hẫng vì không có gì đề lấy…nên vị thiền sư đã cởi chiếc áo khoác trên người, cầm sẵn trên tay…
Tay trộm bước ra, giật mình thấy vị thiền sư đứng đó…Rất nhẹ nhàng, vị thiền sư nói với anh ta: “ Ngươi đã phải đi từ rất xa đến đây thăm ta…cho nên ta không thể để ngươi về tay không được…Đêm đang lạnh, ngươi hãy khoác chiếc áo này vào mà đi về…” Vị thiền sư choàng chiếc áo khoác của mình lên vai tay trộm…Hắn ngỡ ngàng và xấu hổ, vội cúi mặt bước nhanh
Nhìn bóng dáng của tay trộm lủi thủi dưới trăng, lòng rộn niềm cảm khái, vi thiền sư thờ dài: “Thật đáng thương ! Chỉ mong ta có thể tặng cho hắn một vầng trăng sáng !”…Và vị thiền sư tọa thiền với mảnh thân trần…
Sáng hôm sau, vừa bước ra cửa chùa, vị thiền sư thấy chiếc áo choàng của mình được xếp ngay ngắn, đặt chỉnh tề trên một phiến đá nhỏ ngay trước cửa…Bùi ngùi xúc động, vị thiền sư nhủ thầm : “ Cuối cùng, ta cũng tặng được cho hắn một vầng trăng sáng !”
Đấy ! đấy ! “Trăng vàng – Trăng ngọc…bán sao đang !”… Chỉ có thể tặng…và muốn tặng cũng phải “có lòng” để mà tặng…
Trước khi quyết định phẫu thuật thay khớp gối, người viết muốn có dăm ngày nghỉ trong chốn “cùng cốc” : Đan Viện Châu Sơn – Đơn Dương – để may ra có dịp ngắm mảnh trăng ngà vào một đêm nào đó, thế nhưng cả bốn ngày trời đều rả rích mưa…
Không có Trăng trên trời…và cũng vắng mảnh “Trăng vàng – Trăng ngọc”…vì tất cả các hồ cá đều đã được bán và sắp thu hoạch…
Đâu dễ gì được nếm niềm an lạc của cảnh “tựa gối ôm cần” ( Thu Điếu – Nguyễn Khuyến)…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp