Chuyện mỗi tuần – chuyện về hai chữ “ TƯ” và “ DỤC”

Triết gia thời nhà Minh Vương Dương Minh “luận” về hai chữ “tư” và “dục” : tư dục là dục vọng cá nhân – thứ dục vọng khiến con người bị tha hóa, biến chất, làm cho con người trở nên hằn học…để rồi môi trường sống cũng dần dà mất đi tính thuần khiết, tinh khôi…

Và ai đó đã ghi lại một mẩu chuyện…mà nội dung khá gần với sự kiện có thực trong đời danh họa Leonardo da Vinci…Mẩu chuyện ấy như thế này :

Có một họa sĩ nổi tiếng muốn vẽ Phật và Ma nhưng không thể tìm được người mẫu trong đời thực…Ông cũng không thể tưởng tượng ra được bộ dạng của các nhân vật muốn vẽ…nên khá căng thẳng…

Ngày nọ có dịp đi lễ chùa và gặp được một hòa thượng khiến ông thấy mình bị thu hút do khí chất toát ra từ vị hòa thượng ấy…Ông tìm đến vị hòa thượng xin ngài làm mẫu để ông vẽ Phật…Bức tranh của ông được nhiều người biết đến…Ông họa sĩ rất hài lòng : Đây là bức tranh vừa ý nhất mà tôi từng vẽ, bởi người làm mẫu cho tôi quả khiến người ta chỉ nhìn thôi cũng đủ để nhận định rằng ông chính là Phật…Khí chất an lành, thanh thoát nơi ông ấy làm mọi người cảm động…

Vị họa sĩ đã đưa rất nhiều tiền cho vị hòa thượng như đã hứa…

Một thời gian sau, ông đau đầu đi tìm người mẫu cho nhân vật “ngạ quỷ”…Lang thang khắp nơi và gặp rất nhiều khuôn mặt hung ác, nhưng không một ai vừa lòng ông…Thế rồi, cuối cùng, ông tìm được một người đang ngồi tù và rất vui vì khuôn mặt “quỷ” giữa đời thường…

Đối diện với vị họa sĩ, khuôn mặt “quỷ” khóc rống : Chính ông đã biến tôi từ Phật thành quỷ đấy…Với số tiền ông trao, tôi lang chạ những nơi ăn chơi ,trác táng…cho tới đồng bạc cuối cùng…Không còn tiền, tôi đành phải kiếm bằng mọi cách : trộm cắp, thậm chí giết người…

Còn nơi Leonardo da Vinci…thì là câu chuyện làm nên bức họa trứ danh mà ông phải mất bảy năm ròng rã để hoàn thành : bức “ Bữa Tiệc Ly – The Last Super” – bức tranh diễn tả Chúa Giê-su và mười hai Tông Đồ trong bữa ăn cuối cùng trước khi Chúa đi vào Cuộc Khổ Nạn để cứu chuộc…

Leonardo tìm người mẫu rất công phu…Giữa hàng ngàn thanh niên, ông chọn được một chàng trai có gương mặt thánh thiện, một tính cách thanh khiết tuyệt đối…và Da Vinci đã miệt mài suốt sáu tháng liền để hình ảnh Chúa Giê-su hiện ra trên bức vẽ qua khuôn mặt chàng thanh niên người mẫu…

Sáu năm tiếp theo, ông lần lượt vẽ xong 11 vị Tông Đồ…và chỉ còn lại khuôn mặt Giu-đa – người môn đệ bán Thầy với 30 đồng bạc…Điều Da Vinci muốn là một khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ tàn ác…Khuôn mặt đó toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đi người bạn thân thiết nhất của mình, người thầy kính yêu nhất của mình…Cuộc kiếm tìm gần như vô vọng…Bao nhiêu khuôn mặt xấu xa, độc ác được giới thiệu nhưng Da Vinci vẫn thấy là chưa đủ để biểu lộ cái ác của Giu-đa…Thế rồi Da Vinci được thông báo về một kẻ có ngoại hình có thể đáp ứng yêu cầu của ông…Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Roma…Hắn bị kết án tử hình vì giết người và nhiều tội ác tày trời khác…

Da Vinci đến Roma và vào trong ngục : trước mắt ông là một gã đàn ông da đen sạm với mái tóc dài bẩn thỉu xõa xuống gương mặt – một khuôn mặt xấu xa, hiểm ác, hiển hiện rõ tính cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hóa…Và Da Vinci gật gù : Đúng , đây là Giu-đa !

Được phép đặc biệt của nhà vua và với một toán lính canh, tên tử tù được đưa tới Milan – nơi bức tranh Bữa Tiệc Ly đang được vẽ dang dở…Mỗi ngày tên tử tù ngồi trước Da Vinci và người họa sĩ cần mẫn thể hiện khuôn mặt kẻ phản phúc ấy lên khuôn hình…

Sau một thời gian dài đằng đẵng, nét vẽ cuối cùng hoàn thành…và nhà danh họa buông cọ trong một nỗi mỏi mệt vô cùng, vì hằng ngày phải đối diện với cái xấu và tội ác…Ông ra lệnh cho lính gác : Đem hắn đi đi ! Thế nhưng tên tử tù nhào tới ôm chân ông : Ngài Da Vinci, ngài không nhận ra tôi sao ?

Thì ra hắn chính là anh chàng thanh niên mà cách đây bảy năm, Da Vinci đã chọn để làm mẫu vẽ Chúa Giê-su…Chỉ sau hơn 2000 ngày bì bõm trong “TƯ” và “DỤC”, khuôn mặt Chúa Giê-su nơi hắn đã biến thành khuôn mặt của Giu-đa…

Người viết không có ý kiến gì về hai mẩu chuyện trên đây, bởi điều người viết suy gẫm là cái sức tàn phá kinh khủng của “TƯ” và “DỤC” nơi một con người, một nhóm người…

Nhìn vào khuôn mặt xã hội con người hôm nay với cái nhìn của Da Vinci để hoàn thành bức tranh “Bữa Tiệc Ly” ngày nào, hẳn là những con người có tâm và muốn sống trong bầu khí thanh khiết của khuôn mặt Đấng Cứu Thế…sẽ còn vất vả hơn Da Vinci hay vị họa sĩ tìm vẽ khuôn mặt Đức Phật nhiều nhiều…Đơn giản vì khuôn mặt con người trong xã hội đã bị biến dạng do những thứ  “TƯ” và “DỤC” muôn hình vạn trạng…mà – điều tệ hại hơn cả – là con người không còn nữa khả năng phân định cũng như sự can đảm để có hướng cho từng ngày sống của mình…

Người viết vừa xem xong cảnh cuối của bộ phim “ Thiện – Ác – Tà – The Good – The Bad and The Ugly” của đạo diễn Sergio Leone được công chiếu vào năm 1966…Clint Eastwood nhận vai Thiện – Lee Van Cleff vai Ác và Ell Wallach vai Tà…Đây là một bộ phim ở dạng “cao-bồi” miền Viễn Tây và được xếp vào phim hay hạng thứ 9 / 250 phim…Cốt truyện dựa trên tương truyền về một kho báu được chôn ở một vùng đất hoang vu nọ…Ba con người ấy – Thiện – Ác – Tà – cùng nhau hợp tác để đi tìm kho báu…Cuối cùng thì cả ba đều có mặt ở nơi chốn chôn kho báu đó…Một trong ba ra sức đào…và khi quan tài được bật nắp…thì tất cả chỉ là một bộ xương trơ trụi…

Hoàn toàn không hề có ý tiêu cực, tuy nhiên hầu như ai ai cũng biết rằng “TƯ” và “DỤC” nơi mọi con người và trong mọi lãnh vực sẽ không có được những kết quả đẹp – nhất là nơi những con người mang nhiểu trọng trách với đồng loại hay đồng nghiệp của mình …

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts