Cá Nướng Trên Than Hồng

THẦY HIỆN TRÊN BÃI BIỂN…

Sau lần Chúa hiện ra bảo ông Tôma xỏ ngón tay vào cạnh sườn Ngài, các môn đệ đều vững tin Ngài sống lại, và nhớ lời Thiên thần dặn Ở Galilêa sẽ được gặp Ngài các ông đã bỏ Jêrusalem, trở về mạn bắc thuộc xứ Galilêa, ở thành Caphanaum bên bờ hồ Tibêrát, nơi có những gia đình thân mến và chất chứa những kỷ niệm êm đềm của các ông.

Một ngày kia, trời đẹp, bãi biển Caphanaum trải rộng dưới ánh vàng rực rỡ, từ dãy phố đồ sộ, giữa đám cây um tùm, tới làn nước biển trong xanh, lăn tăn những đợt sóng nhỏ như thi đua nhau với gió nhẹ, mơn trớn mấy con thuyền đánh cá cánh buồm nâu. Đôi lúc từng đàn chim bay về nhịp nhàng và phóng khoáng.

Ông Phêrô và mấy bạn (đó là các ông Tôma Đdimô, Nataniên, Giacôbê, Gioan và hai Tông đồ khác.) đứng ngắm cảnh một cách say sưa. Các ông mãi nhìn đàn chim bay trên không và những cánh buồm chậm rãi lướt trên mặt biển. Biển hồ coi bộ nhiều cá. Tiếng sóng nhỏ đều đều nghe êm ru và hứa hẹn. Một cơn gió nhẹ lướt qua, Ông Phêrô khoan khoái hít một hơi dài, rồi quay nhìn các bạn với giọng thân mật rủ rề:

-Tôi đi đánh cá….

Như cảm thông cùng một ước nguyện, mấy ông kia họa lại:

-Chúng tôi cũng cùng đi.

Các ông xuống thuyền.. Con thuyền ăn gió, chẳng mấy chốc đã ra xa. Các ông chọn một nơi có nhiều hy vọng và hăm hở thả lưới. Các ông có những cử chỉ của một người đang giầu tin tưởng và say sưa.

Đêm về. Khắp mặt hồ Tibêrát phẳng lặng dưới những tia sáng êm đềm mầu sữa của Hằng nga..Đêm về thật là lộng lẫy. Nhưng đối với các ông những phút cảm khoái đầu tiên đã biến mất. Đã biết bao lần hì hục kéo lưới, nhưng lưới vẫn trống rỗng, một con cá nhỏ cũng không ! Thế mà biển lại coi ra chiều lắm cá ! Giờ này qua giờ nọ, ánh trăng đã mờ dần, nhưng các ông chẳng bắt được gì. Đổi bao nhiêu chỗ thả lưới cũng thế, thâu đêm các ông chẳng được một con.

Tảng sáng, các ông vừa mệt vừa buồn, uể oải đưa thuyền vào bãi. Trên bãi, Chúa đã hiện ra đứng đợi. Ngài lên tiếng hỏi các ông:

-Có bắt được gì không ?

Nhưng không nhận biết là Ngài, các ông thưa cộc lốc:

-Chẳng được gì cả !

Không phật lòng, Chúa giả bộ như người sành nghệ, chỉ tay bảo các ông:

-Phải thả lưới bên kia, bên tay phải mới có cá chứ …

Quay nhìn về phía đó, các ông quả thấy mặt nước có bọt và tăm cá thực, các ông lại xở lưới ra và thả về phía bên tay Chúa đã chỉ.

Một lát sau, phao lưới nhúc nhích rồi lưới giật mạnh. Các ông mừng rỡ kéo lên thì lưới đã nặng, cá nhiều tới nỗi hầu không thể kéo lên được nữa.

Lúc đó nhớ lại mẻ lưới lạ năm xưa, ông Gioan biết ngay người đứng trên bãi chính là Chúa, ông ghé tai khẽ bảo ông Phêrô:

-Thầy đó. Người đứng kia chính là Thầy chứ ai đâu.

Nghe nói thế, Phêrô vội quấn áo vào lưng…vì ông đang mình trần…và nhảy xuống biển lội vào bờ. Lúc đó thuyền còn cách bờ gần hai trăm thước. Các Tông đồ khác cũng theo ông Phêrô, chèo vội vào bờ.

Đến bờ, các ông thấy Ngài đứng bên đống lửa hồng, trên có cá nướng, bên cạnh đống lửa có cả mấy mẫu bánh rất ngon. Các ông đã hiểu Ngài là chính Chúa, nên không ai dám hỏi Ngài là ai. Các ông chỉ cung kính nhìn Ngài, Ngài nhìn lại và phán bảo:

-Các con hãy đem cá vừa bắt được đến đây. Các con hãy chọn lấy những con cá tốt nhất.

Ông Phêrô nhảy xuống thuyền và kéo lên đất một tấm lưới đầy cá đến nỗi nguyên thứ cá to đã đến một trăm năm mươi ba con, thế mà lưới tuy đã cũ cũng không bùng rách.

Mấy con cá đặt trên đống lửa đã xông mùi thơm. Chúa bảo các môn đệ:

-Hãy lại mà ăn.

Các ông cùng quây quần bên Ngài. Ngài cầm bánh bẻ ra, trao cho các ông, trao cả cá nữa. Ngài có cử chỉ thân mật đơn sơ khiến các ông vô cùng cảm động.

Ăn xong, Chúa quay nhìn ông Phêrô, cái nhìn làm ông lo sợ xám mặt. Rồi tay Ngài làm hiệu và Ngài nói:

-Simôn con Gioan, con có mến Thầy hơn những người này không ?

Đó là câu hỏi đầy âu yếm, nhưng lúc này khiến ông Phêrô bối rối sợ sệt. Ông hồi tưởng lại một ngày kia trong một phòng rộng cũng gần đống lửa hồng, đã có những câu hỏi quyết liệt và những lời thưa rất cứng cáp. Nhưng rồi ông đã chối Ngài !..Ôi thực là bỉ ổi quá !..Bởi vậy ông cúi mặt và thưa nhỏ tiếng:

-Lạy Thầy. Có, Thầy biết con thực mến Thầy.

Rồi Ngài lại hỏi lần thứ hai:

-Simôn con Gioan, con có mến Thầy không ?

Ông Phêrô lúng túng:

-Lạy Thầy, con thực mến Thầy.

Chúa phán:

-Con hãy chăn các chiên của Thầy

Ngài còn hỏi thêm lần nữa:

-Simôn con Gioan, con có thực mến Thầy không ?

Ông Phêrô cảm thấy khổ sở quá, vì Ngài đã hỏi tới lần thứ ba Con có mến Thầy không Nên nét mặt buồn rầu như muốn khóc, ông thưa lại:

-Lạy Chúa, lạy Thầy, Thầy biết con thực mến Thầy.

Bây giờ Chúa vui mặt và âu yếm bảo ông:

-Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy.

Với ba câu hỏi trên đây, hẳn Chúa đã muốn gián tiếp xóa nhòa việc ông Phêrô đã chối Ngài ba lần, và nhân tiện tuyên bố ý Ngài muốn đặt ông Phêrô làm thủ lãnh Giáo Hội, cai quản các đoàn chiên mẹ và chiên con. Bởi thế Ngài nói tiếp luôn đến người thủ lãnh phải có tinh thần hy sinh, nếu cần, hy sinh cả tính mạng. Ngài phán:

-Hỡi Simôn ! Quả thực Thầy bảo con, khi còn trẻ, con tự thắt lưng cho mình và đi đến nơi con muốn. Nhưng đến tuổi già, con sẽ giang tay ra để người khác thắt lưng cho con và đưa con tới chỗ con không muốn !

Người Do Thái có lối mặc áo phải thắt ngang lưng. Nhưng có những người già không thể thắt lưng cho mình được nữa, nên phải giang hai tay để nhờ người khác thắt hộ. Cử chỉ đó cũng trùng với cử chỉ của những người bị đóng đinh. Họ phải giang tay để chịu lý hình buộc lưng vào khổ giá và đóng đinh hai tay vào cánh khổ giá. Nên Chúa đã mượn hình ảnh trên đây để ám chỉ lối ông Phêrô phải hy sinh tánh mạng vì chức vụ thủ lãnh của ông, đó là lối tử hình, đóng đinh dựng ngược mà sau mấy chục năm, ông phải chịu ở thành La Mã. Tuy nhiên bấy giờ ông Phêrô chưa hiểu hết ý nghĩa lời Chúa phán. Ông chỉ mừng vì thấy Ngài không còn hỏi như ba lần trước nữa, và Ngài đã tin ông thành thật mến Ngài. Nên ông rất sẵn sàng hy hinh, dù với giá nào đi nữa.

Cũng lúc ấy Chúa lại phán:

-Simôn, con hãy theo Ta.

Ông liền theo ngay. Quay lại, thấy người môn đệ đã nghiêng đầu trên ngực Ngài trong bữa tiệc ly hôm nọ cũng theo ông, ông hỏi Chúa:

-Thế, thưa Thầy, còn người này thì sao ?

Chúa nói:

-Nếu Thầy muốn người ấy cứ ở mãi vậy cho đến khi Thầy đến thì điều đó có hệ gì đến con ? Phần con theo Thầy là đủ.

Chúa phán câu trên đây mà không giả thích. Nên từ đó mới nảy ra tiếng đồn trong các Tông đồ và những người theo Chúa rằng Môn đệ Gioan không chết Nhưng sự thực Chúa có nói như vậy đâu. Ngài chỉ có ý đưa câu chuyện đi hướng khác bằng một giả định: Nếu Thầy muốn người đó cứ sống cho đến ngày Thầy trở lại, thì điều đó có hệ gì đến con…

Chia sẻ Bài này:

Related posts