Làm sao rao truyền và sống chứng tá Đức Tin giữa lòng giới trẻ không lý tưởng ngày nay? Xin tóm lược suy tư của giáo sư Toán Học người Caméroun, 26 tuổi, độc thân.
Điều chính yếu và nền tảng trong cuộc đời tôi, chính là Đức Tin. Niềm Tin vào Chúa GIÊSU KITÔ. Vâng, chính Đức Tin điều động tư tưởng và hướng dẫn hành động của tôi. Và cũng chính nhờ Đức Tin với Đức Tin và bởi Đức Tin mà tôi muốn sống và tiếp tục sống.. Viết như thế để bày tỏ rằng, tôi sống sâu xa Đức Tin vào Chúa KITÔ và thật sự dấn thân làm chứng cho Đức Tin này. Niềm ao ước tha thiết nhất, sâu thẳm nhất và nồng nhiệt nhất của tôi là trao ban tất cả những gì tốt đẹp nhất nơi con người tôi, để xây dựng một thế giới công bằng hơn, nhân đạo hơn và có tinh thần Kitô hơn. Nhưng đứng trước thế giới không lý tưởng không Đức Tin, đồng thời, đứng trước chính lý tưởng và Đức Tin này thối thúc, tôi có cảm tưởng đời mình không giúp ích gì hết và tôi sống một cách vô dụng.
Khi bước vào đại học tôi muốn trở thành kỹ sư. Nhưng sau hai năm dự bị, tôi buồn rầu khám phá ra rằng, thế giới chúng ta đang sống quả là thế giới bệnh hoạn ngớ ngẩn và điên khùng. Từ đó, tôi cảm thấy hơn bao giờ hết, được kêu mời sống chứng tá Đức Tin Kitô. Tuy nhiên, ngành kỹ sư tôi đang theo đuổi, hoặc bất cứ ngành khoa học nào khác, không phải môi trường thuận tiện, để tôi có thể làm chứng tá sống động bằng lời nói và bằng hành động cho Niềm Tin vào Chúa GIÊSU KITÔ của tôi. Đó là Đức Tin bao trọn lý tưởng cuộc đời tôi, và hiện đang bị làm ngơ hoặc bị chà đạp một cách thảm thương! Tôi tự nhủ: Mình phải làm thế nào để tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt, đặc biệt là với giới trẻ. Việc đầu tiên là phải suy gẫm và làm cho người khác suy gẫm về những vấn đề căn bản của cuộc sống và về ý nghĩa của chính cuộc sống.
Suy tư và khắc khoải trên đây giúp tôi nhận thức rõ ràng trách nhiệm đối với Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng đã chiếm đoạt trọn người tôi. Đấng mà tôi xác tín sâu xa rằng: Ơn cứu độ nhân loại nằm nơi Ngài và chỉ trong Ngài, nhân loại mới được cứu thoát. Hiểu như thế tôi liền bỏ ngành kỹ sư, để chọn ngành khác hầu giúp tôi hoàn toàn dấn thân làm chứng cho Đức Tin vào Chúa GIÊSU KITÔ. Ngành dạy học xuất hiện trong trí tôi như là phương thế hữu hiệu nhất để sống chứng tá Đức Tin và rao giảng Đức Tin. Tôi ghi tên vào các môn triết và thần học và trở thành giáo sư.. Một khó khăn: để thực hiện dự án tôi phải có học bổng. Nhưng với hoàn cảnh xã hội tại Caméroun, thật khó lòng nhận được học bổng.. Trong khi chờ đợi, tôi chọn ngành toán học và tốt nghiệp cử nhân toán. Từ đó tôi bắt đầu dạy môn toán và lý hóa tại một trường trung học.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy đời mình vô dụng và khổ sở như thế. Về phương diện nghề nghiệp, không có gì đáng trách, vì tôi chu tròn bổn phận của giáo sư toán với đầy đủ khả năng. Nhưng tôi cảm thấy bứt rứt vì không làm được gì cho giới trẻ. Đây là giới trẻ không lý tưởng, không Đức Tin, một thứ giới trẻ điên loạn, chỉ biết chạy theo thời trang, bị nô lệ vì tính dục để rồi chỉ sống ích kỷ cho riêng mình.
Nỗi cơ cực của tôi khi đối diện với loại giới trẻ này, chính là thái độ thụ động của tôi. Tôi không thể nào nói với họ, trình bày cho họ về Đức Tin vào Chúa GIÊSU KITÔ, trong các giờ dạy toán học đã đành, nhưng ngoài giờ học ra, tôi cũng không có giờ để gặp gỡ và trao đổi tư tưởng, quan niệm cùng Đức Tin với họ nữa! Và đó là tất cả nỗi niềm ray rứt của tôi. Caméroun là nước nghèo và chậm tiến. Nhưng bên cạnh điểm tiêu cực này còn hai điểm tiêu cực khác trầm trọng hơn. Đó là xã hội Caméroun còn chậm tiến về phương diện luân lý và thiêng liêng nữa. Và để bài trừ nạn chậm tiến sau cùng này, thì cần rất nhiều Tình Thương, thứ Tình Thương chân thật và sống động, đến từ Thiên Chúa và những môn đệ chân chính của Ngài.
Cũng có người đặt câu hỏi: tại sao tôi không chọn nếp sống Linh Mục hay tu sĩ, có phải dễ dàng làm chứng tá cho Đức Tin và Tình Thương của Chúa hơn không? Riêng tôi, tôi tự nghĩ: nếp sống giáo dân giữa đời, cũng thật cần thiết và hữu hiệu để loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa và làm chứng tá cho Ngài. Và đây là điều tôi cố gắng thực hiện mỗi ngày ngay nơi quê hương và trong lòng dân tộc thân yêu của tôi.
(“MISSI”, 4/1980, trang 149).