Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 4
Tôi vẫn đang dõi theo và ghi chú tiến trình sinh học trong ống nghiệm. Gọi đó là một “đoàn sủng ống nghiệm”, không phải chỉ là một hình ảnh ví von, nhưng thật tình tôi trực giác thấy rằng mình đang được sống một dấu chỉ thời cuộc, như chính Chúa đã căn dặn: Chỉ nhìn một đám mây đủ đoán ra những đổi thay thời tiết khắp trời đất (x. Mt 16,2). Những suy luận trình bày đây chủ yếu chỉ dựa trên những kinh nghiệm xoay quanh một nhúm nhỏ trường hợp đã nêu ở bài 2, nhưng có lẽ đủ tiêu biểu để gợi ý cho Dân Chúa nhận ra Thiên Chúa đang nói gì và đang muốn ta phải làm gì. Bạn đọc không cần cất công đi tới một địa điểm thời sự nổi cộm nào đó. Chỉ cần một tấm lòng kính sợ Thiên Chúa, đồng cảm với Hội thánh và yêu mến các linh hồn, là đủ tự xây dựng được một trạm thí nghiệm và thu thập các dữ kiện ngay quanh mình để nghiên cứu và phục vụ, dù bạn là linh mục, tu sĩ, chủng sinh hay một giáo dân rất bình dị.
TỪ CON CHÁU TỚI DÒNG HỌ
Xin được trở lại một mẩu chuyện ống nghiệm. Bà cụ đầu tiên mà tôi gọi là bà Cả, đã 71 tuổi. Bà sống nhờ tiền con cái chu cấp và đang ở chung nhà với một người con gái và gia đình của chị. Thoạt đầu, người con rể khó chịu và gay gắt phản đối việc bà tìm hiểu đạo Chúa. Thế nhưng rồi bà đã thẳng thắn đáp:
– Má đi gần hết cuộc đời rồi. Bây giờ má biết mình phải chọn gì.
Người con rể dịu giọng:
– Thì tùy má, nhưng má đừng gây ồn ào, ảnh hưởng đến công việc xã hội của con.
Hai đứa cháu nhỏ bốn, năm tuổi, ngày ngày tò mò nhìn bà cầu nguyện, nghe và thuộc những câu kinh. Chúng đọc biểu diễn các kinh ấy trước mặt bố mẹ. Vừa qua, đột nhiên, ông bố trẻ đưa vợ và hai con đi viếng Đức Mẹ Măng Đen.
Thế rồi một hôm bà cụ gọi điện cho tôi, xin hoãn một cái hẹn vì cần về quê ăn giỗ. Khắp xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn hiện không còn nhà thờ nào. Tôi vẫn đi ngang đó nhưng chưa quen ai để dừng chân. Nay thì người tín hữu mới cao niên đã về đó ăn giỗ, kể chuyện Lòng Chúa Thương Xót và tặng máy nghe các bài giảng cho một cô em họ tỏ ra quan tâm. Vệt dầu thánh loang dần từ gia đình tới gia tộc…
BA MƯƠI NĂM ÔM CẦN ĐỢI CÁ
Điều ước của tôi từ những năm đầu đời linh mục nay mới được nhìn thấy. Tôi đã ước mơ đi từ chỗ hóa giải ngộ nhận “theo Đạo là bỏ Ông, bỏ Bà” đến chỗ giúp các bô lão xác tín chỉ có Đạo Chúa mới là Đạo Hiếu đích thật. Nếu tôi chia sẻ được đức tin Kitô cho một bô lão, thì con cháu của cụ sẽ hướng lòng về Chúa.
Mùa Thu năm 1990, mười lăm năm sau ngày thụ phong, tôi về thăm đất Bắc lần đầu. Sáng 11-9 về tới quê, chiều tôi đã thắp hương tại từ đường của Dòng họ, giữa một làng toàn lương dân, và chiều hôm sau đã cử hành thánh lễ tại sân từ đường, nối lại tình đồng tộc giữa lương và giáo, sau hơn 200 năm xa cách vì vấn đề nghi thức tôn kính Tổ tiên. Thế rồi các bô lão lòng tôi kính mến đã lần lượt ra đi. Vị đã trao đổi tương đắc nhất, trên giường bệnh đã tâm sự với một người cháu rể: “Nếu có đời sau, chú sẽ đặc biệt phù hộ cho cháu!” Bao nhiêu năm tháng gặp gỡ và thư từ trao đổi tâm đắc với một linh mục đồng tộc vẫn chưa đủ giúp cụ nhận ra chết rồi mình đi về đâu.
Ngót 30 năm, tôi ôm cần câu ngồi bên bờ sông lặng lẽ, chẳng một con cá nào, bỗng dưng một chiều tháng Sáu năm nay, tôi đang lim dim ngủ, chợt có bàn tay ai vỗ nhẹ vào vai, tôi nhìn theo ngón tay, kìa chiếc phao mấp máy, rồi chiếc phao giật mạnh, tôi kéo cần câu lên, lạ quá, cùng lúc, một con cá lớn và hai con cá nhỏ…
Năm kia về Hà Tĩnh, một học sinh người lương cuối cấp khoe rằng em chào đời ngay đêm lễ Chúa Giáng sinh. Hai chị em đang sống với bà nội. Tháng Tư vừa qua, về thăm, tôi tặng hai em mấy quyển sách và gửi tặng bà nội các em chiếc máy nghe những bài giảng Lòng Chúa Thương Xót. Hai hôm sau, bà cụ tìm đến thăm tôi. Một chiều tháng Sáu, tôi đang giúp tĩnh tâm cho chủng sinh tại Đan viện Mỹ Ca, hai cô sinh viên nhỏ gọi điện xin tìm hiểu giáo lý qua email. Đọc xong hai bài đầu, hai em đã xem phim Cuộc đời Chúa Giêsu. Tôi theo đuổi công việc loan Tin mừng cho bà con cùng dòng họ tại Hà Tĩnh. Sau gần ba mươi năm, nay mới thấy một hạt giống nẩy nở, nhờ búi lông bồ công anh mang theo những bài giảng về Lòng Chúa Thương Xót.
KỂ LẠI ĐỨC TIN CHO NHAU NGHE
Đầu tháng 9-2007, sau một năm rưỡi đau nặng, không thể tiếp tục ơn gọi tu dòng, tôi được Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đón nhận lại, cho ở tại nhà hưu dưỡng trong khuôn viên Tòa giám mục. Hai tuần sau, tôi được khỏi bệnh cách lạ lùng và bắt đầu giấc mộng loan Tin mừng qua con đường dòng họ. Tôi được bà con đồng tộc lương dân khắp các huyện, xã tỉnh Bình Định đón chào và được các bô lão thương mến. Tôi đã quy tụ được một số anh chị em đồng tộc Công giáo, và tổ chức ba cuộc hành hương ấn tượng đi thăm tổng cộng 14 từ đường đồng tộc lương dân. Mấy năm gần đây, các bô lão tôi yêu quý cũng đã lần lượt ra đi, chưa một ai ngỏ lời tin Chúa. Kết quả duy nhất là một thanh niên họ Nguyễn nhờ người cậu họ Võ can thiệp, đã được bố mẹ chấp thuận cho cải sang Công giáo nhân dịp lập gia đình. Cho đến tháng Năm vừa qua, bà cụ thứ tư trong những bà cụ tôi đang kể chuyện, vừa gặp đã reo lên:
– Cha ơi, con cùng họ với cha. Con đã tham gia cuộc hành hương tại đền thờ Võ Duy Dương cha tổ chức cho họ mình, bây giờ lại được gặp cha, vui quá!
Tuy nhiên, bà đến gặp và xin tìm hiểu Đạo không phải do tôi tổ chức hành hương đồng tộc mà là do được nghe các bài giảng về Lòng Chúa Thương Xót qua một chiếc máy nhỏ. Cả sáu cụ bà đã quen biết nhau trước khi tìm đến Tòa giám mục Qui Nhơn. Nay thì họ ngày càng thêm thân thiết với nhau.
Trường hợp dây chuyền này khó xảy ra một lần thứ hai. Thiết nghĩ Chúa chỉ gửi đến một lần để giúp tôi nhìn ra một số vấn đề mục vụ cần lưu tâm.
Bà cụ họ Võ tôi đang kể đã đưa chiếc máy cho chồng nghe. Ông nghe một bữa rồi trả lại, nhưng sau đó mỗi lần vợ mở máy, ông lại đứng sau cửa nghe lén. Vợ ông mời bà cụ đã về Hoài Thanh ăn giỗ trên đây tới chia sẻ đức tin, và nay thì ông đã ngỏ lời tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Ngày nay ở các học viện Công giáo, người ta nói nhiều tới thần học kể chuyện. Các cụ già trên đây chẳng biết gì về thần học nhưng rất sành kể chuyện. Họ ghé nhà nhau kể chuyện Lòng Chúa Thương Xót. Họ kể cho nhau nghe Lòng Chúa Thương Xót tại hành lang bệnh viện, trong những ngày chăm sóc cho chồng đang nằm chạy thận ở đó… Ước vọng của tôi về việc loan Tin mừng cho các bô lão thật chính xác, nhưng con đường Chúa dọn cho Hội thánh Việt Nam hôm nay thật bất ngờ và thật dễ, khác hẳn những lo toan vất vả trăm bề của tôi.
Ngày 01-6-2019 năm cụ bà cùng đến Tòa Giám mục. Nơi một số người, lòng tin chưa có gì vững chắc, nếu không được chữa lành, có thể họ sẽ cám ơn thật lịch sự và không đến nữa. Dù vậy, họ đã tìm đến, tôi có trách nhiệm phải hướng dẫn. “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6,37).
Tôi sẽ làm gì để giúp những người đến với Lòng Chúa Thương Xót chỉ với một mục đích là xin ơn chữa lành? Làm gì để ngay từ buổi gặp lần đầu có thể giúp họ phân biệt giữa cơ hội của ân sủng và chính ơn cứu độ? Tôi nghĩ tới một tờ bìa, có những kinh nguyện đơn giản và những câu lời Chúa giúp thấy ơn chữa lành chỉ là nhịp cầu của Lòng Chúa Thương Xót.
Còn một bài toán nữa cần tìm câu giải đáp: khi con số các bô lão tìm về với Chúa tăng nhanh đột ngột, sẽ tìm đâu ra đủ số người “đỡ đầu” cho các cụ?
Chúng tôi đang dò dẫm một khái niệm mới: những người chăm sóc, không nhất thiết phải cao tuổi hơn hay bằng tuổi, nhưng cần năng động, có thể đi thăm và nhất là có khả năng cảm thông nâng đỡ về đường tâm linh. Với những ghi nhận từ trạm thí nghiệm, đây là một vấn đề mà sớm hay muộn nhiều nơi sẽ phải tìm cách giải quyết sao cho ổn thỏa. Làm sao để đào tạo được và đào tạo đủ những người đồng hành như thế?
Mời đọc bài 5: “Ánh sao bên phương Đông”, bạn sẽ thấy rõ vấn đề hơn.