Linh Mục Marcel Bouthors dòng Tên người Pháp. Cha từng làm Tuyên Úy các học sinh trung học đệ nhị cấp ở Paris, thủ đô nước Pháp. Cha kể lại kinh nghiệm mục vụ cạnh các học sinh và chứng từ về cuộc sống Đức Tin của giới thanh thiếu niên như sau.
Bước đường thiêng liêng, cuộc sống đạo đức của một người trẻ, từ đệ tam tới đệ nhất, hoặc nói cách khác, từ lớp 10 đến lớp 12, tức thời gian chuẩn bị thi Tú Tài, là giai đoạn có tính cách quyết định. Đây là thời kỳ tư cách người trẻ được uốn nắn và Đức Tin có thể được đào sâu. Tuy nhiên, có một số người trẻ hờ hững và xem nhẹ chiều kích nhân bản cũng như thiêng liêng. Họ khép kín vào thế giới riêng tư. Trái lại, những bạn trẻ cởi mở thì nhân cách phát triển nhanh chóng, nhờ giao tiếp với bạn bè. Họ dấn thân trong các công tác xã hội hoặc gia nhập các hội đoàn Công Giáo. Họ thích gặp gỡ và trao đổi. Đối thoại với các bậc thầy, và nhất là thổ lộ tâm tình với các Linh Mục Tuyên Úy là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc tạo thành nhân cách đứng đắn của người trẻ.
Khi một học sinh trung học tìm đến gặp Cha Tuyên Úy, cậu ao ước được thổ lộ tâm tình với ngài, được suy tư về một vấn đề nào đó, và sau cùng là để được hướng dẫn về đời sống thiêng liêng. Bạn trẻ mong muốn được người đối diện lắng nghe, để dễ dàng tỏ bày tâm sự và kín múc chất liệu giúp lớn lên trong Đức Tin. Đó là phía các học sinh. Còn về phần vị Linh Mục Tuyên Úy, nhiệm vụ tế nhị và khó khăn hơn nhiều. Người ta nghĩ rằng, hẳn vị Linh Mục chỉ cần có thái độ sẵn sàng lắng nghe là đủ. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Để công việc hướng dẫn mang lại lợi ích thiêng liêng thực sự cho các bạn trẻ, vị Tuyên Úy nên luôn luôn ở trong tư thế cẩn trọng và có óc phân biệt. Ngay buổi đối diện gặp gỡ đầu tiên, vị Linh Mục có thể cảm nhận một số yếu tố cần thiết cho việc hướng dẫn, giúp đỡ người trẻ. Chẳng hạn như có thể đoán biết tình trạng tâm linh của người trẻ: thực sự muốn đào sâu Đức Tin và cởi mở tiếp nhận người khác, hay chỉ là tâm tình tìm kiếm hời hợt, chóng qua.. Thái độ của vị Tuyên Úy có ảnh hưởng quan trọng, trong tiến trình tìm kiếm và đào sâu Đức Tin đối với người trẻ. Khi một bạn trẻ đến gõ cửa văn phòng gặp tôi, người trẻ cảm nhận ngay tôi dành trọn thời giờ để tiếp rước họ, lắng nghe họ. Từ cảm tình tốt đẹp đầu tiên ấy, người trẻ cảm thấy an tâm và tin tưởng để trình bày tất cả những gì đang làm họ bận tâm hoặc thắc mắc tìm kiếm.
Tại trường Trung Học nơi tôi làm Tuyên Úy, sau một tháng nhập học, chúng tôi dự định tổ chức đêm canh thức cầu nguyện và sẽ kết thúc bằng Thánh Lễ dâng vào sáng hôm sau. Các học sinh được mời gọi tự do ghi tên tham dự. Thế là những tuần lễ trước đêm canh thức này, các học sinh lần lượt đến gõ cửa văn phòng tôi. Đây là dịp để chúng tôi quen biết nhau. Những bạn trẻ nhút nhát đến ghi tên từng toán 2, 3 người. Một khi đã quen biết nhau qua đợt đầu tiên, họ đến gặp riêng tôi sau đó, để thảo luận mặt đối mặt. Một số bạn trẻ có thể tiến bước dễ dàng trên đường phát triển vừa nhân bản vừa thiêng liêng. Một số khác phải mò mẫm, đôi khi lại gặp khủng hoảng: nghi ngờ hoặc đánh mất Đức Tin. Để giúp đỡ các bạn trẻ này, tôi giúp họ bằng cách tìm hiểu cho đúng vấn đề đang làm họ gặp khó khăn, rồi từ đó hướng dẫn họ. Tôi cũng cố gắng giúp họ biết tự chủ, biết tạo an bình nội tâm và ngoại giới, biết can đảm chấp nhận cuộc sống và sau cùng, biết đặt trọn niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa. Tôi cũng cố gắng giúp họ phát triển tâm tình yêu chuộng sự cầu nguyện, biết tôn trọng kỷ luật và yêu thích phục vụ người khác, phục vụ.
Kinh nghiệm Tuyên Úy cho tôi thấy rằng, khi người trẻ được yêu thương, được hướng dẫn và chỉ dạy, họ tiến triển khả quan về mọi phương diện: trí thức, nhân bản và thiêng liêng. Người trẻ tự khám phá ra chính mình, tự tin hơn, sống đời sống cầu nguyện sâu xa hơn và cởi mở hơn, cũng như dễ dàng tiếp nhận người khác. Từ những ưu tiên này, tôi hướng dẫn mỗi bạn trẻ tùy theo nhu cầu của họ. Điều quan trọng là tôi giúp người trẻ biết tự tin, biết tin tưởng nơi người khác và hoàn toàn tin vào Tình Yêu Thiên Chúa.
(“CHRISTUS”, 7/1991, trang 372-378).