Khao khát cầu nguyện

Hiện nay trong Giáo Hội Công Giáo ta thấy số đông tín hữu lơ là trong cầu nguyện, nhất là ở Âu Châu, vì thế nhà thờ nào cũng dần dần vắng bóng tín hữu trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Chỉ có Thánh Lễ ngày Phục Sinh và Thánh Lễ ngày Giáng Sinh thì nhà thờ đông hơn thường nhật.

Tuy vậy, vẫn có nhiều Kitô hữu sống cầu nguyện liên lỉ và trung thành với Thiên Chúa theo các phương pháp cầu nguyện với Lời Chúa. Những người này là hoa trái, là men, là muối cho Giáo Hội. Cuộc sống của họ rất an bình vui tươi chan hòa trong môi trường sống chung quanh, họ là những mẫu gương sống động cho Kitô hữu chúng ta, chứng tỏ họ có sự kết hợp mật thiết với ThiênChúa.

Trong giáo xứ nhỏ bé nơi chúng tôi cư ngụ, một số rất ít này được mọi người kính nể và yêu mến rất chân thành. Những hôm linh mục bận dâng lễ ở xứ khác thì một người trong họ thay phiên nhau đứng ra chia sẻ Lời Chúa ngày hôm đó theo lịch phụng vụ và cùng nhau cầu nguyện. (dĩ nhiên họ đã được học qua lớp thần học tín lý và được phép của Giám Mục địa phương). Thật cảm động và tạ ơn cùng ngợi khen Thiên Chúa.

Với những nhân vật này khi bận rộn nhiều công việc hoặc bị ngăn trở trong trường hợp không thể cầu nguyện hoặc bị gián đoạn chắc chắn họ có những khoảnh khắc ước ao được sống những giờ cầu nguyện bên chân Chúa, thói quen họ đã sống với Đấng yêu thương mình, từ đó họ khát khao giờ cầu nguyện. Tuy rằng những lúc không thể có thì giờ cầu nguyện với Kinh Thánh, họ vẫn có thể nói chuyện cách thân mật với Chúa về những hoàn cảnh và tâm trạng của họ.

Để gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta chỉ có một cách là cầu nguyện. Khi cầu nguyện Chúa dạy, đừng bận tâm đến bản thân mình, mà hãy nghĩ đến Cha Trên Trời, „Các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước đã, và các sự khác sẽ được ban thêm cho các con“ (Mt 6,33), hãy quan tâm trước hết đến danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện khắp nơi… rồi sau đó hãy nghĩ đến nhu cầu của bản thân, xin Cha tha tội, xin Cha ban lương thực hằng ngày, sức khỏe thể xác và sức mạnh tâm hồn. (x. Kinh Lạy Cha). Thánh Inhã khuyên khi cầu nguyện: „Anh em hãy tưởng tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh đang hiện diện trước mặt anh em và hãy trò chuyện với Người“, hãy nêu câu hỏi cho Người, xin lời khuyên, và Người sẽ trả lời tỏ thánh ý của Người qua Lời Người và dẫn ta đi trong đức tin. (lời giảng của một linh mục hướng dẫn Linh Thao).

Trong giờ cầu nguyện của cá nhân tôi, tôi cảm nhận được Người đang hiện diện vô hình đầy quyền năng trước mặt đứa con bất toàn nhỏ bé là tôi. Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8), Thiên Chúa yêu thương từng người cách cá biệt, Người là nơi mình nương tựa, tin tưởng nhất, trông cậy nhất, vì chỉ có Người yêu thương mình thật sự như mình là. Một tình yêu ngọt ngào mà lúc nào mình mệt mỏi đuối sức là tôi chạy đến với Cha để được an ủi, được hờn giận, được nũng nịu trong vòng tay Người: „Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa, những điều anh em thỉnh nguyện“ (Pl 4,6). Tuyệt vời chưa! vì thế, tôi thường tâm sự với Cha đủ mọi thứ chuyện, vui buồn sướng khổ, khi phạm tội, lúc lỗi lầm năn nỉ xin tha, kể lể chuyện khó khăn, vấn nạn, chuyện có thể hay không thể v.v… và cả chuyện cãi nhau với ông chồng „dễ ghét“ hoặc la mắng những đứa con „dễ thương“ của mình, không chỉ trong giờ cầu nguyện, mà trong bất cứ lúc nào, khi nấu ăn, khi trên đường đi, trong xe bus v.v… Thường trong phút hồi tâm cuối ngày, nhìn lại mọi sự, cám ơn Chúa một ngày sống, xin lỗi những phút mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây v.v… rồi thinh lặng cả tâm hồn lẫn thể xác để lắng nghe Cha. Đây là giây phút hạnh phúc nhất được Cha ôm ấp yêu thương, dỗ dành và an ủi và đôi khi là bị la.

Trong cảm nhận đó tâm hồn vui tươi và hạnh phúc, bình an vì mình đang yêu và đang được yêu. Đây chính là món quà quý giá Chúa Thánh Thần ban tặng nhưng không. “Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4, 7).  Tạ ơn Chúa, tôi và người phối ngẫu hiện thời đang được mang nhiều bệnh, vẫn cảm nhận được bình an của Chúa hằng ở với chúng tôi.

Tuy vậy, sự bình an này không phải luôn được trải nghiệm; vì thông thường, con người hay thay đổi theo hoàn cảnh, theo thời gian và vì con người mình yếu đuối, nên bình an mình nhận được thường không bền, chúng ta băn khoăn lo lắng vì không dễ dàng giữ lại được nó.  Điều này đã thường xuyên xảy ra, nhất là trong thời thanh xuân, khi đức tin còn yếu kém, những hào nhoáng của thế gian như ham sống, ham tiền, ham danh chi phối cuộc sống, làm cho tâm hồn càng ngày càng thờ ơ với cuộc sống thiêng liêng, không biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, nên không cảm nghiệm được sự bình an của Chúa. Vì thế Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Đến với Người để được yêu thương, được an ủi, được dạy dỗ và hạnh phúc biết bao khi được Người cho nghỉ ngơi bồi dưỡng tâm linh và thể xác.

 Khi mình có thật nhiều tâm tình thì giờ cầu nguyện rất có hiệu quả. „yêu nhiều thì được tha nhiều“ ( x. Lc 7, 46-47). Điều quan trọng là tâm hồn khao khát Thiên Chúa, ước ao kết hợp với Người. Thờ lạy và tạ ơn Người về tất cả mọi sự trong đời sống với tâm tình con thảo „Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi!“ (Gl 4,6). Trong tình thương yêu ngọt ngào của Cha cho ta cảm nếm được mình là con cưng của Cha nên ta phải biết ơn và đáp lại tình yêu thương đó cho xứng đáng.. Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta“ (Rm 5,5b). Điều đẹp nhất là chúng ta tin chắc chắn vào tình yêu Người dành cho chúng ta vô điều kiện, chúng ta có một giá trị đặc biệt trong trái tim của Người, vì thế chúng ta hãy tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta là những người tội lỗi, hèn kém nên luôn phải trông cậy vào Lòng Thương Xót Chúa, kết hợp và tin tưởng, Người sẽ giải quyết mọi sự mọi việc cho mình được sống tốt, sống dồi dào theo ý Ngài. Cũng rất cần có sự can đảm trong cầu nguyện vì khi gặp được Chúa là mình sẽ phơi trần tất cả những tật xấu và tội lỗi ra trước mặt Người. Thêm tâm tình quảng đại để có thể phải từ bỏ một điều gì mà mình hằng quyến luyến, hoặc phải hy sinh một quyền lợi nào không đẹp lòng Chúa mà lâu nay mình hằng dấu kín.

Cần nhất là trung thành với Người trong giờ cầu nguyện. Tập được thói quen này với tôi thật gian nan, trải qua nhiều năm tháng, đòi hỏi cá nhân mình phải rũ bỏ nhiều điều mình đang thích và phải sắp xếp mọi việc cho hợp lý mới có được giờ cầu nguyện mỗi ngày. Phải đặt ưu tiên hàng đầu là tình yêu Người, vì đôi khi mình cầu nguyện mà khô khan chán nản, vì mình chả nhận được gì, cứ trơ như ngói, cảm thấy mất thì giờ, chia trí vì lan man đi ra ngoài nên chán nản từ từ bỏ mất giờ cầu nguyện. Những lúc này là ma quỷ sẽ lợi dụng cơ hội để đánh bại mình.

 Vì vậy, dù có thế nào mình vẫn phải kiên trì trung thành với giờ cầu nguyện. Tạ ơn Chúa Thánh Thần, tôi nghĩ ra giờ cầu nguyện là giờ hẹn với Đấng yêu thương mình. Mà giờ hẹn với Người Yêu thì khó bỏ, vì Người đã yêu mình vô điều kiện! Người không đòi hỏi ta cầu nguyện sốt sắng, mà cầu nguyện liên lỉ. Trong giờ cầu nguyện mà lòng khô khan, tim cứng cỏi, trí đi hoang thì tôi cũng ở lại ngồi nhắm mắt thưởng thức tình yêu Chúa đang ban cho mình đến hết giờ hẹn. Đôi khi sau giờ đó mình lại nhận được ơn Người ban cho thật bất ngờ, rất thú vị và vô cùng biết ơn.

Tuy vậy, có lúc tôi sai hẹn, bỏ hẹn là nhận ra lỗi thiếu sót và bất tín với Người yêu mình nên rất áy náy và bất an! Tôi bắt đầu lại giờ cầu nguyện và bắt đầu lại, rồi bắt đầu lại… nhiều lần, chắc Chúa Thánh Thần thấy tội nghiệp nên Ngài thêm sức mạnh cho tôi biết kiên trì và yêu thích giờ hẹn. Từ đó, mỗi giờ hẹn là một giờ cầu nguyện thú vị hơn một chút, và tình yêu Người xâm chiếm hồn tôi và tôi yêu Người, tôi vui, tôi hạnh phúc, đúng như lời mẹ dạy hồi còn đi học, „chơi với người tốt như vào hàng hoa, khi đi ra hương thơm còn vương vấn“. Mỗi ngày tôi xin được mỗi nên giống Người và bây giờ Thầy Giêsu trở thành Người yêu quý của tôi.

Trong cầu nguyện, Người thanh luyện tâm hồn tôi mỗi ngày mỗi nên giống Chúa hơn, tâm hồn khát khao luôn có Chúa ở cùng, Ngài thánh hóa mọi sự mọi việc, Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thầnTa sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Chính thần khí của TaTa sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành “ (Ed 36,25. 26a. 27), Thần Khí Chúa biến đổi tôi mạnh mẽ hơn, bỏ tánh tham lam, cho đi nhiều hơn, hiểu biết hơn, biết lo liệu mọi việc cho hợp lý, lạc quan hơn, bớt ngu muội hơn để có thể phân định điều tốt xấu theo lương tâm và theo chân lý của Người, biết yêu thương hơn khi nhìn mọi người mọi vật, biết cảm nhận và ngợi khen sự tươi đẹp an hòa hiện hữu của Đấng Tạo Dựng.

 Lòng trung thành (dĩ nhiên, không chỉ là một thói quen, mà còn được thôi thúc bởi một ước nguyện chân thành là tìm gặp Thiên Chúa, làm vui lòng Người và yêu mến Người) sẽ mang lại tất cả những gì còn lại“ (lời tác giả). Thánh Têrêxa Avila cũng mời gọi chúng ta kiên trì cầu nguyện, dù điều gì xảy ra hay đã xảy ra, dù khó khăn hay gặp người bất đồng, dù đạt được mục đích hay ngã gục trên đường, dù mất can đảm để vượt qua những thử thách của hành trình hoặc cho thế giới chung quanh sụp đổ!

Qua sự kiên trì cầu nguyện, Chúa đã giúp cho tôi biết mình là ai, chỉ là một tạo vật bất toàn, nhỏ bé, mong manh như cỏ dại, nay còn mai mất. Mình biết nghĩ tới nhu cầu của người khác, biết chăm lo người bên cạnh dịu dàng hơn, vì nghĩ mình như đang săn sóc Thầy Giêsu, biết giúp đỡ những kẻ khó nghèo nhiều hơn về cả vật chất lẫn tinh thần trong tình yêu thương, vì “Nếu không có đức ái thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13, 1b).

Khi cầu nguyện chúng ta cần sự hỗ trợ thực hành ba nhân đức đối thần, theo như cách gọi trước đây cũng như Thánh Kinh luôn cho thấy tầm quan trọng của ba nhân đức này (đặc biệt trong giáo huấn của Thánh Phaolô), bởi chính các nhân đức này thúc đẩy và thăng hoa đời sống của các tín hữu. 

 Khi dành thời giờ cầu nguyện riêng, chúng ta có thể suy niệm một đoạn Thánh Kinh; hay một bài Thánh Vịnh v.v… hãy có một ơn xin, đặt tâm hồn mình trong niềm tin cậy mến dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần, trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh, đọc chậm rãi nhiều lần đoạn văn để tâm hồn rung cảm với lời Chúa, nhắm mắt đọc lại xem câu hay chữ nào chạm đến trái tim thì ngưng lại cầu nguyện suy niệm với câu hay chữ đó. Đôi khi trong giờ này mình tìm được giải pháp „Chúa muốn con làm thế nào? Chúa muốn con làm gì? Hoặc khi gặp trắc trở trong suy niệm: Chúa ơi, con không hiểu những lời này, xin Chúa giúp con. Sau đó tĩnh lặng lắng nghe thánh ý Ngài. Cảm tạ Ngài bằng một kinh hay một câu hát ngợi ca.

Phải có đức tin vào Thiên Chúa chúng ta mới cầu nguyện với Người. Đức tin là một tặng ân quý giá của Thiên Chúa ban cho khi chúng ta thân thiết bên Người. Ta có thể tin nhờ ân sủng và sự trợ giúp nội tâm của Chúa Thánh Thần, là một hành vi nhân linh thật sự, không nghịch với sự tự do, không trái với trí tuệ con người (x. GLGHCG 154). Đức tin luôn luôn gắn liền với đức cậy và đức mến là ba nhân đức đối thần để chúng ta sống đạo, là động lực hoạt động của Chúa Thánh Thần giúp đời sống chúng ta có hiệu quả tốt đẹp và rất sống động, ta biết tưởng nhớ đến những người làm ơn cho mình, những người đau ốm bệnh tật, những người nghèo khổ, cô đơn… giúp ta biết tha thứ cho kẻ bất bình với mình, can đảm tha thứ cho họ theo lời dạy của Chúa Giêsu: „Vậy nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó, ngươi nhớ ra anh em có điều bất bình vối nguôi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hòa với anh em trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi“ (Mt 5,23-24)

Cầu nguyện là phương thế tự nhiên nhất để diễn tả đức tin. Đức tin được biểu lộ, canh tân, thanh luyện và củng cố khi được thực hành trong cầu nguyện. Càng có đức tin, linh hồn càng nên một với Chúa”. (Thánh Gioan Thánh Giá.). Khi cầu nguyện, chúng ta tin rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, cho nên dành thời gian cho Người quả là một điều hữu ích .v.v… Điều làm nên sự kết hiệp với Thiên Chúa không phải là cảm giác hay quá trình suy tư, nhưng là đức tin. „Đức tin bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy“ (Dt 11,1).

Lạy Cha, xin thức tỉnh con, biết kiên nhẫn và trung thành giờ cầu nguyện để mỗi ngày con được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, hầu tạ ơn, ngợi khen và tôn vinh Danh Cha. Amen. 

Elisabeth Nguyễn

Chia sẻ Bài này:

Related posts