Dòng thời gian

        Mùa Vọng là thời gian đợi chờ Chúa đến trong lần thứ hai, cũng là Ngày Cánh Chung. Bởi đó trong các Thánh lễ, Giáo Hội dùng lời Chúa để nhắc nhở  chúng ta về ngày đó: “ Đoạn Ngài phán cùng họ một thí dụ rằng: Hãy xem cây vả và các cây khác. Khi nó nứt lộc thì các ngươi thấy và tự nhiên biết rằng mùa hạ đã gần.  Cũng vậy khi các ngươi thấy  những điều ấy xảy đến thì khá biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến. Quả thật Ta nói cùng các ngươi, dòng dõi này hẳn chẳng qua đi cho đến khi mọi điều đó đã thành tựu rồi. Trời đất sẽ qua đi, song lời Ta nói hẳn chẳng qua đâu” ( Lc 21, 29 -33 ).

          Chúa nói, thấy những điều ấy tức là thấy những cảnh chiến tranh, loạn lạc, đói kém, dịch tễ, động đất, lũ lụt….xảy ra ngày càng nhiều và dữ dội thì hãy biết rằng Ngày Của Chúa đã gần. Phải chăng Lời Chúa đã và đang ứng nghiệm vào thời đại ngày nay hơn bao giờ hết ?

          Tuy nhiên …thấy những điều ấy đối với những  ai còn  có đức tin không phải để hoảng sợ  nhưng cần sống trong sự tỉnh thức: “ Vì ngày đó sẽ đến trên mọi người ở khắp mặt  đất cũng như thế. Vậy lúc nào các ngươi cũng hãy tỉnh thức và cầu nguyện  hầu cho các ngươi đủ sức để thoát khỏi điều phải xảy đến ấy và đứng vững trước mặt Con Người” ( Lc 21, 35 -36 ).

          Việc Chúa  đến trong Ngày Phán Xét  là điều chúng ta vẫn tuyên xưng như vậy. Thế nhưng việc tuyên xưng ấy  cần phải được củng cố bằng đời sống tỉnh thức và cầu nguyện. Nếu không thì một Mùa Vọng nữa sẽ lại qua đi mà chẳng đem lại ơn ích gì ! Đang khi đó dù người ta  không đợi trông, không chờ mong nhưng rồi Chúa  vẫn đến và đến trong sự kinh hoàng cho những kẻ nào không có lòng chờ mong.

          Nói đến …chờ mong có nghĩa nó thuộc thời gian tâm lý. Thời gian này hoàn toàn khác với thời gian vật lý. Thời gian vật lý  là do con người căn cứ vào vòng tự xoay  của trái đất trong 24 giờ để phân chia thành các múi giờ. Mỗi giờ lại chia ra thành 60 phút. Mỗi phút có 60 giây.

          Để có thời gian vật lý thì cần gắn liền với không gian. Chính không gian sẽ xác định cho thời gian vật lý và ngược lại. Ví dụ để đi từ Sài Gòn ra Hà Nội cách nhau hơn 1.000km, nếu đi bằng xe đò thì phải mất 2 ngày 1 đêm (ví dụ như thế) còn đi bằng máy bay thì chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ ….

          Nếu thời gian vật lý và không gian liên hệ mật thiết với nhau thì thời gian tâm lý với không gian lại không như vậy. Chúa Giesu lịch sử sinh ra tại đất nước Do Thái cách hàng vạn cây số nhưng nếu nhớ đến Ngài trong niềm tin thì Ngài lại hiện diện ngay cạnh bên chúng ta.

          Đối với thời gian tâm lý thì không còn có khoảng cách về không gian. Bởi đó nó có thể thu ngắn hay kéo dài ra tùy theo hoàn cảnh. Một ngày ở trong tù dài bằng cả ngàn năm sống đời tự do (nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại) ngược lại ngày vui ngắn chẳng tày gang.

          Khổ thì thấy thời gian là dài còn vui lại thấy nó ngắn. Vậy phải chăng chỉ là do ý thức chủ quan của mỗi người? Tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ nhận cái gọi là thời gian vật lý hay còn gọi là thời gian khách quan.

          Tại sao? Bởi vì bất cứ ai cũng phải nhìn nhận từ khi sinh ra cho đến khi chết luôn có một khoảng thời gian nào đó dù dài hay ngắn. Về vấn đề này cho thấy có hai quan điểm khác biệt, một của vật lý cổ điển mà đại diện của nó là Newton (1647-1727) và hai là vật lý lượng tử của Albert Einstein (1879-1955).

          Vật lý cổ điển thì nhìn nhận có “Vật” dù “Vật” đó chỉ là nguyên tử, mắt thường không thể thấy. Trái lại với vật lý lượng tử thì không có “Vật” mà cái gọi là “Vật” đó chỉ có ở dạng sóng và nó có thể thay đổi tùy theo cái …nhìn của người quan sát. Cùng với cái nhìn của vật lý lượng tử, Phật giáo cũng cho rằng “Vật” chỉ tồn tại trong từng mỗi sát na tâm có nghĩa nó cũng chỉ là dạng sóng mà thôi.

          “Vật” có thể thay đổi tùy theo cái nhìn của người quan sát và đây chính là nguyên lý Vạn Pháp Duy Tâm Tạo có nghĩa muôn sự muôn vật trong đó có cả Thiên Đàng hay Hỏa Ngục cũng đều do Tâm quyết định cả.

          Nếu muôn sự muôn vật đều được quyết định bởi Tâm thì thời gian cũng vậy, phải chăng cũng chỉ là yếu tố mang tính chủ quan? Chúa nói khi các ngươi thấy những điều ấy xảy đến thì khá biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần. Nước Thiên Chúa trong trường hợp này chúng ta cần phải hiểu đó là Ngày Phán Xét Chung “Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến” (Mt 24,30).

          Về “Ngày” vẫn được cho là Tận Thế ấy đã nhiều lần được đồn đoán là sẽ xảy ra vào ngày này tháng nọ nhưng rồi tất cả đều lầm hết. Lý do là vì người ta đã không tin vào lời Chúa khi Ngài nói: “Còn về ngày và giờ đó chẳng ai biết, đến nỗi Thiên Sứ trên trời hay là Con cũng không. Duy chỉ có Cha biết mà thôi” (Mt 24,36).

          Thiên Chúa là chủ của thời gian, chính Ngài đã phân sự sáng và tối, ngày và đêm (St 1,3-4). Con người là loài thụ tạo sống trong thời gian và bị hạn cuộc bởi thời gian “Ở dưới bầu trời này mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Có thời để chào đời, có thời để lìa đời” (Gv 3, 1-2).

          Tuy bị hạn cuộc như thế nhưng với những con người khôn ngoan lại có thể sử dụng thời gian để mưu ích cho phần tâm linh trong việc mong chờ Chúa đến. Ở đây chúng ta mong chờ Chúa đến không phải để được xét xử nhưng là để được Chúa xót thương “Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính, bèn là kẻ tội lỗi” (Mt 9, 13).

          Chúa kêu gọi kẻ tội lỗi để họ biết đường ăn năn sám hối quay về. Chính cái việc thực lòng ăn năn sám hối ấy sẽ được Chúa xót thương chứ không phải vì tội của họ.

          Ngày Chúa càng gần thì Lòng Thương Xót Chúa càng thể hiện mạnh mẽ qua các chứng nhân của Ngài và một trong các chứng nhân đó chính là Thánh nữ Faustina. Đức Mẹ nói với chị “Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho thế giới, còn con, con phải nói cho thế giới biết về Lòng Thương Xót bao la của Người  trong lần đến thứ hai. Người sẽ không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ Nhân Lành nhưng trong tư cách Thẩm Phán Chí Công” (NK 635).

          Thời gian là của Chúa nhưng cũng là của chúng ta nếu biết sống chờ đợt trong tỉnh thức. Để có thể sống trong sự tỉnh thức ấy Chúa truyền dạy chị Thánh Faustina và cũng là cho mỗi người cần phải tôn kính bức ảnh Lòng Thương Xót và thực hành chuỗi kinh Lòng Thương Xót hàng ngày vào lúc 3 giờ chiều.

          Suy cho cùng, đời người chỉ là chuỗi thời gian nối tiếp  của những nỗi vui, buồn, sướng, khổ lẫn lộn. Nhưng phúc cho những ai trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời được nghe những lời đầy an ủi của Đấng mình hằng  đợi trông “Hỡi các ngươi là kẻ được phước của Cha Ta. Hãy đến thừa hưởng nước đã sắm sẵn cho các ngươi từ buổi sáng thế” (Mt 25, 34).

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts