Lạy Chúa, xin cứu con – Hướng dẫn để bảo vệ gia đình

Những suy tư về việc dưỡng dục trẻ em ngày nay

Việc Truyền Thụ Những Giá Trị Trong Thế Giới Ngày Nay.

Chưa bao giờ việc truyền thụ các giá trị của các bạn lại trở nên quan trọng như ngày nay. Tuy nhiên, điều đáng mừng là việc ấy khởi sự và kết thúc ở nơi các bạn.

Khi những người làm cha mẹ sống đúng với những lời họ nói, thì họ sẽ có ảnh hưởng hơn bất kỳ một tác nhân nào khác trong việc ghi tạc các giá trị vào tâm hồn con cái của họ.

Dưới đây là những điều đơn sơ nhưng rất quan trọng mà tất cả chúng ta nên ghi nhớ về các giá trị, và việc chia sẻ chúng:

  •       Trẻ em sẽ tiếp thu sự ý thức về điều gì đúng, điều gì sai từ những người chúng yêu mến và kính trọng. Không ai có ảnh hưởng trong việc truyền thụ các giá trị cho bằng chính các bạn. Sự truyền thụ của các bạn có một ý nghĩa rất quan trọng !
  •       Trong việc truyền thụ các giá trị, hành động bao giờ cũng có tác dụng hơn lời nói. Trẻ em ngày nay đều có một não trạng: xin cho tôi thấy. Chúng cần được nhìn các bạn thực hiện các giá trị: tôn trọng sự sống, tôn trọng tha nhân, thành thực, liêm chính… Trẻ em tiếp thu các giá trị từ việc quan sát đời sống các bạn. Câu cách ngôn từ xa xưa Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo chưa bao giờ tỏ ra chính xác hơn ngày nay. Trẻ em ngày nay học biết những điều đã được sống!
  •       Gia đình vẫn luôn là công cụ tốt nhất để nuôi dạy con cái. Gia đình yêu thương, chăm sóc, dù bất cứ hình thức nào, đều tạo nên một môi trường thích hợp mà trẻ em cần có để học biết điều gì đúng, điều gì sai, và cách để yêu thương chính bản thân của chúng. Các giá trị sẽ được tiếp thu tốt nhất trong một môi trường yêu thương và biết chấp nhận lẫn nhau.
  •       Hãy luôn dành thời gian để ngồi lại và nói chuyện với con cái của các bạn. Đừng sợ nói ra những điều các bạn cảm thấy (nhưng đừng quá khép kín đến độ không chịu lắng nghe những điều suy nghĩ của con cái các bạn).
  •       Luôn gắng dạy cho các trẻ biết yêu thương và tôn trọng bản thân vì chúng là con cái của Thiên Chúa. Yêu thương và tôn trọng bản thân một cách lành mạnh là một điều cực kỳ quan trọng đối với các trẻ. Đó là bước thiết yếu đầu tiên trong việc giúp đỡ một con trẻ biết yêu thương và tôn trọng người chung quanh, cũng như Thiên Chúa.
  •       Không ai giáo dục hay hơn Chúa Giêsu. “Hãy yêu người lân cận….” là một thông điệp quan trọng cho hết mọi trẻ em!

Các Bạn Có Một Nhiệm Vụ Khó Khăn.

Đa số chúng ta chưa từng học biết cách làm cha làm mẹ. Vì thế, nhất định sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy chán nản với chính mình. Phải chăng các bạn vẫn thường thấy mình lảm nhảm dùng lại những lời khó nghe mà trước kia các bạn đã không muốn nghe cha mẹ của các bạn nói?

Và khi con cái chúng ta đến tuổi thiếu niên, sự thể lại càng khó khăn hơn nữa. Dường như chúng phản đối tất cả những gì chúng ta dạy dỗ. Chúng ta không hiểu biết gì về con cái của chúng ta. Các giá trị và những niềm tin của chúng ta lúc nào cũng bị thách thức. Mọi lời chúng ta nói ra đều bị coi là lạc hậu. Cảm xúc lúc nào cũng căng thẳng.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn quan trọng đối với đứa con đang độ tuổi thiếu niên của chúng ta hơn bao giờ hết. Khi chúng nghiệm sống những giá trị của bạn bè đồng trang lứa, những người rất có ảnh hưởng đối với chúng, thì chúng ta phải giúp đỡ con cái chúng ta chống lại sức quyến rũ của ma túy và rượu chè. Những thứ này hằng ngày luôn quyến rũ các đứa trẻ và có thể làm tàn lụi cuộc đời của chúng.

Những Nguy Cơ Rất Cao.

Nếu như không nhận được từ nơi gia đình những gì chúng cần thiết, thì các thiếu niên sẽ đi tìm ở bên ngoài. Một số đã bỏ nhà ra đi. Một số đông hơn nữa đã nghĩ đến nước trốn chạy sự tù túng tại gia đình: đứa con trai trước kia rất thông minh và ngoan thảo trốn đi tìm ma túy, đứa con gái rất xinh đẹp bỗng nhiên đi uống rượu. Các bạn hãy suy nghĩ về những số liệu thống kê sau đây:

  •       Mỗi năm, tại các trường trung học Hoa kỳ, có một triệu học sinh bỏ học hoặc thường xuyên trốn học.
  •       Cứ mười thiếu nữ thì có đến bốn em mang thai trước độ tuổi 20.
  •       Trong những năm gần đây, mặc dù mức tiêu thụ cần sa có giảm bớt, nhưng số người nghiện cocaine, nhất là crack, đã gia tăng gấp đôi.
  •       Cứ bốn đứa trẻ thì có một em bắt đầu nghiện ngập rượu bia ngay từ tuổi thiếu niên; mỗi năm có chừng 10.000 em chết vì những tai nạn có liên quan đến rượu bia.
  •       Mỗi năm có chừng 5.000 đến 6.000 thiếu niên tự tử, và con số này ngày càng gia tăng. Cứ 90 phút lại có một em tự sát. Cứ mỗi cái chết, thì có ít nhất 100 em khác dự tính tự sát.

Những Thiếu Niên Nổi Loạn.

Các thiếu niên phải đương đầu với những căng thẳng mà người lớn ít ai quan tâm. Thân thể chúng đang thay đổi, chúng phải thích nghi với con người mới mà chúng nhìn thấy trong gương. Chúng cảm thấy khác lạ. Chúng trở nên thích thú chuyện tính dục.

Hoài nghi bản thân là điều thường xuyên xảy ra. Các thiếu niên cảm thấy áp lực phải sống như người khác và sợ bị chế giễu nếu không sống theo như vậy.

Những thay đổi này có thể gây lúng túng, sợ hãi và thậm chí cả thất vọng.

Các thiếu niên có những kiến thức đáng kể, nhưng chúng cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên vì thiếu phán đoán lành mạnh.

 

Các Thiếu Niên Cần Đến Các Bạn.

Trong thời buổi các thiếu niên đang kêu gào để được đối xử như người lớn, chúng vẫn cần đến một mái nhà chăm sóc, một nơi để nương ẩn. Và mặc dù quyết liệt phủ nhận điều này, thì các thiếu niên vẫn cần đến cơ cấu, những giới hạn, rất nhiều sự trợ giúp trong cuộc sống, và nhất là tình yêu thương.

Trong thời gian nhiễu loạn ấy, điều quan trọng các bậc cha mẹ cần nhớ là chính họ phải yêu thương nhau (cho dù con cái dường như quên lãng). Nhưng cuối cùng, đó chính là điều làm cho toàn bộ sự phấn đấu trở nên giá trị.

 

Các Bạn Hiểu Biết Con Cái Thế Nào?

Có thể các bạn sẽ nói rằng, “Đứa trẻ nhà tôi chắc không làm điều ấy.” Đa số các trẻ không làm. Nhưng giả như các chúng không làm đi nữa, thì các bạn cũng hãy suy tư những câu hỏi sau đây:

  •       Ngay lúc này, đứa con của các bạn đang ở đâu?
  •       Những nỗi lo sợ thầm kín nhất nơi đứa con của các bạn là gì?
  •       Bạn thân nhất của con trai hoặc con gái của các bạn là ai?
  •       Bạn bè của con cái các bạn có cảm thấy thoải mái khi đến nhà của các bạn hay không?

Các bạn hãy nhớ rằng, sống tương quan thân thiết với con cái là cách tốt nhất để hướng dẫn chúng cũng như để ngăn ngừa chúng cho khỏi những con số thống kê đáng buồn.

Hòa Hợp Với Con Cái Tuổi Thiếu Niên.

Dưới đây là một số ý tưởng và kỹ thuật các bạn có thể thử nghiệm để cải tiến mối tương quan giữa các bạn với con cái đang tuổi thiếu niên. Nếu như lúc đầu chưa thấy hiệu quả, các bạn hãy cứ cố gắng. Những điều ấy rất cần phải được thực hiện.

  1. Hãy dành thời gian cho con cái. Hãy tìm một công việc nào đó các bạn thích làm chung với chúng và theo đuổi việc ấy. Nếu lời mời của các bạn bị con cái khước từ, hãy cứ kiên trì.
  2. Hãy lắng nghe, thực sự lắng nghe. Bởi vì những người làm cha mẹ có nhiều việc để làm nhưng lại có ít thời gian. Vì thế, chúng ta phải cố gắng để lắng nghe trong lúc đang lau chùi, đang rửa chén đĩa, đang sửa xe cộ… Hãy tạm dừng tay với công việc một chút để con cái các bạn biết rằng các bạn đang thực sự quan tâm đến chúng.
  3. Hãy biết nhìn xa. Đừng coi các lỗi lầm sơ xuất là những tai họa tầy đình. Hãy lựa chọn các vấn đề quan trọng. Đừng biến mái nhà của các bạn thành một bãi chiến trường.
  4. Hãy chấp nhận các dị biệt. Hãy nhìn con cái đang tuổi thiếu niên của các bạn như những cá nhân độc lập với các bạn. Điều đó không có nghĩa là các bạn không được phép nói lên quan điểm của các bạn nếu như các bạn không đồng ý với chúng.
  5. Hãy tôn trọng sự riêng tư của con cái các bạn. Nếu có một thái độ nào đó làm các bạn lo lắng, hãy nói thẳng với chúng.
  6. Hãy để con cái các bạn tự giải quyết các vấn đề của chúng. Đừng bao giờ nói rằng các bạn biết hết suy nghĩ của chúng. Chúng tin những cảm xúc của chúng (rất lạ và riêng tư) là những điều cá biệt. Nếu không, chúng sẽ học cho biết – mà không cần sự giúp đỡ của các bạn. Đừng bao giờ nói rằng những cảm xúc của con cái các bạn chẳng ra gì và sẽ thay đổi. Bởi vì các thiếu niên chỉ sống cho hiện tại, nên việc chúng mau thay đổi cũng chẳng có gì quan trọng.
  7. Đừng phán định. Các bạn hãy nói lên các sự kiện thay vì nói ra các quan điểm của mình khi khen ngợi hoặc phê bình. Việc nói lên những sự kiện như: “Bài thơ của con tức cười quá” hoặc “phiếu điểm này toàn điểm dưới trung bình và điểm kém!” sẽ làm cho con cái của các bạn phải rút ra những kết luận hợp lý. Những đứa trẻ rất nhạy cảm khi bị xét đoán – tích cực cũng như tiêu cực.
  8. Hãy rộng rãi với lời khen ngợi. Hãy khen những nỗ lực của con cái các bạn, chứ không phải chỉ những thành tựu mà thôi. Và đừng nhận định về con người của chúng. Nếu các bạn nói: “Con là một họa sĩ tài ba,” con cái các bạn rất khó sống đúng như vậy. Câu nói: “Mẹ (hoặc cha) rất thích bức tranh ấy” là một sự kiện và là câu nói xuất phát từ thâm tâm của các bạn.
  9. Hãy đặt những giới hạn hợp lý. Các thiếu niên cần những điều đó. Những qui luật của các bạn nên được áp dụng một cách nhất quán và đặt căn bản trên niềm tin và các giá trị sâu xa nhất của các bạn.
  10. Hãy dạy cho con cái đang tuổi thiếu niên của các bạn thực hiện những quyết định và những lựa chọn khôn ngoan bằng cách cổ võ tính độc lập của chúng và khoan dung chấp nhận những sai lỗi của chúng. Đừng can thiệp trừ phi các bạn buộc phải làm như vậy.

Phương Cách Lợi Dụng Cơn Giận.

Mọi người làm cha mẹ đều có những lúc nổi giận với con cái. Chúng ta không thể tránh được điều đó. Nhưng một số người cảm thấy xấu hổ khi giận dữ nên đã giữ thinh lặng. Mặc dù khi giận dữ các bạn dễ dàng nói ra những điều mà các bạn không muốn, nhưng cơn giận cũng có thể cho thấy nhiều điều giúp cho các bạn và con cái các bạn hiểu nhau hơn.

Một Số Hướng Dẫn

  •       Khi nổi giận, các bạn đừng trách móc hoặc chữa lỗi. Hãy nói ra điều các bạn cảm nghiệm như khó chịu, bực dọc, cáu giận, và lý do tại sao như vậy. Hãy cụ thể. Hãy nói ra các sự kiện. Việc trách móc chỉ ép buộc một đứa trẻ phải bào biện cho quan điểm của nó, khơi dậy cơn nóng nẩy và giết chết tinh thần đối thoại.
  •       Hãy nghĩ đến giải pháp, chứ đừng nghĩ đến chiến thắng. Đừng cố gắng chiến thắng bằng lý lẽ, tranh luận.
  •       Hãy bám sát vào sự kiện hiện tại. Việc gợi lại các cuộc chiến xa xưa chỉ làm cho tình trạng ra tồi tệ thêm.
  •       Hãy cẩn thận đừng tấn công vào con người hoặc cá tính của con cái các bạn. Hãy nói, “Mẹ (hoặc cha) giận vì con không chịu dọn dẹp cái đống lộn xộn con đã bày ra” – chứ đừng nói: “Mày là đồ lười biếng chảy thây!” Con trai hoặc con gái của các bạn có thể vì đó mà không chịu phấn đấu thăng tiến.
  •       Nếu tình trạng quá khó khăn, hãy viết những ý nghĩ của các bạn thành một bức thư. Các bạn có thể viết ra những điều các bạn muốn nói, và con cái các bạn sẽ có thời giờ để suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi trả lời cho các bạn.

Những Dấu Hiệu Cho Biết Con Cái Cần Sự Giúp Đỡ Bên Ngoài.

  •       Liên quan đến mưu tính tự sát. Một đứa trẻ có ý định tự sát có thể đem cho không mọi thứ đồ đạc có giá trị của chúng, viết chúc thư, thường đề cập đến cái chết hoặc nói gia đình sẽ tốt hơn nếu như không có nó.
  •       Thay đổi giờ giấc ngủ nghỉ hoặc ăn uống, cách thức suy nghĩ, tính tình, bạn bè, học hành, các hoạt động. Tình trạng căng thẳng lâu dài nhưng đột ngột chấm dứt mà không giải thích được thường hay dẫn trước một mưu tính tự sát. Việc sụt cân đột ngột có thể là một dấu hiệu của chứng thèm ăn hoặc chứng biếng ăn đều là những vấn đề nguy hiểm.
  •       Ma túy và rượu chè. Có thể nhận ra qua lối sống bừa bãi hoặc vô trách nhiệm, nói dối, che đậy, tính tình thay đổi, gặp nhiều tai nạn đột ngột. Một đứa trẻ vướng vào những vấn đề này thường có nhãn cầu lồi ra hoặc phải đeo kính râm ngay trong nhà, hay than phiền về việc ngủ nghỉ và không cảm thấy khỏe khoắn. Những đồ đạc có giá trị bị mất. Các bạn có thể thấy những ống tiêm ma túy hoặc chai bình đựng rượu ở chung quanh nhà.
  •       Quen thân với những người các bạn có thể cảm thấy có dính dáng đến ma túy hoặc rượu chè. Điều này là một dấu hiệu cho các bạn biết con cái mình đã dính vào hoặc đang có vấn đề.
  •       Thái độ tháo thứ luật pháp, không cần biết cảnh sát hoặc tòa án. Các bạn có thể nhận ra có những món đồ và những món tiền mới mà không thể giải thích được nguồn gốc.
  •       Tự ty. Hay hoài nghi. Việc thiếu tự trọng triền miên cũng là một vấn đề.
  •       Chán nản trầm trọng. Bôn chôn, cô đơn, thường xuyên thách thức.
  •       Những vấn đề tại trường học. Bỏ lớp, trốn học, điểm số đột nhiên sa sút.
  •       Những nỗi lo sợ và ưu tư làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày.
  •       Những vấn đề giữa các phần tử gia đình không được giải quyết bằng việc lắng nghe và đối thoại. Thực vậy, những cuộc thay đổi trong gia đình như qua đời, li dị, hoặc tái hôn là những lúc các trẻ thường cần đến một sự trợ giúp bên ngoài.

Khi Cần Đến Sự Giúp Đỡ Cho Chính Các Bạn.

  •       Khi cuộc sống gia đình các bạn không êm thắm, nhưng các bạn không hiểu lý do vì sao.
  •       Bạn hoàn toàn bất đồng với người bạn đời của mình về các vấn đề liên quan đến đứa con đang tuổi thiếu niên, và vợ chồng bạn không thể tìm được tiếng nói chung.
  •       Bạn gặp khó khăn trong việc giữ được một công việc làm.
  •       Bạn lạm dụng ma túy hoặc rượu chè.
  •       Bạn không thể làm chủ được mình và dùng bạo lực với con cái.
  •       Người bạn đời của bạn dùng bạo lực với bạn hoặc với con cái.

Điều Cần Làm Khi Con Cái Bỏ Nhà Ra Đi.

Đa số các trẻ em bỏ nhà ra đi chỉ trong khoảng 48 giờ đồng hồ. Những đứa trẻ bỏ nhà ấy sẽ gặp nhiều trạng huống nguy hiểm. Vì thế, các bạn hãy làm tất cả những gì có thể để đưa chúng trở về nhà.

  •       Ghi vào sổ những bước các bạn đã đi qua và ngày tháng.
  •       Hỏi thăm hàng xóm, thân nhân, bè bạn, thầy cô giáo, chủ nhân hoặc đồng nghiệp của đứa con của bạn.
  •       Tiếp xúc với các tụ điểm và các bệnh viện tại địa phương.
  •       Gọi điện hỏi cảnh sát. Nhờ một cảnh sát đến nhà bạn để nhận tường trình và các bức hình chụp mới nhất, hồ sơ về răng và dấu vân tay nếu sẵn có. Xin tên tuổi, số quân hàm và số điện thoại của cảnh sát ấy; số biên bản của cảnh sát và danh tánh vị sĩ quan phụ trách công tác theo dõi.
  •       Tiếp xúc với các trung tâm tại địa phương và những vùng lân cận dành cho các trẻ vô gia cư.
  •       Cáo thị kèm theo hình ảnh, độ tuổi, chiều cao, trọng lượng, màu tóc, màu mắt, nước da, và các đặc điểm thể lý khác của con cái các bạn (chẳng hạn các vết sẹo, bớp bẩm sinh, vòng đeo tay hoặc tai đeo bông tai), hoàn cảnh mất tích, số điện thoại của gia đình và những nơi để tiếp xúc với cảnh sát. Hãy phân phối các cáo thị tại các trạm xe buýt, các điểm giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên, các bệnh viện, các cơ quan chấp hành luật pháp.
  •       Hãy chuẩn bị cho cuộc gặp lại lần đầu với con cái, hoặc qua điện thoại, hoặc trực tiếp, hãy tỏ ra quan tâm, đừng nóng giận. Hãy nói: “Mẹ (hoặc cha) yêu thương con.”
  •       Hãy nhanh chóng khởi sự giải quyết ngay các vấn đề đã khiến con cái các bạn phải bỏ nhà ra đi. Khi chúng đã trở về, xúc động có thể vẫn còn căng thẳng. Một người ngoài gia đình có thể giúp các bạn xử sự với tất cả những xúc động ấy. Nếu cần, có thể để con cái các bạn ngụ ở một trung tâm tạm cư hoặc một chỗ trọ nào đó trong thời gian các bạn giải quyết các vấn đề. Hãy tìm sự trợ giúp từ một vị cố vấn có kinh nghiệm.
Chia sẻ Bài này:

Related posts