Niềm Tín Thác – Chương II: NHỮNG LỢI ÍCH CỦA TÍN THÁC

I. NÓ NÂNG ĐỠ LÒNG CAN ĐẢM CỦA TA, NHẤT LÀ TRONG NHỮNG LÚC CHÁN NẢN VÀ NHỮNG ĐÊM TỐI THẦN BÍ

– NÓ TRÁNH CHO TA KHỎI CHỨNG TỰ KIÊU LÀ CẢN TRỞ CỦA ÂN SỦNG

– NÓ LÀ NHƯ LÁ BÙA GIÚP TA ĐẠT ĐƯỢC MỌI SỰ

– NÓ LÀM CHO TA RẤT ĐƯỢC CHÚA YÊU THƯƠNG

Nó nâng đỡ lòng can đảm của ta. – Có thể nói về niềm tín thác những gì mà vua Salomôn đã nói về đức khôn ngoan : tất cả mọi sự tốt lành đã đến với tôi nhờ nhân đức đó.

Một trong những vị thánh thời danh nhất của thời đại chúng ta, và có thể nói của mọi thời đại, thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, khuôn mẫu tuyệt hảo nhất của những linh hồn tín thác, đã kể lại cho chúng ta biết : tại sao cho đến một tuổi nào đó, vì thiếu niềm tín thác vui vẻ, thánh nữ đã bị tê liệt, không tiến được trong đời sống thiêng liêng. Một hôm Cha Pichon, dòng Tên, đàm đạo với chị, và Cha đã hoàn toàn trấn an chị. Cha tuyên bố chị chưa bao giờ đánh mất tình trạng vô tội, và chị được Thiên Chúa yêu thương lắm, cho nên chị phải mở toang linh hồn ra để đón nhận ơn tín thác. Và đó giống như một sự lột xác. Cuộc gặp gỡ có vẻ ngẫu nhiên này giữa một linh mục Dòng Tên và vị thánh nữ non trẻ đã là một biến cố do Chúa quan phòng xếp đặt để mang đến cho Têrêxa đôi cánh rộng lớn của một niềm tín thác táo bạo, giúp thánh nữ bay cao như một chim phượng hoàng tốt đẹp, bay lên tới những đỉnh cao nhất của tình yêu thuần túy và của sự bỏ mình trọn vẹn.

Đối với nhiều linh hồn, có thể điều họ đang thiếu hơn cả, và cũng là điều họ ít nghĩ tới, đó là một niềm tín thác không gì lay chuyển vào Thiên Chúa. Và điều này thoạt nghe có vẻ lạ : chính những linh hồn được Chúa yêu thương nhất, những linh hồn Ngài muốn dẫn dắt vào những con đường cao siêu của đời sống thiêng liêng, lại cần đến niềm tín thác hơn hết. Dần dần Thiên Chúa cởi bỏ họ khỏi hoạt động con người của họ. Cái phần hành động của họ trong cuộc sống thiêng liêng ngày càng giảm dần, để cái phần của Thiên Chúa dần dần gia tăng. Họ phải trở thành ngày càng thụ động hơn, ngày càng phụ thuộc và ngoan ngoãn vâng theo hành động của Chúa. Hoạt động của họ phải thay đổi hình thức : hành động của họ phải gần như chỉ là ngoan ngoãn sinh hoạt thụ động dưới ảnh hưởng của Chúa[1]. Dần dần Chúa muốn là tất cả ở trong họ. Ngài muốn biến đổi họ bằng cách kết hiệp cách thân mật với họ.

Trong sự mất hết mọi trợ lực của loài người, khi các tài năng của họ có vẻ như bất động, và trong sự nhàn rỗi thánh thiện của việc chiêm niệm, linh hồn tự cảm thấy mất hướng và lạc lõng. Và nó cảm thấy choáng váng. Nó thấy mình ở bên bờ vực thẳm, vực thẳm của sự bất lực của con người, và của sự vô dụng của các tài năng của mình. Nó thấy tự nó không thể làm được điều gì hết. Cho nên nếu khi đó nó thiếu lòng trông cậy, nếu nó không có đôi cánh của một niềm tín thác vững vàng để bay lượn trên vực thẳm và vượt qua vực thẳm, nó sẽ có nguy cơ sa ngã hoặc muốn trở lui.

Và sẽ đúng như thế, nếu linh hồn trải qua hai cơn thử thách lớn lao của cuộc sống thần bí : đó là đêm tối của các giác quan, hoặc thử thách ghê sợ hơn nữa là đêm tối của tâm trí : chính thử thách này sẽ dẫn đưa linh hồn tới đỉnh cao của đời sống thánh thiện. Thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả cách đậm nét những sự hãi hùng của những đêm tối này : linh hồn cảm thấy mình bước đi một mình, sờ soạng trong đêm tối, như thể bị Thiên Chúa ruồng bỏ vậy. Ôi ! Trong những cơn thử thách đau đớn đó, linh hồn cần phải tín thác dường nào ! Nó cần phải cậy trông khi không còn gì để cậy trông, như tổ phụ Abraham. Khi đó, nếu linh hồn mất lòng trông cậy, hoặc không mất lòng trông cậy nhưng bôn chôn và bối rối quá mức, nó sẽ cản trở hành động thanh tẩy và soi sáng của Thiên Chúa. Nó cản trở công việc làm của vị giải phẫu thần linh là Thiên Chúa, và như vậy Ngài sẽ phải buồn lòng rút lại những ân sủng quí trọng nhất của Ngài, để lại dẫn đưa linh hồn qua những con đường ít khổ ải hơn, những con đường thông thường, không bao giờ dẫn tới những đỉnh cao.

Nó tránh cho ta khỏi chứng tự kiêu là cản trở của ân sủng. – Niềm tín thác không những được coi là quí giá đối với những linh hồn ưu tú được Chúa dẫn đưa qua những con đường cao siêu của tình yêu thụ động, nhưng còn quí trọng cho tất cả các linh hồn, ở bất cứ bậc thang nào trên con đường thiêng liêng. Niềm tín thác đích thực nơi Thiên Chúa, một niềm tín thác của người con thảo, sẽ cất khỏi linh hồn ta cái chướng ngại vật lớn lao khiến ta không nhận được biết bao ân sủng, đó là tính tự kiêu, cậy vào sức loài người của mình. Khi Thiên Chúa thấy một linh hồn cậy mình, tin tưởng vào những tài năng tự nhiên của mình, Ngài sẽ không thể đổ các ân sủng của Ngài xuống trên một linh hồn đầy tự tin vào mình nó như thế. Vậy trước hết, niềm tín thác khiêm nhường nơi Thiên Chúa phải làm cho linh hồn quá đầy sự cậy mình này trở nên trống rỗng :  nó phải thôi cậy mình, phải thất vọng về bản thân mình để đặt tất cả niềm cậy trông vào Chúa. Khi đó Thiên Chúa sẽ có thể đổ hồng ân các ân sủng quí báu xuống linh hồn đó.

Nó là như lá bùa giúp ta đạt được mọi sự.–Nhưng niềm tín thác còn làm nhiều hơn là giúp ta có tâm trạng để đáng lãnh nhận các ân sủng, nhờ một việc làm tiêu cực, tức thanh tẩy và diệt trừ tính cậy mình. Nó còn có vai trò tích cực : nó giúp ta lãnh nhận được những ân sủng quí trọng nhất. Chúng ta đã thấy trên kia rằng Thiên Chúa đã hứa tất cả, và Ngài ban tất cả cho những ai có niềm tín thác đích thực.

“Một hôm Chúa Giêsu từ làng Bêtania trở lại  Giêrusalem vào lúc sáng sớm. Ngài cảm thấy đói. Nhìn thấy một cây vả bên đường, Ngài tiến lại gần, nhưng chỉ thấy toàn là lá. Ngài nói với cây vả : “Không bao giờ mi sinh ra hoa trái nữa !”. Lập tức cây vả liền chết khô. Thấy thế, các môn đệ kinh ngạc và nói : “Làm sao cây vả có thể chết tức thì như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ : “Thật, Thầy bảo thật, nếu anh em có niềm tin, có niềm tín thác và không hoài nghi, không những anh em có thể làm như Thầy đã làm cho cây vả này, nhưng nếu anh em bảo trái núi kia : “Hãy dời khỏi đây và gieo mình xuống biển !” thì điều đó sẽ xảy ra. Tất cả những gì anh em cầu xin với niềm tin cậy, anh em sẽ nhận được” (Mt 21,18-22).

Vậy chúng ta hãy cầu xin với niềm tin, với một niềm tín thác đích thực, không chút nghi ngờ, không tính toán về sự lớn lao của hồng ân mà ta cầu xin, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được. Ôi ! Niềm tín thác là viên ngọc quí dường nào ! Đó thật là viên ngọc vô giá, quí trọng hơn tất cả mọi kho báu. Đó là như lá bùa thiêng mang lại cho ta tất cả những gì chúng ta ước ao, giúp chúng ta đạt được tất cả những gì chúng ta mơ ước.

Nó làm cho ta rất được Chúa yêu thương.– Không lạ gì niềm tín thác giúp ta đạt được mọi sự. Bởi vì nó là viên ngọc quí và hiếm lắm, nó giúp ta chiếm được lòng Vua cả trời đất và cũng là Cha trên trời của chúng ta. Nó rất đẹp lòng Ngài và làm Ngài say mê. Bởi vì trong số đàn con rất đông đảo của Ngài, được Ngài yêu thương và chiều chuộng ban cho các ân huệ của Ngài, rất ít những linh hồn thật sự tín thác nơi Ngài và sống như những con cái thật sự của Ngài. Rất ít linh hồn đáp lại lòng nhân hậu của Ngài bằng một niềm tín thác con thảo, đầy tin tưởng. Bởi vậy Ngài đặc biệt ưu ái những linh hồn rất ít ỏi đó : họ sống như những người con yêu dấu của Ngài. Khi vui cũng như khi gặp nghịch cảnh, những lúc được an ủi cũng như trong những cơn thử thách, họ luôn luôn tin vào tình thương của Cha trên trời. Đúng thế, những linh hồn này đã làm say mê, đã chiếm được trái tim của Cha trên trời. Đó là những đứa con cưng của Ngài.  Không có gì mà Ngài không sẵn lòng ban cho họ.

Chúng ta hãy cố gắng trở thành những linh hồn quá ít ỏi đó, những linh hồn được Cha trên trời đặc biệt yêu thương. Chúng ta hãy lo an ủi Ngài vì sự nghi ngờ của bao linh hồn đối với Ngài. Chúng ta hãy quyết tâm sống tín thác nơi Ngài, thay thế cho biết bao linh hồn thiếu tin cậy nơi Ngài, và chúng ta sẽ trở thành đối tượng của những ưu ái thần linh của Ngài. Rồi một ngày kia chúng ta sẽ được hát mừng lòng thương xót Chúa muôn đời. “Tôi sẽ ca hát lòng thương xót Chúa đến muôn đời”.

II. NIỀM TÍN THÁC GIẢ THIẾT PHẢI CÓ LÒNG YÊU MẾN NHIỀU, VÀ NÓ LÀ MỘT THỰC TẬP KỲ DIỆU CỦA LÒNG YÊU MẾN.

–   NÓ DẪN ĐƯA ĐẾN ĐỈNH CAO NHẤT CỦA TÌNH YÊU LÀ TUỔI THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG.

Niềm tín thác giả thiết phải có lòng yêu mến nhiều, và nó là một thực tập kỳ diệu của lòng mến yêu.– Trình bày cho thấy tín thác là nhân đức rất quí trọng và rất cần thiết cho các linh hồn, nhất là cho những linh hồn nội tâm ; trình bày cho thấy nó là chìa khóa mở ra cho ta tất cả các kho báu trên trời, và cho thấy rất đáng tiếc rằng : nhân đức rất được Cha chúng ta ở trên trời ưa thích, lại là một nhân đức quí hiếm, phải chăng đã là trình bày hết mọi lẽ dạy ta phải quí trọng nhân đức này ? Chưa đâu! Bởi vì còn một lẽ ít được người ta xem xét đến, và đó là phương diện làm cho niềm tín thác phải được những linh hồn say mến Chúa đặc biệt quí mến : đó là những tương quan giữa niềm tín thác và đức Ái là nữ hoàng các nhân đức.

Tự bản thân nó, tín thác không phải là yêu mến, cũng như khiêm nhường và hãm mình không phải là đức mến. Tuy nhiên, một hành vi khiêm nhường thường chứa đựng biết bao tình yêu mến ? Khi, trong một hành vi rất mực khiêm nhường, Mađalêna đã chê ghét cuộc đời quá khứ của chị, tưới ướt hai bàn chân của Chúa Giêsu bằng những nước mắt sám hối của chị, chị đã yêu mến Chúa nhiều lắm. Chúng ta cũng phải nói như thế về niềm tín thác. Một hành vi tín thác trong lúc chán nản, hoặc trong khi đau khổ, thường là một hộp đựng nữ trang, trong đó có một viên ngọc đức Ái lớn lao. Khi bị thử thách, nhất là khi bị chìm đắm trong buồn rầu, cảm thấy mình như đã bị Chúa ruồng bỏ, mà vẫn cậy trông vào tình thương vô cùng của Ngài, và vẫn một niềm tín thác nơi Ngài như khi được an vui và thịnh vượng, thì đó là điều giả thiết và cho thấy ta có lòng mến yêu lớn lao.

Xét cho cùng, lòng mến yêu Chúa là động lực của mọi hoạt động trong cuộc sống thiêng liêng, là nhựa sống làm trổ sinh hoa trái là tất cả các nhân đức khác. Thánh Augustinô đã nói : “Hãy yêu mến rồi làm gì tùy ý”. Hãy yêu mến Thiên Chúa rồi các bạn sẽ có lòng bác ái, sẽ hiền hậu, nhẫn nhục, khiêm tốn, hãm mình và quên mình. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm : chính đức ái giúp chúng ta vượt qua mọi chướng ngại vật và làm cho chúng ta can đảm chạy lẹ trên con đường các nhân đức. Linh hồn càng lên tới các đỉnh cao, đức ái càng chiếm lĩnh tất cả cuộc sống thiêng liêng của nó. Đức mến là nồng cốt tất cả mọi nhân đức : nó là linh hồn của mọi nhân đức. Đức mến sẽ là nguyên lý của tất cả các hành vi của linh hồn : chính đức mến tỏa ra nơi các hành vi khiêm nhường, nhẫn nhục, bác ái, nhiệt thành và từ bỏ. Chính đức mến thúc giục linh hồn thực hiện các hành vi, biến mật đắng của những đau khổ thành mật ong ngọt ngào, và cũng chính đức mến dạy cho linh hồn biết tìm thấy nơi các hành vi đạo đức của mình, cách làm giảm hạ lửa nhiệt thành đang thiêu đốt nó.

Nhưng nếu tất cả các linh hồn yêu mến Chúa đều say sưa những hình thức mến yêu như đau khổ, chịu khinh chê, bác ái, tông đồ, thì nhiều linh hồn vẫn chưa biết yêu mến hình thức tuyệt hảo của đức mến là niềm tín thác. Có vẻ họ chưa nhận ra và chưa cảm nghiệm tất cả những gì là mến yêu, và mến yêu nồng nàn được chứa đựng trong niềm tín thác. Lý do có thể là vì niềm tín thác được thi thố nhất là trong những cơn thử thách, những lúc bị khô khan, những đêm tối, mà khi đó lòng mến yêu không còn chút gì là cảm xúc, cho nên xem ra như đã tắt. Khi đó linh hồn vẫn quyết tâm tín thác nơi Chúa, tin vào tình thương vô cùng thương xót của Ngài, nhưng không cảm thấy lòng mến yêu rất lớn lao của mình đối với Chúa.

Vị thánh nữ vĩ đại thành Lisieux đã hiểu rất rõ niềm tín thác trong những lúc sầu khổ luôn giả thiết và chứng tỏ lòng yêu mến, bởi vậy chị thánh tỏ ra đặc biệt quí chuộng những cơn sầu khổ. Chị thánh sung sướng được có thể yêu mến Chúa Giêsu trong những lúc khô khan như thế, và vững tâm tin vào tình thương trung thành của Ngài, bất chấp mọi vẻ ngược lại. Chị quá biết rằng nhiều linh hồn thường than phiền và rối trí khi bị buồn sầu, và như vậy họ cản trở không để Chúa Giêsu tự do hành động ở trong họ. Về phần mình, chị thánh thường nói với Chúa Giêsu xin Ngài cứ tự nhiên đối với chị, không phải nhẹ nhàng gì hết, bởi vì chị muốn an ủi Chúa về sự thiếu tín thác của những linh hồn kia. Ôi ! Một thái độ như thế vừa giả thiết, vừa chứng tỏ một tình yêu mạnh mẽ và tế nhị biết bao ! Niềm tín thác của những linh hồn như thế phải được coi là mùa hoa luôn luôn tươi nở của lòng yêu mến.

Có những linh hồn quảng đại, và tạ ơn Chúa, xem ra con số những linh hồn đó đang ngày càng lớn thêm : họ khát khao yêu mến Chúa nhiều hơn. Những ân sủng của chiêm niệm đã dẫn họ tới gần nguồn mạch của mọi sự tốt đẹp và của yêu thương. Họ đã hiểu được rằng, dầu họ làm thế nào đi nữa, họ cũng không bao giờ có thể yêu mến Thiên Chúa như Ngài đáng mến yêu. Và ý thức về sự bất lực của lòng mến như thế là tâm tình không lúc nào rời khỏi tâm trí họ, giống như một thứ lửa thiêu đốt, một niềm ước ao không thể nào thỏa mãn. Họ không thể yêu mến và làm cho người khác yêu mến Chúa vô cùng đáng mến, như Ngài đáng được kính mến ; ít ra họ yêu mến Ngài và làm cho người ta yêu mến Ngài theo sự có thể của họ. Đối với những linh hồn đó, tất cả cuộc đời là để biểu lộ lòng mến. Họ luôn tìm mọi cách để tỏ lòng mến yêu : những công việc thường ngày, những lúc chiêm niệm, những đau khổ, công việc tông đồ, mọi cái đều có thể giúp họ tỏ bày lòng mến đối với Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối.

Với những linh hồn đó, đức tín thác, người em gái quí yêu của đức Ái, tha thiết nhắn nhủ rằng: Đừng quên tôi ! Hãy đến với tôi, hỡi các bạn đang khao khát lòng mến và hy sinh tận hiến ! Các bạn hãy đến và hãy nếm thử tôi ngọt ngào dường nào ! Các bạn hãy làm việc cho Chúa Giêsu ! Các bạn hãy tận tụy, hãy xả thân vì lòng mến, hãy chịu đau khổ vì lòng mến, đúng như thế đó, nhưng trước hết các bạn hãy tín thác vì yêu mến và để tỏ bày lòng yêu mến !”

Đúng thế, hỡi các linh hồn quí yêu, niềm tín thác là thứ dầu nóng quí giá, có sức làm giảm đau những vết thương tình yêu Thiên Chúa của các bạn. Khi cơn thử thách làm các bạn lo âu, khi Chúa Giêsu muốn các bạn chịu đau khổ, các bạn hãy cứ vững tin vào tình thương bao la của Ngài và hãy đáp lại bằng một lòng mến yêu tín thác. Khi sự khô khan khiến các bạn mất an vui, khi những sự khốn khó của các bạn có vẻ đáng sợ, các bạn hãy tin vào tình thương đầy thương xót của Ngài, và để đáp lại, các bạn hãy tín thác tất cả nơi Ngài !

Khi đêm tối bao phủ các bạn và Chúa Giêsu ẩn trốn, có vẻ như bỏ rơi các bạn, khi đó, và nhất là khi đó các bạn hãy kêu với Chúa Giêsu : “Lạy Chúa, con muốn mọi sự, con chúc tụng mọi sự, nhưng nhất là con tin vào tình thương của Chúa. Chúa là của con, và con hoàn toàn là của Chúa, mãi mãi”. Lời kêu xin đầy lo âu đó của linh hồn, là lời kêu của niềm tín thác mến yêu, nó đáng giá hơn những sự hãm mình khổ hạnh.

Chúng ta hãy siêng năng suy gẫm về niềm tín thác, để hiểu rõ hơn về cái mỏ vàng quí giá mà chúng ta có, và cho đến nay chúng ta vẫn khai thác quá ít. Chúng ta hãy nhờ việc nguyện gẫm để thấy rõ, và nhất là bằng việc tập đi tập lại đức cậy trông tín thác để cảm nghiệm tất cả lòng mến yêu ở trong đó. Sẽ có ngày chỉ cần nhớ lại những kinh nghiệm của niềm tín thác mến yêu này, cũng đủ làm cho chúng ta hoan hỉ vô cùng.

Và nhất là nhờ đó chúng ta sẽ an ủi và làm vui lòng trái tim Thầy chí thánh, vì chúng ta là những người lo an ủi Chúa Giêsu. Có nhiều linh hồn yêu mến Ngài và dâng lên Ngài những đau khổ để đền tạ. Nhưng quá ít linh hồn tín thác đích thực và trọn vẹn nơi Ngài. Trọn vẹn tín thác : đó là hình thức của lòng mến yêu đền tạ và an ủi Chúa mà ít người nghĩ tới, và đó là thứ tình mến yêu mà chúng ta phải mang lại cho Chúa Giêsu, vì chúng ta là những linh hồn được Ngài yêu thương cách riêng. Vậy mà chính chúng ta cũng ít khi yêu mến Chúa bằng cách này. Nhưng đó là cách minh chứng và thực hiện tình mến yêu lớn lao mà Thiên Chúa mong đợi ở nơi chúng ta, và chúng ta phải dành cho lòng nhân hậu đầy yêu thương của Ngài.

Bởi vì người ta có thể yêu mến Thiên Chúa vì Ngài đáng yêu mến vô cùng, nhưng người ta không hoàn toàn tín thác nơi Ngài, vì người ta thấy Ngài vô cùng tốt lành, nhưng chưa thấy Ngài yêu thương ta, và yêu thương bằng một tình thương vô cùng. Những linh hồn đã hiểu và đã cảm nghiệm tình thương vô cùng của Chúa, một tình thương rất nhân hậu, âu yếm và cảm thông, tất nhiên sẽ đáp lại không những bằng tâm tình mến yêu nồng nàn, mà còn bằng một niềm tín thác trọn vẹn. Tóm lại, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tình thương và lòng nhân hậu vô cùng của Chúa. Chúng ta vẫn chưa yêu mến Chúa một cách trọn vẹn và đầy đủ, vì sự nhớ đến những yếu hèn và những sự bất trung của chúng ta vẫn làm tê liệt niềm tín thác của chúng ta, cho nên niềm tín thác của chúng ta vẫn bị giới hạn.

Nó dẫn đưa ta tới đỉnh cao nhất của lòng mến là tuổi thơ ấu thiêng liêng.– Tất cả những gì chúng ta đã thấy trên đây về niềm tín thác, là để thúc giục chúng ta quí mến nhân đức này, và ước ao nhân đức kỳ diệu này. Nhưng chúng ta còn phải thấy phần tốt đẹp nhất của nhân đức này.

Chúng ta đã nói niềm tín thác là một biểu hiệu của lòng mến, và của một lòng mến yêu mãnh liệt. Bởi vậy dần dần nó sẽ dẫn đưa chúng ta lên tới đỉnh của tình yêu là sự từ bỏ mình, rồi lên tới đỉnh cao nhất là tuổi thơ ấu thiêng liêng.

Từ bỏ mình gợi lên một cái gì dịu êm và thư thái. Cuộc sống từ bỏ mình là sự sống trong sáng của đứa bé trong vòng tay của mẹ nó. Nó không lo lắng, không sợ hãi, không ước muốn gì hết. Đối với đứa bé, sống là an nghỉ một cách trìu mến trong vòng tay của người mẹ đầy yêu thương, được nuôi sống bằng sữa mẹ, vuốt ve mẹ và hôn yêu mẹ. Đứa bé hạnh phúc vì có tất cả nơi mẹ nó mà nó ôm ghì lấy một cách âu yếm. Mẹ của nó là tất cả tình yêu và tất cả hạnh phúc của nó. Mẹ nó là tất cả một thế giới cho nó. Nó chỉ thấy có mẹ nó, chỉ biết có mẹ, ngoài ra nó không còn thấy chân trời nào khác.

Đó cũng chính là sự sống của những con cái bé nhỏ của Chúa, nhờ sống bằng tín thác, đã đạt tới cuộc sống từ bỏ mình, và sống tuổi thơ ấu thiêng liêng. Ôi! Cuộc sống của họ đơn sơ và hiệp nhất dường nào ! Họ không còn lo nghĩ gì nữa. Những chuyện vật chất của cuộc sống trần gian bị xóa nhòa trước mắt họ, như những điều phù phiếm. Họ cũng không bận tâm để tìm ra con đường nào tốt nhất cho sự trọn lành, không lo tìm những kế hoạch khôn ngoan để nên thánh. Thiên Chúa lại không vô cùng khôn ngoan hơn họ và biết rõ những gì phù hợp cho họ sao ? Có gì Ngài ước ao hơn là dẫn dắt họ tới sự thánh thiện, như người mẹ dẫn dắt con mình ?

Nhờ niềm tín thác, tất cả đối với họ bây giờ là để Chúa thánh hóa họ, để Ngài dẫn dắt đi, và chỉ lo sống ngoan ngoãn và âu yếm dưới sự tác động của ân sủng. Họ an nghỉ như một em bé trong vòng tay của Thiên Chúa nhân ái vô cùng, và trọn niềm tín thác nơi Ngài.

Chính Chúa Giêsu là em bé lý tưởng và toàn thiện sẽ đến giúp họ. Ngài sống trong họ, Ngài cho họ sống bằng sự sống của Ngài. Ngài sẽ ban cho họ tinh thần thơ ấu của Ngài. Họ sẽ hiểu vai trò này của Chúa Giêsu. Tất cả mọi ước muốn, mọi hành động của họ sẽ chỉ lo sao để Ngài sống đầy đủ trong họ, hầu tâm tình và ý chí của họ thấm nhuần tinh thần của Ngài. Họ không còn những ước ao và những lo sợ của bản thân họ nữa, họ không ý thức chấp nhận những vui buồn của bản thân nữa. Ý muốn của Chúa Giêsu Hài đồng sẽ là chủ tất cả. Ý muốn của Ngài được thực hiện dưới đất này, nơi tâm hồn họ, cũng như đang được thực hiện trên thiên đàng của các thiên thần và các thánh. Tất cả cuộc sống của họ được gói gọn trong lời này : “Cuộc sống của anh em được giấu ẩn với Chúa Kitô trong Thiên Chúa” (Col 3,3). Họ để mình được thánh hóa, được thần linh hóa trong Chúa Giêsu.

Như vậy Chúa Hài đồng của Nazareth sẽ sống mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn ở trong họ. Họ hiệp nhất với Ngài để yêu mến Chúa Cha, hay nói đúng hơn, chính Chúa Giêsu Hài đồng yêu mến Cha trên trời ở trong họ, an nghỉ trong vòng tay của Chúa Cha cách âu yếm, ôm ghì lấy Ngài và tưởng như còn đang sống những ngày tươi đẹp và vui mừng tại Nazareth.

Chúa Giêsu ban cho họ đôi mắt của Ngài và trái tim của Ngài, để họ yêu mến Thiên Chúa với trái tim của Ngài, và để họ chỉ nhìn ngắm Thiên Chúa thôi. Thiên Chúa sẽ là tất cả chân trời của họ: tất cả mọi sự xung quanh họ đều rực sáng lên bằng hào quang của Thiên Chúa. Họ nhìn thấy Thiên Chúa khắp nơi, trong mọi sự. Họ cảm thấy mình đắm chìm trong Đại dương của Tình yêu Thiên Chúa. Những làn sóng dạt dào tình thương vô cùng của Chúa lúc lúc lại ru linh hồn họ và thấm nhuần linh hồn họ. Thiên Chúa bao che họ và ở trong họ. Chúa Giêsu yêu mến Cha Ngài ở trong họ : đó là cuộc sống thần linh hóa của họ, báo trước sự sống muôn đời của họ trên thiên đàng.

Đó là cách niềm tín thác dẫn dắt họ, cùng với người chị mến yêu của nó là đức Ái.

Vậy đời sống tín thác là gì ? Là một niềm tín thác mến yêu, hay đúng hơn đó là lòng mến yêu tín thác. Hai nhân đức tốt đẹp, đức cậy và đức mến hòa vào nhau thành như một. Ai còn có thể phân biệt ở đáy Đại dương tình mến những khối nước ngọt từ con sông tín thác chảy vào và tan hòa trong đó ?

Vậy chúng ta phải tha thiết vun trồng đức tín thác, phải tìm kiếm trăm ngàn cơ hội để thực tập nhân đức này, và nhất là phải dùng lời cầu nguyện và lòng ước ao để xin Chúa ban ơn đó cho ta, vì niềm tín thác là bông hoa chỉ tươi nở trong bầu trời của tuổi thơ ấu thiêng liêng.

Và chúng ta đừng nghĩ rằng sống tín thác là một ảo tưởng, một mộng đẹp không dành cho chúng ta, hoặc không hợp với chúng ta trong lúc này. Trái lại, ngay từ bây giờ chúng ta phải sống một chút bằng sự sống đó. Ngay từ bây giờ chúng ta được mời gọi hãy hít thở không khí tốt lành và bổ sức của cuộc sống tín thác. Sống tín thác là cuộc sống dành cho mọi người, mọi linh hồn khát khao sống quên mình, và sẵn sàng tận hiến. Nó được dành cho tất cả các linh hồn muốn hạnh phúc của mình là biến mất đi để nhường chỗ cho Chúa Giêsu sống trong mình, chết đi để Ngài sống và lớn lên trong mình.

Nhất là nó được dành cho các bạn, hỡi những linh hồn đang say mê đi theo linh đạo đồng hóa với  Chúa Giêsu, mà lý tưởng là một ngày kia được kêu lên như thánh Phaolô : “Tôi sống, không còn là tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20). Chúa Giêsu xin các bạn dành cho Ngài được hạnh phúc ngọt ngào sống trong các bạn. Và hình thức mến yêu tuyệt diệu này chính là niềm tín thác trọn vẹn. Chúa Giêsu nài xin các bạn dành cho Ngài niềm vui quí hóa này, một niềm vui mà rất thường khi người ta từ chối Ngài : Ngài muốn sống trong các bạn để có thể ở trong bạn và nhờ bạn mà còn có thể yêu mến Cha Ngài bằng một tình yêu tín thác đơn sơ.

Ồ, chúng ta hãy mau mau sống hạnh phúc thiên đàng ngay trong cuộc sống trần gian này. Ngay từ nơi lưu đày này, chúng ta phải làm quen với cuộc sống ở trên trời. Cuộc sống thiêng liêng viên mãn, tươi nở, đầy ánh sáng của những linh hồn quảng đại là một thứ nhà tập của thiên đàng. Chính Chúa Giêsu đã giảng dạy như thế : “Nước trời thuộc về những trẻ nhỏ và những ai giống như chúng” (Lc 18,16)[2].

 


[1]Xem những ghi nhận của Tanquerey, Đại cương về thần học tu đức và thần bí, in lần thứ 4, số 1300, về ơn chiêm niệm thiên phú.

[2]Trong số những linh hồn đã nên thánh một cách vinh hiển  nhất bằng con đường thơ ấu thiêng liêng, phải kể đến thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, một vị thánh đã sống rất gần chúng ta. Cuốn tiểu sử tự thuật của chị thánh là một minh họa sống động cho linh đạo ngọt ngào này.

Chia sẻ Bài này:

Related posts