Niềm Tín Thác – Chương IV: CHÚA GIÊSU THẦY DẠY NIỀM TÍN THÁC

I.  LÒNG NHÂN HẬU ĐẦY CẢM THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU MẶC KHẢI CHO TA THẤY LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA.

–   NHỮNG DỤ NGÔN MINH HỌA LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA : NGÀI LÀ CHA CỦA CHÚNG TA.

–   VẬY TA PHẢI CÓ NIỀM TÍN THÁC CỦA NGƯỜI CON THẢO.

Lòng nhân hậu đầy cảm thương của Chúa Giêsu mặc khải cho ta thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

– Có thể chúng ta sẽ được tha lỗi về những sự thiếu tín thác, nếu chúng ta sống ở thời Cựu Ước. Tất nhiên các quyển sách thánh cũng có những lời tuyệt diệu về lòng nhân hậu và quyền năng của Thiên Chúa. Chẳng hạn những Thánh Vịnh của Vua Đavid là một bản thánh thi khôn sánh về lòng thương xót của Chúa, và mãi mãi sẽ mang lại an vui cho những linh hồn thống hối và tín thác. Nhưng đối với quần chúng Do Thái, khi đó họ thấy Thiên Chúa là Đức Giavê đáng sợ, và họ chỉ kêu thánh danh Ngài cách run sợ. Người ta không bao giờ quên việc Đức Giavê phạt Út-da (Uzza) chết tươi, vì đã chạm tay vào Hòm Bia, dầu với ý lành để đỡ cho Hòm Bia khỏi đổ nhào. (Xem 2Sm 6,6-8).

Còn chúng ta, chúng ta được phúc sống dưới thời Tân Ước. Chúa Giêsu, Mặt Trời của sự khôn ngoan thần linh, đã soi sáng và biến đổi thế giới. “Ngài là ánh sáng thật, soi sáng cho mọi người sinh ra trên trần gian” (Ga 1,9). Chúa Giêsu đã đến để mặc khải cho ta thấy Thiên Chúa vẫn được coi là mầu nhiệm và không ai biết rõ, Ngài cho ta thấy một Đấng Thiên Chúa gần như có thể sờ thấy, rất gần gũi với chúng ta. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, đã đến để nói cho ta biết tình cảm của Thiên Chúa đối với chúng ta, tình thương vô cùng thương xót, tình của Người Cha vô cùng dịu dàng đối với chúng ta. Muốn nhận biết Cha chúng ta ở trên trời, chỉ cần nhìn vào Chúa Giêsu, xem Ngài hành động và nghe Ngài nói. Chính Chúa Giêsu đã nói : “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy” (Ga 14,9). Ngài là hình ảnh rất trung thực của Chúa Cha trong thế giới hữu hình của chúng ta.

Nếu phải nói đến nét đặc điểm của con người Chúa Giêsu, thì ai cũng thấy đó là lòng nhân hậu lạ lùng của Ngài, khiến những kẻ khốn nạn nhất cũng chạy đến với Ngài. Đó là tình thương đặc biệt Ngài dành cho những người tội lỗi và những người bệnh tật, và cho tất cả những ai cần đến lòng nhân hậu của Ngài hơn. Ngài luôn mở rộng vòng tay đầy dịu dàng và thương xót của Ngài để đón nhận những người đau khổ về thân xác hoặc tâm hồn.

Ai cũng biết rõ như thế. Và người ta đã tố cáo Ngài đi qúa đà trong những hành vi cảm thương đầy nhân hậu đó. Những người Biệt phái đã nhiều lần trách móc Ngài nặng lời, vì Ngài đã thương xót các bệnh nhân mà lỗi phạm luật ngày sa-bát của Chúa. Rồi họ trách Ngài đã qúa nhân hậu với những người tội lỗi, nhất là trường hợp Ngài đã để cho một người đàn bà tội lỗi đụng chạm đến Ngài, lấy nước mắt thống hối rửa chân Ngài, và lấy tóc lau chân Ngài.

Người ta còn đi tới chỗ gài bẫy để bắt lỗi Ngài về chuyện này. Người ta dẫn đến trước mặt Ngài một người đàn bà, bị bắt qủa tang phạm tội ngoại tình, để thử Ngài, xem Ngài có dám nhân hậu đến độ tha tội cho người đó, chống lại luật Môisê chăng? Lòng nhân hậu bao la của Chúa Giêsu đã nên cớ vấp phạm cho những người Biệt phái tự phụ, kiêu căng và độc ác. Sự ghen ghét của họ đối với Ngài chỉ gia tăng tiếng đồn về lòng nhân hậu đầy thương xót của Ngài, và lôi kéo người ta đến với Ngài.

Và để làm cho mọi người thấy rõ đáy lòng của Ngài, để cho những người tội lỗi nhất và đáng thất vọng nhất cũng hãy tin tưởng và tín thác nơi tình thương rất nhân hậu của Ngài, Ngài đã kể ra những dụ ngôn rất ngọt ngào và rất hợp với tâm trí Người Đông phương. Ngài đã tự mô tả mình trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Ngài tự giới thiệu là người mục tử tốt lành, sẵn sàng thí mạng sống vì các con chiên của mình. Như vậy, một cách sống động và cụ thể, Ngài cho ta thấy những tâm tình của Ngài và của Cha Ngài mà Ngài là hình ảnh trung thành và sống động.

Những dụ ngôn minh họa lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

– Như thế vẫn chưa hết. Nếu những tỏ bày về lòng nhân hậu ngọt ngào của Chúa Giêsu vẫn để chúng ta bán tin bán nghi về lòng thương xót của Cha trên trời, nếu chúng ta vẫn cứng lòng như một số người và chỉ nghĩ đến quyền năng và sự khôn ngoan khi nghĩ đến Chúa Cha, và chỉ dành tình thương và lòng thương xót cho Chúa Giêsu, thì chính Ngài, chính Chúa Cứu Thế của chúng ta đã thấy cần phải mở mắt cho chúng ta.

Ngài tỏ cho ta thấy Chúa Cha, vì Ngài là hình ảnh toàn hảo và trung thực của Cha Ngài. Nhưng Ngài còn làm nhiều hơn. Ngài đã thấy Cha Ngài, muôn đời vẫn là một với Cha, cho nên Ngài có thể tỏ bày cho ta biết những mầu nhiệm khôn dò về Chúa Ba Ngôi và về tình thương bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Chúng ta biết Chúa Giêsu đã tỏ bày cho ta thấy lòng nhân hậu bao la của Ngài trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu và người mục tử tốt lành. Rồi trong những dụ ngôn tương tự, Ngài đã mặc khải cho ta thấy tình thương của Chúa luôn thương xót con cái mình, cả những đứa con tội lỗi nhất. Ai trong chúng ta cũng biết dụ ngôn đồng bạc bị rơi mất và dụ ngôn con chiên lạc; trong hai dụ ngôn đó, Chúa đã nói qúa, một cách táo bạo, khi khẳng định rằng : trên trời đã vui mừng hơn, vui mừng vì một kẻ tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính ! Nhất là chúng ta tất cả đã nếm sự ngọt ngào của dụ ngôn tuyệt diệu về đứa con hoang đàng. Dụ ngôn này đã mang lại sự thống hối và niềm cậy trông cho biết bao tội nhân ngã lòng !

Như thế là chúng ta đã được giảng dạy và được  bảo đảm về tâm tình của Thiên Chúa đối với chúng ta. Những tâm tình này có thể được gọi chung một tên là tình Cha thương con : Cha của Chúa Giêsu cũng là Cha của chúng ta. Ngài là Cha và là người Cha vô cùng nhân hậu, vì Ngài là tình thương, tình thương vô cùng. Tình phụ tử của Ngài đối với chúng ta vượt xa tình thương của các người cha trần gian đối với con cái mình, cũng như tình thương của một vị Thiên Chúa vượt xa tình thương của một tạo vật.

Nơi mỗi trang của cuốn Phúc Âm, Chúa Giêsu lại càng làm nổi bật cho ta thấy tình phụ tử của Cha chúng ta ở trên trời. Ngài nhấn mạnh điều này đến độ đó là nét đặc trưng nhất của việc giảng dạy của Ngài, và đặc điểm này đã gây bỡ ngỡ cho những nhà chú giải Thánh Kinh yếu niềm tin thuộc giáo phái Tin Lành như Harnack. Chúa Giêsu luôn chỉ gọi Thiên Chúa là “Cha của anh em ở trên trời”.

Khi các môn đệ xin Ngài dạy họ cầu nguyện, Ngài đã dạy họ kinh “Lạy Cha” là kinh tốt đẹp hơn mọi lời kinh. Chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha không phải là điều kỳ diệu sao ? Thoạt tiên người ta nghĩ Ngài cũng dạy chúng ta xưng hô Thiên Chúa là “Chúa” hoặc “Chúa tể muôn loài” như kiểu cầu nguyện của người Do Thái. Nhưng Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh của chúng ta đã nghĩ khác, và Ngài đã dạy chúng ta: “Anh em sẽ cầu nguyện thế này : Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9). Phúc Âm Thánh Luca còn nói gọn hơn : “Anh em sẽ cầu nguyện thế này : Lạy Cha !” (Lc 11,2).

Vậy ta phải có niềm tín thác như con thảo.

 Khi đã biết tâm tình của Thiên Chúa là Cha của mình, chúng ta biết phải cầu nguyện làm sao. Phải có một niềm tin tưởng tín thác như con thảo. Và đó là điều Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài. Chỉ xin trích lại đây một thí dụ.

Sau khi dạy kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về việc cầu nguyện, nhất là về niềm tin tưởng tín thác phải có khi cầu nguyện. Ngài nói : “Ai trong anh em là Cha mà con mình xin bánh mì, lại cho nó hòn đá ? Hoặc nó xin cá mà lại cho nó con rắn ?… Vậy nếu anh em là những con người độc ác còn biết cho con mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em ở trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ cầu xin Ngài sao ?” (Lc 11,11-13).

Chúa đã luận lý một cách tuyệt hảo, không chê vào đâu được. Luận cứ của Ngài : Chúng ta còn tốt với con cái mình như thế, cả những người cha không ra gì, phương chi Thiên Chúa là người cha vô cùng tốt lành, vô cùng nhân hậu. Cốt lõi của lời dạy ở đây của Chúa Giêsu là : Thiên Chúa là cha của chúng ta, và là người cha vô cùng nhân hậu hơn mọi người cha, cho nên chúng ta phải hoàn toàn tín thác nơi Ngài. Khi đã chấp nhận điều này, niềm tín thác sẽ là điều tất nhiên, cho nên chúng ta sẽ không được tha thứ nếu không trọn vẹn tín thác nơi Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta cầu xin Ngài ơn gì.

Ôi ! Lạy Chúa Giêsu, con còn xa niềm tín thác con thảo này lắm, một niềm tín thác dựa trên sự cảm nghiệm Thiên Chúa là Cha của con. Xin Chúa hãy thương giúp con ! Xin ban cho con tinh thần nghĩa tử này, một tinh thần rất cần thiết. Chính Chúa đã dạy: “Không ai biết Chúa Con, trừ Chúa Cha, và không ai biết Chúa Cha, trừ Chúa Con và kẻ được Chúa Con mặc khải cho” (Mt 11,27). Vậy xin Chúa mặc khải cho con biết Chúa Cha, vì con biết Ngài ít qúa. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Xin đừng để con sống suốt đời như một đứa mồ côi, trong khi con có một người Cha tốt lành dường ấy. Cũng như tông đồ Philipphê, con nài xin Chúa : “Lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Chúa Cha, và như thế là đủ cho con” (Ga 14,8). Xin hãy tỏ cho con thấy, hãy giúp con biết rõ Đấng mà con chưa nhận rõ tình phụ tử rất dịu dàng ! Xin làm cho con yêu mến Ngài như một đứa con thảo yêu mến Cha mình, và như thế là đủ cho con. Khi đã biết rõ Ngài, con sẽ biết phải đến với ai để xin được những gì con cần thiết. Con sẽ đến với Ngài với một niềm tín thác con thảo, vì con chắc sẽ được Ngài nhận lời con xin. Vâng, xin hãy tỏ cho con thấy Cha con ở trên trời, và con sẽ có tất cả những gì con thiếu thốn. Con sẽ đến trình bày với Ngài những ước ao của con, nhất là niềm ước ao nên trọn lành, cho con và cho những người khác. Con sẽ trình bày với Ngài niềm khao khát yêu mến và hy sinh của con. Là linh mục của Chúa, là tu sĩ, là nữ tu, con sẽ xin Ngài những ơn cần thiết cho ơn gọi nên thánh của con. Con sẽ xin Ngài những nhân đức, lòng nhiệt thành và sự thánh thiện, để việc tông đồ của con có hào quang và có kết qủa. Những người cha trên trần gian, cả những người ngoại giáo cũng lo cơm bánh và thức ăn cho con cái mình, cho nên con tin chắc Cha trên trời của con sẽ sẵn sàng ban Chúa Thánh Thần cho con, vì như Chúa đã dạy, Ngài sẽ ban cho tất cả những ai cầu xin Ngài.

II.  NHỮNG LỜI HỨA CỦA CHÚA GIÊSU : NIỀM TÍN THÁC VỮNG VÀNG SẼ ĐẠT ĐƯỢC MỌI  SỰ.

–   NHỮNG PHÉP LẠ CỦA CHÚA LÀ NHỮNG BÀI HỌC CỤ THỂ. “HÃY CẦU NGUYỆN NHÂN DANH THẦY !”

Những lời hứa của Chúa Giêsu : Niềm tín thác vững vàng sẽ đạt được mọi sự.

 Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài không từ chối con cái Ngài sự gì hết. Nhưng như thế có nghĩa là Ngài ban lập tức và đúng như ta xin chăng ?

Cần phải nhắc lại ở đây những gì đã trình bày trên kia về bản chất và những phẩm tính của một niềm tín thác đích thực. Chúng ta biết : Niềm tín thác đích thực phải được điều kiện hóa, nghĩa là chúng ta tin chắc Chúa sẽ nhận lời cầu xin của chúng ta, nếu những sự chúng ta ước ao đó có ích lợi cho cùng đích tối hậu của chúng ta, và nằm trong kế hoạch của Chúa quan phòng. Bởi vì, để lấy lại dụ ngôn của Chúa Giêsu, nếu chỉ tay vào con bọ cạp, tưởng đó là con cá mà xin Cha trên trời, chắc Ngài sẽ không ban cho tôi. Vậy luôn phải nhớ chân lý này, để chúng ta khỏi thất vọng vì khờ dại khi cầu xin[1]. Nhưng cũng đừng vội bỏ cuộc : khi không nhận ngay được điều ta xin, chúng ta đừng vội tự nhủ : có thể ơn này không tốt cho tôi. Nghĩ như thế sẽ sớm chấm dứt việc cầu xin của mình. Sự nghĩ tưởng như thế, sớm bỏ lời cầu xin như thế, thường là dấu chỉ một sự thiếu tin tưởng và tín thác, sợ bị chưng hửng.

Đúng thế, trong những trường hợp đó, cần phải mạnh bạo, bền chí, và dám quấy rầy Chúa bằng những lời cầu xin tha thiết. Ơn ta xin càng lớn lao, ta càng phải nài nẵng Chúa. Phải dám quấy rầy Cha chúng ta ở trên trời. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta như thế trong dụ ngôn sau đây : “Nếu anh em có một người bạn, và nửa đêm tới nhà người đó và nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba chiếc bánh mì, vì tôi có người bạn lỡ đường ghé nhà tôi, mà tôi không có gì dọn cho anh ấy ăn”nếu người kia từ trong nhà trả lời rằng : “Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa nhà đã đóng, các cháu đang ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho bạn được”. Thầy nói cho anh em biết : nếu người đó không dậy cho người này vay vì tình bạn, thì người đó cũng sẽ chỗi dậy vì sự quấy rầy của người này, và đưa cho anh ta số bánh anh ta cần. Cho nên thầy bảo anh em : Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ mở ra cho anh em. Vì ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, và ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,5-10).

Vậy rõ ràng phải kết luận rằng : ngay giữa những con người với nhau, một lời xin kiên trì sẽ thắng được sự biếng nhác hoặc sự thiếu tốt bụng của tha nhân, phương chi một lời cầu xin kiên trì như thế chắc chắn sẽ đạt hiệu qủa tốt đẹp nơi Cha chúng ta ở trên trời, vì Ngài là người Cha thương yêu ta vô cùng. Chắc chắn, Ngài có thể làm ra vẻ nặng tai, hoặc có vẻ chưa nghe thấy lời cầu xin của ta. Nhưng chúng ta phải năn nỉ. Chính Chúa Giêsu dạy ta phải làm thế, Ngài đã không ngần ngại ví Cha Ngài với người Ngài nói trong dụ ngôn trên kia, không muốn cho những gì người ta xin. Và Ngài nói : Hãy xin thì sẽ được… hãy gõ cửa thì sẽ mở cho.

 Chúng ta đừng sợ làm theo lời dạy của Chúa Giêsu. Ngài đã muốn dạy ta rằng : Thiên Chúa cũng muốn ta cầu xin và cầu xin lâu dài. Đôi khi sự việc có vẻ xảy ra ngược với những gì ta ước ao và cầu xin. Chuyện này có thể xảy ra cả trong những việc thiêng liêng và thánh thiện. Nhưng chúng ta phải vững tâm, phải táo bạo, và Chúa Giêsu bảo phải dám quấy rầy Cha chúng ta ở trên trời. Chúng ta hãy đến và thưa Chúa như người bạn trong Phúc Âm : “Con sẽ không lui ra cho tới khi Chúa nhận lời con xin. Con tin vào những lời hứa của Chúa Giêsu, con yêu dấu của Chúa”. Và như vậy chúng ta sẽ bắt ép Thiên Chúa ban cho ta những ơn xem ra Ngài cố tình không muốn ban, nhưng thực ra trái tim đầy yêu thương của Ngài rất muốn ban cho chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ thấy rằng những sự trì hoãn này của Chúa có tính toán, và Ngài muốn như thế để có lý do ban cho chúng ta những ơn qúi trọng hơn, để thưởng cho niềm tín thác vững vàng của chúng ta.

Có tác giả đã đưa ra nhận định chí lý này : Người bạn trong Phúc Âm đã không táo bạo và không dám quấy rầy đến như vậy, nếu anh ta xin cho bản thân, hoặc xin cho gia đình anh ấy. Nhưng anh ấy muốn phục vụ một người bạn đến từ phương xa, và bất cứ người tốt lành nào cũng phải làm như vậy. Vậy thì tôi cũng vậy, nhiều khi tôi cầu xin Chúa, không phải những gì cho bản thân tôi hoặc gia đình tôi. Tôi cầu xin cho những người khác. Tôi cầu xin được bác ái, được nhẫn nhục, nhân hậu, khiêm nhường, để có thể đón nhận và cư xử với anh em cho hợp ý Chúa. Nhất là tôi xin Chúa ban cho tôi những nhân đức đó để đón tiếp người bạn vĩ đại là Chúa Giêsu, khi tôi rước lễ, khi Ngài muốn ở lại mãi mãi trong linh hồn tôi. Tôi chắc chắn sẽ được nhận lời. Người bạn của chúng ta, Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, rất yêu thương chúng ta. Ngài không ngủ bao giờ và luôn luôn sẵn lòng lắng nghe ta cầu xin, Ngài sẽ sung sướng được chúng ta quấy rầy như thế, để cầu xin Ngài tất cả những gì cần thiết để đón Ngài đến ở trong linh hồn chúng ta.

Những phép lạ của Chúa là những bài học cụ thể.

– Chúa Cứu Thế đã khẳng định cách long trọng rằng những lời cầu nguyện với niềm tin tưởng tín thác của chúng ta sẽ luôn luôn có hiệu qủa. Lời giảng dạy của Ngài về vấn đề này thật rõ ràng và chắc chắn. Tuy nhiên, để thuyết phục chúng ta hơn nữa, Ngài đã làm nhiều phép lạ để chứng tỏ  điều đó. Đó là như những bài học cụ thể cho ta. Rất nhiều lần, Ngài đã xác minh lời giảng dạy và những lời hứa của Ngài bằng những thí dụ đầy sức thuyết phục. Chúng ta hãy mở sách Phúc Âm ra, bất cứ chỗ nào chúng ta cũng thấy Ngài nói : Ngài đã làm các phép lạ đó vì niềm tin của những người đến cầu xin Ngài. “Niềm tin của con đã cứu con, đã chữa lành con” (Lc 7,50)[2]

Đó là kiểu nói quen thuộc của Chúa Giêsu. Ngài đã không nói : “Ta đã chữa lành con vì niềm tín thác của con”, nhưng Ngài nói “Niềm tin tưởng tín thác của con đã chữa lành con”, vì Ngài muốn nhấn mạnh về sự cần thiết phải có niềm tin, phải tín thác, nếu không, Ngài tuy toàn năng nhưng sẽ không hành động được. Niềm tin cậy của những bệnh nhân xin Ngài cứu chữa, làm cho Ngài khoái chí. Ngài luôn khen niềm cậy trông như thế. Có thể nói Ngài muốn lợi dụng các phép lạ Ngài làm, để dạy cho chúng ta những bài học cụ thể về niềm tín thác. Ngài đã nói như vậy với viên sĩ quan bách quân, với người bị bại liệt được thả xuống từ nóc nhà, và nhất là với người phụ nữ Canaan.

Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, những lời hứa qủa quyết của Ngài và những phép lạ chứng minh của Ngài, tất phải đủ sức thắng vượt mọi do dự và mọi nghi ngờ của chúng ta. “Lạy Chúa xin dạy chúng con cầu nguyện”. Xin dạy chúng con niềm tín thác trọn vẹn mà chúng con đang thiếu và rất cần.

“Hãy cầu nguyện nhân danh Thầy !”.

– Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy đặt niềm tín thác của mình trên nền tảng lòng nhân hậu của Cha chúng ta ở trên trời. Ngài còn muốn củng cố niềm tín thác của ta bằng những lời hứa qủa quyết của Ngài, rằng ta sẽ nhận được những gì chúng ta cầu nguyện với niềm tín thác. Nhưng vẫn cần phải bảo vệ niềm tín thác của ta chống lại những nghi ngờ, do nhớ đến những sự yếu hèn của mình. Và đó là việc Chúa Giêsu đã làm khi nói những lời vĩnh biệt sau tiệc ly: “Thật, Thầy bảo thật, tất cả những gì anh em xin Cha Thầy nhân danh Thầy, Ngài sẽ ban cho anh em. Cho đến nay, anh em chưa xin gì nhân danh Thầy. Anh em hãy xin thì sẽ nhận được, như thế để niềm vui của anh em được trọn vẹn… Ngày đó, anh em sẽ cầu xin nhân danh Thầy, nhưng Thầy sẽ không còn nói Thầy cầu xin cho anh em, vì chính Cha yêu thương anh em, bởi vì anh em đã yêu mến Thầy và đã tin rằng Thầy bởi Cha mà ra” (Ga 16, 23-27).

Đó là bí quyết nhiệm mầu để các lời cầu xin của ta được linh ứng. Tôi tin chắc sẽ được Chúa ban những ơn tôi xin, không phải vì lời cầu nguyện của tôi tốt lành và đáng Chúa lắng nghe đâu, nhưng vì Chúa Cha yêu mến Chúa Giêsu và muốn tôn vinh Ngài. Như vậy, mỗi khi cầu nguyện, tôi phải cậy nhờ công nghiệp Chúa Cứu Thế, cách minh nhiên hoặc cách tiệm nhiên.

Tất cả các lời kinh phụng vụ của Hội Thánh Mẹ chúng ta đều kết thúc bằng lời “Nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen”. Những lời này luôn được coi là những lời cuối cùng của việc cầu nguyện của chúng ta, và đó là mũi tấn công cuối cùng của chúng ta đánh vào lòng nhân hậu của Cha chúng ta ở trên trời, để nhận được những gì chúng ta cầu xin. Qua mấy lời vắn tắt này, chúng ta trình bày trước Thiên Chúa tất cả cuộc đời và những công nghiệp của Chúa Cứu Thế. Nhất là chúng ta nhắc đến cây thập giá, nơi Chúa Giêsu đã chịu chết để vâng lời Chúa Cha và đền tội cho chúng ta : Thánh Giá là dấu hiệu của sự hòa giải giữa Thiên Chúa và loài người tội lỗi, chắc chắn sẽ khiến Thiên Chúa thương đến chúng ta.

Cầu xin nhân danh Chúa Giêsu là cách tốt nhất để tránh mọi sự tin tưởng dại dột vào các nhân đức bất toàn của mình, vào sự công chính tự cao của mình và vào sự sốt sắng của lời cầu nguyện của mình. Chúng ta chỉ trông cậy vào công nghiệp vô cùng, và nhất là vào cuộc khổ nạn rất thánh của Chúa Giêsu. Nhất là chúng ta nhắc lại trước mặt Thiên Chúa những ước nguyện tha thiết của Chúa Giêsu, khi Ngài cầu xin Chúa Cha thánh hóa chúng ta : “Lạy Cha Chí Thánh, xin Cha giữ gìn họ nhân danh Cha… xin Cha thánh hóa họ trong chân lý” (Ga 17,11,24). Chúng ta cũng nhắc lại trước nhan thánh Chúa lời cầu xin cuối cùng của Chúa Giêsu, khi hấp hối trên thập giá : “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Khi cầu xin nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta cũng làm vang lên tiếng kêu than của Chúa Giêsu trên thập giá : “Tôi khát !” (Ga 19,28). Lời này Chúa Giêsu kêu đến chúng ta, nhưng Ngài cũng kêu lên Cha Ngài. Vậy lời cầu xin của Chúa Giêsu, tức lời chúng ta cầu xin nhân danh Ngài, sẽ là lời cầu nguyện vô cùng mạnh sức, vì dựa vào công nghiệp vô cùng của Chúa Cứu Thế, làm cho lời cầu xin của chúng ta dễ được Thiên Chúa chấp nhận.

Và cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu còn hơn thế nữa. Không những chúng ta hợp với những lời khẩn nguyện của Chúa chịu đóng đinh trên thập giá, chúng ta còn hiệp thông với những lời cầu xin liên lỉ mà Chúa Giêsu không ngừng dâng lên Cha Ngài cho tất cả chúng ta, cho tôi. Đúng thế, trong lúc này và mãi mãi không ngừng, Chúa Giêsu hằng cầu xin cho chúng ta : “Ngài mãi mãi sống để chuyển cầu cho chúng ta.” (Dt 7,25). Ôi ! Mầu nhiệm khôn tả của tình thương Thiên Chúa : Chúa Giêsu luôn nghĩ đến tôi, vật thọ tạo nhỏ bé của Ngài ! Ngài dành cuộc sống trên trời của Ngài để lo trau dồi linh hồn tôi, để xin cho tôi được muôn ngàn ân sủng mà tội lỗi của tôi lẽ ra đã làm tôi mất đi. Chúa đã thưa với Cha Ngài : “Con không cầu nguyện cho họ mà thôi, nhưng cũng cầu xin cho những kẻ nghe lời họ giảng dạy mà sẽ tin kính Con, để tất cả trở nên một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha” (Ga 17,20-21).

Ôi, lạy Thầy chí thánh, xin ban cho con được thường xuyên, luôn luôn ý thức về sự hiệp nhất giữa Chúa và con đây ! Xin cho con đừng bao giờ cầu nguyện một mình, nhưng luôn bước vào cầu nguyện, dựa trên cánh tay Chúa, cậy trông vào danh Chúa, tin tưởng vào quyền năng của Chúa nơi Cha trên trời của con. Xin cho con được hiệp thông với những lời cầu nguyện rất thánh thiện mà Chúa dâng lên Thiên Chúa, khi Ngài sống trên trần gian này, để sự phong phú của những lời cầu xin đó bổ khuyết cho sự thiếu  thốn của những lời cầu xin của chúng con ! Và nhất là xin Chúa Giêsu cho con được hiệp thông với những lời khẩn nguyện mà Chúa hằng dâng lên Chúa Cha ở trên trời, cũng như trên các bàn thờ và từ trong các nhà tạm trên mặt đất này, khi Chúa đưa cho Chúa Cha thấy những thương tích của cuộc khổ nạn của Ngài !

III.  NHỮNG BÀI HỌC VỀ SỐNG TÍN THÁC: HÃY XEM CÁC BÔNG HUỆ NGOÀI ĐỒNG !

– SỐNG TÍN THÁC TRONG CUỘC ĐỜI VẬT CHẤT.

– VÀ NHẤT LÀ TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG.

Những bài học về sống tín thác : Hãy xem những bông huệ ngoài đồng.

– Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải tín thác trọn vẹn và vững vàng khi cầu nguyện, để chắc chắn nhận được những gì chúng ta ước nguyện. Nhưng tín thác không chỉ giới hạn ở những giây phút cầu nguyện và đọc kinh, nhưng ta phải thực hành niềm tín thác mỗi lúc, và ở mọi dịp. Khi niềm tín thác được trải rộng ra tới mọi chi tiết và mọi biến cố của cuộc đời như thế, nó sẽ tươi nở thành “sống tín thác”. Chính sự sống tín thác như thế sẽ làm cho ta sống như những đứa con của Chúa. Chúng ta hãy nghe thêm những bài học khôn sánh mà Thầy Chí Thánh muốn dạy chúng ta. Có thể nói những trang đẹp nhất và ngọt ngào nhất của sách Phúc Âm là những trang nói Chúa Giêsu dạy chúng ta sống trọn vẹn niềm tín thác.

Ngài muốn giải thoát các môn đệ khỏi những lo lắng thái qúa về cuộc sống vật chất, để tâm hồn họ được rộng mở hơn về phía trời cao. Chắc chúng ta đã nhiều lần suy gẫm về những trang này và đó là điều rất tốt. Nhưng, một lần nữa, chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe những lời rất cao siêu và rất dịu dàng của Thầy Chí Thánh.

Bởi vậy Thầy bảo anh em : đừng lo lắng về cuộc sống của anh em, lo mình sẽ ăn gì, uống gì; cũng đừng lo lắng về thân xác, sẽ ăn mặc thế nào. Sự sống chẳng trọng hơn của ăn sao ? Và thân xác chẳng trọng hơn áo mặc sao ? Anh em hãy nhìn xem các chim trời chúng không gieo, cũng không gặt, chúng không tích trữ gì trong kho lẫm, vậy mà Cha anh em ở trên trời, nuôi dưỡng chúng. Anh em không đáng giá hơn chúng nhiều sao ? Ai trong anh em nhờ lo nghĩ nhiều mà có thể kéo dài cuộc sống của mình thêm được một gang ? Và tại sao anh em lo nghĩ về áo mặc ? Hãy nhìn xem những bông huệ ngoài đồng, chúng lớn lên thế nào ? Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Nhưng Thầy nói cho anh em biết Vua Salômôn quang vinh rất mực như thế cũng đã không mặc đẹp bằng một bông huệ. Vậy nếu Thiên Chúa mặc đẹp như thế cho hoa cỏ ngoài đồng là thứ nay còn, mai đã bị ném vào lò lửa, Ngài lại không làm như thế cho anh em sao, hỡi những người kém tin ? Vậy anh em đừng lo lắng và tự hỏi: Mình sẽ ăn gì, sẽ uống gì, hoặc sẽ ăn mặc thế nào đây ? Những điều đó, các dân ngoại luôn tìm kiếm, nhưng Cha anh em ở trên trời biết anh em có những nhu cầu đó. Trước hết anh em hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn tất cả những sự đó, Ngài sẽ ban thêm cho anh em. Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai : Ngài mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,25-34).

Sống tín thác trong đời sống vật chất.

– Thật là tốt lành khi được nghe những lời trấn an như thế của Thầy chí thánh. Người ta cảm thấy như được dần dần nâng lên khỏi những dao động của trần thế, và được đưa vào một bầu không khí thanh quang, gần với trời. Những lời đầy thi vị và hình ảnh Đông Phương của Chúa thật là ngọt ngào và đầy sức thuyết phục. Người ta không thể tưởng tượng được điều gì vừa đơn sơ, vừa hợp lý và vừa có sức thuyết phục hơn.

Những lời này dạy ta nhìn mọi sự dưới ánh sáng của đức tin mạnh mẽ nhất, xem tất cả thế giới như sân khấu của sự xắp đặt đầy khôn ngoan và yêu thương của Cha trên trời. Chính Ngài lo cho mọi sự vật, từng sự vật, dầu nhỏ mọn nhất. Một ngọn cỏ, một bông hoa nhỏ ngoài đồng cũng là đối tượng của sự chăm lo của Ngài. Con sâu nhỏ nhất, con chim sẻ bé nhỏ, đều nhận được lương thực từ tay Ngài. Ngài nghĩ đến những nhu cầu vật chất của những loài thấp kém đó. Phương chi Ngài sẽ càng lo cho những nhu cầu của chúng ta, những đứa con của Ngài, vì chúng ta gọi Ngài là Cha chúng ta. Vậy chúng ta đừng lo lắng “như những người ngoại giáo !”. Cha chúng ta ở trên trời biết chúng ta có những nhu cầu đó.

Những lời Chúa Giêsu giảng dạy các môn đệ đã hai ngàn năm như thế, đã vang dội khắp các nước trên thế giới. Qua các thời đại, những lời này đã nuôi dưỡng và củng cố niềm tín thác cho biết bao vị thánh nam nữ, biết bao vị sáng lập các dòng tu, nhất là các tu hội hành khất, vì các ngài đã trông cậy vào sự nuôi dưỡng của Cha trên trời. Và ngày hôm nay, chính những lời đó của Chúa Giêsu đã gây dựng nên hàng ngàn tu hội dòng nam nữ, sẵn sàng hiến tất cả cho những người nghèo : thời giờ của mình, những sự chăm lo của mình, tình thương và cả những tài sản cuối cùng của mình. Giữa những vật lộn ngày càng gay cấn để sống còn, và ngược hẳn với những lo toan qúa đáng của thời đại siêu văn minh của chúng ta, hàng ngàn hàng vạn những linh hồn được đào tạo bởi những lời thần linh của Chúa Cứu Thế, đang sống ngày nào biết ngày đó, trong tâm tình thanh thản, trông cậy mọi sự nơi Cha trên trời là Đấng nuôi dưỡng các chim trời và các bông huệ ngoài đồng.

Có thể chính bản thân tôi cần suy gẫm nhiều về những lời rất tốt lành này. Quan niệm hằng ngày của tôi về thế giới, quan niệm thực hành chớ không phải quan niệm lý thuyết, có lẽ đã phần nào bị nhiễm chủ nghĩa duy vật ? Khi tôi bị một cơn bệnh hoành hành, khi một thất bại khiến tôi buồn sầu, khi người ta nói những lời xúc phạm đến tôi, một niềm tin sâu sắc có cho tôi thấy bàn tay của Thiên Chúa trong tất cả các sự việc đó chăng ? Hay là tôi đã quên rằng tất cả mọi sự dệt lên cuộc đời tôi, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, đều do Cha trên trời đã muốn và đã cho phép xảy ra vì yêu thương tôi ? Tất cả mọi sự đều được Ngài sử dụng như dụng cụ để giúp tôi dứt mình ra khỏi trái đất này, dứt mình tôi ra khỏi chính bản thân mình để gắn bó với một mình Ngài mà thôi. Một người mẹ nuôi con mình bằng sữa mình, cũng không chăm lo cho con mình bằng Thiên Chúa chăm lo cho mỗi người chúng ta, cho riêng bản thân tôi. Ngài bảo vệ tôi, nuôi dưỡng tôi, lo cho tôi sống cách tự nhiên và cách siêu nhiên, y như thể chỉ có một mình tôi trên thế gian này.

Nhiều khi vì thiếu tín thác, vì không sống tín thác, tôi đau khổ lắm. Đáng buồn thay ! Những đau khổ đó không phải là những thánh giá Chúa gửi cho tôi, nhưng đó là thánh giá tôi đã tạo ra cho mình. Tôi nghiền ngẫm cách vô ích và mãi mãi những đau khổ, những ưu phiền và những thử thách đã qua. Tôi buông lỏng cương cho trí tưởng tượng, và trong cảnh lo âu đó, tôi tự làm khổ mình về những bất trắc có thể sẽ không bao giờ xảy ra cho tôi. Tôi tự làm khổ mình bằng những đau khổ mà tôi nhớ lại đó và bằng những sự sợ hãi vô căn cớ. Tôi sẽ an vui hơn biết bao, sẽ can đảm hơn biết bao, nếu tôi gạt bỏ đi tất cả những lo nghĩ vô ích đó và sống theo lời khuyên của Thầy Chí Thánh : “Anh em đừng lo lắng về ngày mai. Ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có đủ cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34).

Sống tín thác trong cuộc đời thiêng liêng.

– Tôi phải tín thác, để Chúa lo cho thân xác tôi và những nhu cầu vật chất của thân xác tôi. Tôi càng phải tín thác để Ngài lo lắng cho linh hồn tôi. Điều này qúa hiển nhiên. Nếu Thiên Chúa tỉ mỉ chăm lo mọi nhu cầu vật chất cho tôi, Ngài còn âu yếm chăm lo gấp trăm ngàn lần cho linh hồn tôi, vì linh hồn qúi trọng muôn ngàn lần hơn thân xác. Mỗi bông hoa nhỏ đều được Ngài yêu qúi chăm lo, chắc Ngài còn chăm lo biết bao hằng ngàn bông hoa tốt đẹp là các nhân đức của linh hồn tôi : Ngài lo cho những nhân đức đó tươi nở, làm vui lòng và vui mắt Ngài, Cha nhân từ của chúng ta. Mỗi ước nguyện tốt lành và thánh thiện của tôi sẽ là một nụ hoa được Ngài yêu qúi chăm sóc, cho tới khi nó nở ra hoa, và Ngài sẽ lo cho nó kết qủa, những qủa ngon ngọt.

Tất nhiên, hành động đầy yêu thương của Ngài thường kín đáo. Đôi khi Ngài cũng cho ta cảm thấy Ngài : Ngài làm cho linh hồn tôi vui sướng vì tác động dịu dàng của Ngài, vì cũng có lúc Ngài cho tôi cảm thấy sự hiện diện mến yêu của Ngài. Vào những lúc đó, những lúc diễm phúc đó, tôi kêu lên như thánh Bênađô : “Chỉ ai có kinh nghiệm mới có thể tin : Yêu mến Chúa Giêsu ngọt ngào dường nào !”[3].  Nhưng thông thường, Ngài ẩn mình đi, để tôi có vẻ như cầu nguyện một mình, chiến đấu và làm việc một mình vì lòng yêu mến Ngài. Người ta không cảm thấy hành động thiêng liêng của Ngài. Đôi khi Ngài còn có thể cho tôi có cảm tưởng đau đớn và thần bí của sự đi khỏi của Ngài. Tôi tưởng như đã làm phiền lòng Ngài : sự khô khan và những chán nản đã tràn vào linh hồn tôi.

Những khi đó, hãy tín thác ! Không, Chúa Giêsu không bỏ tôi, để tôi làm việc và chịu đau khổ một mình đâu ! Ngài không bỏ rơi tôi đâu. Ngài không để tôi uổng phí thời giờ qúi báu để nên thánh đâu. Nếu Ngài ẩn mình lâu, có thể rất lâu, thì đó chỉ là cách thế của Ngài, để làm cho lửa mến của tôi càng bốc cháy lên. Hãy tin tưởng và tín thác nơi Ngài ! “Hai con chim sẻ chỉ bán được một đồng tiền nhỏ, phải không ? Vậy mà không một con nào rơi xuống đất mà không có phép Cha Thầy. Cả những sợi tóc trên đầu anh em cũng đã được đếm hết” (Mt 10,29). Vậy chúng ta đừng sợ gì hết ! Linh hồn tôi đã được thần linh hóa bởi ân sủng và được trang hoàng bằng các nhân đức, thì có giá trị hơn những con chim sẻ nhiều.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa năng nhắc lại cho linh hồn con nghe những lời đầy khích lệ của Chúa. Trong sự thinh lặng của mọi sự, xin dạy con hiểu ý nghĩa sâu xa của những lời giảng dạy của Chúa. Xin giúp linh hồn con vượt qua mọi lo lắng của cuộc sống vật chất, cũng như những lo âu vô cớ của đời sống thiêng liêng. Đó là những mảnh lưới giam hãm linh hồn con, xin cho con được biết sống tín thác, một niềm tín thác ngày càng trọn vẹn, để linh hồn con được giải thoát, và bay lên tới những miền đầy ánh sáng thần linh của Chúa, linh hồn con sẽ say sưa mến yêu Chúa vì được chiêm ngưỡng những phẩm tính thần linh của Ngài.

 

[1] Chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa luôn trung thành với lời hứa : Ngài sẽ ban ơn ta xin, hoặc một ơn khác tương tự và thường qúy trọng hơn.

[2] Chúng tôi thấy cần phải nhấn mạnh đến yếu tố tin tưởng và tín thác trong niềm tin của người ta.

[3] Hymne : Jesu dulcis memoria.

Chia sẻ Bài này:

Related posts