( TB Chương 39 – Sl 456 )
Tội Nguyên Tổ hay còn gọi là Tội Tổ Tông Truyền cho đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong thần học. Sự bất đồng ấy chính là do nơi cách giải nghĩa về việc tạo dựng và thuyết độc chủng. Từ sau CĐ Vatican II, người ta đã đặt lại vấn Đấng Tạo Hóa cùng với việc tạo dựng nên A Đam và Eva theo cái nghĩa đó là hai nhân vật lịch sử.
Có thật là có Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ vạn vật hay không ? Nếu cho là có, vậy thử hỏi trước khi vũ trụ này được tạo dựng thì đó có thể là hư vô chăng ? Còn nếu như không có Đấng Tạo Hóa thì tất nhiên cũng chẳng làm gì có A Đam, Eva theo cái nghĩa đó là hai nhân vật lịch sử.
Lại nữa, nói rằng Tội Tổ Tông Truyền, vậy thì cái sự…truyền ấy có thể bằng cách nào ? Phải chăng là truyền theo con đường sinh sản thể lý ? Điều này khoa học không thể chấp nhận. Vả lại, nếu tội đó là do hai ông bà nguyên tổ phạm thì…ráng mà chịu chứ sao có thể truyền cho cháu con mãi về sau như là cái kiểu…quýt làm cam chịu như vậy.,,?
Thế nhưng Tội Nguyên Tổ đã được ghi chép rõ ràng trong Kinh Thánh không ai có thể phủ nhận. Thánh Phao Lô cũng như các Thánh Giáo Phụ đều xác tín về tội này: “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian. Lại bởi tội lỗi mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12 ).
Tội Nguyên Tổ đem đến sự chết, đó là sự thật. Thế nhưng đó có phải là sự chết xác thân hay không ? Xin thưa là không, bởi vì cả hai ông bà A Đam, Eva …ăn rồi chẳng nhưng không chết mà mắt còn mở ra: “ Người nữ thấy trái của cây đó coi bộ ăn thì ngon lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn, bèn hái ăn rồi trao cho chồng đang đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn mắt hai người đều mở ra biết rằng mình lõa lồ bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” ( St 3, 6 -7 ).
Ăn vào mắt lại…mở ra ! Như vậy đó không phải là cái chết của xác thân nhưng là chết về phần tâm linh. Muốn biết tại sao…ăn trái mà Đức Chúa Giehova cấm lại phải chết phần tâm linh, chúng ta cần biết Tội Nguyên Tổ là…tội gì ? “ Rồi Giehova ĐCT phán dạy rằng: Ngươi được ăn các thứ quả cây trong vườn, nhưng về cây biết phân biệt điều thiện và điều ác thì chớ có hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).
Như vậy cái trái ( Cây ) biết phân biệt điều thiện và điều ác đó chính là tội chứ chẳng phải điều chi khác. Tại sao biết phân biệt điều thiện, điều ác lại là một cái…tội ? Đây chính là điểm then chốt trong câu chuyện sa ngã của Nguyên Tổ nơi Vườn Địa Đàng. Có…giải được điểm then chốt ấy mới hiểu được Sách Sáng Thế nói riêng và toàn bộ Kinh Thánh nói chung. Trái lại Tội Nguyên Tổ vẫn là một vấn đề không bao giờ có thể giải gỡ.
Nói rõ hơn biết điều thiện và điều ác tức là biết phân biệt điều thiện và điều ác. Đây chính là cái khả năng Lý Trí ở nơi con người. Đang khi đó Lý Trí theo triết học Kant lại gọi đích danh đó là “ Cái Tôi Tưởng” ( Le Je Pence ). Tôi nghĩ, tôi cho, tôi quan niệm, khẳng định v.v…nó là như thế và “ Cái Tôi Tưởng” ấy bao giờ cũng mang tính chủ quan , phát xuất từ ở nơi “ Cái Tôi” ( Ngã Chấp). Tôi cho đây là thiện, kia là ác mà không biết rằng đó chỉ do nơi … chủ quan hoàn toàn không có liên quan gì đến thực tại…nó là.
Lý Trí chỉ là “ Cái tôi Tưởng” và chính những “ Cái Tôi Tưởng” ấy mà đã khiến con người trở nên ganh ghét, đố kỵ, thù hận nhau thậm chí đưa đến đấu tranh giai cấp do CS phát động hoặc chiến tranh tôn giáo, cuồng tín, khủng bố v.v…
Mặt khác cũng bởi không biết Lý Trí chỉ là “ Cái Tôi Tưởng” thế nên thần học Duy Lý trong bấy lâu nay đã nhận…giặc làm con gây ra hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác cho Giáo Hội.
Tội Nguyên Tổ …là tội. Điều ấy thì đã rõ. Thế nhưng đây lại là Tội Hồng Phúc ( Felix Culpa ). Tại sao ? Bởi chính vì Nguyên Tổ phạm tội thế nên cả hai đã bị Đức Chúa chúc dữ. Ngài quở trách Eva: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần cho ngươi trong khi thai nghén. Ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sinh con. Sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi” ( St 3, 16 ).
Tiếp đó lại phán với A Đam: “ Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây Ta đã cấm không được ăn. Vậy đất sẽ bị nguyền rủa vì ngươi. Trọn đời ngươi sẽ phải khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn” ( St 3, 17 -18 ).
Sau khi phán những lời ấy với A Đam, Eva, Đức Chúa đã đuổi hai người ra khỏi Vườn Địa Đàng và cho thần Cherubin cầm gươm chói lòa canh giữ không cho trở lại Vườn Địa Đàng ( St 3, 24 ).
Câu chuyện sa ngã của Nguyên Tổ nơi Vườn Địa Đàng có thể…kết thúc ở đây nếu không có lời hứa của Đức Chúa sẽ cho con người trở lại với điều kiện phải trải qua cuộc chiến đấu cam go với Sa Tan dưới sự lãnh đạo của Người Nữ Maria.
Đức Chúa phán với con rắn: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 19 ).
Người Nữ đây ám chỉ Đức Maria còn rắn là Sa Tan. Người Nữ đã dùng gót chân mềm yếu của phụ nữ tượng trưng đức khiêm hạ. Còn đầu rắn tượng trưng Lý Trí kiên cường ngạo mạn. Cuộc giao tranh giữa Đức Maria với quỷ Sa Tan sẽ diễn ra trường kỳ, khốc liệt nhưng cuối cùng thì đức khiêm hạ sẽ chiến thắng kiêu ngạo Sa Tan.
Nếu Eva là người đầu tiên ưng chịu sự cám dỗ của Sa Tan để trở nên mẹ của chúng sinh ( St 3, 20 ) thì Đức Maria lại chiến thắng Sa Tan bằng Tiếng Xin Vâng để trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa.
Ý nghĩa và mục đích sâu xa của cuộc giao tranh giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan chính là để làm cho con người được….hòa lại với Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình. Việc …hòa lại ấy tất cả là nhờ ở nơi Đấng Trung Gian là Đức Giê Su Ki Tô: “ Mọi sự ra từ ĐCT. Ngài đã nhờ Đức Ki Tô mà khiến chúng ta hòa lại với Ngài và giao cho chúng tôi chức dịch giải hòa” ( 2C 5, 18 ).
Nếu A Đam nghe theo lời Eva …ăn trái cấm khiến lưu truyền tội bất phục tùng đến cho muôn đời cháu con thì Đức Giê Su Ki Tô lại là Đấng vâng phục Thiên Chúa để con người được nên công chính: “ Vì như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người đều trở nên tội nhân thế nào thì bởi sự vâng phục của một người mà mọi ngươi đều sẽ trở nên công chính cũng thể ấy” ( Rm 5, 19 ).
Tội Nguyên Tổ khiến con người trở nên bất hòa với Thiên Chúa nhưng nhờ Đức Ki Tô, con người có thể…làm hòa lại với Thiên Chúa bằng cách theo Chúa, bỏ mình đi: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá mình mà theo” ( lc 9, 23 ).
Nguyên Tổ không vâng lời Thiên Chúa, nghe theo cám dỗ của Sa Tan cố tình…ăn ( phạm ) cây ( trái ) phân biệt thiện ác nên đã bị đuổi khỏi Địa Đàng. Nhưng giờ đây Đức Ki Tô truyền dạy Đạo Lý Bỏ Mình tức bỏ đi tâm phân biệt để cho ta được làm hòa với Thiên Chúa.
Cây ( trái ) phân biệt cần được thay thế bằng Cây Thập Giá Chúa Ki Tô. Có nhiều hình thức khác nhau trong việc…vác thập giá theo Chúa. Thế nhưng tất cả cũng không ngoài việc Bỏ Mình có nghĩa bỏ đi cái Tâm tham lam, ganh ghét, đố kỵ, nghi ngờ ….Bỏ đi Tâm tham bằng việc bố thí đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm ( Mt 6, 3 ) Bỏ đi Tâm sân hận, ganh ghét bằng việc yêu thương kẻ thù nghịch cùng mình và cầu nguyện chio kẻ bắt bớ mình ( Mt 5, 43 -45 ).
Thực hiện việc bỏ mình là việc rất khó, bởi đó Chúa dạy cần cầu nguyện luôn trong sự tỉnh thức bằng cách quay về nơi nội tâm mình: “ Còn ngươi khi cầu nguyện, hãy vào phòng kín đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).
Bao lâu còn …thấy Có Mình ( Ngã Chấp ) thì còn sống trong lo âu vì sợ đói, sợ khổ, sợ chết v.v… Ngược lại chỉ khi nào bỏ được mình bằng cách thực thi giới răn Yêu Thương của Chúa thì mới…hết sợ: “ Chẳng có sự sợ hãi trong sự yêu thương nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì vứt bỏ sự sợ hãi. Vì sự sợ hãi hàm chứa hình phạt vì ở nơi kẻ sợ hãi thì không có sự yêu thương. Chúng ta yêu thương vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Vì có ai nói rằng: Tôi thương yêu Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, đó là kẻ nói dối. Vì kẻ nào chẳng thương yêu anh em mình là người mình đã thấy thì có thể nào thương yêu Thiên Chúa là Đấng mình từng chẳng thấy được ư ? ( 1Ga 4, 18 -20 ).
Phùng Văn Hóa