Câu chuyện “Hiển Linh” và ca khúc “Chúc Mừng Năm Mới” của ban nhạc ABBA

Ca khúc “Chúc Mừng Năm Mới – Happy New Year” của nhóm nhạc ABBA được trình diễn vào dịp năm Mới 1980 – tức năm cuối cùng của thập niên 80…và – từ đó – nó cũng là bài hát quen thuộc mỗi khi Năm Mới về trong suốt ba thập kỷ qua – nghĩa là cho đến hôm nay : năm  2019 – năm cuối của thập kỷ 2010 – 2019…và bước qua thập kỷ mới 2020 – 2030…

Có người nói về “cái nhìn tiên tri” của bài “Chúc Mừng Năm Mới – Happy New Year” này – bởi cái giọng vui nhưng vẫn có chút “lắng đọng”, có chút “vương vấn” nỗi buồn về tất cả những gì dã xảy ra trên thế giới suốt một thập kỷ 1970 – 1980…

Chút “lắng đọng”, chút “vương vấn” ấy vẫn chưa tan…cho đến hôm nay – những ngày đầu Năm Mới 2020 và cũng là năm đầu của thập niên mới 2020 – 2030…

Người ta gom góp được 10 sự kiện nổi bật trên thế giới suốt năm 2019 – và dễ dàng nhận ra nhất đồng thời cũng là câu chuyện cửa miệng của nhiều người – đấy là sự căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, tình trạng bế tắc của câu chuyện Brexit, tình trạng khẩn cấp của vấn đề biến đổi khí hậu…và chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối de dọa của nhân loại dù trùm khủng bố IS đã bị tiêu diệt…

Nghĩa là những ca từ của “ Chúc Mừng Năm Mới – Happy New Year” vẫn còn là nỗi khát khao của con người nói chung – và của mỗi người chúng ta nói riêng…

Happy New Year ! Happy New Year !

May we have a vision now and then

of a world where every neighbor is a friend…

Happy New Year ! Happy New Year !

May we all have our hopes, our will to try

If we don’t we might as well lay down and die…

Chúc mừng Năm Mới ! Chúc mừng Năm Mới !

Mong rằng từ giờ chúng ta sẽ có một cái nhìn mới

Về một thế giới mà mọi người là bạn của nhau…

Chúc mừng Năm Mới ! Chúc mừng Năm Mới !

Mong rằng chúng ta đều có những hy vọng, có ý chí để cố gắng…

Nếu không – chúng ta sẽ đi xuống và sẽ lụi tàn…

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Chúa Hiển Linh – hay Chúa tỏ mình ra cho tất cả mọi người – mà biểu tượng truyền thống là cuộc kiếm tìm để thờ lạy Hài Nhi Giê-su của ba nhà Đạo Sĩ từ Đông Phương…Sự kiện “tỏ mình” ấy hôm nay vẫn được tiếp nối qua từng người sống đức tin của mình giữa những thăng trầm từng ngày… 

Ngồi gõ máy, và người viết tình cờ gõ đúng tên của một bộ phim Công Giáo nổi tiếng của đạo diễn Roland Joffé : bộ phim “The Mission – Sứ Mệnh Truyền Giáo” – bộ phim được hãng Warner Bros cho ra mắt năm 1986 và đoạt giải Cành Cọ Vàng cũng năm ấy…Bộ phim dựa vào những sự kiện diễn ra giữa biên giới các nước Argentina – Paraguay – Brasil vào thập niên 1750 : cha Gabriel – linh mục Dòng tên – đã chấp nhận mạo hiểm để truyền giáo cho dân bản địa vùng đất Guarani, Nam Mỹ…và các ngài đã có được một giáo điểm ở đấy – nơi mà ngài đã nhận lời khấn cũng như việc gia nhập Dòng của Rodrigo, một người buôn nô lệ và giết em trai mình vì ghen…để rồi bằng lòng đi theo cha Gabriel để cải hối và đền tội…Do vấn đề tranh chấp giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha…nên Giáo Hội đành có sự nhượng bộ là im lặng để “thế quyền” hành xử…Và người ta quyết định tấn công giáo điểm…Cha Gabriel và Rodrigo đều quyết tâm bảo vệ giáo điểm của mình, nhưng mỗi người theo cách riêng : cha Gabriel là Mình Thánh Chúa và sự ôn hòa…và cha Rodrigo là thắt lại đai kiếm…để chiến đấu…

Câu kết trong bản tường trình của vị Hồng Y đặc sứ của Đức Thánh Cha được gửi đến giáo điểm để giải quyết vấn đề : Bây giờ, các linh mục của ngài đã chết, con còn sống. Thế nhưng thực sự thì chính con mới chết, còn các ngài vẫn sống…

Và cuốn phim kết thúc trong tiếng nhạc hùng tráng và câu trích Tin Mừng : “Ánh Sáng chiếu soi bóng tối, và bóng tối đã không diệt được Ánh Sáng.” ( Gio 1 , 5)…

Một cách nào đó, các giáo điểm Tin Mừng trên trần gian này vẫn hằng ngày nối dài câu chuyện của “Giáo Điểm Trên Cao – một cái tên Việt Nam khác của The Mission” – để hình thành lịch sử loan báo của Giáo Hội – và các nhà truyền giáo – trải dài qua các thế hệ con người cho đến ngày Tận Chung…Bởi vì – giữa những thăng trầm của lịch sử con người, cái chết trên Thánh Giá luôn  cần để nhân loại có được Ơn Cứu Chuộc…Mặc dù có thể một giai đoạn nào đó và tại một nơi chốn nào đó, có vẻ như cái chết ấy là vô vọng : cảnh mở đầu của bộ phim là hình ảnh một nhà truyền giáo bị thổ dân cột vào thánh giá và thả trôi theo giòng thác đổ…để rồi – trước khi leo lên thác nước định mệnh – cha Gabriel đã đắp cho người anh em mình một nấm mộ đá ngay giữa lòng suối cạn cuối thác…

Và theo Vatican News, cuối năm 2019, hãng tin Fides của Bộ Truyền Giáo đã tổng kết con số các nhà truyền giáo – hiểu theo nghĩa tất cả những người đã nhận bì tích Rửa Tội, đã là thành viên của Dân Chúa và trở nên những môn đệ truyền giáo (Mt 28 , 19) – trong năm 2019 là 29 vị bao gồm : Châu Phi : 15 nhà truyền giáo bị giết, châu Mỹ : 12 nhà truyền giáo, châu Á: một và châu Âu : một…

Có dịp, mời bạn bấm tìm bộ phim để cùng chia sẻ tinh thần truyền giáo – dĩ nhiên trong hôm nay có thể có những hình thức khác – nhưng cốt yếu vẫn là như thế : về phía Thần Xấu và phe nhóm là sự chống báng – về phía những người loan báo là nhiệt huyết và niềm tin…Bởi vì , thưa bạn:

 

“Ánh sáng chiếu soi bóng tối, và bóng tối đã không diệt được Ánh Sáng.”  ( Gio 1 , 5)

  Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts