Theo đức hồng y Mueller, nguyên bộ trưởng bộ Giáo Lý, Đức Tin thì cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát ngay từ bên trong Giáo Hội khi người ta cho rằng: Chúng ta nên thích nghi với Zeitgeilt tức là với tinh thần thời đại chứ không phải tinh thần của Chúa và rằng chúng ta nên tương đối hóa các điều răn của Chúa và giải thích lại tín lý về đức tin mạc khải…
…Đức hồng y cảnh giác rằng ngay cả một số người trong Giáo Hội đang…mong ngóng một loại Công giáo không có tín lý, không có Bí Tích và không có huấn quyền bất khả ngộ” ( Nguồn Vietcatholic News – 04/01/2020 – Đặng Tự Do – Đức hồng y Muller nhận định: Khủng hoảng trong GH là do rời bỏ TC và tìm cách thích nghi với văn hóa ).
“ Mong ngóng” một loại Công giáo không có tín lý, không có các Bí Tích và không có huấn quyền bất khả ngộ”. Vậy thử hỏi đây là …loại Công giáo gì ? Hay nói cho đúng nó có còn là tôn giáo hiểu như một Con Đường Tâm Linh nữa hay không ?
Từ bản chất Đạo Công Giáo là Đạo Đức Tin: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giê Su là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9 ).
Trích dẫn trên đây được lấy từ bản KT Tân Ước của Hội Ghi Đê on ( Tin Lành ) do nhà văn Phan Khôi dịch. Còn trong bản của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thay vì “Đạo” lại dịch là Lời Thiên Chúa khiến bản văn hoàn toàn tối nghĩa. Lý do là vì “ Đạo” ở đây chính là Thiên Chúa theo nghĩa của minh triết Đông: “ Đạo khả Đạo, phi thường Đạo. Danh khả Danh, phi thường Danh” (Đạo mà có thể nói được đó không phải là Đạo Thường. Danh mà có thể gọi tên được đó không phải là Danh thường – Lão Tử ĐĐK – chương một ).
“ Thường” tức thường hằng bất biến. Đạo Thường cần được hiểu đó là Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu Tự Hữu ( Ego sum qui sum – Xh 3, 14 ) bất sinh bất diệt. Đạo, tuy không thể nói, không thể gọi nhưng Đạo ấy lại cần được truyền giảng ra. Không truyền giảng ra thì nhân loại làm sao có thể …noi theo để sống ?
Cũng vì Đạo ấy cần được truyền giảng ra thế nên Đức Giê Su Ki Tô mới đến thế gian để mạc khải về Đấng Cha cũng là Cha của mỗi người. Chúa Ki Tô Phục Sinh nói với bà Madalena: “ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Cùng ĐCT Ta cũng là ĐCT các ngươi” ( Ga 20, 17 ).
Thiên Chúa là Cha và một khi Ngài đã là …Cha thì tất nhiên phải…nội tại trong mỗi người. Làm sao có thể hiểu khác đi được ? Tuy nhiên đây là một huyền nhiệm mà con người chỉ có thể tiếp nhận bằng con đường đức tin cùng với tâm tình tạ ơn mà thôi.
Chúng ta biết Đạo Công giáo có một Kinh rất hay đó là Kinh Cám Ơn. Trước đây Kinh này vẫn được đọc để kết thúc buổi cầu nguyện: “ Con cám ơn ĐCT là Chúa lòng lành vô cùng. Chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người…..”
Suy diễn Kinh này cho thấy nó chứa đựng những ý nghĩa thật là sâu xa. Nhưng rồi ngày nay kinh nguyện này dường như đã không còn được đọc cả trong các nhà thờ cũng như nơi gia đình !!!
Lý do khiến cho Kinh Cám Ơn nói riêng và các kinh nguyện nói chung không còn được hâm mộ nữa bởi vì Đạo Công giáo đang ở trong cao trào của nạn Tục Hóa, vì vậy đức tin đã hóa ra vô dụng. Đức tin không còn thì việc cám ơn Chúa dĩ nhiên đâu còn nghĩa lý gì nữa ?
Đang khi đó cũng theo đức hồng y Mueller lại: “ Nhấn mạnh rằng tạ ơn là một phần quan trọng của đời sống Ki Tô Hữu. Vào đầu năm mới, ngài khuyến khích người Công giáo nói lên lòng biết ơn đối với tất cả các kỳ công sáng tạo. Lòng biết ơn Thiên Chúa đã gửi Chúa Ki Tô đến thế giới như vị cứu tinh của chúng ta. Lòng biết ơn Đức Trinh Nữ Maria, Giáo Hội Công Giáo. Hồng ân gia đình và tất cả các phước lành khác mà nhiều người có thể dễ dàng coi là chuyện đương nhiên” ( Nguồn Vietcatholic News – 04/01/2020 đã dẫn ).
Một trong những‘ Kỳ Công Sáng Tạo” của Thiên Chúa đó là Ngài đã tạo dựng nên con người giống như Hình Ảnh Ngài ( St 1, 26 ). Gọi là….kỳ công bởi vì trong muôn loài sinh linh vạn vật chỉ riêng có con người được tạo dựng là Hình Ảnh TC có nghĩa từ trong bản chất chúng ta đã là Con của Ngài.
Mặc dù là Con từ trong bản chất. Nhưng con người không một ai hay biết, ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải” ( Lc 10, 22 ). Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha với mục đích để con người cũng có thể nhận biết Thiên Chúa là Cha giống như Ngài. Thế nhưng cũng chính vì mạc khải ấy mà Chúa Giê Su đã bị thế gian ghét bỏ và giết chết cách nhục nhã trên thập tự giá giống như quân trộm cướp.
Cái chết của Chúa Giê Su là cái chết Cứu Chuộc: “ Còn Ta nếu được treo lên khỏi đất. Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” ( Ga 12, 32 ). Chính cái chết và sống lại của Đức Ki Tô đã khiến chúng ta có được sự nhận biết Thiên Chúa là Cha và chỉ khi ấy việc sống đạo của Ki Tô Hữu mới thực sự có được tâm tình tạ ơn đối với Thiên Chúa. Ngược lại nếu không nhận ra cái chết của Chúa Giê Su là cái chết cứu chuộc thì mọi việc gọi là…sống đạo chỉ là một thứ hình thức nguội lạnh chẳng mang lại ơn ích chi về mặt tâm linh.
Chúa Giê Su luôn sống tâm tình tạ ơn với Chúa Cha. Làm bất cứ việc gì Chúa cũng dâng lời tạ ơn: “ Đoạn Ngài lấy năm ổ bánh và hai con cá. Ngước mắt lên trời tạ ơn, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ dọn ra cho mọi người” ( Lc 9, 16 ). Chúa Giê Su sống tâm tình tạ ơn bởi vì Ngài đã nhận biết được Tình Yêu Thương của Cha dành cho mình: “ Cha ơi ! Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã ban cho Con cũng cũng ở đó với Con để họ ngắm xem sự vinh hiển Cha đã ban cho Con vì từ trước buổi Sáng thế Cha đã thương yêu Con” ( Ga 17, 24 ).
Chỉ khi nhận biết được tình yêu thương chân thật của người nào đó đối với mình thì mình mới có lòng biết ơn đối với người đó. Trái lại thì không. Người con sở dĩ có lòng biết ơn đối với cha mẹ mình bởi đã nhận ra được sự yêu thương, hy sinh cực khổ để sinh ra và nuôi dưỡng mình. Trái lại đứa con bất hiếu là vì đã không nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.
Đối với người đời đã vậy, còn với những người có đạo thì không thể không tạ ơn Thiên Chúa bởi vì Ngài là Đấng trong muôn một đã tạo dựng nên mình. Thật vậy, ngay từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chúng ta đã có ơn gọi để trở thành Con Thiên Chúa: ‘ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).
Như vậy đã rõ, mục đích sống đạo của chúng ta là để nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cha nội tại …ở nơi mình chứ chẳng phải điều chi khác. Phần khác sự nhận biết ấy chỉ thành tựu qua trung gian Đức Ki Tô: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Một khi Đức Ki Tô đã khẳng định Ngài là Con Đường thì phải đúng là như vậy. Có đường thì phải dấn bước trên con đường ấy thì mới có thể đến được cái nơi mình…muốn đến. Nơi mình muốn đến ấy trong lãnh vực tâm linh đó chẳng phải là nhận biết Đấng Cha nội tại trong mình đó sao ?
Dừng lại nơi Đức Ki Tô như một cứu cánh ( Ki Tô giáo ) tức đã làm ngưng trệ cuộc hành trình trở về với Cha và đây chính là nguyên nhân đưa đến khủng hoảng triền miên trong Giáo Hội từ bấy lâu nay.
Điều quan yếu nhất trong việc tìm kiếm chân lý đó là tin nơi sự chỉ dạy của vị tôn sư và vị tôn sư của chúng ta đó chính là Đức Ki Tô Đấng Dẫn Đường: “ Ta là sự sáng đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì chẳng ở trong tối tăm” ( Ga 12, 16 ).
Tin nơi Đức Ki Tô để vững bước theo Ngài. Đó chính là việc thể hiện tâm tình tạ ơn đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Tại sao ? Bởi vì biết ơn ai thì nghe lời người đó. Chúng ta biết ơn Thiên Chúa và để …đẹp lòng Ngài thì phải thực thi Thánh Ý Ngài. Nói cách khác không có việc tạ ơn nào xứng đáng hơn là biết tuân phục Thánh Ý Chúa trong mọi sự: “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta, lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ nào biết vâng theo Thánh Ý Cha ta mà thôi” ( Mt 7, 21 ).
Vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự. Khi được mạnh khỏe, gia đình êm ấm thuận hòa, chúng ta cảm tạ ơn Chúa. Ngược lại những khi gặp tai ương hoạn nạn, không có công ăn việc làm chúng ta cũng cảm tạ ơn Chúa. Có được hạnh phúc, cảm tạ ơn Chúa đã đành. Nhưng tại sao gặp tai ương hoạn nạn cũng tạ ơn Chúa ? Đó là biết vâng theo Thánh Ý Chúa nhiệm mầu muốn chúng ta thức tỉnh để bước đi theo Ngài.
Suy cho cùng, việc Thiên Chúa tác tạo nên con người không phải để họ sống hạnh phúc sung sướng ở nơi cõi đời này nhưng là để tìm kiếm hầu trở về với Ngài cũng là Sự Sống Đời Đời bất diệt.
Trên con đường trở về ấy chúng ta không thể…quên vai trò cực kỳ quan trọng của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội Đấng đạp giập đầu rắn Sa Tan ( St 3, 16 ). Không có Ngài, chúng ta không thể chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hung hiểm Sa Tan để cho Chúa Giê Su có thể được sinh hạ trong tâm hồn. Thánh Alphong de Liuogori nói: “ Chúa Giê Su thuộc về Mẹ Maria trước hết rồi mới thuộc về ta. Nhưng tôi dám quả quyết hơn nữa: Người hoàn toàn thuộc về ta là vì Mẹ hằng ban Người cho ta. Nhiệm vụ Đức Mẹ đã thi hành trong Ngày Giáng Sinh là ban Chúa Giê Su cho thế giới thì nay người còn thi hành đối với mỗi một linh hồn ( Kẻ Nữ Tu Thánh Thiện ).
Đức Mẹ ban Chúa Giê Su có nghĩa Ngài sinh hạ Chúa trong tâm hồn các tín hữu. Chính bởi vai trò quan trọng của Đức Maria như thế nên chúng ta cần có tâm tình tạ ơn đối với Ngài bằng cách cố gắng thực hành ba mệnh lệnh Pha Ti Ma, Cải thiện đời sống. Siêng năng lần chuỗi Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ.
Sống đạo là sống tâm tình tạ ơn. Đây chính là nét đẹp cao quý của người Công giáo trên con đường trở về Nhà Cha. Thế nhưng làm sao chúng ta có được tâm tình ấy nếu không có Giáo Hội …làm Mẹ. Thánh Cypriano ( 210 – 258 ) nói: “ Người không có Giáo Hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha” ( Habere non potest Deum Patrem qui Ecclesiam non habet Matrem ).
Một điều hiển nhiên đó là phải có Giáo Hội thì mới có các Bí Tích có nghĩa có các ơn sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại qua trung gian Đức Ki Tô. Ngài đã hiến tế chính mình để tạo lập Giáo Hội. Có nhận ra như thế thì chúng ta mới biết ơn và hết lòng gắn bó với Giáo Hội cũng chính là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô: “ Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” (( Ga 15, 4 -5 )
Ngoài Chúa ra không ai có thể làm chi được có nghĩa không thể về với Cha. Về với Cha Đấng ở nơi mình. Đó là toàn bộ việc sống đạo của người Công Giáo. Hiện nay như lời đức hồng y Mueller nói, người ta đang…mong ngóng một loại Công giáo không có tín lý, không có Bí Tích và không có huấn quyền bất khả ngộ” thì kể như Con Đường về Với Cha đã bị phá hủy hoàn toàn.
Không còn Con Đường Về. Điều ấy tất yếu không thể không đưa nhân loại đến chỗ diệt vong. Thực tế hôm nay đã chứng minh điều ấy, Sir David Attenborough, một nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh đã đưa ra lời cảnh báo: “ Trái đất đang lâm vào kỳ giữa của Kỷ Đại Tuyệt Chủng lần thứ 6 và như thế mọi cứu vãn đã trở thành quá muộn. Ngày Tận Thế đang đến với nhân loại” ( Tạp chí Kiến Thức – 06/01/2020 ).
Phùng Văn Hóa