Đường Về Nhà Cha – Lời Tựa

 

Lời Tựa Của Tác Giả

Một số người ngỏ ý muốn Cha viết một quyển sách để suy gẫm về chân lý đời đời, để xác tín thêm và tiến lên trên con đường trọn lành. Ít người khác lại muốn Cha lượm lặt một số đề tài thích hợp với các hoạt động tông đồ và vấn đề thiêng liêng. Để khỏi phải viết nhiều sách, bỏ ra nhiều sức lực và chi phí nhiều, Cha viết ra sách này với cả hai lợi ích ghi trên.

Để việc suy gẫm thích hợp với những ai sống ở trần thế, Cha chia việc suygẫm này theo ba đề tài, mỗi đề tài là một bài suy gẫm, sau mỗi bài suy gẫm là những lời cầu nguyện. Cha mong muốn các bạn đọc đừng cảm thấy khó chịu khi phải lặp lại nhiều lần, lời xin đức bền đỗ và lòng mến Chúa, vì cả hai nhân đức căn bản đó tối cần cho cuộc sống đời đời. Thánh La-san đã nói: “Hồng ân về tình yêu là hồng ân chứa đựng mọi hồng ân, cũng như nhân đức bác ái gồm tóm các nhân đức khác.” “Mọi sự lành đã đến với tôi một trật với sự khôn ngoan; (Khôn ngoan: 7:11)

Ai yêu Chúa thì khiêm nhường, trong sạch, hãm mình và tóm lại gồm đủ mọi nhân đức. Thánh Au-gus-ti-nô đã nói: “Yêu Chúa tức là lo thực hành ý Người, Ai yêu Chúa luôn tránh những gì mất lòng Người và tìm kiếm những gì đẹp ý Người.”

Đức tính nhẫn nại giúp ta đạt sự sống đời đời như lời Thánh Bê-nađô:“Hạnh phúc thiên đàng hứa cho những ai bắt đầu cuộc sống tốt lành, nhưng nhẫnnại đến cùng mới đạt được diễm phúc đó.”

Thánh Tô-ma nói rằng những ai đã chịu phép Rửa Tội, cần tiếp tục cầu nguyện, để được vào nước Trời. Chúa Cứu Thế đã phán với các môn đệ:“Các con phải cầu nguyện luôn, không bao giờ được chán nản.” (Luca 18 :1)

Cũng vì trễ nải việc cầu nguyện mà nhiều tội nhân, dầu đã được ơn tha thứ, cũng không sống được lâu trong ơn nghĩa Chúa, chỉ vì họ quên xin ơn bền đỗ, nên họ lại sa ngã. Mặt khác, đạt được ơn bền đỗ do lời cầu nguyện, chứ không phải tự mình tạo ra.

Để những lời suy gẫm này sinh ích cho các vị linh mục, Cha thêm vào mỗi câu Thánh Kinh ngắn nhưng súc tích. Vào phần cuối Cha thu lượm nhiều ý tưởng của nhiều Tác giả vừa sâu sắc, vừa cảm động đến tận tâm can…Ước mong rằng bạn đọc lựa chọn lấy những gì hợp với sở thích và quảng giải rộng thêm.

Cha nài xin các bạn đọc hãy gởi gấm Cha vào tình yêu Chúa Giê-su khi đọc sách này, dầu lúc đó Cha đã qua đời hay còn sống; và Cha cũng hứa sẽ làm như thế cho những ai bố thí cho Cha lòng bác ái đó. Hãy sống trong Chúa là nguồn Tình yêu và Mẹ Maria nguồn hy vọng của chúng ta.

Lời Dịch Giả

Thánh An-phong-xô đã căn dặn: “Chuẩn bị cho số phận đời đời không bao giờ có thể nói là quá đầy đủ.” Biết bao công việc ở trần gian kể là rất tạm bợ, so với cuộc sống đời đời sau này, thế mà chúng ta còn lo chuẩn bị, toan tính ngày đêm, huống hồ là cho cuộc sống đời đời, đáng cho chúng ta lưu ý dường nào!

Hơn nữa, sau khi lìa trần, chúng ta sẽ ở một trong hai nơi: Hoặc hưởng cảnh hoan lạc viên mãn đời đời nơi thiên cung, hoặc đắm mình trong biển lửa với bao khổ cực muôn kiếp. Làm sao chúng ta có thể xao nhãng, thờ ơ, xem thường việc chuẩn bị được?

Nhìn lại bản thân chúng tôi: nhận thấy đã ngoài tám chục tuổi đầu, tóc đã bac trắng, răng thì “cái rụng, cái lung lay” báo hiệu ngày tàn đã gần kề. Bây giờ mới lo tìm kiếm sách vở để un đúc tinh thần chuẩn bị ráo riết cho cuộc sống đời sau, kể là muộn, nhưng muộn còn hơn không. Tìm kiếm mãi, chúng tôi may mắn gặp quyển “Preparation for Death” của Thánh Alphonsô, Tiến sĩ Giáo Hội. Trước tiên chúng tôi chỉ có ý định dịch ra để gia đình dùng, nhưng những ý tưởng của thánh nhân thôi thúc chúng tôi san sẻ với người khác, để họ cùng chuẩn bị, nên chúng tôi mới nảy ra ý định dịch và cho xuất bản.

Vấn đề thì cấp thiết mà công việc xuất bản đòi hỏi thời gian, nên chúng tôi đọc trước vào băng để dùng và phổ biến cho một số than nhân bạn hữu. Ước mong rằng bà con sang ra băng khác và biếu cho thân nhân bạn bè, càng nhiều càng quý. Các bài hát cũng có một tác động tinh thần đáng kể, nên sau một ít bài, chúng tôi lại cho ghi thêm vào một bài hát. Các bài hát đều do các con cháu trong gia đình ca hát với tính cách “cây nhà lá vườn”.

Những bài ghi trong sách này là để suy niệm, nên bầu khí yên lặng, tâm hồn thảnh thơi, những giờ phút nghỉ ngơi, trước lúc ngủ v.v… là những cơ hội thuận lợi cho việc suy gẫm.

Đây là những sự thật mà ai cũng biết. Nhưng biết cũng chưa đủ, cần đọc đi, đọc lại, nghe đi, nghe lại, suy gẫm thật nhiều lần, để không những học thuộc lòng, mà các chân lý đó đi sâu vào tiềm thức, để các hoạt động của đời sống chúng ta được phản ứng không những theo giác quan, mà theo tiềm thức, như những tài xế lái xe lâu năm điều khiển chiếc xe theo tiềm thức hơn là theo các giác quan.

Một con người toàn diện gồm hai phần: thể xác và tâm linh. Tâm linh thường hướng thượng, nhưng thể xác lại yếu hèn, chịu ảnh hưởng trực tiếp của những dục vọng xấu xa, nhằm thoả mãn những thú vui trần thế, tạo ra những ảo tưởng khiến tâm linh con người xa dần Thiên Chúa.

Khi đề cập đến thể xác, thánh An-phong-xô muốn nhấn mạnh đến nhượcđiểm duy nhất của con người là thể xác yếu hèn, đầy dẫy những dục vọng xấu xa, do ảnh hưởng tội nguyên tổ. Do đó, trong tất cả các bài gẫm, thánh nhân đều đưa lên những nhận xét, những phương cách để mỗi người trong chúng ta nhận chân được con người thực sự với thể xác yếu hèn, bị chi phối bởi những dụcvọng ươn hèn, cần sửa đổi và diệt trừ, hầu con người ngày càng trở nên trọn lành hơn, gần Chúa hơn cả thể xác lẫn tâm hồn: “Thể xác chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần.”

Để biết khinh chê những dục vọng của thể xác và những ước muốn tội lỗi, thánh nhân dành trọn 18 chương để nói lên những yếu hèn do những ảo tưởng, mà bề ngoài có vẻ tốt đẹp do trí óc tạo nên, để che dấu những tội lỗi.

Thánh nhân cũng không quên thêm vào phần cuối các bài gẫm những lời nguyện giúp chúng ta trở về làm con Chúa như “người con hoang đàng trở về nhà cha” với tâm hồn thực sự hối lỗi, hầu mong được Chúa yêu thương, như người cha sẵn sàng tha thứ và mòn mõi mong đợi đứa con trở về trong vòng tay ấp ủ của mình.

Tự biết mình khả năng thật hạn hẹp, người chuyển ngữ chỉ biết cố gắng và tự đặt mình làm cây bút trong tay nhà thi sĩ, làm cây cọ trong tay người họa sĩ độc nhất là Chúa Thánh Linh. Không mong gì lợi lộc vật chất, hy vọng đem được một ít ý tưởng tốt lành của thánh An-phong-xô đến với bạn đọc, đó là phần thưởng tinh thần đáng giá cho người chuyển ngữ.

Chúng tôi mong ước được ghi thêm, từ các bạn đọc, những nhận xét, những quan niệm về cuộc sống, để các ý tưởng về sự chết được phong phú hơn.

Nhờ chuẩn bị chu đáo để vui hưởng cái chết an lành, chúng ta hẹn sẽ gặp nhau trong nguồn hạnh phúc bất diệt trước nhan thánh Chúa.

Phêrô Bùi đắc Hữu

Seattle, Washington State.

Chia sẻ Bài này:

Related posts