LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.
(Mt. 3:13-17)
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan là gạch nối giữa hai giai đoạn: Đời sống ẩn dật và đời sống công khai của Chúa. Khi Chúa Giêsu bước lên khỏi sông Giođan, Chúa Cha đã đón nhận và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người: “Đây là Con Ta rất yếu dấu.”
Suốt ba mươi năm Chúa sống ẩn dật tại làng quê Nazarét. Thời gian sống thật dài. Chúa đã kiên nhẫn đợi chờ sự phát triển bình thường của con người trong thời gian và không gian. Tới tuổi trưởng thành, tam thập như lập. Chúa Giêsu đã công khai ra giảng đạo. Chúa khởi đi từ sự khiêm hạ xếp hàng cùng với những tội nhân để nhận phép rửa của Gioan. Chúng ta biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là người vô tội, Ngài không có tì vết của tội lỗi.
Từ nay cuộc đời của Chúa hoàn toàn đổi mới dưới con mắt mọi người. Chúa bắt đầu vào hoang địa để ăn chay và cầu nguyện trong 40 đêm ngày. Sau khi chịu mọi thử thách trong hoang địa, Chúa đã vượt thắng tất cả các cơn cám dỗ. Rồi Chúa bắt đầu ra công khai rao giảng và chữa lành tất cả các loại bệnh tật. Chúa mở đường đưa đón người tội lỗi trở về. Chúa mặc khải tình yêu thương nhân hậu của Chúa Cha qua các dụ ngôn. Chúa giảng dạy với quyền năng phát suốt tự mình. Chính những kinh nghiệm của cuộc sống nơi nhà Nazarét đã trở nên những bài học thiết thực nói về nước trời.
Sứ mệnh rao truyền chân lý của Chúa cứ mãi tiếp tục từ đời này qua đời khác. Ai tin vào Chúa sẽ được ơn cứu độ. Xin kể câu truyện: Bà cụ 104 tuổi sống tại Croydon. Có nhà truyền giáo đến rao giảng về Chúa Kitô. Ngài nói rằng Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một yêu dấu của mình xuống trần gian để cứu độ nhân loại. Ai tin sẽ được cứu độ. Bà cụ quá vui mừng. Bà nói thật là tuyệt vời. Thiên Chúa tốt lành
Ngài tha thứ cho tôi. Tôi đã bỏ mất 100 năm không học biết Ngài. Sau đó bà đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Báo chí ngày đó đã viết lại rằng bà sinh năm 1825 và sinh lại trong Chúa năm 1925.
Chúng ta cần sám hối và cần được thanh tẩy. Hãy nhớ lại Bí Tích Rửa Tội của mình, qua Phép Rửa Tội chúng ta được giao hòa và tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta trở thành môn đệ của Chúa. Chúng ta có bổn phận tiếp tục làm nhân chứng và truyền rao tình yêu của Chúa cho mọi người.
TUẦN 1 MÙA THƯỜNG NIÊN.
THỨ HAI
Mc. 1: 14-20
Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa Giêsu nói rằng: Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần; anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Gioan đã xuất hiện mời gọi mọi người hãy chuẩn bị sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Gioan đã làm phép rửa sám hối và ông đã hoàn tất sứ mệnh của vị tiền hô.
Chúa Giêsu bắt đầu ra rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng kêu gọi sám hối. Sám hối là một khởi đầu rất quan trọng. Sám hối là quay trở lại với Chúa và với lòng mình để biết mình đang trong tình trạng nào. Từ khởi đầu, Chúa đã muốn con người trở về bên trong, về chính tâm của mình. Chúa sẽ lấy tâm làm điểm để từ đó con người sẽ nhận ra giá trị vô biên của mình. Từ nội tâm, con người sẽ nhận ra sự yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Nếu không biết trở về, chúng ta sẽ không gặp được chúng ta và cũng sẽ không gặp được Chúa.
Có hai điểm cần thiết mà Chúa Giêsu mời gọi là sám hối và tin vào Tin Mừng. Tin mừng chính Chúa Giêsu sẽ mặc khải cho loài người. Tin mừng về tình yêu cứu độ. Thiên Chúa hạ thân làm người, cư ngụ giữa loài người để giao hòa và cứu độ chúng ta. Lậy Chúa, không còn tình yêu nào vĩ đại và cao cả hơn nữa. Chúa đã chấp nhận thân phận của con người để tỏ bày cho chúng con về Thiên Chúa Hằng Hữu. Chúng con tin thờ và cảm tạ tình Chúa vô biên.
THỨ BA
Mc. 1: 21-28
Nhiều người bắt đầu kinh ngạc về giáo lý mới của Chúa. Chúa Giêsu giảng dậy trong uy quyền. Lời nói của Ngài có sức biến đổi và cải hóa tâm hồn. Lời nói của Chúa gắn liền với hành động. Nói là làm chứ không phải nói và làm. Chúa đang giảng dạy, có một người bị thần ô uế nhập, nó thét lên: Hỡi Giêsu Nazarét, có truyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?
Dân chúng chung quanh chưa biết Chúa Giêsu là ai nhưng các thần dữ và ma qủy đã biết Chúa. Quyền lực của tối tăm đang bị đe dọa. Con người bất lực trước sự hoành hành của ma qủy. Họ bị sự dữ điều khiển và tùy thuộc vào nó. Chúa Giêsu xuất hiện với uy quyền trên tất cả. Chúa đã xua trừ ma qủy và chữa lành bệnh tật. Người ta kinh ngạc về quyền năng của Chúa nhưng người ta chưa hiểu sự gì đang xảy ra.
Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện các sự lạ lùng không phải để dành gây ảnh hưởng nhưng muốn chứng tỏ cho mọi người được thấy ơn cứu độ đang ở giữa họ. Họ cần thay đổi cách sống và trở về với con đường chân chính. Chúa cũng không thực hiện phép lạ để cho người ta thỏa mãn sự tò mò nhưng là một mời gọi đón nhận Đấng Cứu Thế đã viếng thăm.
Lạy Chúa, Chúa dùng uy quyền để xua đuổi tà thần ô uế. Xin Chúa gìn giữ chúng con khỏi những quấy phá của ma qủy để chúng con được tự do tôn thờ Chúa.
THỨ TƯ
Mc. 1: 29-39
Chúa Giêsu cùng với các môn đệ trở về nhà của Phêrô. Bà nhạc của Phêrô cảm sốt nằm trên giường, Chúa Giêsu đã chữa cho bà lành bệnh. Chiều đến, người ta tấp nập đưa các bệnh nhân đến xin Chúa chữa. Chúa đã chữa lành cho họ tất cả.
Ngày nay, Chúa cũng ban cho một số người ơn chữa bệnh. Họ là những người sống tiết độ, thánh thiện và đầy ơn Chúa. Khi nghe nơi đâu có người chữa bệnh thì dân chúng khắp nơi tuôn đến xin ơn. Có nhiều người được ơn: ơn khỏi bệnh phần xác, ơn phần hồn, có người được ơn có con và có người khỏi bệnh kinh niên. Họ được ơn lạ đó nhưng cuộc sống vẫn thế, đâu mấy người thay đổi tâm hồn khi họ được ơn.
Ơn chữa bệnh trở thành phổ quát hơn khi con người tìm ra nhiều cách thế để lôi kéo người khác đến với họ. Người ta được ơn lạ nhưng họ vẫn không nhận ra được tình yêu Chúa can thiệp trong cuộc đời của họ. Nhiều người chỉ chú tâm vào những sự lạ lùng chữa bệnh để thán phục mà không phát triển trong niềm tin.
Tất cả lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giêsu đều biểu lộ lòng thương xót của Chúa. Bệnh hoạn là tình trạng tự nhiên của thân xác hay chết của con người. Chúa không đến chỉ để chữa các bệnh tật hay cất hết những khổ đau trong cuộc sống. Chúa đến giúp ta nhận ra lòng từ ái yêu thương của Chúa.
THỨ NĂM
Gioan Mc. 1: 40-45
Một người phong cùi qùi xuống van xin Chúa: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi nên sạch. Lời van xin của người phong cùi rất dễ thương, làm sao Chúa có thể từ chối. Ông nói nếu Chúa muốn, thật vậy, Chúa đã chạnh lòng thương xót và chữa ông ta lành bệnh.
Bệnh phong cùi là một thứ bệnh hay lây. Những người phong cùi rất khổ sở cả thân xác lẫn tâm hồn. Ai có dấu chứng phong cùi sẽ bị loại ra khỏi gia đình và cộng đoàn. Họ bị coi là như những con vi trùng lây lan. Họ bị khinh dể và bị xua đuổi. Bệnh cùi đánh mất tư cách làm người của họ. Không ai dám đến gần và họ cũng không có quyền đến gần người khác. Tự mình phải la to cho người khác khỏi đến gần.
Dĩ nhiên họ sẽ không thể lao động chung nơi công cộng. Cuộc sống của họ bị tách riêng, sống mà bị coi như đã chết. Chúng ta thấy nỗi buồn và đau khổ dầy vò cuộc đời của họ. Chúa Giêsu đã thương xót và đã chữa lành cho họ. Chúa còn cho họ trở lại quyền làm công dân của gia đình và xã hội.
Người phong cùi được sạch, họ biết ơn Chúa. Họ quá vui mừng vì được sống lại trong tư cách là con người. Họ cao rao danh Chúa khắp nơi nơi. Lạy Chúa, Chúa chữa lành thân xác và tâm hồn của chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm cao rao danh Chúa cho mọi người.
THỨ SÁU
Mc. 2: 1-12
Chúa Giêsu tha tội cho người bất toại. Sự việc xảy ra làm nhiều người chú ý, có bốn người khiêng người bất toại lên mái nhà. Họ dỡ mái và thòng dây đưa người bất toại xuống trước mặt Chúa. Vì dân chúng quá đông, họ không thể chen chân vào được. Thấy lòng tin của các bạn hữu và người bất toại, Chúa đã chữa lành cho anh ta.
Khác với những lần chữa bệnh trước, thường Chúa đặt tay trên người bệnh, hoặc Chúa phán một lời hay ý Chúa muốn, thì người bệnh sẽ lành. Trường hợp người bất toại nằm trên chõng, Chúa Giêsu tha tội cho anh ta. Chúa nói: Này con, tội lỗi con được tha. Như thế tội lỗi làm con người bị bất toại cả thân xác và linh hồn. Chúa nhìn thấu linh hồn và đau đớn thể xác của anh ta. Chúa không lầm nhưng Chúa muốn tỏ cho mọi người biết Chúa có quyền tha tội.
Quyền tha tội chỉ dành cho Thiên Chúa. Người Do Thái rất kính trọng Thiên Chúa, không muốn ai xúc phạm đến danh của Ngài. Chúa Giêsu chữa bệnh và tha tội, những việc lạ lùng trước mắt mọi người. Các luật sĩ rất khó chịu về việc này. Họ nghĩ ông này phạm thượng. Khi họ chưa biết Chúa Giêsu là ai, đúng thật một con người mà dám nói lời tha tội là phạm thượng. Chúng ta chỉ có thể nhận biết Chúa qua niềm tin. Chúng ta có phúc hơn những vị luật sĩ vì chúng ta không được thấy nhưng chúng ta đã tin. Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con.
THỨ BẢY
Mc. 2: 13-17
Chúa Giêsu đi qua trạm thu thuế thấy Lêvi ngồi đó, Chúa bảo ông: Hãy theo Ta. Ông đứng dậy đi theo Ngài. Chúng ta tự hỏi sao ông Lêvi có thể bỏ mọi sự mà đi theo Chúa cách dễ dàng như thế. Ông đang có một nghề kiếm ra tiền và có một cuộc sống thoải mái mà.
Chúa nhìn ông ta và cái nhìn của Chúa thấu đạt tâm tư của ông. Chúa mời gọi ông theo Chúa, lời mời của Chúa đã đánh thức tâm hồn ông. Có lẽ ông cũng chưa biết sẽ có được gì nhưng một quyết định dứt khoát đã thay đổi đời ông. Chiều đến, ông đã mời Chúa đến dùng tiệc tại nhà. Xảy ra là các luật sĩ lại soi mói nói nhỏ nói to với các môn đệ: Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế.
Các luật sĩ phân biệt rõ ràng, những người thu thuế bị xếp vào loại những người tội lỗi. Chúa Giêsu nói rất thấu tình đạt lý: Những người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc nhưng là người đau yếu. Chúa Giêsu rất khéo léo đổi đề tài đi vào nội tâm con người. Bất cứ nơi đâu Chúa cũng lợi dụng cơ hội để dạy mọi người một bài học. Nơi đây, Chúa muốn nói rõ ràng là Chúa đến để kêu gọi những người tội lỗi trở về.
Lạy Chúa, chúng con vui không phải vì chúng con là người tội lỗi nhưng chúng con vui vì được Chúa yêu thương và được Chúa cứu độ.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.