Đối với nhiều người, kể cả các Tông Đồ, sự kiện Chúa sống lại thật hết sức khó tin. Chẳng vậy, Tô Ma nói: “ Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người. Nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin…
Tám ngày sau, môn đệ lại họp nhau trong nhà và Tô Ma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giê Su hiện đến đứng giữa mà phán: Bình an cho các con. Đoạn Người nói với Tô Ma: Hãy xỏ ngón tay con vào đây và hãy xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay con và xỏ vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin. Tô Ma thưa rằng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con. Chúa Giê Su nói với ông: Tô Ma, vì con đã xem thấy nên con đã tin. Nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin” ( Ga 20, 24 -29 ).
Chắc là khi ấy, Tô Ma không dám xỏ ngón tay vào các vết thương của Chúa bởi ông đã thực lòng tin và chỉ biết sụp xuống thờ lạy Ngài. Tuy nhiên lòng tin của Tô Ma cũng như của các Tông Đồ khi ấy còn rất mờ nhạt, vì chưng vẫn chưa nhận ra được sứ mạng của Thầy mình.
Sao có thể nói các Tông Đồ chưa nhận ra được sứ mạng của Chúa Giê Su khi đến cõi thế gian này ? Lý do là vì ngay trước khi Chúa về trời, các ông còn đưa ra câu hỏi: Thưa Chúa, có phải đây là lúc Ngài sẽ khôi phục nhà Itsraen hay không ?
Chúa không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói: Thời hạn và nhật kỳ mà Cha đã tự quyền định đoạt thì các ngươi chẳng nên biết. Nhưng khi Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lãnh rồi làm chứng nhân cho Ta tại Gierusalem , cả Judea, Samari và cho đến tận cùng trái đất” ( Cv 1, 6 -8 ).
Chúa nói như thế để gián tiếp cho biết sứ mạng của Ngài cũng như của các môn đệ không phải chỉ dành riêng cho dân tộc Itsraen nhưng cho toàn thế giới. Đối với dân Do Thái vào lúc đương thời Chúa Giê Su thì có nhiều luồng dư luận khác nhau. Kẻ thì cho Ngài là một tiên tri cao cả, kẻ thì cho là người bị…quỷ ám v.v…Còn trong niềm tin của các môn đệ thì lại cho Ngài là Đấng Messia từ trời xuống để cứu dân tộc mình.
Trong nhiều lần hiện ra Chúa Ki Tô Phục Sinh đã biểu tỏ rõ ràng về sứ mạng Cứu Độ của Ngài: “ Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giê Su lại phán bảo các ông rằng: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Nói thế rồi Ngài thổi hơi và phán bảo các ông: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại” ( Ga 20, 21 -23 ).
Chúa Giê Su luôn tự nhận mình được Cha sai đến, ngay cả khi đã sống lại. Vậy sứ mạng được sai đến ấy là gì ? Xin thưa đó là rao giảng Tin Mừng Nước Trời: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến một nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp, muốn giữ Ngài lại không cho đi khỏi họ. Nhưng Ngài nói: ta cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).
Sứ mạng của Chúa Giê Su khi đến thế gian là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Chính Chúa đã xác nhận điều ấy, vậy làm sao có thể nói khác đi được ? Thế nhưng vì căn cớ gì mà các môn đệ Chúa lại không nhận ra sứ mạng ấy để rồi mãi đến khi Chúa sắp về trời vẫn…lầm tưởng đưa ra câu hỏi như thế ?
Vì đâu lại có sự lầm lẫn nghiêm trọng đến vậy ? Đó là vì người ta đã không nhận ra Tin Mừng của Đức Ki Tô là về Nước Trời nội tại: “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia, vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Không thể nói Nước Trời…ở đây hay ở kia, bởi vì đó là một Thực Tại siêu vượt cả không gian lẫn thời gian, không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả hay lý trí để nghĩ suy được. Thực Tại Nước Trời ấy cũng chính là Đấng Cha mà Đức Ki Tô muốn mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha’ ( Lc 10, 22 ).
Mạc khải có nghĩa là…vén tấm màn lên để chỉ cho thấy điều còn ẩn giấu phía sau. Điều còn ẩn giấu đó chính là Đấng Cha…nội tại hằng hữu ở nơi mỗi người. Đức Ki Tô mạc khải để cho ta có thể nhận biết và sống tình con thảo với Đấng Cha thân yêu của mình.
Đấng Cha ấy cũng là một, không khác với Thiên Chúa của các tổ phụ, Chúa Giê Su nói với những luật sĩ chất vấn Ngài về vấn đề người chết sống lại: “ Còn về kẻ chết sống lại thì Mai Sen đã tỏ ra trong đoạn chép về bụi gai: Khi người gọi Chúa là ĐCT của Apraham, của Isaac, của Gia Cop. Ấy chẳng phải là ĐCT của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).
Thiên Chúa là của kẻ sống, ai nấy đều vì Ngài mà sống có nghĩa Thiên Chúa chỉ có thể là Đấng Cha…nội tại trong mỗi người. Tin Thiên Chúa là Đấng nội tại ở nơi mình và trở về để…sống với Đấng ấy, đó là toàn bộ con đường tâm linh mà Thiên Chúa đã ký kết với tổ phụ Apraham: “ Vả Đức Giehova có phán cùng Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ trở thành nguồn phước đức. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phúc cho ngươi, nguyền rủa kẻ nào nhục mạ ngươi” ( St 12, 1 -3 ).
Từ bỏ quê hương bản quán, cha mẹ để đi đến XỨ sẽ được…chỉ ( Mạc khải, khai thị…) XỨ ấy người Do Thái vẫn đinh ninh là miền đất Canaan. Nhưng đây chỉ là hình bóng của Nước Trời mầu nhiệm trong Tân Ước. Như vậy XỨ ấy hoàn toàn không phải là miền Canaan hay bất cứ xứ sở, đất nước hoặc một thứ…Triều Đại nào trong chốn thế gian này !
Chính bởi XỨ mà tổ phụ Apraham đã được Thiên Chúa hứa …chỉ cho là Nước Trời trong Tân Ước thế nên Đức Ki Tô mới gọi đó là Tin Mừng Nước Trời. Ngài rao giảng Tin Mừng và đòi buộc con người cần có lòng tin và việc ăn năn, sám hối: “ Thời đã mãn, Nước Trời đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Giữa lòng tin vào Tin Mừng và việc ăn năn sám hối có một mối liên hệ khăng khít với nhau. Càng sám hối tội lỗi mình bao nhiều thì càng có lòng tin vào Tin Mừng bấy nhiêu. Ngược lại càng tin vào Tin Mừng thì lại càng sám hối tội mình bấy nhiêu.
Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đòi hỏi cần biết…lắng nghe: “ Ai có tai nghe, hãy nghe” và những ai có…tai nghe như thế thì thật có phúc: “ Nhưng phước cho mắt các ngươi vì thấy được. Cho tai các ngươi vì nghe được. Ta nói cùng các ngươi: Có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao điều các con thấy mà chẳng được. Ước ao nghe điều các con nghe mà chẳng được” ( Mt 13, 16 -17 ).
Các tiên tri và người công chính đã có lòng ước ao thấy Đấng Cứu Thế ra đời mà chẳng được thấy. Ước ao nghe Tin Mừng mà chẳng được nghe. Còn chúng ta nay đã cách xa Chúa cả ngàn năm, vậy làm sao có thể…thấy Chúa, có thể nghe Tin Mừng của Chúa ? Còn như nếu …thấy được ? nghe được thì đó chẳng phải là mối phúc lớn lao hay sao ?
Quả thật Chúa đã cách xa chúng ta hàng ngàn năm nhưng Ngài vẫn…ở cùng theo như lời hứa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Chúa vẫn…ở cùng trong Giáo Hội Tông Truyền do Ngài thiết lập trên nền tảng Tông Đồ Phê Rô: “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng: Ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục chẳng thể thắng được nó” ( Mt 28, 20 ).
Chúa thiết lập Giáo Hội để Ngài…ở cùng nơi các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Bởi đó tin và lãnh nhận Bí Tích này mục đích là để cho Chúa Phục Sinh có thể …ở cùng chúng ta. Tin như thế thì thật có phúc và cái phúc lớn lao nhất đó là có được sự sống đời đời: “ Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế, kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy. Đây là bánh từ trời xuống, chẳng phải như thứ tổ phụ ăn rồi cũng chết. Kẻ nào ăn bánh này sẽ sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).
Mặt khác chúng ta cũng thật là người có phúc bởi có Chúa…ở cùng, chỉ cần lắng tâm quay về thì sẽ…nghe được Tin Mừng của Ngài. Cái phúc vì nghe được Tin Mừng thật hết sức lớn lao bởi khi nghe được cái Tin rằng Nước Trời luôn sẵn đủ ở nơi mình thì làm sao không mừng vui cho được ?
Trong cơn đại dịch kinh khủng này, nhân loại đã phải sống trong lo âu, buồn khổ vì không biết tương lai rồi sẽ ra sao ???. Riêng với người Công Giáo không có Thánh Lễ, không có cầu nguyện cộng đoàn thì hầu như cũng chẳng còn …thấy Chúa đâu nữa thì làm sao có thể kết hợp với Chúa Giê Su Thánh Thể?
Thế nhưng biết đâu trong họa lại có phúc nếu chúng ta vẫn còn lòng tin nơi Chúa như là ánh sáng soi đường: “ Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta hẳn chẳng đi trong tối tăm nhưng có ánh sáng của sự sống” ( Ga 8, 12 ).
Chúa là ánh sáng của sự sống tâm linh. Chúng ta tin vào Ngài thì dù sống trong hoàn cảnh tối tăm mù mịt về đức tin, không được tham dự Thánh Lễ cùng với cộng đoàn nhưng chúng ta vẫn có thể Rước Lễ thiêng liêng, bất cứ khi nào: “ Lạy Chúa.con tin thật Chúa ngự trong Phép Thánh Thể. Con kính mến Chúa trên hết mọi sự cùng ước ao được Chúa ngự vào linh hồn con….”
Chính cái sự…ước ao được Chúa ngự vào nhà Linh Hồn đó còn đẹp lòng Chúa hơn cả những khi ta rước lễ chỉ như một…thói quen trước đây ? Ước ao kết hợp với Chúa ắt sẽ gặp được Chúa bởi chưng đây là lẽ: “ Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu”.
Dù không…thấy Chúa nhưng vẫn tin sự hiện hữu của Ngài. Lại nữa không những Chúa chỉ…hiện hữu mà còn đem lòng thương yêu và mong mỏi ta về để được sống mãi bên Ngài./.
Phùng Văn Hóa