Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1), trong tâm trạng bồi hồi xúc động chia ly của tình Thầy trò đôi nơi đôi ngả, Chúa Giêsu đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết : “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy” (Ga 14, 15), và dĩ nhiên sẽ được Chúa Cha yêu mến. Lời di chúc của người sắp ra đi thật không đơn giản, bởi nó trang trọng và thâm sâu! Lời ấy có ý nói : các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc giới răn của Thầy sẽ được tuân giữ, nghĩa là : khi yêu mến Chúa Giêsu, người ta sẽ tuân giữ các giới răn Chúa để lại. Có thế hiểu: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lệnh Thầy truyền. Chúa Giêsu nói: “Ai giữ các điều răn của Thầy, thì là người yêu mến Thầy. Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Tôn trọng các giới răn là thể hiện lòng mến nên tuân giữ. Chính Chúa Giêsu khẳng đình : “Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó thì người ấy là kẻ mến Thầy” (Ga 14,20).
Thực hành lời Chúa Giêsu dạy là yêu mến Chúa xem ra có vẻ dễ, nhưng giữ lời Chúa truyền là cả một vấn đề. Hỏi : Chúa truyền dạy chúng ta điều gì? Thưa : Chúa dạy chúng ta nhiều điều, Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn. Giới răn thì có nhiều nhưng chung qui lại là kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương tha nhân như là anh em. Kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là điều răn quan trọng nhất của Tin Mừng.
Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích giống Thầy: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy” (Ga 14, 15). Vì là giới răn, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ. Tuân giữ các giới răn là thể hiện lòng mến.
Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, Thiên Chúa là Tình Yêu, tình Chúa trao ban và tình yêu dâng hiến. Khi nói về tình yêu của Thiên Chúa và cũng là tình yêu của chính mình, Chúa Giêsu đã khéo so sánh: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Mẫu mực, thước đo của tình yêu đối với Chúa Giêsu là tuân giữ các giới răn.
Là Kitô hữu, chúng ta phải biết làm thế nào để yêu thương. Như đã nói ở trên, yêu người đâu phải là chuyện dễ làm. Chúng ta phải tập luyện, phải học nghệ thuật yêu mỗi ngày mà không bỏ qua bài học tha thứ, nhất là chiêm ngắm Chúa Giêsu Tình Yêu và hay tha thứ để bắt chước.
Giáo hội là Thánh, nhưng những yếu tố cầu thành Giáo hội là những con người vô thập toàn như chúng ta, nên kiêu ngạo, ghen tị, chia rẽ là điều chắc chắn có. Ðúng ra, một cộng đoàn Kitô phải sống trong tình yêu của Chúa Kitô, nhưng có khi chúng ta để cho tội lỗi lẻn vào, để cho mình bị đánh lừa, và khi ấy, tinh thần sẽ bị suy yếu. Kinh nghiệm cho thấy, đã có bao nhiêu người rời bỏ Giáo hội, chỉ vì họ cảm thấy họ không được yêu mến. Có biết bao người đã rời xa cộng đoàn giáo xứ, bởi vì ở nơi ấy có những chuyện nói hành nói xấu, đố kỵ và ghen tương.
Chỉ dựa vào lời di chúc của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, chúng ta đã tìm ra được nét độc đáo và tính đặc thù của tình yêu Kitô giáo là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em để chứng tỏ rằng chúng ta yêu và tuân giữ các giới răn của Chúa.
Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với Chúa là tuân giữ các giới răn, còn thước đo của tình yêu đối với tha nhân không còn là “tình anh em huyết thống”, cũng không còn là “bản thân mình” nữa mà yêu ‘vì Chúa thì con yêu người như mình ta’. Đây là thứ tình yêu vị tha, một thứ tình yêu chỉ biết cho đi, lo tìm hạnh phúc cho người yêu, yêu không so đo tính toán, yêu quảng đại.
Chúa Giêsu không đòi các môn đệ cũng như chúng ta những người kitô hữu hôm nay phải thông thái như các thầy kinh sư và ký lục. Người cũng không bắt chúng ta phải sống tỉ mỉ giữ luật như các Kinh Sư và Biệt phái. Điều Chúa muốn duy nhất nơi chúng ta là yêu người khác như chính Chúa đã yêu ta. Tình yêu là dấu chỉ của người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Người kitô hữu chính danh là người biết yêu thương tha nhân, sống bác ái và vị tha. Để thực thi những điều trên, chúng ta rất cần đến Thánh Thần Tình Yêu Thiên Chúa, Người sẽ dạy bảo chúng ta thực hành những điều Chúa truyền dạy.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết ngoan ngoãn vâng nghe Ðấng An Ủi, Thần Chân Lý là Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu Con Mẹ đã hứa ban, để chúng con biết từng ngày học hỏi nghệ thuật của tình yêu, sống yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ