“Trong hoàn cảnh khó khăn này, chúng tôi, những người có niềm tin, chỉ còn hai thái độ: trở thành những lính canh và là trung gian khuyến khích đối thoại”.
Đức Hồng y Zerbo, Tổng Giám mục Bamako đã tuyên bố như trên trong tình hình đất nước Mali, một quốc gia nằm trong lục địa của miền tây châu Phi đang trong hỗn loạn, đầy căng thẳng sau cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử ngày 29/3/2020 đã khiến cho quốc gia Mali rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Ông Soumaïla Cissè, thủ lĩnh phe đối lập đã bị bắt cóc hai ngày trước đó và hiện vẫn còn ở trong tay những kẻ bắt cóc. Trong khi đó, dân chúng không tin tưởng và không hài lòng với chính sách của tổng thống Ibrahim Boubacar Keita vẫn còn tại chức từ năm 2013. Dân chúng đang kêu gọi tổng thống từ chức.
Đức Hồng y Zerbo cho biết: “Tôi nghĩ, với tình hình bất ổn như vậy, điều cần thiết là làm sao để hai nhóm chấp nhận nói chuyện, đối thoại, tránh bất ổn. Chúng tôi đã thành lập một nhóm các vị lãnh đạo tôn giáo: Hồi giáo, Công giáo và Tin lành để gây sức ép lên chính phủ và tạo điều kiện cho họ đối thoại. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên và cố gắng nói chuyện trực tiếp với các nhân vật chủ chốt, chúng tôi làm việc kiên trì để tránh sự đứt đoạn trong đối thoại”.
Đức Hồng y nói với Hãng tin Fides: “Tôi tin rằng Kitô hữu có hai nhiệm vụ chính. Một mặt, phải xử sự như người lính canh. Không phải người do thám, nhưng là lính canh: khi có mối đe dọa chúng ta phải cảnh báo và cố gắng giải quyết vấn đề trước khi nó bùng nổ. Đó là một trách nhiệm rất lớn và nếu có nhiều vấn đề có nghĩa là những người lính canh đã không làm tốt nhiệm vụ. Sau đó, chúng ta phải là trung gian và khi có sự thù địch giữa hai nhóm, gia đình, hoặc cá nhân, chúng ta phải hòa giải trong sự thật. Và điều quan trọng nữa là phải luôn cầu nguyện cho đất nước và các nhân vật chủ chốt để Chúa hoán cải con tim họ. Bây giờ, có thể nói, có nhiều người con tim đã trở nên đá cứng, chúng ta phải làm cho nó trở thành thịt mềm”.
Đức Tổng giám mục Bamako cho biết thêm: “Trong đất nước của chúng tôi, một cuộc xung đột thực sự đang diễn ra. Điều quan trọng là phải hiểu người ta đang quan tâm điều gì đàng sau những xáo trộn này; bởi ngoài những tranh chấp ít nhiều nghiêm trọng, người dân Mali luôn cố gắng chung sống hòa bình và giải quyết các vấn đề theo cách truyền thống, không cần đến vũ khí. Bây giờ, trái lại, vũ khí đã xâm chiếm Mali. Tình trạng rất lộn xộn và người ta không hiểu rõ loại chiến tranh nào đang diễn ra. Mục đích của chúng tôi là nói chuyện với các bên của cuộc xung đột. Người dân của tôi đã sống với nhau trong nhiều thế kỷ, chúng tôi không thể chấp nhận rằng họ đang có chiến tranh. Với các cuộc gặp thường xuyên, chúng tôi cố gắng khuyến khích các bên đối thoại”.
Đức Tổng giám mục còn cho biết số người tị nạn đã tăng gấp đôi kể từ năm 2018. Đến nay, hơn 200 ngàn người di cư nội địa và 73 ngàn người đã buộc phải chạy trốn từ tháng 1 đến cuối tháng 5 năm nay.
Đức Hồng y Zerbo kết luận: “Người dân chạy trốn khỏi cuộc xung đột, bởi vì ngoài sự nguy hiểm của vũ khí, họ phải sống với những khu chợ ngày càng trống rỗng, khó khăn trong việc di chuyển. Giáo hội hoạt động thông qua Caritas, chúng tôi là thành phần thiểu số và chúng tôi không có nhiều nhưng chúng tôi chia sẻ những gì chúng tôi có. Chúng tôi cũng đang xin Caritas Quốc tế đến giải cứu chúng tôi”. (Fides 24/6/2020)
Vatican News