Câu chuyện của một giáo dân người Ý, bà Rita Milesi, 77 tuổi đã sống và phục vụ 46 năm tại Malawi, một trong các nước châu Phi nghèo và bị lãng quên nhất trên thế giới. Tại đây, bà đã thiết lập Trung tâm Alleluia, chăm sóc các trẻ em mồ côi và suy dinh dưỡng, trao cho các em một tương lai.
Châu Phi, một ước muốn từ lâu
Trước khi thực hiện cuộc phiêu lưu dài ở châu Phi, bà Rita đã làm việc hàng chục năm như một y tá và nhà giáo dục tại các trường mẫu giáo của Bergamo và Milan. Bà cho biết tình thương dành cho trẻ em đã có từ khi bà còn đang học tiểu học.
Năm 1974, qua Trung tâm Truyền giáo của Giáo dân Ý, bà Rita đã quyết định rời Ý đến bệnh viện ở Malawi, làm việc phục vụ trẻ em trong 10 năm. Bà là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên đến khu vực miền núi này. Ở đây, người dân bị nhiễm nhiều bệnh như: dịch tả, sốt rét, phong cùi, HIV, nhưng lại không có thuốc điều trị. Bà kể lại: “Do không có đủ cơ sở, có những hôm chúng tôi phải tiêm thuốc cho các bệnh nhân ở dưới gốc cây xoài. Đây là trường hợp của các trẻ em đến từ các ngôi làng xung quanh, và chúng tôi chỉ có thể chăm sóc các em sau giờ làm việc. Do không có nhà để ở, tôi đã phải sống trong một túp lều trong 9 tháng. Sau đó tôi được sai đi phục vụ một thời gian ở Brazil, Bờ Biển Ngà, nhưng tâm hồn tôi vẫn hướng về Malawi với ý định thành lập một trung tâm cho các trẻ em mồ côi”.
Các trẻ em mồ côi được tìm thấy trong bụi cây
Trước khi đến đến Mangochi, phía nam Malawi, bà Rita trở về Bergamo, lần này với một lựa chọn dứt khoát, bà bán tất cả tài sản của cha mẹ để lại. Với số tiền này bà dùng để tái thiết cơ sở, sau này trở thành “Trung tâm Chăm sóc Alleluia”.
Bà chia sẻ: “Trong những năm đầu tất cả đều hài lòng, tất cả là niềm hy vọng, tình yêu của chúng tôi. Tất cả năng lượng của tuổi trẻ tôi dồn hết để chăm sóc các em bé mồ côi, nghèo khổ, thiếu dinh dưỡng. Chúng tôi không đi tìm các em vì các em ở quá xa, các em được mang tới. Chúng tôi cũng đã tìm được các em ở các nơi khác nhau như ở dưới các bụi cây hoặc các góc đường mòn. Chúng tôi nuôi dưỡng chăm sóc các em đến khi các em được ba tuổi, rồi trao các em lại cho cha mẹ các em nếu chúng tôi tìm được họ. Sau đó, mỗi tháng chúng tôi trở lại thăm các em và cung cấp quần áo và thuốc cho các em. Nếu thực sự không thể tìm được người thân của các em, qua các dịch vụ xã hội, chúng tôi tìm các gia đình nhận nuôi các em”.
Câu chuyện của Bakhita
Cho tới nay, bà Rita đã cứu được 2.500 em bé. Một trong các em này, Bakhita là em bé đã để lại cho bà nhiều cảm xúc nhất. Bà kể lại: “Chúng tôi tìm được em ở dưới một bụi chuối. Lúc đó dường như em đã chết, em yếu ớt nhỏ bé như một chú thỏ. Em bị bệnh nặng, sau 6 tháng được chăm sóc tại Trung tâm, tôi đưa em đến Bergamo để phẫu thuật tim cho em. Bây giờ em đã được 20 tuổi, và trong những ngày này em lại được thực hiện một cuộc phẫu thuật mới. Em may mắn được lớn lên trong một bầu khí ấm cúng của một gia đình”.
Một câu chuyện khác cũng đã để lại dấu ấn đặc biệt cho bà và các cộng tác viên: “Đó là một bé trai. Chúng tôi tìm thấy em đang ngồi bên vệ đường. Em được chăm sóc trong hai năm qua, hiện nay em rất khỏe mạnh và vui vẻ. Chúng tôi không biết cha mẹ em là ai. Chúng tôi đang ở giữa Malawi và Moxambique, có lẽ em trốn ở khu vực đó. Chúng tôi đã đăng tin thông báo trường hợp này, nhưng cho tới nay vẫn không ai nhận em, như vậy em trở thành con của chúng tôi”.
Tôi đã từng nghèo, tôi yêu người nghèo
Năm 2017, bà Rita đã mở được một trường mẫu giáo cho các trẻ em mồ côi. Nhưng theo bà, trường này không chỉ dành cho các em mồ côi, bởi vì các em phải có sự tương tác với các em khác nữa như thế các em mới có thể được phát triển toàn diện. Vì thế, ngôi trường này đã đón nhận 200 em có cha mẹ và 50 em mồ côi. Nhưng thật không may con số các em chết đang lan rộng ở đây. Bà giải thích: “Vì đói, các bà mẹ bị thiếu máu, các con của họ thường có vấn đề về da. Đàn ông và phụ nữ bị nhiễm và chết vì Aids, họ để lại con cái cho ông bà chăm sóc. Nhưng các ông bà cũng không thể chăm lo cho các cháu vì chính họ cũng cần được quan tâm. Ở đây, chúng tôi ở giữa người nghèo. Nhưng tôi yêu thương người nghèo. Tôi đã từng nghèo khổ, vì thế tôi yêu thương người nghèo”.