Hôm thứ ba tuần vừa rồi mình đi khám bệnh tại Klinik Mainz. Khi ra về mình ghé chợ mua vài thứ cần dùng và chút rau, trái cây tươi. Khi ra quầy trả tiền thì cái bóp không còn trong Rücksach nữa.
Kẻ trộm là ai, mình không biết được. Lúc đó mình ngẩn ngơ một chút và tự trách mình sao không cẩn thận để bị “kẻ trộm“ có thề thò tay vào mà lấy mất cái bóp. Lúc bấy giờ mình cũng hốt hoảng đôi chút và xin lỗi người tính tiền cùng những khách hàng đứng đàng sau mình. Mình định lại tâm hồn cho bình tĩnh, hít thở hơi thật sâu và dài rồi đi đến Văn Phòng của chợ trình báo cho họ biết, xong mình rồi chợ đi đến Văn Phòng Cảnh Sát Thành Phố để làm giấy tờ khai rõ về sự mất mát này.
Đến tối, làm phút hồi tâm, mình cầu nguyện cho anh/chị “kẻ trộm” đó, xin Chúa Giêsu cho họ biết rằng, khi họ trộm tiền của người khác chắc là họ vui lắm, vì họ được cái phần mà họ không phải vất vả làm ra. Nhưng, thật tội nghiệp cho họ vì họ không biết rằng họ làm như thế là tự ăn trộm nhân cách của họ và cả cái niềm vui ngắn ngủi đó, sau đó có trở thành một tiếng thở dài không?. Cũng thật tội nghiệp cho mình vì mình thì cũng chẳng dư giả gì, thôi thì tháng này bớt bớt chút tiền mỗi khi đi chợ.
Người “kẻ trộm” này có khi nào nghĩ rằng mình ăn trộm tiền của người khác là mình đang hủy hoại cuộc sống của mình không ? Chắc họ cũng có những phiền muộn và những sợ sệt trong cuộc sống của họ!? Họ có thể cũng túng thiếu nên làm càn chăng? Họ cũng sợ bị bất bị đi tù, sợ người khác biết là họ là người “kẻ trộm”!?
Tất cả giấy tờ tùy thân mọi thứ mất hết, cả giấy tờ của ông xã nữa chứ. Thế là mất một tuần sau đó chạy hết Tòa Hành Chánh đến Nhà Băng và Cơ Quan Bảo Hiểm Sức Khỏe trình giấy của cảnh sát viên chứng nhận, để làm lại giấy tờ. Thời gian này phải chờ khoảng từ hai đến ba tuần mới có thể nhận được các giấy tờ đó.
Suy tư
Mình nhận thấy người “kẻ trộm” này lấy mất đi tiền bạc và sự an bình của mình. Nhưng chính họ cũng là “kẻ trộm” nhân cách và sự hổ thẹn của chính họ.
Những người vu khống kẻ khác, họ cũng là người “kẻ trộm” nhân cách và danh dự của người khác và của chính họ.
Những ông chủ trả lương không xứng đáng với công sức của nhân viên cũng là người “kẻ trộm” mồ hôi, sức lao động của người khác, và ông chủ này cũng là người “kẻ trộm” nhân cách và danh dự của ông ta.
Bậc làm cha mẹ mà thiếu bổn phận nuôi dạy con cho nên người, họ cũng là người “kẻ trộm” lấy cắp tuổi thơ của con mình.
Bậc làm con, khi cha mẹ đau yếu hay già lão cô đơn mà không ngó ngàng đến, không thăm viếng an ủi, cũng là người “kẻ trộm” chữ hiếu hạnh của chính họ.
Suy tư một chút như vậy, nhìn lại chính mình thì về phương diện nào mình cũng có thiếu sót đối với tha nhân thì chính mình cũng là người “kẻ trộm”. Thương thay!
Elisabeth Nguyễn (31.7.2020)