“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi vẹn câu thề.”
Đời có thật mất vui khi vẹn câu thề? Tình chỉ đẹp khi còn dang dở hay là cho dù dở dang tình vẫn đẹp? Người ta nói chấm dứt mối tình dở dang, nghĩa là lúc tình đó đang dang dở thì bị chấm dứt. Có phải đã chấm dứt rồi thì không còn dang dở nữa?
Chấm dứt là xong, là trọn vẹn không còn gì để nói. Khi đã chấm dứt thì tình đó thuộc về dĩ vãng nguyên tuyền. Nó dang dở trong quá khứ mà trọn vẹn xong ở hiện tại. Như vậy, tình thuộc dĩ vãng không còn tiếp tục hôm nay thì còn gì là dang dở?
Xem ra là thế, tuy nhiên, thuộc về dĩ vãng chưa hẳn là thuộc về vùng đã quên. Nếu còn nhớ thì ngay khi chấm dứt tình dang dở, tình vẫn chưa hết dở dang. Chấm dứt mà còn nhớ thì chuyện tình chỉ chấm dứt trong không gian ngoại cảnh chứ chưa hết trong không gian tâm hồn. Vì lẽ ấy, cũng khá khó cho một định nghĩa tình dang dở là gì, và còn khó hơn, tình dang dở có còn đẹp?
Có thể tìm một định nghĩa dễ hơn. Tình dang dở là tình còn nhớ. Ở đây, dang dở không có nghĩa là chấm dứt lúc còn dở dang. Dang dở là chưa xong.
“Rồi Người gục đầu xuống và tắt thở” (Yn 19:30). Đó là Tin Mừng Yoan tường thuật về cái chết của Đức Kitô. Hơi thở của Ngài không còn dang dở. Một sự gục đầu trọn vẹn kết thúc. Nhưng tình của Đức Kitô không phải là tình đã xong trong quá khứ. Tình ấy không chấm dứt ở thập giá chiều nào trên đồi Do Thái. Tình ấy vẫn hằng ngày gọi, hàng chiều chờ. Tôi gọi tình ấy là tình dang dở.
Đức Kitô tiếp tục yêu, còn tôi, tôi chưa nhận đủ. Ngài cho tình yêu, nhưng bàn tay tôi có nhiều khe rãnh, nên hứng lãnh mà tình ấy cứ rơi đi hoài. Vì cái dang dở ấy nên Ngài cứ băn khoăn làm sao cho tôi múc được nhiều để hồn tôi bớt trống và tim tôi thôi vơi. Và vì thế, dở dang của tình yêu ấy là dang dở đẹp. Tôi thấy trong dang dở của tình yêu này một trái tim bao dung và kiên nhẫn. Nhờ dang dở ấy mà tôi thấy Ngài không mòn mỏi vì phải đợi chờ, không đếm thời gian và đưa tình yêu vào thời khoá biểu. Giữa tôi với Ngài, còn thời gian thì còn dang dở, còn thương xót.
Đức Kitô yêu tôi bằng tình trọn vẹn. Ngài là tình yêu (1 Yn. 4:16). Ngài cho tôi chính Ngài với hơi thở sau cùng trên thập tự. Nói về công việc thì xong, biến cố lịch sử trên Núi Sọ hoàn tất. Nhưng tình yêu ấy không là biến cố lịch sử. Biến cố lịch sử chỉ là một trong những đường nét để vẽ chân dung tình yêu. Tình yêu ấy vẫn yêu tôi. Thập tự giá ngày xưa vẫn là thập tự giá hôm nay kéo dài trên bàn thờ khi tôi dâng lễ.
Đức Kitô đã phục sinh, nhưng trong đau đớn của chi thể Ngài là nhân loại thì Ngài vẫn còn bị đóng đinh. Trong yếu đuối, tôi làm phai nhạt bao nhiêu chuyện tình đẹp giữa tôi và Ngài, tôi vẫn có lỗi phạm. Trong lãng quên, tôi vẫn xuôi chiều bao nhiêu cám dỗ. Vì thế, tình tôi với Ngài làm sao mà không dang dở cho được.
Chỉ có tình trọn vẹn ở phía thập giá. Thập giá yêu thương nhân loại nhưng nhân loại không có tình trọn vẹn, nên khi tình trời nối với tình đất thì tình trời mang thương khó. Ngày nào còn nhân loại thì tình giữa nhân loại và thập giá còn là tình dở dang.
Không có tình yêu, trọn vẹn sẽ là trọn vẹn thiếu. Với tình yêu, dang dở sẽ thành dang dở quý mến.
Có những dang dở cần thiết. Dang dở cho chuyện tình còn dài, còn nhắc nhở, còn xám hối. Trong các phép lạ của Chúa, có một loại phép lạ có thể gọi tên là phép lạ dang dở. Một thứ dang dở mà Đức Kitô nhất định giữ:
– Khi chữa mắt cho người mù, Ngài chỉ chữa một cách dang dở. Ngài lấy bùn thoa vào mắt người mù nhưng anh ta chẳng khỏi. Anh ta phải đi rửa ở hồ Sứ Gỉa. Mù làm sao mà đi dễ dàng, thế mà Chúa không chữa cho xong. (Yn. 9:1-41).
– Tiệc cưới Cana cũng vậy. Chúa không làm phép cho có rượu, nhưng chỉ làm cho nước hoá rượu. Đức Kitô bảo các gia nhân: “Hãy múc nước đổ đầy các chum” (Yn. 2:7). Sao Chúa không làm cho có rượu luôn đi mà lại bảo người ta đổ nước? Chúa chỉ làm một nửa. Thương xót thì trọn vẹn, nhưng thương xót ai, bởi đó, thương xót còn hệ tại đối tượng được thương xót muốn thương xót bao nhiêu.Do đấy, có những thương xót cần dang dở để đối tượng được thương xót kia lựa chọn mức độ thương xót cho mình. Nếu các gia nhân chỉ múc nửa bình thì chắc rượu chỉ có nửa bình thôi.
– Làm phép bánh từ “không có hoá ra có”, và từ “có sẵn hoá ra có thêm” là hai thái độ, biểu tượng cho hai nội dung rất khác nhau. Chiều hôm ấy, đám dân chúng đói không có gì ăn. Các môn đệ không đủ bánh, nghĩa là có nhưng thiếu, hoặc nói cách khác là có mà dở dang. Chúa không vứt vất cái dang dở ấy rồi tự mình làm phép lạ. Chúa bảo đem cái dang dở ấy đến. Sao Chúa không làm phép lạ cho có bánh, mà chỉ làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều. Sao Chúa cứ thích cái dang dở của các tông đồ làm chi. (Mc. 6:35-43).
– Thấy đền thờ thành nơi buôn bán, dơ uế mất rồi, Chúa bảo phá đi rồi trong ba ngày Ngài xây dựng lại. Tại sao Ngài không phá luôn cho tiện mà chỉ xây lại khi người khác phá (Yn. 2:13-22).
Chúa thích những phép lạ dang dở. Chúa làm có một nửa nên nhân loại mới góp phần trong công việc trọng đại ấy. Cái dang dở mà Chúa để xẩy ra là dang dở huyền diệu. Thiếu dang dở này con người thiệt thòi biết bao. Cần có những dang dở của Chúa để dang dở của con người hết dở dang. Con người không thể làm phép lạ tự cứu lấy mình. Chúa cũng không cứu con người khi con người không tự do nhận lãnh. Phép lạ của Chúa cần là phép lạ một nửa, phép lạ dang dở để tôi được tham dự. Cái dang dở của Chúa là chỗ trống cho tôi bước vào.
Chúa không thể nào bất toàn. Bởi đó, những gì dang dở mà Chúa để xẩy đến trong cuộc sống, tôi phải tìm hiểu. Có khi là đau khổ, có khi là những ngày chán nản. Những mũi chỉ thêu ngang dọc làm cho tấm tranh rối mù lộn xộn, nhưng nó sẽ là tác phẩm nghệ thuật khi nó hết dở dang. Con đường Hội Thánh đang đi là con đường dang dở. Công cuộc rao giảng Tim Mừng là công cuộc dang dở. Công cuộc rao giảng Tin Mừng là công cuộc dang dở. Nhưng trong dang dở ấy là ngưỡng của hi vọng. Đời truyền giáo của tôi là một hành trình đang dang dở. Tay tôi ngắn mà cánh đồng thì mênh mông. Nhưng nối tiếp những dang dở sẽ thành hoàn hảo. Người sống hi vọng phục sinh là kẻ chấp nhận những dở Chúa để xẩy đến, và nhìn thấy dang dở trong công cuộc rao giảng thập giá là dang dở lạc quan.
Dang dở của tình yêu giữa tôi và Chúa không là dang dở phải chấm dứt. Chúa không bao giờ chê căn nhà tôi nghèo nàn. Tôi cũng chẳng muốn bỏ Chúa. Dang dở chỉ vì yếu lòng. Dang dở vì vụng về trong những lựa chọn. Dang dở vì lấp lửng với những cám dỗ. Từ linh hồn thành thật rất sâu, tôi không muốn những dang dở này. Có băn khoăn về những sa ngã, có hối hận về những không trọn vẹn sẽ làm cho chuyện đường thập giá gồ ghề hơn. Những gồ ghề là những cản ngăn, nghĩa là đường thập giá sẽ thập giá hơn nữa. Khi đường thập giá trở nên thập giá hơn thì linh hồn gian nan hơn, nhưng vì gian nan đó cũng sẽ làm cho đường thập giá ấy ý nghĩa hơn.
Những chuyện tình gian nan bao giờ cũng là những chuyện tình nhiều kỉ niệm. Và, bởi đó, đường thập giá cho dù dang dở vẫn luôn luôn là những chuyện tình đẹp. Không phải dang dở thì mới đẹp, nhưng là vẫn đẹp khi dở dang.
Lạy Chúa, ngày nào còn hơi thở thì tim con còn rung cảm rực nóng. Còn rung cảm rực nóng. Còn rung cảm rực nóng thì còn những dang dở. Nhưng đường Chúa gọi đi là đường tình thập giá không đánh dấu bằng những lần ngã dở dang. Chúa nối những dang dở ấy thành đường thập giá. Bởi đó, con hi vọng và lạc quan trong mọi dang dở của hành trình thiêng liêng. Và con phải biết Chúa rất cần một thứ dang dở là Chúa không hoàn thành cho con tất cả ước mơ nếu con không thực sự mơ ước.
Ước mơ đẹp là mình ước mơ, còn ước mơ hững hờ là ước mơ người khác mơ ước giùm mình.
Xin cho con không bao giờ thở dài về sự dở dang trong công cuộc truyền giáo rồi thôi rao giảng Tin Mừng để cho khỏi băn khoăn về những dang dở ấy.
Vâng, lạy Chúa, con không muốn làm cho chuyện tình thành dang dở, nhưng chỉ vì con yếu đuối. Chúa thương con, thì với Chúa, những chuyện tình dở dang của con trên đường theo Chúa vẫn là những chuyện tình đẹp.
Nguyễn Tầm Thường, sj.