Rôma, 13/09/2020
Trong tác phẩm Giã Từ Vũ Khí, văn hào Ernest Hemingway nhận định rằng: “Thế giới này có thể nghiền nát con người ta bất kể là ai nhưng từ những đống hoang tàn đổ nát ấy sẽ lại xuất hiện những con người mạnh mẽ phi thường.” Thực tế cho thấy chiến tranh và hận thù cho dù khốc liệt đến mấy thì rồi ra cũng sẽ bị đẩy lui bởi những tấm lòng nhân ái và bao dung cao cả.
Không có tình thương nào cao quý hơn
Nhà sáng lập phong trào Hội Bạn Tù, Charles Wendell Colson (1931-2012) suốt một đời dấn thân cho lý tưởng truyền giảng Tin Mừng cho tù nhân. Ông đã ghi lại câu chuyện cảm động mà ông đã từng biết trong quá trình phục vụ. Thời Đệ Nhị Thế Chiến, có một nhóm gồm 20 tù binh Mỹ bị bắt giam tại một trại tập trung do Đức Quốc Xã thiết lập và quản lý. Như các tù binh khác, hàng ngày họ phải lao động nặng nhọc từ sáng sớm cho tới chiều tà. Khi mặt trời khuất bóng, họ về trại. Lúc ấy, toàn bộ các dụng cụ lao động họ đã được cấp phát ban sáng phải được giao nộp lại đầy đủ. Một hôm, khi kiểm đếm số cuốc xẻng, quản giáo trại giam phát hiện thiếu mất một chiếc cuốc. Theo luật trại giam, cứ 1 món đồ bị mất mà không tuy tìm ra người giấu cắp thì 5 người trong đội sẽ bị tử hình ngay tức khắc. Lúc ấy, cả đội bàng hoàng lo sợ vì sau một lúc tra khảo mà vẫn chưa có dấu hiệu tìm ta nghi phạm. Khi mắt viên quản giáo lóng lên vì giận dữ và tay ông bắt nâng súng lên đặt sát đầu tù nhân đầu hàng, bỗng nhiên bước ra khỏi hàng là một tù nhân trẻ, cậu ta có biệt hiệu là Ben. Vừa thấy Ben bước lên phía trước, viên quản trại như giải tỏa được nỗi bực dọc, ông ta nghĩ: “Cuối cùng thì hung thủ cũng xuất đầu lộ diện.” Như thể không muốn mất thêm một chút thời gian nào nữa, ông ta ngay lập tức chỉa súng về phía cậu Ben và bắn chết anh ngay trước mặt 19 đồng đội còn lại.
Sau khi viên quản trại bỏ đi, lúc bấy giờ mọi người mới xếp cất cuốc xẻng vào kho. Khi ấy họ mới phát hiện ra là 20 chiếc cuốc xẻng vẫn còn y nguyên, không thiếu một chiếc nào. Như vậy nghĩa là người quản trại đã đếm sai. Tiếc cho Ben, anh đã thiệt mạng vì sai phạm của người khác. Nhưng ngay trong bối cảnh tăm tối của bất công và oan khiên, tia nắng của lòng can đảm và tình yêu vị tha đã có dịp bừng sáng lên. Ánh sáng đó ít nhất đã gieo vào lòng đồng đội của anh niềm hy vọng là họ sẽ có ngày được trả tự do, được trở về với gia đình với người thân. Nếu không phải là Ben thì hôm đó đã có ít nhất 5 người khác bị giết oan. Chàng trai trẻ 19 tuổi tên Ben không những đã ghi nhớ mà còn thực hành cách triệt để từng lời giáo huấn của Đức Giêsu Kitô về mầu nhiệm tình yêu chân chính: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
Người tù binh trẻ tên Ben xứng đáng được vinh danh. Đồng đội kính phục anh, thân nhân tự hào về anh không không phải vì anh đã lập chiến công cho quê hương tổ quốc nhưng vì anh đích thực là “bạn hữu” của Thầy Giêsu Chí Thánh, Đấng đã tuyên bố rằng: “Anh em là bạn hữu của Thầy nếu anh em tuân giữ điều thầy truyền dạy anh em. Và giới răn Thầy truyền cho anh em đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15, 12 & 14). Tình yêu của “bạn hữu” họa lại tình yêu tuyệt hảo của Thầy. Thầy không chỉ yêu như chúng ta thường yêu. Thầy đã yêu là “yêu cho đến cùng” (x. Ga 13, 1).
Như Thầy Yêu Thương
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật cái chết của Chúa Giêsu như một biến cố kinh thiên động địa. Nơi biến cố này, Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta ý nghĩa thâm sâu của hy tế thập giá:
Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. (x. Mt 27, 45-53).
Trước hết, tiếng kêu của Đức Giêsu trước lúc Người trút hơi thở là một hiện tượng phi tự nhiên. Các tử tội khi bị hành hình bằng cách đóng đinh vào thập giá, vì sức nặng của cơ thể trì ép lồng phổi, cộng thêm sự hao hơi tổn sức sau các cuộc tra tấn trước đó, thì thông thường họ có thể thì thào vài tiếng đã là hiếm huống chi là kêu lớn tiếng như Chúa Giêsu. Ở đây, trình thuật Thánh Kinh có ý nói rằng không ai có thể lấy đi sức sống của Đức Kitô. Người làm chủ mạng sống của Người và Người có quyền trao ban lúc nào tùy ý Người (x. Ga 10, 18). Nội dung của lời kêu than này được xem là trích từ phần đầu Thánh Vịnh 27. Đó là tiếng kêu thảng thốt khởi đầu cho một bài ca có kết thúc tốt đẹp. Quả thật Thánh Vịnh 27 kết thúc bằng tâm tình tràn trề niềm tin tưởng lạc quan về một chiến thắng vinh quang hiển hách. Như thế, tiếng kêu cuối cùng của Chúa trên thập giá chắc chắn phải là hiệu lệnh của vị thủ lãnh oai hùng khi tuyên bố toàn công thắng trận. Hy tế thập giá của Chúa Giêsu chính là chiến thắng vang dội nhất vì kể từ ngày ấy, tử thần bị báo tử, lối vào cõi trường sinh được khơi thông. Chưa hết, nhờ cái chết của Chiên Thiên Chúa mà tội trần gian được xóa bỏ, con người lại được giao hòa cùng Thiên Chúa (x. Rm 5, 6-10). Chính vì vậy mà bức màn trướng, biểu tượng của sự phân cách giữa Thiên Chúa và dân người, nay bị xé toang ra làm đôi. Kể từ giờ phút này, Thiên Chúa muốn cho con người biết là Người sẽ rời Nơi Cực Thánh để đến gần với họ hơn. Nhờ cái chết của Đấng chịu đóng đinh là cái chết tình nguyện, cái chết đền thay, cái chết minh chứng tình yêu (x. Ga 3, 16) nên Thập Giá Đức Kitô chính vì thế là biểu tượng của chiến thắng, của hòa giải, của sự hợp nhất giữa trời và đất, giữa muôn dân thiên hạ với nhau (x. Ep 2, 11-16)[1].
Đường Thập Giá
Nhân dịp mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta được nhắc nhớ về một tình yêu thắng vượt mọi nỗi sợ hãi, mọi toan tính, mọi chia rẽ và xấu xa. Cho dù hoàn cảnh cuộc sống xung quanh chúng ta có đen tối thảm hại đến mức nào đi nữa nhưng rồi chúng ta nhất định sẽ vượt qua được nếu trong lòng chúng ta còn có tình yêu của Thiên Chúa hiện diện, trong tim chúng ta vẫn sáng ngời hình ảnh Đấng chịu đâm thâu, và trong đầu chúng ta vẫn cứ vang vọng lời Đức Giêsu truyền dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (x. Lc 9, 23-24).
Chớ gì chúng ta có thể thốt lên lời tâm niệm như Thánh Phaolô Tông Đồ: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6, 14).
[1] Xem phần Chú Thích trong Kinh Thánh Cho Mọi Người, NXBTG, 2006, tr. 1714.