TRỢ  TỬ  VÀ  GIÁ TRỊ CỦA KHỔ  ĐAU

          Con người cũng như những loài hữu tình khác đều có lòng tham sinh úy tử. Nhưng riêng với con người những khi gặp bước đường cùng, người ta lại muốn được chết. Thật ra, nếu muốn chết thì cứ việc chết ( Tự tử ), ai mà cấm cản được ? Tuy nhiên cái việc…muốn chết ở đây là muốn được chết cách êm dịu, nhanh chóng gọi là an tử hay trợ tử.

          Về bản chất  thì  an tử hay trợ tử  chẳng có chi khác mà chỉ khác về  cách thực hiện: An Tử  ( Euthanasial ) có nghĩa được sự cho phép của luật pháp, sự đồng ý của bệnh nhân  cũng như gia đình người bệnh. Bác sĩ sẽ thực hiện việc kết thúc sự sống của người bệnh bằng các biện pháp không gây đau đớn. Với “ An tử”  bác sĩ  sẽ là người  thực hiện “ Hành vi cuối cùng” thường là với một mũi tiêm.

          Với “ Trợ Tử” ( Assisted suicide ) thì bác sĩ          chỉ là người…hỗ trợ để bệnh nhân tự kết thúc đời mình khi có yêu cầu. Lúc này bác sĩ sẽ kê  một  liều thuốc gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân. Ở đây bệnh nhân mới là người đóng vai trò chính yếu khi họ  có quyết định sử dụng thuốc để kết thúc cuộc sống hay không.

          Dù là An Tử hay Trợ Tử thì mục đích cũng là để có một cái chết  nhanh chóng, êm dịu không phải trải qua những cơn đau đớn trong giờ  lâm chung. Vấn đề An Tử hay Trợ Tử hiện nay  đã được nhiều quốc gia chấp nhận và ban hành luật như Hòa Lan, Columbia, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đức, Bỉ, Luxemburg, Albania, Estonia, Canada và nhiều tiểu bang nước Mỹ. Riêng Giáo Hội Công Giáo thì  kịch liệt phản đối…

          Chắc hẳn danh sách các quốc gia chấp nhận Trợ Tử…còn dài bởi vì đây là thời Tục Hóa là thời mà con người chỉ biết lấy sự hưởng thụ xác thân làm một thứ cứu cánh cho cuộc sống đời này. Một khi đã lấy xác thân làm một thứ cứu cánh như thế  thì khi cái chết đến làm sao không hoảng sợ ?

          Chết là một quy luật không ai tránh khỏi. Có sống thì ắt có chết. Sống và chết đắp đổi  cho nhau để làm nên cuộc biến dịch hằng cửu: “ Một mở một đóng gọi là biến. Qua lại không cùng gọi là Đạo” ( Nhất hạp nhất tịch vị chi biến. Vãng lai  bất cùng vị chi đạo – Dịch –  Hệ Từ Thượng ).

          Biến dịch  tức là vô thường. Nhận  ra cái lẽ vô thường  của đời sống  để không bám chấp vào nó, đó là hạnh giải thoát của bậc Thánh Nhân. Trái lại phàm phu  thì cho xác thân là…thật có để rồi phải tuyệt vọng khi cái chết đến.

          Tính chất giải thoát cần được hiểu như là giải thoát vĩnh viễn khỏi khổ. Đang khi đó An Tử hay Trợ Tử chỉ là giải thoát tạm thời của sự đau đớn xác thân. Tuy nhiên  với cái chết do Trợ Tử  mà thực chất là…tự tử ấy chẳng những không giải thoát khỏi khổ lại còn tăng lên  gấp bội  khi bước vào đời sau. Tại sao ?  Bởi vì hết thảy mọi thứ khổ đều do ở nơi Tâm. Nói cách khác, khổ là do Tâm khổ còn xác thân chỉ là vật chất vô tri, nó chỉ  đau chứ không có khổ. Chúng ta hay lầm lẫn  đau và khổ là một  nhưng không phải vậy. Đau thuộc thân xác còn khổ thuộc về Tâm.

          Có những trường hợp đau mà không khổ chẳng hạn… đau răng, đau bụng, đau đẻ v.v…Hoặc ngược lại khổ mà không đau ở bất cứ phần thân thể nào chẳng hạn  bị con cái hất hủi, xua đuổi v.v…

          Trường hợp đau  nhưng không khổ  là các Thánh Tử Đạo dù chịu những cực hình kinh khiếp như lăng trì, cho thú dữ cắn xé nhưng các ngài vẫn hân hoan vui mừng. “ Vậy các Tông Đồ ra khỏi Nhà Hội đều lấy làm  vui mừng  được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh Giê Su”  ( Cv 5, 41 -42 ).

          Trở lại với nỗi khổ trong đời sau do Trợ Tử gây ra thật sự là rất khủng khiếp. Chị Gloria Polo, một nha sĩ người Venezuela bị sét đánh chết được Chúa Giê Su đưa đến Hỏa Ngục chứng kiến thảm cảnh của những người trong một lúc tuyệt vọng đã tự sát. Bây giờ họ đang chịu cực hình, gần với những quái vật khủng khiếp đang bị ma quỷ bao vây hành hạ. Nhưng cực hình dữ dội nhất trong tất cả những cực hình này là sự vắng bóng Thiên Chúa, bởi vì ở đó người ta không hề…cảm thấy Thiên Chúa. Tôi hiểu rằng những người tự sát vào một lúc tuyệt vọng sẽ phải ở đó cho đến hết thời gian họ sống ở đời qua đi, bởi vì tât cả những người tự sát ấy đã ra khỏi trật tự thiên linh. Những người khốn khổ ấy  trên hết là những người trẻ, nhiều…nhiều lắm. Nếu một người mà biết được sự đau khổ khủng khiếp  đang chờ đợi mình thì không bao giờ có ai còn muốn tự tử ” ( Chứng Từ Của Gloria Polo ).

          Theo lời của chị Gloria Polo thì cực hình khốn nạn nhất trong Hỏa Ngục là sự vắng bóng Thiên Chúa mà vắng bóng Thiên Chúa có nghĩa là họ không còn có cho mình niềm hy vọng. Đang khi đó những người còn đang sống trên cõi trần  bởi là Hình Ảnh của Thiên Chúa thế nên họ luôn có cơ hội để… tìm gặp Ngài. Tự tử dù  với bất cứ lý do nào tức  đã mặc nhiên chối từ cơ hội đó.

          Việc chối từ cơ hội tìm gặp Chúa được  thực hiện bởi cái quyền gọi là…quyền được chết. Có hai luận cứ  được đưa ra để bảo vệ  cho cái…quyền này. Một là nếu con người có những thứ quyền như tự do, bình đẳng, chính trị, quyền được sống…thì hà cớ gì lại không có quyền…chết một khi sự sống ấy  chỉ khiến cho họ bị hành hạ bởi những cơn đau đớn cùng tột  của bệnh tật vô phương cứu chữa ?

          Bên cạnh những thứ quyền đó là lòng thương xót cần phải có dành cho người bệnh đang bị dày vò bởi cơn bệnh không còn có hy vọng cứu chữa chẳng hạn…ung thư giai đoạn cuối, sống đời thực vật, thần kinh phân liệt…Những lúc như thế, không chỉ  đương sự đau khổ mà  với những người thân, ruột thịt  cũng chịu khổ lây…Mặt khác nếu đàng nào cũng chết  thì tại sao phải chịu đau đớn kéo dài  mà không chọn  cho người bệnh  có một cái chết êm ái, nhanh chóng hơn ?

          Sở dĩ người ta có quan niệm cho rằng đàng nào cũng…chết thì tại sao không chọn cái chết…trợ tử, an tử là vì  đã  không biết đó chính là  hành vi tự tử cũng như hậu quả ghê gớm đáng sợ của nó. Mặt khác  trong lãnh vực tâm linh thì đau khổ lại mang một giá trị vô cùng lớn lao nếu biết rằng con đường theo Chúa là Con Đường Thập Giá: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Thập giá là  hình khổ đớn đau dành cho các tử tội. Vác thập giá mình theo Chúa  có nghĩa vì Chúa mà vui lòng chịu đựng khổ đau. Các Thánh cũng là những con  người như chúng ta  nhưng  nên được Thánh là vì các ngài đã vì Chúa  mà đón nhận khổ đau. Tại sao theo Chúa lại phải chịu khổ đau ? Bởi vì Chúa là con đường về với Đấng Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đức Ki Tô là con đường về với Cha mà Đấng Cha ấy lại là Đấng…nội tại ở nơi mỗi người. Với Đấng Cha…nội tại ấy thì không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá bỏ mình. Một khi Đức Ki Tô  đã đưa ra chương trình, kế hoạch cho việc  trở về như  vậy  thì những ai không theo con đường này tất sẽ bị lầm đường lạc lối, chỉ quanh quẩn ở  chốn  thế gian mê mờ này thôi.

          Sau khi Thánh Pio lãnh nhận  Năm Dấu Đanh, ngài kêu lên với Chúa: “ Chúa ôi ! Xin  ghé mắt nhìn đến con. Xin hãy cứu giúp con. Xin hãy giúp con  vui lòng chịu đựng  những tật bệnh  đau đớn dày vò thân xác con. Phan xi cô  liền nghe tiếng Chúa đáp lại: Hỡi Phan xi cô con có biết  cái làm cho con chiếm được  nước vô giá ( Thiên Đàng ) có giá trị thế nào không ?  Con hãy biết các sự đau khổ con đang chịu có giá trị hơn tất cả tài sản thế gian, dù rằng  tất cả núi non biến thành vàng ròng, dù rằng  tất cả các thứ đá, sỏi biến thành ngọc trai, hột xoàn, tất cả nước biển biến thành dầu thơm. Thánh Pio Năm Dấu thưa với Chúa: Vâng lạy Chúa, con cũng hiểu giá trị  các sự đau phiền Chúa gửi đến cho con . Con biết Chúa muốn dùng  các sự đau khổ để phạt tội con ở đời này để thương xót con trong đời sau. Tiếng ấy lại phán: Hỡi Phan xi cô: Hãy mừng vui đi, con đường con đang đi là đường đi  đến Chốn Hằng Sống” ( Lm Anton Maria  Nguyễn Văn Tuyên DCCT – Ý Nghĩa Sự Đau Khổ ).

          Chúa…ấn chứng và chúc phúc cho ơn gọi của Thánh Pio vì con đường thập giá ấy  cũng chính là Đường Tình  Yêu mà Đức Ki Tô đã trải qua: “ Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo những điều Ta  truyền dạy thì các ngươi là bạn hữu của Ta” ( Ga 15, 13 -14 ).

          Để được nên…bạn hữu với Đức Ki Tô thì phải bước đi trên  Con Đường Thập Giá. Sẽ không thể bỏ được mình nếu không vác thập giá có nghĩa chịu đau khổ vì Chúa.  Nói như vậy không có nghĩa  Chúa muốn cho con người chịu khổ chỉ vì…khổ nhưng là để nâng đau khổ  lên  bằng Con Đường Tình Yêu.

          Chính vì Tình  Yêu hiến dâng ấy  mà đã có biết bao  Con Người Thánh  đã thành tựu con đường Giải Thoát cho mình và cho người. “ Đã mấy tuần lễ Teresa  không thể  nhắc mình ngồi dậy mà hôm ấy ( Thứ năm, 31/9/1897 ) vào lúc 2g30 chiều, người ngồi  lên được và kêu với mẹ bề trên:

          “ Mẹ ôi ! Chén đắng đã đầy miệng con rồi ! Không bao giờ con dám tưởng mình có thể chịu đau khổ  tới chừng này. Con chỉ có thể hiểu rằng con chịu được  tân toan dường này là bởi lòng con rất thiết tha phần rỗi các Linh Hồn” ( Một Tâm Hồn ).

Phùng  Văn  Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts