“Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa,
tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một trong những kiệt tác của danh hoạ Hoà Lan, Van Gogh, là hoạ phẩm “Người Làm Vườn”; một trong những tuyệt phẩm của thi hào Ấn Độ, Rabindranath Tagore, là tập thơ “Người Làm Vườn”; và hôm nay, một ‘Người Làm Vườn’ khác được phụng vụ Lời Chúa giới thiệu, còn hơn cả những kiệt tác, tuyệt phẩm; đó là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian, nguồn mạch mọi ân sủng và thương xót.
Thánh Phaolô, trong thư Êphêsô chúng ta vừa đọc, tuyên xưng ‘Người Làm Vườn’ Giêsu là đầu của thân mình, là Đấng ban mọi ân huệ; Ngài ban cho “Kẻ thì làm tông đồ, người làm tiên tri, kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng; kẻ khác nữa, làm chủ chăn và thầy dạy”. ‘Người Làm Vườn’ Giêsu từ trên cao đã xuống tận tầng thấp nhất của con người để cứu thoát con người, để làm cho con người “Trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm tuổi người của Đức Kitô viên mãn”, đúng theo cái nhìn thần học của cha Teilhard de Chardin, mọi sự sẽ quy về Chúa Kitô, Alpha và Omega; là chóp đỉnh, là đầu, Đấng sẽ đưa mọi sự, mọi người, lên cùng Chúa Cha. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã vỡ oà niềm vui của những ai được hợp hoan trong nhà Cha trên trời, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa”.
Với bài Tin Mừng, hình ảnh người làm vườn nhì nhèo kèo nài với ông chủ để xin cho cây vả, linh hồn mỗi người, được nán thêm một năm nữa chính là hình ảnh Chúa Giêsu, ‘Người Làm Vườn’ hoàn hảo, kiên nhẫn và nhân ái. Nhờ Ngài, cây vả không bị chặt; lưỡi rìu không chạm vào thân nó, và cây vả vẫn không mất đi vẻ đẹp của màu lá xanh tươi như chiếc áo mỹ miều và những cành cây uốn khúc của nó… dẫu khá mỉa mai, nó không sinh trái. Chính Chúa Giêsu đã bảo lãnh linh hồn chúng ta trước mặt Chúa Cha, chủ vườn; Ngài bảo đảm rằng, Ngài sẽ chăm sóc, vun xới bằng mọi cách để chúng ta sai trái. Cách thức ‘Người Làm Vườn’ hành động cũng sẽ vượt quá trí hiểu loài người; Ngài sẽ để cho những lưỡi rìu chém vào mình, Ngài sẽ bị đốn hạ, máu chảy lênh láng và phải bị treo lơ lửng giữa trời trên thập giá. Tất cả chỉ vì tình yêu! Đức cha Luis Martinez, một học giả, một nhà thơ Mexico, trong cuốn sách của mình, “Bí Mật Của Đời Sống Nội Tâm”, nói về sự đau khổ như một biểu hiện của tình yêu, “Người ta nói rằng, cây nhủ hương chỉ cho phép nước hoa của nó rỉ ra, một khi nó bị bầm thâm đến bươm nát; nước hoa sẽ nhỏ ra từng giọt qua các vết rách của lớp vỏ cây”.
Điều quan trọng cần lưu ý, đối với từng cây vả, ‘Người Làm Vườn’ Giêsu trân quý vô cùng, Ngài yêu thương nó đến chết; với Ngài, không cây vả nào là đáng vứt đi vì Ngài là Thiên Chúa của những cơ hội thứ hai, Ngài cam kết chăm sóc nó theo cách tốt nhất. Vì vậy, với chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ vứt bỏ một ai, bất kể người ấy đã đi lạc bao xa, tội lỗi đến mấy; Ngài luôn sẵn sàng và sẵn lòng tìm kiếm, tiếp cận theo những cách thức cần thiết để mỗi người một lần nữa có cơ hội nên thánh. Có thể nói, sự kiên nhẫn của ‘Người Làm Vườn’ Giêsu là sự kiên nhẫn bất khả chiến bại, Ngài để tâm vô hạn đối với tội nhân. Vậy thì tại sao chúng ta lại thiếu kiên nhẫn với chính mình vì đối với Ngài, không bao giờ là quá muộn để hoán cải, để biến đổi. Không bao giờ!
Một lữ khách dừng chân cạnh một đàn cừu, ông ta chú ý đến một con cừu đang được chủ chiên chăm sóc đặc biệt. Con vật nằm dài, chủ nó vừa vuốt ve vừa dịu dàng nói chuyện với nó, tay anh ta vẫn không ngừng băng bó một chân của nó. Lữ khách lại gần, hỏi xem sự việc. Chủ chăn giải thích, “Con cừu này có những đức tính tuyệt vời của một lãnh đạo; khổ thay, vì quá tự tin, nó không theo lệnh tôi, đã dẫn đàn cừu theo sở thích riêng. Tôi đã tìm mọi cách để giáo dục nó, hoặc thay vào chỗ của nó một con đầu đàn khác, nhưng vô hiệu, vì hễ con nào muốn thay nó đều bị nó đánh đến bỏ đàn. Tình trạng đàn cừu, do đó, trở nên nguy ngập, tôi buộc lòng phải áp dụng một phương pháp khá đau đớn”. Người chăn chiên xúc động, “Tôi đành phải bẻ gãy chân nó; kể từ đó, con vật hoàn toàn tùy thuộc vào tôi. Mỗi sáng, tôi vác nó lên vai ra đồng; chiều xuống, tôi lại vác nó về; nó phải ăn giữa lòng bàn tay tôi. Sự săn sóc của tôi đã tạo nên giữa tôi và nó một sự liên hệ vô cùng mật thiết; nó đã hiểu, sau khi làm nó bị thương, tôi đã tìm mọi cách để giảm thiểu sự đau đớn của nó. Về phần tôi, tôi biết, tôi sẽ không tìm được trong cả đàn một con cừu nào biết vâng lời tôi hơn nó. Trong vài ngày nữa, khi nó khoẻ mạnh, tôi sẽ phục hồi nó lại trong địa vị cũ”.
Anh Chị em,
Thánh Phêrô nói, anh em được mua bằng giá rất đắt, “Máu thánh của Con Chiên toàn vẹn, vô tì tích”. Chúa Giêsu trân quý từng người, từng linh hồn chúng ta; vì thế, cách thức Ngài cắt tỉa rất khác nhau, miễn sao chúng ta sai trái để khỏi phải bị chặt đời đời. Chúng ta chỉ có thể hiểu được cách thức hành động của Ngài, khi ý thức mình đang được bón bằng chính Máu Thịt Ngài. Cùng một nhịp tim với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ hiểu con tim của Ngài, Đấng yêu từng người, yêu đời đời, yêu đến cùng. Vì cây vả không chỉ trông đẹp, nhưng quan trọng, sinh trái, trái trường tồn theo kế hoạch của Chúa Cha.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con choán đất, chật trời; xin cho con biết thực tâm trở về với Chúa, hầu có thể sinh hoa kết trái để khỏi phụ lòng ‘Người Làm Vườn’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)