Mục Lục
Ngày 1 – 7: Trang 1
* * *
01/11/20 CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN – A
Các Thánh Nam Nữ
Mt 5,1-12a
PHÚC CHO NGƯỜI HIỀN LÀNH
“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,4)
Suy niệm: Tục ngữ Việt có câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.” Điều đó thật đúng, vì trong đời sống xã hội, người hiền lành, nói năng dịu dàng, giao tiếp lịch thiệp là khôn bởi vì ai cũng thích tiếp xúc làm bạn với những người như thế. Ở đây, Chúa Giê-su dạy sống “hiền lành” không chỉ như một nghệ thuật sống, hay như một kỹ năng để thành công ở đời. Hiền lành là nhân đức của người khiêm nhường, cậy trông, tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào sức riêng của mình. Chúa Giê-su dạy ta học với Ngài vì Ngài “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Đức Giê-su nên gương mẫu hoàn hảo của đức “hiền lành” khi Ngài tự hủy ý riêng của mình để chu toàn thánh ý Chúa Cha, là giang tay chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
Mời Bạn: Các thánh là những người “hiền lành” theo gương Chúa Giê-su. Các ngài luôn cậy trông, tín thác và vững tin vào Chúa dẫu các ngài phải đương đầu với bao khó khăn, bách hại để tuyên xưng niềm tin của mình. Bạn hãy noi gương các ngài để được hưởng phúc “Đất Hứa” làm gia nghiệp.
Sống Lời Chúa: Bạn tập sống hiền lành với mọi người, sẵn sàng nhường phần hơn về lợi ích cho người khác. Đồng thời, bạn hãy luôn cậy dựa vào Chúa, luôn chạy đến với Chúa trước hết, cầu khẩn Chúa trước hết, trong mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Cầu nguyện: Chúa chăm sóc cuộc đời người thiện hảo, gia nghiệp họ tồn tại đến muôn năm. Hãy trông chờ Chúa, giữ vững đường lối Người, rồi Người sẽ cất nhắc bạn lên và ban đất hứa làm gia nghiệp. (Tv 37,18.34)
02/11/20 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Cầu cho các tín hữu đã qua đời
Ga 6,37-40
SỐNG LẠI VỚI CHÚA
“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)
Suy niệm: Nghĩ đến cái chết, nhiều người lo sợ: lo sợ không hẳn vì tiếc nuối cuộc đời này, mà đúng hơn vì họ không tin vào cuộc sống mai sau tốt đẹp và bền vững mãi mãi. Giê-su xác quyết rằng chết không phải là hết mà là ngưỡng cửa đi vào đời sau, một cuộc sống kết hiệp hoàn hảo muôn đời với Thiên Chúa mà điều kiện để đạt được là “thấy và tin” vào Đức Giê-su là Con Một của Ngài. Với niềm tin và hy vọng đó, mọi sự đời này, dù là tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp… đều là tạm thời và thua kém so với cái lợi là đạt được chính Chúa (x. Pl 3,8). Và tài sản mà ta cần tích luỹ cho cuộc sống mai sau đó là kho tàng duy nhất còn trường tồn cho cuộc sống vĩnh cửu đó.
Mời Bạn: Chúa ban cho mỗi người chúng ta cuộc sống đời này để đến với Chúa, kín múc sức mạnh, tình yêu và ân sủng Chúa, để sống niềm tin cách cụ thể, qua việc thực thi bác ái yêu thương như Chúa dạy. Việc bác ái phát xuất từ lòng yêu thương chân thành với niềm xác tín là ta làm mọi sự vì Chúa chứ không vì tiếng khen của người đời. Khi đó chúng ta thực thi ý Chúa và được phần thưởng Chúa ban là sự sống đời đời: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40).
Sống Lời Chúa: Thực thi bác ái giúp đỡ những người bất hạnh, để họ vững tin vào Chúa và được sự sống đời đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con vững tin vào Chúa và sống bác ái yêu thương hết mọi người như Chúa đã truyền dạy. Amen.
03/11/20 THỨ BA TUẦN 31 TN
Th. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ
Lc 14,15-24
CHỌN HẠNH PHÚC NÀO?
“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” (Lc 14,15)
Suy niệm: Đã là tiệc thì phải vui, và được mời dự tiệc là một vinh hạnh vì được chủ tiệc quan tâm, quý trọng. Nên người được mời dự tiệc cảm thấy vui và hạnh phúc. Người được mời dự tiệc Nước Trời cảm thấy vui và hạnh phúc gấp bội phần, bởi vì hạnh phúc và niềm vui đó là viên mãn và trường tồn. Chúa Giê-su xác nhận họ đúng là người được chúc phúc: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Ấy thế mà có những người đã bỏ lỡ cơ hội. Họ được mời mà không đến dự chỉ vì bận tâm đến việc nhỏ mọn và chóng qua. Cũng thế, hạnh phúc Thiên Đàng sẽ bị vuột mất nếu như chỉ dừng lại ở hạnh phúc nhỏ mọn và chóng qua ở đời này!
Mời Bạn: Các lý do mà những người được mời trong câu chuyện Tin Mừng đưa ra không phải là xấu. Họ đâu từ chối lời mời để chơi bời say sưa hay để sống buông thả trong tội lỗi! Nhưng tiếc thay cho đã thiếu khôn ngoan trong việc phân định và chọn lựa. Họ chọn niềm vui tạm thời mà không chọn hạnh phúc đời đời; họ giới hạn tầm nhìn của mình vào những cái có thực tại giới hạn mà không hướng tầm nhìn vào những giá trị vĩnh cửu; họ quá chú ý nghe những lời mời gọi của thế gian mà không màng chi lời mời gọi của Đức Giê-su. Những người đánh mất hạnh phục Thiên Đàng vì lý do này lý do kia ấy biết đâu chính là bạn và tôi!
Sống Lời Chúa: Ưu tiên chọn hạnh phúc có giá trị trường tồn và viên mãn hơn những hạnh phúc chóng qua.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi chúng con vào dự tiệc Nước Trời. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết đặt đúng bậc thang giá trị của hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời đời.
04/11/20 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,25-33
TRỞ NÊN NGƯỜI MỚI
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26)
Suy niệm: Hai từ “dứt bỏ” gắn liền với những thách đố của Tin Mừng Chúa Giê-su. Khi người thanh niên giàu có xin theo Chúa, Ngài yêu cầu anh bán hết của cải cho người nghèo rồi hãy theo. Với các môn đệ, Chúa đòi hỏi các ông phải từ bỏ cả những người thân thiết nhất, bỏ cả mạng sống, vác lấy thập giá mới đủ điều kiện làm môn đệ Ngài. “Từ bỏ” như thế không phải là đi vào ngõ cụt huỷ diệt mà mở ra một chiều kích hy vọng hướng về tương lai, là chết đi để tái sinh thành người mới trong Nước Trời, như Chúa nói với ông Ni-cô-đê-mô:
Không thể “vào Nước Thiên Chúa” nếu không “sinh ra một lần nữa” “bởi Nước và Thần Khí” (Ga 3,3.5).
Mời Bạn: Lời mời gọi từ bỏ là để biến đổi chúng ta trở thành người mới với quả tim mới, sức sống mới, trong “trời mới, đất mới”. Một tương quan mới thân tình sâu đậm được hình thành trong sự hiệp thông yêu thương với Đức Ki-tô, Đấng đã “từ bỏ” địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người, chịu chết trên thập giá mà cứu chuộc chúng ta. Nếu chúng ta tìm một Giê-su không thập giá, chúng ta sẽ phải vác thập giá một mình mà không có Giê-su. Cho nên, nếu chúng ta từ bỏ mọi sự theo Ngài, chúng ta không phải vác thập giá một mình nữa mà đã có Ngài “vác chung”.
Sống Lời Chúa: Thập giá trong đời bạn sẽ biến thành thánh giá để thông ơn cứu độ Chúa Ki-tô khi bạn vác lấy thập giá đó bằng cung cách của Ngài, đó là vâng phục, tự hạ và hiến thân.
Cầu nguyện: Xin cho con biết “chết đi” để vui sống muôn đời. Amen.
05/11/20 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 15,1-10
NIỀM VUI ĐƯỢC LAN TOẢ
“Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 15,10)
Suy niệm: Kinh Lễ theo Nho giáo nói, con người tự nhiên có 7 thứ tình cảm (thất tình) là hỷ (vui), nộ (giận), ai (buồn), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (ham muốn). Về lòng ham muốn, Phật giáo dạy có 6 loại (lục dục). Mọi thứ khổ não trên đời là do thất tình lục dục đó mà ra. Nơi Thiên Chúa, mọi sự đều quy về tình yêu vì Chúa là Tình Yêu. Vì yêu nhân loại nên Chúa buồn khi con người tội lỗi, bởi vì tội làm cho con người phải trầm luân hoả ngục, xa cách Chúa. Cũng vì yêu thương, Thiên Chúa vui mừng nhất khi con người ăn năn sám hối, trở về với Chúa để đón nhận ơn cứu độ; và đâu chỉ có Chúa vui mừng mà thôi, cả “triều thần Thiên Chúa,” những ai thuộc về Ngài cũng vui mừng “vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
Mời Bạn: Hãy nhớ lại một lần nào đó, bạn bước vào tòa giải tội với tâm hồn nặng trĩu vì những lỗi phạm đối với Thiên Chúa và anh chị em, rồi sau khi ra khỏi tòa giải tội, bạn thấy trong tâm hồn mình một cảm giác thật nhẹ nhõm, bình an và thật vui vì được ơn giao hòa. Chính lúc đó, Thiên Chúa và cả triều thần thánh trên trời đang hòa chung niềm vui với bạn bởi vì bạn là người biết ăn năn hoán cải.
Sống Lời Chúa: Nếu bạn đang đánh mất ân sủng của Chúa, hãy tìm lại điều đó nơi bí tích Hòa giải. Chúa đang chờ đợi bạn ở đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn tìm và cứu tất cả chúng con, nhưng nhiều khi chúng con lại muốn tự mình đi lạc. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết hoán cải để tìm về với Chúa là nguồn mạch bình an. Amen.
06/11/20 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 16,1-8
SỐNG NHƯ CON CÁI SỰ SÁNG
“Con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.” (Lc 16,8b)
Suy niệm: Chúng ta thường cảm thấy khó hiểu vì dường như Chúa Giê-su đưa người “quản lý bất lương” ra làm gương mẫu trong khi có bằng chứng rõ ràng ông ta đã thâm lạm của cải của chủ mình. Ngài đã từng phê phán những ai coi tiền của làm cùng đích cuộc đời và gọi họ là ngu xuẩn khi chỉ hưởng thụ của cải chóng qua đời này mà không lo tìm kiếm hạnh phúc vững bền là chính Thiên Chúa, vì không phải “mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Thực ra Chúa đã cẩn thận gọi người quản lý đó là “bất lương” (c. 8); Ngài có khen chăng là khen ông ta “khôn khéo” biết lo xa cho tương lai của mình. Qua đó Ngài dạy các môn đệ là “con cái sự sáng” phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của đời này. Sự khôn ngoan của “con cái sự sáng” hệ tại ở chỗ biết phân định để sử dụng tiền của như phương tiện để đạt tới Thiên Chúa là cứu cánh cuộc đời, và từ bỏ chúng mỗi khi chúng làm phương hại mối liên hệ với Thiên Chúa và cản trở con đường đến với Ngài.
Mời Bạn: Con người ngày nay thường dựa vào tiền bạc để tạo chỗ đứng cho mình trong xã hội. Còn bạn, bạn đã làm gì để “tạo chỗ đứng” cho mình trong Nước Trời? Bạn có biết cho đi, biết san sẻ những gì mình có cho người túng thiếu? Bạn đã làm gì để hướng tới giá trị của cuộc sống vĩnh hằng?
Sống Lời Chúa: Tiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để sẵn sàng chia sẻ với người túng nghèo.
Cầu nguyện: Xin ban cho con sự khôn ngoan của con cái sự sáng để con dám đánh đổi những gì là chóng qua và chỉ chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình.
07/11/20 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 16,9-15
HAI ÔNG CHỦ
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16,13b)
Suy niệm: Trong khi các đợt bão lũ hồi tháng 10 liên tiếp hoành hành các tỉnh miền Trung, thì đồng thời cũng nổi lên một cơn “bão mạng” về việc ca sĩ Thuỷ Tiên quyên góp trên 150 tỷ đồng đi cứu trợ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhiều người ca ngợi tấm lòng nhân ái và bàn tay hào phóng của nữ ca sĩ, nhưng cũng có người e ngại rằng cách làm của cô dễ bị lợi dụng, rằng số tiền của các nhà hảo tâm có thể không được phân phối công bằng, đúng người đúng chỗ. Thế mới hay sử dụng tiền thế nào để không ai phiền trách là việc không hề dễ, ngay cả khi dùng nó để làm việc nghĩa. Chúa Giê-su hôm nay cũng nói đến tiền của, và mời gọi chúng ta sử dụng tiền của một cách trung tín. Trung tín có nghĩa là dùng của cải đời này để phục vụ, thay vì bo bo keo kiệt, hoặc ngược lại, sử dụng ích kỷ, tiêu sài hoang phí. Lòng tham lam hưởng thụ sẽ biến chúng ta thành nô lệ cho tiền của. Chỉ khi trung tín trong việc sử dụng tiền của thế gian, Chúa mới tín nhiệm trao cho chúng ta những tài sản thiêng liêng, “những của cải chân thật” là hạnh phúc Nước Trời.
Chia sẻ: Phần bạn, bạn sẽ chọn Thiên Chúa hay Tiền Của làm chủ tể đời mình? Mời bạn hãy chia sẻ một kinh nghiệm trong việc chọn lựa này.
Sống Lời Chúa: Hãy tập nhận định những gì thuộc về Chúa và những gì thuộc về thế gian để chọn lựa cách sống: Chọn Chúa là Chủ Tể đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trong cuộc sống thường nhật, con thường bị ông chủ tiền bạc lôi cuốn. Xin cho con luôn biết hướng lòng mình về Chúa và biết chọn Chúa là Chủ Tể duy nhất của lòng con. Amen.