ĐỨC MẸ ĐƯỢC CHÚA YÊU

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã nhìn thấy Đức Maria. Người đã hiện diện ngay trong tình yêu của Chúa trước khi thành một con người.

Chính xác hơn, nơi ý muốn của Thiên Chúa, Đức Mẹ đã hiện diện từ khởi đầu của chương trình cứu độ, vì Đức Mẹ đã được tiền định từ ngàn đời để làm Bà Hoàng, Mẹ của Con Thiên Chúa:

“Thiên Chúa đã cử Con mình đến trong thế gian. Nhưng để tạo một thân xác cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã chọn một thiếu nữ Israel, một cô gái Do Thái, quê tại Nazaret xứ Galilê, ‘một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõ Đavit, trinh nữ ấy tên là Mria’ (Lc 1, 26-27) để làm mẹ của Con mình” (GLCG, số 488).

Từ những trang khởi đầu của Thánh Kinh, Đức Mẹ được vinh dự nhắc đến như một Bà Hoàng quyền uy, cộng tác xây dựng lại công cuộc cứu chuộc mà Nguyên tổ đã phá đổ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi (kẻ chủ mưu của tội lỗi) và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy. Dòng dõi đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15).

Theo thời gian, ánh sáng của mạc khải càng tiệm tiến rõ nét, hình ảnh một Bà Hoàng của thời cứu chuộc cũng sáng dần lên và rõ nét hơn. Đó là một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con. Chính tiên tri Isaia đã gọi tên người con của Đức Trinh Nữ: “Này đây một Trinh Nữ sẽ mang thai, sinh con trai, và đặt tên là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7, 14; Mt 1, 23).

Còn tiên tri Mikha nhấn mạnh đến quyền uy của Thiên Chúa nơi Người Con ấy: “Cho đến thời một Trinh Nữ sẽ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của Người Con đó sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ” (Mk 5, 2-3).

Uy quyền của Người Con ấy, làm cho Đức Maria thật xứng danh Bà Hoàng, vì vinh quang và thế giá của Người Con lớn bao nhiêu, danh dự của Người Mẹ được nâng lên bấy nhiêu. Công đồng Vatiacan II không quên nhắc đến tình yêu của Thiên Chúa đã làm cho Nữ Hoàng Maria “trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa” (GH, số 55).

Đến lúc khởi đầu của triều đại Tân Ước, nhận lấy lời chào hết sức kính phục, đầy nghĩa cử yêu thương của thiên thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng Đầy Ân Sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28), Đức Maria đã thật sự làm cho lịch sử cứu độ sang trang mới.

Mẹ chính là Eva mới hiệp công với Con mình tiêu diệt sự chết, trao ban sự sống. Vì Nếu Eva là người phụ nữ đầu tiên bước vào dòng lịch sử của nhân loại, lại mang đến sự chết, thì Nữ Hoàng Maria, nhờ lòng Chúa yêu thương, lại là người phụ nữ đầu tiên bước vào dòng lịch sử mới, dòng lịch sử thấm đẫm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ làm cho sống.

Nếu Eva đã buộc lại nút dây cứu độ bởi cứng lòng tin, thì Đức Trinh Nữ  tháo cởi nhờ lòng tin. Đức Mẹ xứng đáng được gọi là “Mẹ kẻ sống” (GH, số 56).

Ngoài những đặc ân: làm Mẹ Thiên Chúa, sinh con mà vẫn trinh tiết trọn đời, được trực tiếp cộng tác với Chúa Giêsu ban ơn cứu chuộc cho trần gian, Chúa còn yêu thương trao cho Đức Maria những đặc ân khác, quý giá không kém: được gìn giữ nguyên tuyền từ khi thành thai trong lòng mẹ; được cất về trời hồn xác. Giờ đây, trong vinh quang của Thiên Chúa, Đức Mẹ được Chúa đặt làm Nữ Vương trời đất, trung gian giữa Chúa Kitô và loài người.

Bà Hoàng Maria còn là tuyệt tác lộng lẫy của Chúa Thánh Thần. Chính Tin Mừng minh xác điều đó nhờ lời thiên thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).

Thánh Thần thánh hóa cung lòng trinh khiết của Đức Mẹ, làm cho Đức Mẹ thụ thai Con hằng hữu của Chúa Cha, “trong một nhân tính bắt nguồn từ nhân tính của Mẹ” (GLCG 485).

Lòng yêu thương của Thiên Chúa làm nên sự cao cả của Bà Hoàng Maria, khiến thánh Công đồng không tiếc lời ca ngợi: “Theo chương trình của Chúa quan phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta” (GH, số 61).

Tuyên dương Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta kêu nài Đức Mẹ tiếp tục ở lại trong Hội Thánh, để Người tiếp tục là Mẹ của Hội Thánh và Hội Thánh được tiếp tục ở lại trong Người, mà hoàn thành sứ mạng trần thế của mình như chính Người.

Còn chúng ta, tôn kính, mến yêu Đức Mẹ, dù là cách đặc biệt, vẫn chưa đủ. Chúng ta cần tiến xa hơn trong sự tận hiến thời gian, sức lực, trí khôn, của cải, sự sống, toàn bộ cuộc đời và tấm thân ta để cùng đi chính con đường Chúa Kitô và Mẹ Người đã đi xưa, mà tận hiến chính mình như của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa. Đó mới chính là thể hiện lòng yêu mến, tôn sùng Đức Mẹ cách thiết thực và cần thiết nhất, phù hợp thành ý Chúa.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts