“Có một người của Thiên Chúa đến cùng tôi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu mỗi ngày Hội Thánh cao rao “Thiên Chúa viếng thăm dân Người” trong kinh Benedictus, thì quả, phụng vụ Lời Chúa hôm nay kể cho chúng ta hai cuộc viếng thăm ly kỳ trong những cuộc viếng thăm ấy. Một ở thời Cựu Ước, thiên thần Chúa hiện ra với Manuel, mẹ của Samson; một ở thời Tân Ước, thiên thần Chúa hiện ra với Zacaria, cha của Gioan. Và Thiên Chúa ‘xót thương dân Người’ đang tiếp tục viếng thăm nhân loại, ‘viếng thăm mỗi người’ chúng ta.
Sách Thủ Lãnh tường thuật cuộc viếng thăm Người dành cho mẹ của Samson. Tuyệt vời, bà đã tin! Bà hớn hở đi nói với chồng, “Có một người của Thiên Chúa đến cùng tôi, với diện mạo thiên thần, rất đáng sợ. Tôi hỏi người ấy là ai, bởi đâu đến, gọi tên gì, người ấy không muốn nói, nhưng lại trả lời, ‘Rồi đây, ngươi sẽ được thụ thai và hạ sinh một con trai’”; bà đã thấy và đã tin. Tương tự như thế, Tin Mừng Luca tường thuật cuộc viếng thăm dành cho cha của Gioan. Tiếc thay, ông không tin! Kết quả là gì? Thiên Chúa không chịu thua, Người vẫn thực hiện điều Người đã định và quở trách Zacaria bằng việc buộc ông phải câm; vì dù đã thấy, ông vẫn không tin.
Thấy mà không tin, thật không hiểu nổi! Không có lý do gì để Zacaria phải nghi ngờ. Một mình trong thánh điện; ông dâng hương, cơ hội chỉ có một lần trong đời. Đó là một khoảnh khắc đắc địa, một không gian thiêng thánh và quan trọng hơn; ở đó, có cả một thiên thần hiện ra! Và nếu một người nào đó cần được chuẩn bị cho một thông điệp đặc biệt, thì đó chính là Zacaria. Vậy mà ông không tin. Zacaria đã “ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa”, đến nỗi, “không ai chê trách được điều gì”; vậy mà, lòng trung thành của ông không biến thành một đức tin sống động vào thời điểm quan trọng nhất, cần thiết nhất. Thật đáng nghi, đức tin của ông; thật đáng ngờ, kinh nguyện của ông; thật đáng ngại, tế tự của ông! Xem ra ông ít lòng tin, thiếu lòng mến và vơi lòng cậy. Đời sống đức tin của Zacaria cần được xem lại, việc cầu nguyện của ông cần đặt thành vấn đề; phải chăng nó mới chỉ ở ngang mức ‘lải nhải’?.
Tin Mừng nói, Zacaria thưa với thiên thần, “Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?”. Có đến ‘ba cái tôi’ ở đây; ông nghĩ tuổi tác ông sẽ cản trở kế hoạch của Thiên Chúa; ông đánh giá thấp quyền năng Người. Thật vậy, không phải Thiên Chúa là Đấng giới hạn; đúng hơn, con người muốn giới hạn Thiên Chúa. Sứ thần Gabriel đến với ông cũng là Gabriel đến với Đức Mẹ; thế mà, Mẹ Maria đã thưa, “Việc đó xảy đến thế nào được”, nghĩa là ‘việc đó’ nhất định sẽ xảy đến dù tôi ‘biết hay không biết’, chỉ có điều là ‘tôi không biết đến người nam’; thiên thần đã giải thích và Đức Mẹ “Xin vâng”. Đang khi Zacaria, “Làm sao tôi biết được!”, nghĩa là ‘tôi’ quan trọng hơn ‘việc Chúa’; nói cách khác, Zacaria thừa nhận ông ‘không biết’, cũng ‘không cần biết’ và nhất là, ‘không chắc’ điều Chúa hứa sẽ xảy ra, nghĩa là ông không tin. Vì thế, ông bị câm; vì không có đức tin thì không có gì để nói!
Trong tập thơ Mảnh Trăng Non, thi hào Tagore đặt trên môi một người mẹ những lời yêu thương ngỏ với con mình, “Nầy con, họ hoài nghi và tuyệt vọng, la lối và tranh giành; họ cãi cọ không bao giờ thôi. Hãy để đời con đến với họ như đuốc sáng, bền vững tinh khôi, khiến họ say mê đến im lời. Con ơi, hãy bước tới giữa những tấm lòng quạu cọ, đoái nhìn họ với đôi mắt hiền từ, như cái an bình bao dung của buổi chiều phủ trên một ngày tranh chấp. Hỡi con, hãy để mắt họ thấy mặt con như thấy ý nghĩa của muôn loài; hãy để họ yêu con, và như thế, họ sẽ yêu thương nhau”.
Anh Chị em,
Còn hơn ngọn đuốc sáng bền vững tinh khôi, Chúa Giêsu đang đến với tư cách Đấng Cứu Độ; chúng ta được Ngài ‘viếng thăm mỗi ngày’ qua bao hình thức, dưới bao khuôn mặt. Ngài viếng thăm chúng ta qua những người nghèo, các em bé, các cụ già; Ngài nói với chúng ta qua Lời Ngài, qua Hội Thánh, qua các bí tích. Ở đâu có Ngài, ở đó có bình an, bao dung; ở đâu có Ngài, đời thôi hết quạu cọ và người ta không còn son sẻ; ở đâu có Ngài, ở đó có ân sủng và niềm vui.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tin, Chúa đang viếng thăm con, ‘viếng thăm mỗi người’. Chớ gì lòng con luôn tin yêu như Đức Mẹ, hầu trái tim con không là một chiếc nôi trống trơn nhưng là một chiếc nôi đầy Chúa; để tim con hằng hoan hỷ ca khen, “Miệng chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh Ngài” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)