NGÀY ĐẦU TIÊN NHẬP THẤT

            Ngay từ hồi còn làm cậu gíup lễ nơi miền quê xứ Bắc cách đây hơn năm mươi năm, chúng tôi đã được thầy Văn cho đọc hạnh các Thánh và câu chuyện của những vị ẩn tu trong rừng trên núi ấy đã hấp dẫn tôi một cách lạ kỳ. Có người nói dấu ấn tuổi thơ sẽ quyết định cho đường đời của mỗi người. Điều ấy chẳng biết thế nào, nhưng riêng với tôi, càng nghiệm càng thấy nó quả không sai. Tôi thuộc  typ người ưa cuộc sống nội tâm hơn là họat động, điều ấy không còn nghi ngờ gì nữa.  Nhớ hồi còn ở đơn vị truyền tin đóng tại thị xã Gia Nghĩa (Quảng Đức) những ngày không có ca trực, tôi thường hay vào rừng (Trại gia binh ở sát bìa rừng) ngồi bên  một gốc cây to bên bờ suối  thả hồn vơ vẩn. Tôi rất thích ngắm nhìn sông nước, biển khơi, chẳng biết có phải  vì nó khiến cho mình dễ dàng trong việc hồi tưởng ? Dẫu vậy, việc hồi tưởng ấy thật sự chẳng đem lại một chút gì an thỏa  ngòai ra là những giây phút  trốn lánh  cuộc sống náo nhiệt bên ngòai. Những giây phút… quên đời ấy chỉ là giả tạo bởi lẽ làm sao  có thể quên được đời khi mình còn mang cái thân hữu hình hữu họai này ? Có người nói, kẻ đi tu  là những kẻ trốn đời, điều ấy có đúng chăng ? Theo tôi, để có câu trả lời thỏa đáng thì trước hết cần phải đánh giá lại bản chất  của cõi đời, nó khổ đau hay  hạnh phúc, sướng vui ? Với những ai có một chút  trí tuệ ắt sẽ cho rằng cõi thế gian này là cõi khổ. Đã nhận ra khổ thì phải tìm đường thóat khổ. Người đi tu là những kẻ đã tìm được cho mình con đường thóat khổ, chẳng những thóat cho mình  mà còn muốn thóat cả cho người.  Con đường thóat khổ ấy tuy vậy lại rất khó  để  đi cho trọn.  Có biết bao trở ngại đang chờ đón người tu ! Chính bởi khó khăn là rất lớn  thế nên các Đấng sáng lập tôn giáo  chẳng hạn như Phật Thích Ca  đã phải  trải qua vô vàn kiếp số  thực hành Bồ Tát Đạo mới có thể chỉ ra con đường giải mê khai ngộ. Còn Đức Giêsu Kitô thì đã phải  hiến dâng chính mạng sống mình để làm giá cứu chuộc nhân lọai. Với Chúa đã vậy, còn những kẻ nào  muốn theo con đường của Ngài  thì cũng phải dám bỏ mình  vác thập giá hàng ngày mà theo ( Mt  16, 24 ) Con đường tu khó khăn là vậy , thế nên  hết thảy những ai khao khát chân lý đều phải  hết sức nỗ lực . Đức Kitô nói “ Luật pháp  và tiên tri đến Gioan  là hết, từ đó Tin Mừng  Nước Trời được rao giảng  và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16.)  Cái chỗ “ Vào” mà Chúa nói đây chỉ có thể là chính tâm hồn của mỗi người. Những kẻ theo Chúa, tức   các môn đệ Ngài  dù cho họat động trong bất cứ lãnh vực nào hay ẩn tu trong rừng trên núi, từ  thế hệ này sang thế hệ khác , hết thảy đều chỉ có một chỗ để “ Vào” đó  là cái Tâm của mình. “ Vào” theo ngôn từ Nhà Phật cũng tức là “ Ngộ nhập” và đây phải là đích điểm của mọi con đường tâm linh.  Sở dĩ người thế gian bị hết khổ này đến khổ khác làm cho bầm giập là vì cứ mải mê tìm cầu những cái ở bên ngòai mình. Đang khi đó  an vui phước lộc  đã sẵn đủ ở nơi Tâm, chỉ cần biết  thành tâm quay vào là gặp. Như vậy tất cả vấn đề ở chỗ là  quay vào bên trong,  tuy nhiên làm sao để… quay vào đó mới là  điều quan hệ…Lần kia Huệ Khả đến xin với Tổ  Bồ Đề Đạt Ma  phép để an tâm. Tổ nói “ Hãy đem tâm ra đây ta an cho. Huệ Khả sững nguời  tìm tâm mãi chẳng thấy  bèn nói: con tìm tâm chẳng được.  Tổ Đạt ma liền bảo:Ta đã an tâm cho ngươi rồi.  Một đàng trò xin thầy dạy pháp an tâm, một đàng thầy lại bảo đem tâm ra ta an cho. Trò nói tìm tâm không được thì thầy lại nói  ta đã an tâm cho ngươi rồi .

 Xem qua vấn đáp , ta thấy rất ư khó hiểu nhưng đây là chỗ kỳ đặc của Thiền tông.  Tổ sư biết rằng  tìm tâm chẳng bao giờ đượ bởi lẽ nó có đâu mà tìm ?  Nói đúng hơn thì Tâm không thật có , nó chỉ là những  nghĩ tưởng lăng xăng  hư dối , hiện lên chớp nhóang chỉ trong một sát na thôi thì làm sao  đem nó ra được ? Theo quan điểm Thiền tông, để tu pháp an tâm thì chỉ cần biết vọng tức  biết những tư tưởng thọat khởi trong đầu đó chỉ là vọng tưởng không thật. Biết tâm lăng xăng ấy không thật, liền buông , buông bỏ  thì tâm lập tức  được an.

 Đang đọc kinh, chợt nhớ đến việc này , người nọ …biết đó chỉ là bóng dáng pháp trần không thật, bèn cầm trí trở lại, đây chính là Thiền. Điều này nói thì rất mực đơn giản nhưng trong thực hành  lại  vô cùng khó và đây quả là một trận giặc phiền não  mà nếu không có phương pháp hữu hiệu thì không ai có thể thắng. Phương pháp ấy được tổ chức bằng những cuộc nhập thất dài hoặc ngắn định kỳ hàng năm nhưng ít nhất là phải bảy ngày , còn dài thì tùy mỗi người , có người như hòa thượng Quảng Khâm  nhập thất liền một mạch  tới mười ba năm. Thánh An tôn ( 251 – 356 )  ở trong sa mạc còn hơn nữa, tới tám mươi năm. Nhập thất không phải là đặc quyền của Phật giáo nếu ta hiểu được ý nghĩa chân thật của nó. “ Nhập” như đã  biết  là “ Ngộ nhập” là “ vào” , còn “ Thất” tức là  Nhà  cũng tức là Tâm của mỗi người. Đức Kitô nói   Tin Mừng đã được rao giảng , các ngươi phải nỗ lực mà vào tức có nghĩa mỗi người cần phải trở về và sống với Tâm chân thực của mình. Mặt khác việc đi sâu vào Bản Tâm ấy không phải chỉ thấy diễn ra trong thời Tân Ước nhưng  ngay trong thời Cựu ước các đấng tiên tri không ai là không có cho mình những cuộc nhập thất  cực kỳ quan trọng.  Trước khi nhận lãnh mười giới răn Maisen  đã gặp Chúa trên núi Sinai “Đức Giêhova đối diện phán cùng  Maisen như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình “ Xac 33, 11 .  Còn Elia một tiên tri vĩ đại của thời cựu  đã gặp Chúa trên núi Horep và được mạc khải  cho biết về sự hiện hữu  của Ngài” ( 1V 19, 9 – 12 )

 Con đường giải thóat đích thực chỉ có một, đó là quay vào bên trong , chẳng những tâm linh tôn giáo  mà cả minh triết cũng vậy. Triết Hy lạp nói “ Hãy tìm cho biết về chính  mình mày” ( Connais toi , toi – même ) Đông phương Lão Tử nói “ Ta từ vô lượng kiếp nhờ nhìn sâu vào tâm mà tìm ra Đạo” ( Lão quân viết = ngô tòng vô lượng kiếp lai quán tâm đắc đạo” . Để đắc được Đạo rất khó, duy chỉ những bậc Thánh nhân  mới có thể, nhưng nếu vậy   tuyệt đại đa số nhân lọai thì sao , chẳng lẽ  vô phần  ?. Hòan tòan không phải vậy, hết thảy đều có thể  “ vào” nhưng bằng những hình thức khác.  Đạo Phật có Thiền tông nhưng cũng có Tịnh Độ. Thiền tông chủ trương kiến Tánh thành Phật, còn Tịnh Độ tông thì lấy Vãng sanh   Tây Phương Cực Lạc làm cứu cánh . Đạo Chúa, Đức Kitô vừa rao giảng Nước Trời , kêu gọi con người thể nhập  để được tái sanh ( Sống lại )  vừa hứa Nước Thiên Đàng cho những ai tin tưởng cậy trông  nơi Ngài “ Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ , khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi  thì Ta sẽ trở lại tiếp đón các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó”( Ga 14, 2 – 3).

            Đắc đạo thành Phật, đó là con đường tự lực, đường này phải trải qua  nhiều giai đọan cực kỳ khó khăn  và trong thời mạt pháp này không ai có thể dù cho  là có tu Thiền đến chỗ đại ngộ “ Có Thiền  không Tịnh độ , mười người hết chín chần chờ. Đến lúc ấm cảnh  hiện tiền, chớp mắt  theo đó mà đi” ( Tổ  Vĩnh Minh )  Tu Thiền đến chỗ đại ngộ cố nhiên là  cực  khó thế nhưng chỉ cần một niệm móng khởi  là đã đọa vào luân hồi . Trái lại để vãng sanh  lại rất dễ, chỉ cần niệm sáu chữ Hồng Danh Phật ( lục tự kinh )  “ Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật, niệm Phật , đời này đời sau quyết định thấy Phật, cách Phật chẳng xa. Chẳng nhờ đến pháp phương tiện nào khác mà cũng tỏ ngộ được Tâm của mình như người ướp hương thân có mùi hưong” ( kinh Vô Lượng Thọ- Quyển hạ ) đến chỗ nhất tâm. Con đường Vào ( ngộ ) của Đạo Phật cũng như của Đạo Chúa không thể chống trái nhau bởi lẽ con người dù về hình thức phong tục tập quán văn hóa có khác nhưng  cũng chỉ có một cái Tâm duy nhất.

 Tâm duy nhất ấy  đó là Chân Tâm thường trụ đồng thời cũng là Tánh Biết viên mãn, là Đấng Tỳ lô Giá na, Đấng Cha Vô Cùng Lân Tuất  v.v…Nếu Đạo Phật có cả Thiền tông lẫn Tịnh Độ tông thì Đạo Chúa cũng vậy cũng có cả Chiêm niệm lẫn cầu nguyện.  Viết về  nhập thất  mà lại giải thích có phần …dài dòng văn tự thế này  âu cũng không ngòai mục đích  trước là để trả lời cho  câu chất vấn: Là người Công giáo sao lại phải vào chùa  để tu ? . Tiếp nữa , để  nêu lên một kinh nghiệm thiết thân cho những bằng hữu nào muốn  thật tâm đi vào con đường tu tập.  Ngày đó tôi đang làm trưởng Curia Junior  có gần năm trăm em, bởi vậy trach nhiệm không phải là nhỏ . Là hội viên Legio lại vào ở hẳn trong chùa cả tuần  ai mà chẳng thắc mắc, có người còn nói ông Hóa bỏ Chúa theo Phật rồi !!! Từ khi được ơn trở lại tôi chuyên cần lần chuỗi Mân Côi. Chẳng những đọc mà còn quyết tâm tìm cho ra cái lý của Kinh ấy. Tôi tìm đọc các sách vở  về Kinh MC của  các cha …Hiến, cha Nguyễn tri Ân OP  và cả  của ông Cao Tấn Tĩnh  dịch  Thánh Monfort…nhưng tất cả đều không đáp ứng. May thay một lần vào thăm sư Liêm, ngài đưa cho tôi cuốn Quán Thế Âm Bồ Tát Tín Luận  chép tay của cư sĩ Hải Tín . Nhận sách về,  ngay ngày hôm đó và tiếp liền trong suốt tuần, chẳng những tôi say mê đọc mà còn  chép lại gần như tòan bộ  khỏang hơn  hai trăm trang  giấy vở học trò. Cũng trong khỏang thời gian  mấy năm vừa trở lại ấy  tôi còn được đọc những bộ kinh luận  hết sức giá trị của Tịnh Độ tông  như Kinh A Di Đà yếu giải của Thích Tuệ Nhuận, kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô lượng Thọ v.v…

              Quả là khi quyết định nhập thất tôi đã biết mục đích cũng như phương  cách thực hành , điều này rất ư quan trọng, nếu không  sẽ rất nguy hiểm  bởi  đường tâm linh  chỉ cần  sai một ly sẽ.. đi một dặm. Như đã nói tôi chuyên cần lần chuỗi  ngay sau khi đã được ơn trở lại  và khỏang chừng hai năm sau thì nhập thất. Con người  sống ở đời là phải tiếp xúc với biết bao nhiêu sự việc  dù có muốn hay không muốn , do đó tâm luôn trong trạng thái náo động. Nguyên lý của việc đọc kinh cầu nguyện nói riêng  và sống đạo yêu mến  nói chung  là phải có sự chuyên nhất  “ Ngươi phải yêu mến Thiên Chuá ngươi hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn ngươi “( Mt 22, 37). Cầu nguyện thì phải có sự nhất tâm , một lòng một dạ hướng về Thiên Chúa mới đẹp lòng Người  và để có được sự nhất tâm ấy  thì không chi bằng phải đến một nơi thanh vắng.  Chúa Giêsu đã vào trong sa mạc , ở đó cầu nguyện  suốt bốn mươi đêm ngày. Các môn đệ của Ngài  sau này cũng vậy , cũng cần phải có những giờ phút một mình diện  đối diện với Thiên Chúa.

             Sau khi được sư trụ trì chấp thuận, tôi về sửa sọan  vài vật dụng cá nhân cần thiết  và cũng không quên bức ảnh nhỏ Đức Mẹ Lộ Đức mà anh cả Truyện trên Sặt mới cho. Một nguyên tắc mà ngay từ khi được ơn trở lại , tôi quyết lòng tuân giữ đó là bám chặt lấy Đức Mẹ  để đến với Chúa Giêsu ( Ad Jesum per Mariam ) . Để không mất lễ ngày chủ nhật, lại ở trong chùa được đúng bảy ngày, hôm đó tôi dự  lễ nhất xong rồi nhờ một ông bạn chở ngay vào chùa. Ngồi với sư một lát, rồi được dẫn vào  thất ở cuối vườn  đìu. Đó là một căn phòng  vách ván lợp tôn  sàn tráng ximăng, rộng chừng chín  mét vuông , có một cửa sổ. Nơi góc phòng có cái kệ, trên đó  đặt  khung ảnh của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, một chiếc đèn dầu nhỏ và bát nhang . Khi sư đã đi ra , tôi đóng cửa lớn, mở  tung cửa sổ cho  ánh sáng ùa vào rồi thay pyjama thắp nhang trên bàn thờ , vái lạy Đức Quán Âm Bồ Tát  ba vái . Xong , nhẹ nhàng quay  khung ảnh vào phía trong, cung kính đặt tấm ảnh nhỏ Đức Mẹ  vào . Tôi khởi sự cuộc nhập thất bằng bản kinh Tessera  nhưng thay vì  chỉ đọc năm chục kinh như quy định  tôi đọc cả ba mùa Vui Thương, Mừng. trong tư thế ngồi hoa sen kiết già. Nhập thất là một cơ  hội thuận tiện để giúp ta quay về mình ( phản quan tự kỷ )  vì thế người tu không  phải bận tâm về bất cứ công việc gì . Không lo chi đến cái ăn cái uống , thời sự  quốc nội quốc ngọai, khách khứa gì cả…Những việc ấy tưởng như ai mà chẳng thích, chẳng muốn , thế nhưng  con người ta vốn sống trong động , không lúc nào  không lo, không tính.   Lo chuyện này chưa xong lại lo chuyện khác , thậm chí ngay cả trong lúc ngủ cũng chẳng yên.  Chúa nói  chỉ có một việc phải lo  ấy là lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Ngài , chớ nên lo lắng chi về ngày mai, ngày nào có  sự lo lắng của ngày đó”( Mt 6, 33 – 34). Thế nhưng Nước Trời  ấy lại tuyệt nhiên chẳng có hình tướng sắc màu thanh âm gì cả  thì….biết đâu mà tìm ?….

Buổi sáng đầu tiên qua đi  trong sự háo hức , cảnh vật  dường như  cũng chào đón , nắng vàng rực rỡ nhảy múa trên các vòm cây, gió rì rào  qua  tán lá.. Thất nằm trên triền dốc thoai thỏai xuống một con lạch nhỏ . Mùa này nước chảy lặng lẽ ẩn khuất dưới những lùm cây  dại.  Còn  trong những trận mưa lớn  thì nó cuốn phăng ào ạt đục ngầu như một dòng thác  cuồng lọan. Trong  khung cảnh yên bình của buổi sáng xuân hôm ấy, có một vị khách đầu tiên đến viếng đó là chú chim bói cá khóac bộ áo xanh biếc. Chẳng biết chú ở đâu vụt đến , hót lên vài tiếng khanh khách, đậu yên lặng một lát rồi lại vút đi. Tôi để ý trong  suốt mấy ngày ở đây ngày nào chú cũng đến rất đúng giờ , hot lên vài tiếng rồi lại  vụt đi, chẳng biết đi đâu, có thể lại đến một bờ ao khỏanh suối nào đó …Trong những ngày nhập thất, chú chim bói cá ấy là một sinh vật độc nhất mà tôi gặp gỡ, cái việc chú thóang đến, thóang đi  chỉ khiến cho không gian càng thêm trống vắng…

            Sau mỗi thời kinh, mỗi kinh gồm đủ ba mùa Vui Thương  Mừng , thời lượng chừng bốn mươi lăm phút thì tôi xả thế ngồi, làm vài động tác xoa bóp  cho chân bớt tê cóng, ghi sổ tay ngày, giờ phút , tư thế..xong rồi lại tiếp tục thời kinh khác. Buổi sáng được ba thời kinh tức là đủ chín chuỗi  và đang trong lúc xả thì có tiếng gõ cửa cốc cốc…biết là có người đem cơm đến.  Cơm có canh đọt khoai, đậu phụ chiên xả ớt và một chén nấm xào.  Tôi đã từng dự cơm chay  nhiều lần với các sư trong chùa quanh vùng  nhưng bữa ăn lần này ngon đặc biệt.. Sáng nay  cố tình để bụng đói không ăn gì , bụng không lòng trống…thử hỏi ăn gì chẳng ngon ? Ăn xong đứng ngắm mông lung qua cửa sổ một lát  rồi bắt đầu giờ kinh hành buổi trưa. Trời nóng  bức ngột ngạt, tôi lựa một khu  dâm mát nhất , chậm rãi  vừa   bước đi thành  vòng tròn  vừa lần hạt cho đủ ba chuỗi, tiếng lá khô lạt sạt dưới từng bước chân , xa  xa có mấy đứa nhỏ  lấp ló ( Về sau nghe sư nói chúng vào vườn chặt trộm tầm vông …!!)

Giấc ngủ trưa chập chờn, tỉnh dậy xem đồng hồ mới có hơn một giờ, trời  không một chút gió. Đi xuống phòng tắm ở dưới dốc cách thất khỏang mấy mươi bước chân, niệm thầm chưa xong một chục kinh…Nước được dẫn ngầm từ lô cao su  từ trên đầu dốc vào chùa thế nên khá mạnh. Sư cho đặt ống nước nhiều chỗ , mỗi đầu ống đều có van khóa mở  rất thuận tiện. Nước mát và trong vắt, xối trên người tới đâu, mát rượi tới đó. Trời dần về chiều nghe gió đùa trên các dặng phi lao  rì rào , bầu trời  không một vẩn mây như cao hơn , lặng lẽ hơn…

           Theo  lệ thì những vị sư khi nhập thất họ chỉ điểm tâm chút đỉnh bữa sáng ( vài củ khoai lang, trái bắp…) , ăn bữa trưa, tối nhịn . Nhưng với tôi một kẻ ngọai đạo  thì …đặc cách có một  tô mì xào nấm rất ngon. Việc ăn uống đối với con người là một nhu cầu tối ư cần thiết , tuy nhiên người ta đã biến cái nhu cầu này thành một thứ khóai lạc  và từ đó mà đã trở thành nô lệ cho dục vọng.   Ăn xong tôi mắc sẵn mùng  rồi đi đến đài Đức Quán Thế Âm Bồ Tát  vừa đi nhiễu  ( Kinh hành ) quanh đài vừa lần  chuỗi. Từ trong thâm tâm , tôi cho rằng Đức Bồ  Tát Quán Âm  cũng chính là Đức Mẹ Maria, hay nói cách khác Đức Maria là một hiện thân khác của Đức Bồ Tát Quán Âm.  Có lẽ cần phải hiểu Đức Mẹ trong hình thức một Đại Bồ Tát như thế mới có thể nhận ra vai trò vô cùng lớn lao của Ngài trong Nhiệm Cục  Cứu  Độ ? Có mấy câu thơ sư Liêm đã cho khắc dưới chân tượng lời lẽ đơn sơ nhưng ý nghĩa rất hay thế này :

Ta có Mẹ Hiền Quán Thế Âm

Ngày đêm tưởng nhớ mãi âm thầm

Lòng ta khóai lạc, thân yên ổn

Thật đáng Mẹ Hiền Quán Thế Âm

            Đi nhiễu không biết là bao nhiêu vòng , đến khi đủ ba kinh tức chín chuỗi thì trời đã nhá nhem tối , gió càng lúc càng có vẻ mạnh hơn  khiến những ngọn cây phi lao mảnh dẻ ngả nghiêng , khung cảnh mang mang một vẻ hoang liêu gì đó, chưa từng cảm nhận…Ngồi trên ghế đá trước tượng một lát rồi quay về thất . Khi đi ngang qua bàn thờ Ông Địa,   thấy có mấy đốm lửa lập lòe , chắc là ai đó  mới thắp nhang. Vừa mở cửa bỗng tôi sởn tóc gáy, một luồng  điện ớn lạnh chạy dọc từ ót xuống chân khiến rùng mình, trên bàn thờ, ánh lửa cứ từng chập phụt lên giống y như là …ma trơi. Định thần một lát , biết nguyên nhân là ở cái đèn dầu, tôi  cầm xuống thổi vài ba hơi mới tắt.  Mò kiếm đèn pin , hộp quẹt  tôi tháo bóng, khêu bấc , châm  đèn lại…Đốm lửa  leo lét chỉ bằng hạt đậu , lặng lẽ  sáng trong đêm cũng đủ khiến cho tôi cảm giác an tâm. Trước khi đi kinh hành tôi đã đóng chặt cửa sổ thế nên thất thành ra tối om  và nóng. ngồi trong màn lại càng nóng hơn  nhưng không biết làm sao được, nghĩ đến các vị ẩn tu trong rừng núi hang hốc vừa thương vừa cảm phục họ biết bao. Thử ngồi lên lần hạt nhưng vừa mệt vừa có cảm giác bất an  thế  nào đó, tôi lại nằm xuống suy nghĩ vẩn vơ, nhớ nhà, nhớ thằng cháu nội ba tuổi vẫn đòi nằm với ông xem tivi, nhớ đủ thứ không tên.  Dường như chính những cái nhớ  ấy đã dệt nên cuộc sống của mỗi người , hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ vì những cái nhớ ấy.  Chợt tỉnh trong cái mớ nhớ, mê, mê nhớ ấy, tôi trấn tĩnh  quyết chí ngồi dậy thóat ra khỏi cơn buồn ngủ , ngồi lên trong tư thế  kiết già  tiếp tục lần hạt. Tiếng còi xe từ ngòai quốc lộ  chốc chốc như từ một thế giới nào đó xa thẳm vọng vào..Kết thúc thời kinh , trước khi đi vào giấc ngủ, trong tư thế quỳ chấp tay tôi dâng lên Đức Mẹ, Thánh Giuse quan thầy  hai kinh thường đọc của Dòng Tận Hiến Đồng Công.

            Giấc ngủ ngắn, chỉ khỏang ba tiếng   nhưng khỏe và tỉnh táo. Nhìn đồngt hồ mới có hơn hai giờ , tôi ngồi lên ,làm dấu đọc kinh dâng ngày, kinh chịu lễ thiêng liêng rồi với tâm hồn phấn chấn  đến góc phòng  đi tiểu ( Ban đêm nhập thất không được mở cửa ra ngòai )  Tất cả đều  lặng lẽ, nhưng  trong cái lặng lẽ  lúc này có vẻ như không giống cái lặng im bằn bặt  đêm khuya  khi mà vạn  vật như đang đi vào cõi chết…!!! Giờ đây  mặt trời vẫn còn ở đâu đó tít mù trong không gian , ánh bình minh chưa hề ló dạng  nhưng chắc chắn là nó đang đến, tòan thể vạn vật  đều  có  thể cảm nhận điều  ấy và tôi cũng vậy, tôi đang chờ  đón một ngày mới, ngày nhập thất thứ hai./.

Trà cổ – Đồng nai 2010

Phùng  Văn  Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts