Điều khiến chúng ta không khỏi suy gẫm đó là trong tất cả những lần hiện ra để trao ban một thông điệp quan trọng nào đó, Đức Mẹ đều đến gặp gỡ với những trẻ em gái sinh ra trong những gia đình Công Giáo bần hàn nhưng lại có một đức tin kiên cố, mạnh mẽ. Điều này cho thấy phải chăng giữa việc tiếp nhận Thông Điệp của Đức Mẹ và lòng tin đơn sơ, chân thành có một mối liên hệ mật thiết ?
Về mối liên hệ giữa đức tin và những Thông Điệp của Đức Mẹ thật ra cũng không khác với lòng tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô:“ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”( Mc 1, 15 ).
Nếu ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng là hai điều kiện cần yếu để…vào Nước Trời thì trong tất cả những lần hiện ra, Đức Mẹ cũng chỉ đề cập, khuyên răn con cái về hai điều ấy mà thôi.
Một mặt Đức Mẹ ra sức khuyên răn con cái, có khi chảy cả máu mắt, gấp rút ăn năn sám hối tội mình vì Nước Chúa hoặc Ngày của Chúa ( Tận Thế ) đã gần. Một mặt người ta, kể cả hàng giáo phẩm lại không tin và vì không tin nên cũng chẳng ăn năn, sám hối tội mình !!!
Trong tôn giáo, đức tin là điều trọng yếu. Sống đời sống tôn giáo mà không có đức tin thì nào khác chi người vô đạo ? Thế nhưng để sống với đức tin ấy là điều rất khó, nhất là với những tín điều buộc phải tin, không tin thì…mắc tội…
Mặt khác để tin thì không nhất thiêt phải… hiểu. Dẫu vậy, nếu tin mà có trí hiểu thì còn gì hơn ? Bởi đó Thánh Alselme (1033 – 1109) nói: “ Tôi tin để hiểu” ( Credo ut intelligam ).
Tin để hiểu và càng hiểu thì đức tin càng thêm sâu sắc. Giáo Hội có 04 tín điều về Đức Mẹ và trong số đó Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là khó hiểu và cũng khó chấp nhận nhất. Lý do khó chấp nhận là bởi tín điều này có liên quan đến Tội Nguyên Tổ. Đang khi đó chính thần học lại chẳng hề biết…tội đó là tội gì ?:
“Nếu thực sự có một vấn đề trời chu đất diệt, không ai dám đề cập tới, không ai ưa đả động gì thì đó chính là vấn đề Tội nguyên Tổ ( Tội Tổ Tông Truyền ). Tin rằng Thiên Chúa đã trực tiếp dựng nên A Đam, Eva là tức khắc phải
đối đầu với cả một vấn đề hết sức rắc rối rồi. Còn tin rằng hai ông bà nguyên tổ đã truyền lưu cho con cháu về sau cả một tội trạng được coi như là câu giải đáp cho những tai họa khốn đốn đang dồn dập trút đổ xuống trên đầu nhân loại thì đó là chuyện còn quá đáng hơn nữa: Không thể nào chịu nổi. Hễ cứ trình bày vấn đề như thế, là giáo lý viên sẽ đau đớn nắm chăc phần thất bại và không riêng gì cá nhân giáo lý viên mà cả tính cách đáng tin của Giáo Hội và niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Giê Su Ki Tô cũng chuốc lấy luôn thảm bại nữa” ( Nguồn Conggiao. Info 18/6/2015 – Philippe Bacq – Tội Nguyên Tổ ).
Không hiểu Tội Nguyên Tổ là…tội gì thì làm sao để giải nghĩa Tín Điều Đức Mẹ không…mắc Tội Tổ Tông Truyền ? Như đã biết những Tín Điều không buộc giáo dân phải…hiểu rồi mới tin nhưng vai trò của thần học là gì nếu không phải là để tìm cho biết ý nghĩa của những niềm tin ấy ?
Thực ra, thần học cũng có…giải nghĩa đó nhưng rút cục chỉ đưa đến thất bại không sao tránh khỏi trước một Tín Điều quan trọng bậc nhất trong công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô.
Mặc dầu Tín Điều quan trọng là thế nhưng không có một giáo phụ Hy Lạp hoặc La Tinh nào dạy cách minh bạch về: Đầu thai vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria mà chỉ có những tư tưởng gọi là…manh nha:
Thánh Ephrem ( TK 4 ) đã nói tới sự trong sạch và thánh thiện hoàn toàn của Đưc Mẹ: Ôi Chúa và Mẹ Ngài. Chúa và Mẹ hoàn toan tốt đẹp và hoàn hảo mọi mặt vì ở nơi Chúa không có một vết bẩn nào, ở nơi Mẹ không có một vết nhơ nào”
Những trạng từ như trong sạch, thánh thiện hoàn toàn được nói đến thật ra chỉ là những lời tán tụng…xuông chẳng có chi liên quan đến đặc ân …Vô Nhiễm của Đức Mẹ.
Nguyên nhân sâu xa khiến các nhà thần học… giáo phụ ấy không hề đá động gì đến đặc ân Vô Nhiễm của Đức Mẹ là vì các ngài cho rằng chỉ có Đức Ki Tô mới…vô nhiễm nghĩa là hoàn toàn sạch mọi thứ tội: “ Do A Đam phạm tội, ai cũng vướng mắc tội lỗi cả. Bây giờ do Chúa Ki Tô mọi người được giải án, tuyên công, được trở nên công chính. Thánh Phao Lô nhấn mạnh tới tính phổ biến của Ơn Cứu Chuộc do Chúa Ki Tô thực hiện cho toàn thể nhân loại, thế mà bảo Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội “ tức là xem Đức Mẹ không phải cứu chuộc ?” ( Nguồn Conggiao. Info 12/9/2011 – Lm Fx Nguyễn Hùng Oánh -Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội ).
Có lẽ các nhà thần học không cố ý phủ nhận đặc ân Vô Nhiễm của Đức Mẹ nhưng chỉ muốn…tránh không đặt Đức Mẹ…ngang hàng với Chúa Ki Tô bằng cách cho đặc ân ấy chỉ có tính chất…dự phòng để Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể làm người ?
“Trào lưu thần học dòng Phanxico với những thần học gia Guileimo de Ware, với Duns Scot đưa ra quan niệm “ Praeredemptio” đã đặt nền tảng thần học vững chắc cho việc Đức Maria đầu thai vô nhiễm nguyên tội. Theo quan niệm này Đức Maria được hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Ki Tô trước khi Chúa Ki Tô sinh ra làm người bằng một ơn không phải giải thoát Đức Maria khỏi trạng thái tội lỗi nhưng là dự phòng để Đức Mẹ khỏi sa ngã vào tình trạng tội lỗi đó. Theo Duns Scot, đây là cách cứu chuộc hoàn hảo nhất” ( Nguồn Conggiao. Info – 12/9/2011 – Lm FX Nguyễn Hùng Oánh đã dẫn ).
Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ, theo thần học chỉ mang tính…dự phòng có nghĩa để sửa soạn cho Chúa Ki Tô nhập thể làm người giống như Gioan Tiền Hô. Thực ra vai trò của Đức Maria lớn lao hơn nhiều bởi vì Ngài chính là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, là Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan: “ Đức Chúa phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng giống mày cùng dòng giống Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày. Còn mày sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Người Nữ ám chỉ Đức Maria. Điều ấy có lẽ không có chi phải bàn, nhưng còn con rắn ? Đây là vấn đề mấu chốt của thần học mà nếu không …giải được thì sẽ không bao giờ có thể hiểu Tội Nguyên Tổ chính là tội…phân biệt thiện ác.
Nguyên nhân khiến thần học không hiểu Tội Nguyên Tổ chính là vì đã giải nghĩa Kinh Thánh theo…nghĩa đen ( Sens Litteral ): Con rắn chỉ là con rắn. A Đam, Eva là hai con người xác thịt đầu tiên được dựng nên ?
Nếu rắn chỉ là…rắn thì việc Người Nữ đạp giập đầu rắn chẳng có nghĩa lý chi cả ? Đang khi đó cần phải hiểu rắn tượng trưng cho Lý Trí Phân Biệt, là sự lừa dối của Sa Tan “ Con rồng lớn bị quăng xuống tức là con rắn xưa gọi là ma quỷ là Sa Tan, đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 19 ).
Có lần Chúa Giê Su đã công khai vạch mặt Sa Tan:“ Chúa nói với người Do Thái: Tại sao các ngươi không hiểu lời Ta ?: Ấy là vì các ngươi chẳng có thể nghe đạo Ta. Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ và các ngươi muốn làm theo tư dục của cha các ngươi. Từ ban đầu nó là kẻ giết người, chẳng đứng trong lẽ thật, vì trong nó không có lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối, cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).
Tính chất lừa dối của Sa Tan thật tinh vi: “ Nó nói với E Và: Há chẳng phải ĐCT có phán dạy các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao ? Bà E va đáp: Chúng ta được ăn cac trái cây trong vườn. Song về trái của cây mọc giữa vườn, ĐCT có phán dạy rằng: Hai người chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá động đến e khi hai người phải chết chăng ? Rắn bèn nói: Hai người chẳng có chết đâu. Nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó, mắt mình mở ra sẽ như ĐCT, biết điều thiện, điều ác…
….Người nữ ( Eva )thấy trái của cây đó …bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì để mở mang trí khôn…bèn hái ăn rồi trao cho chồng đứng gần bên, chồng cũng ăn nữa. Đoạn mắt hai người liền mở ra, biết mình lõa lồ bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” ( St 3, 1 -7 ).
Cây mọc giữa vườn đó là cây phân biệt điều thiện, điều ác mà Đức Chúa cấm không được ăn. Nguyên Tổ không nghe lời…cứ ăn và quả thật đã chết về phần tâm linh đúng như đã được báo trước.
Nguyên Tổ nghe theo sự cám dỗ của Sa Tan…ăn trái cấm vì nghĩ rằng để được nên khôn ngoan mà không hề hay biết đó chỉ là thứ khôn ngoan loài người, tất yếu đưa đến phản nghịch với thập giá Chúa Ki Tô: “ Bởi chưng Đạo Thập Gia đối với những kẻ bị hư mất thì là ngu dại. Song đối với chúng ta là những người được cứu lại là quyền năng của ĐCT vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của người khôn ngoan. Loại bỏ sự thông sáng của người thông sáng…
…Người khôn ngoan ở đâu ? Văn sĩ, triết gia ở đâu ? ĐCT há chẳng đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian này ra ngu dại ư ? Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình chẳng do sự khôn ngoan ĐCT mà nhận biết ĐCT cho nên ĐCT vui lòng dùng sự ngu dại của đạo chúng ta mà cứu rỗi những kẻ tin” ( Rm 1, 18 -21 ).
Thất bại của thần học đưa đến khủng hoảng triền miên trong Giáo Hội chính là vì đã dùng lý trí để hòng nhận biết Thiên Chúa. Đang khi đó để nhận biết Ngài thì không có con đường nào khác ngoài Mạc Khải của Đức Ki Tô về Đâng Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Đức Ki Tô nói…biết Cha thì cái biết ấy hoàn toàn không phải là cái biết của tri thức phân biệt nhưng là cái biết của trực giác vô phân biệt. Cái biêt của trực giác ấy giống như người…rơi tõm xuống nước. Mình và…nước không còn có chút phân biệt nào nữa…
Chính cái biết của sự phân biệt khiến con người phải xa lìa thực tại và đây chính là Tội Nguyên Tổ mà Thiên Chúa đã cấm không được…ăn cũng đừng…đá động gì đến nghĩa là ngay cả việc khởi lên ý nghĩ ( Khởi Niệm ) cũng không được.
Khi thượng tọa Huệ Minh đuổi kịp Huệ Năng ( Lục Tổ )muốn đoạt lấy áo pháp để trên tảng đá không được bèn hoảng sợ nói: “ Tôi đến đây vì Pháp chứ không phải vì Y. Huệ Năng nói: “ Nếu ngươi đã vì Pháp đến đây thì phải dẹp hết các duyên. Chớ sanh một niệm nào thì Ta sẽ thuyết cho nghe”.
Tu sĩ Huệ Minh tịnh tâm giây lâu. Huệ Năng nói tiếp: Đừng nghĩ thiện. Đừng nghĩ ác. Chánh trong lúc đó mới rõ đâu là Diện Mục Bản Lai của Minh thượng tọa” ( Pháp Bửu Đàn Kinh – Phẩm Tự Tự ).
Lời của Lục Tổ Huệ Năng với thượng tọa Huệ Minh “ Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác” cũng đâu có khác gì mệnh lệnh của Đức Chúa GieHova nói với nguyên tổ: Chớ có ăn trái phân biệt điều thiện, điều ác, bởi hễ…ăn nó thì phải chết và cái chết đó là chết phần tâm linh.
Con người nếu chết phần tâm linh thì sẽ không bao giờ có thể nhận biết Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng hữu ở nơi mình. Nguyên Tổ sau khi…ăn Trái Cấm lập tức đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, chịu muôn vàn đăng cay khốn khổ. Đàn ông thì phải lao động vất vả, đổ mồ hôi trán, rán mồ hôi bụng mới có cái để mà ăn. Còn đàn bà thì phaỉ mang nặng đẻ đau, lệ thuộc vào chồng…
Nguyên tổ bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng và sẽ không thể trở lại nếu không trải qua một cuộc giao tranh trường kỳ giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan. Cuộc giao tranh ấy diễn ra trong nội tâm mỗi người, ngày càng trở nên quyết liệt. Một mặt Sa Tan lừa dối con người bằng cách cám dỗ..ăn trái cấm phân biệt tức làm theo ý riêng mình. Một mặt Đức Mẹ ban ơn để cho ta biết vâng theo Thánh Ý Chúa, bỏ ý riêng mình đi.
Có thể nói lịch sử Giáo Hội là lịch sử của những cuộc giao tranh dữ dội giữa Đức Maria và rắn Sa Tan. Nên nhớ tính đến nay sau 21 thế kỷ, Giáo Hội đã có 21 Công Đồng thì đã có 20 CĐ được triệu tập để chống lạc giáo. Chỉ riêng CĐ Vatican II thì không. Tuy nhiên chính CĐ này đã đẩy Giáo Hội vào cơn khủng hoảng vô cùng nguy khốn bằng chủ trương Đại Kết, Tục Hóa.
Trào lưu Tục Hóa còn gọi là Giải Thiêng ( De’sacralisation ) khởi phát và lan tràn từ nhóm Bách Khoa (Encyclopedist) với những tên tuổi lớn như Montesquieu, Voltaire, Buffon, Diderot v.v..Nhóm này chủ trương cần triệt hạ Đạo Công Giáo bị coi như một trở lực quan trọng trong việc thiết lập Tôn Giáo Toàn Cầu dưới quyền lãnh đạo của Sa Tan.
Ngay trong thời điểm nguy ngập ấy, ngày 8/12/1854, đức thánh cha Pio IX bằng trọng sắc ineffabilis đã công bố Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Từ đó đã có những cuộc tranh luận gay gắt giữa những nhà thần học và sau đó 04 năm vào ngày 25/3/1858 Đức Mẹ đã hiện ra để xác nhận Tín Điều này với chị Thánh Bernadette:“Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” ( Que Soyera Immaculada Concepciou ).
Kể từ ấy đến nay, Đức Mẹ đã hiện ra rất nhiều nơi trên thế giới từ những nơi chốn hẻo lánh vùng Nam Mỹ đến Pha Ti Ma, Nan Du, Đại Hàn, Mễ Du v.v… để loan báo thời Cánh Chung, kêu gọi cầu nguyện, ăn chay, thống hối tội lỗi mình. Thế nhưng thật đang tiếc, lời kêu gọi ấy đã không được con người để tâm thực hành…
Hầu như cuộc sống đạo vẫn chỉ là một thứ hình thức bề ngoài. Đang khi đó việc cầu nguyện chỉ có ý nghĩa khi con người biết thành tâm quay về với Đấng Thiên Chúa là Cha vẫn luôn ngự trị.
Trong một lần hiện ra với các em nhỏ tại một làng quê hẻo lánh tại Ý ngày 10/1/1986 khi các em hỏi: Mẹ thích chúng con nói với mọi người những thông điệp gì ? Mẹ trả lời: “ Các con yêu mến. Thiên Chúa sai Mẹ xuống thế gian để cứu vớt tất cả chúng con, vì cả thế giới đang trong cơn nguy biến. Mẹ đến giữa các con để mang hòa bình đến cho trái tim chúng con. Ngài muốn hòa bình ngự trị nơi trái tim của tất cả mọi người và Ngài ước mong mọi người hãy trở lại. Vì mục tiêu này, hỡi các con yêu quý, hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Nếu chúng con không cầu nguyện, chúng con sẽ chẳng nhận được điều gì…
…Nhân loại đã có quá nhiều tội lỗi, xúc phạm đến Tình Yêu Thương của Thiên Chúa. Hòa bình trên thế gian sắp chấm dứt. Thế giới không thể được cứu vãn nếu không có hòa bình nhưng nó sẽ chỉ tìm được hòa bình nếu nhân loại biết quay trở lại với Thiên Chúa” ( Lm Re’ne’ Laurentin – Những Lần Hiện Ra Ngày Nay của Đức Trinh Nữ Maria ).
Thông Điệp của Đức Mẹ cũng là mệnh lệnh của Thiên Chúa đã được ban bố từ ngàn xưa: “ Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” ( Ml 3, 7 ). Ý nghĩa sự “ Trở Lại” ấy chỉ có thể là…trở lại với chính mình một khi con người đã quá khổ đau. Điều này minh triết Đông Phương cũng nói không khác: “ Thệ viết viễn. Viết viễn phản” ( Lão Tử ĐĐK Chương 25 ). Nghĩa là mỗi vật khi đi đến cực độ thì ắt phải biến mà biến thì lại trở về cái đích của nó.
Cái đích để trở về ấy chính là Nguồn Tâm và Nguồn Tâm ấy Kinh Thánh cho biết đó chính là Vườn Địa Đàng là cái Diện Mục Bản Lai ( Bộ Mặt Xưa Nay ) của mội người.
Sống là…đi ra, còn chết là trở về. Trong cầu nguyện luôn hàm chứa yếu tố Nguyện và Nguyện đây chẳng phải điều chi khác mà là Nguyện Về Với Cha, Đấng hằng hữu ở nơi mình./.
Phùng Văn Hóa