LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

( Is 42, 1-4, 6-7; Cv 10, 34-38; Mc 1, 6b-11).

Tiên tri Isaia đã loan báo về một người tôi tớ khiêm nhu, hiền lành và đầy lòng xót thương. Thiên Chúa đã chọn và rất hài lòng về người. Hơn 700 năm trước khi Đấng Cứu Thế giáng trần, Thiên Chúa đã mạc khải cho dân chúng với niềm hy vọng đón chờ ơn cứu độ. Mầu nhiệm cứu độ trải dài từ dòng dõi này đến dòng dõi khác. Lời hứa đó được thực hiện một cách tiệm tiến qua lịch sử của một dân tộc. Qua đời cha tới đời con, cho dù nhiều lần họ đã sa ngã và bội phản, Thiên Chúa luôn ưu ái dẫn dắt và hướng dẫn mở đường đưa dẫn vào ngõ hẹp của sự sống vĩnh cửu. Người tôi tớ mà tiên tri Isaia nhắc đến trong bài ca thứ nhất của Người Tôi Trung là hình bóng của Đấng sẽ được sai đến.

Người tôi tớ hiền lành, nhẫn nại và khoan dung: Cây lau bị dập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý (Is 42,3). Trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, tiên tri Isaia đã được chọn và gọi làm ngôn sứ. Trải qua bao nhiêu đắng cay, thử thách và khổ đau, ngày giải thoát vẫn như còn trong giấc mộng. Isaia khơi dậy niềm hy vọng cho dân chúng đang sống trong lầm than chán nản. Tiên tri đã ủi an và dẫn dắt dân trở về cùng Chúa trong sự cậy trông và phó thác. Thiên Chúa sẽ không đánh phạt con dân nhưng Ngài ôm ấp yêu thương với lòng từ bi nhân hậu. Niềm hy vọng luôn là điểm tựa cho mọi nỗ lực để đạt tới cùng đích.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu: Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người (Mc 1, 7). Lời Thiên Chúa hứa thuở xưa, nay đã được thực hiện. Đấng Cứu Thế xuất hiện như một con người bình thường nhưng đầy quyền năng. Ngài được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Ngài cùng chia sẻ cuộc sống với mọi người trong xóm làng, cùng đồng bàn với những người bà con thân bằng quyến thuộc và cùng lao động kiếm sống qua ngày. Ngài xuất hiện đó nhưng chẳng mấy ai nhận biết Ngài. Ngài âm thầm đi vào đời và chia sẻ cuộc sống nghèo nàn đạm bạc với mọi người. Ngài kiên nhẫn đợi chờ cho tới tuổi trưởng thành, tuổi tam thập như lập, để xuất hiện rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Gioan Tẩy Giả đã được nhận sứ mệnh làm tiền hô cho Ngài.

Gioan Tẩy Giả khiêm hạ tự nhận thân phận là người dọn đường và sửa đường. Gioan đã làm chứng thật: Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần (Mc 1, 8). Gioan kêu gọi sự sám hối vì Nước Trời đã gần kề. Gioan đã làm nghi thức qua phép rửa thống hối. Nhiều người đã ăn năn cải đổi đời sống và chạy đến với ông để xin lãnh nhận phép rửa. Tại bờ sông Giođan, với một thái độ khiêm nhu tự hạ, Chúa Giêsu xuất hiện xếp hàng chờ đợi nhận lãnh phép rửa của Gioan. Gioan đã nhận biết Ngài qua sự mạc khải từ trời cao: Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 10-11).

Chúa Giêsu hạ mình lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan tẩy giả, Chúa đã nêu tấm gương của sự khiêm tốn tới tận cùng. Chính Chúa Giêsu có quyền năng tẩy sạch tâm hồn và biến đổi chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa. Thánh Maccô viết: Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần (Mc 1, 8). Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra đi làm phép rửa cho mọi người: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28, 19).

Qua hai ngàn năm, Giáo hội tiếp tục thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu, đã có hàng hàng lớp lớp con người nhận lãnh ơn phép Rửa tội. Họ đã trở thành các Kitô hữu, được tắm gội trong ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bí tích Rửa tội là cửa ngõ dẫn chúng ta bước vào con đường cứu độ. Khi được lãnh nhận ơn thánh hóa, được sạch tội tổ tông, các tội riêng và được trở nên thành viên của Nhiệm Thể Chúa Kitô và sau cùng được lãnh ơn cứu độ. Qua Phép Rửa tội, ta được sinh lại làm con Chúa và con Hội Thánh. Chúng ta tôn thờ một Thiên Chúa, giữ một đức tin và cùng một niềm hy vọng.

Khi đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta đều có bổn phận sống đạo và làm nhân chứng cho Chúa Kitô giữa dòng đời. Mang danh là Kitô hữu, chúng ta có Chúa Kitô hiện diện trong đời sống. Chúng ta đặt niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô, Ngài là đầu nhiệm thể và chúng ta là các chi thể. Các chi thể phải luôn liên kết với đầu để có được sự sống dồi dào và viên mãn.  Xin Chúa Kitô kết hợp chúng con nên một trong Chúa và cùng hợp nhất với nhau trong một Thánh Thần, một phép rửa và một tình yêu. Amen.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

Chia sẻ Bài này:

Related posts