77 (264)
Các Thánh nhấn mạnh cần phải nhận sự phân biệt giữa Ba Ngôi và phải lưu ý cách riêng đến mỗi Ngôi. Kinh Tin Kính của thánh Atanasiô đã quả quyết về vấn đề này và kèm theo những lời răn đe đặc biệt, bởi vì mục đích cuối cùng của việc tạo dựng và nhập thể là để làm sáng danh Chúa Ba Ngôi.
Nhưng mầu nhiệm khó hiểu thế, làm sao chúng ta có thể tìm hiểu đôi chút ? Nhất định là phải nhờ ơn Chúa soi sáng, và chúng ta phải tin rằng ơn này Đức Mẹ xin được cho ta, vì Đức Mẹ là người thứ nhất trên đời được Chúa cho biết rõ về từng Ngôi, chính vào lúc Truyền Tin, một giờ lịch sử. Qua lời của Đại Thiên Sứ, Chúa Ba Ngôi tự giới thiệu mình cho Đức Maria như thế này : “Thánh Thần sẽ đến cùng Bà, Quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ Bà. Do đó, Đấng Thánh bởi Bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
Qua lời mặc khải trên, Ba Ngôi đều được nói đến rõ rệt. Trước nhất Chúa Thánh Thần với nhiệm vụ thực hiện việc Nhập Thể, kế đến là Đấng Tối Cao, Thân Phụ của Đấng được sinh ra là Chúa Con “Vị sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,32).
Khi chiêm ngắm mối liên quan khác biệt của Đức Mẹ đối với mỗi Ngôi, chúng ta sẽ phân biệt Ba Ngôi dễ hơn.
78 (265)
Đối với Ngôi Hai, Đức Maria có sự liên lạc dễ hiểu nhất là tình Mẹ Con. Tình Mẹ này mật thiết, vững bền và tốt hơn tất cả các tình liên hệ giữa loài người rất xa. Giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, sự hòa hợp thứ nhất là hòa hợp tâm hồn, và kế đó là hòa hợp thể lý. Một khi con ra khỏi dạ mẹ là có sự tách biệt về thể lý, nhưng sự hòa hợp tinh thần vẫn còn mãi và mỗi ngày càng thêm khắng khít cho đến nỗi Hội Thánh chưa hài lòng khi ta gọi Mẹ Maria là người “cộng sự” với Ngôi Hai – là Đấng Đồng công cứu chuộc, Trung gian các ơn, nhưng phải gọi Mẹ Maria là “Giêsu khác”.
79 (266)
Đối với Ngôi Ba, Đức Maria thường được gọi là Đền Thờ, và là Cung Thánh của Chúa Thánh Thần, nhưng những tước hiệu này còn xa sự thực, vì Ngôi Ba đã làm cho Đức Maria liên kết thực chặt chẽ với mình, tới độ xét về phẩm chức, Đức Mẹ đi liền sau Chúa Thánh Thần. Đức Mẹ kết hợp, sống nhờ Chúa Thánh Thần như là linh hồn của Đức Mẹ. Đức Mẹ không chỉ là dụng cụ, là máng thông ơn Chúa dùng, nhưng Mẹ là người cộng sự sáng suốt, có ý thức, có thể nói Đức Mẹ làm gì thì kể như là Chúa Thánh Thần làm ; không nhận sự can thiệp của Đức Mẹ là cũng không nhận sự can thiệp của Chúa Thánh Thần.