SỨ ĐIỆP TỪ THẬP GIÁ

Trong thư gửi tín hữu Corintô, Thánh Phaolô tông đồ đã viết: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,22-24). Những dòng trên đây cho chúng ta thấy hai thái độ đối lập nhau đó là chối từ và đón nhận thập giá. Phần chúng ta, là những người Kitô hữu, chúng ta thuộc nhóm nào? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ sau khi nghe bài thương khó Đức Giêsu Kitô. Để suy về điều này, tôi xin gợi ra hai ý tưởng nhỏ sau đây: thái độ chối từ thập giá của kẻ vô tín và thái độ đón nhận của người Kitô hữu.

  1. Thái độ chối từ thập giá của những kẻ vô tín

Với những người đặt niềm hy vọng vào những vật vô hồn, vào của cải vật chất, vào tiền tài, danh vọng và quyền lực, vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, vào các chương trình được coi là hoành tráng bên ngoài, vào các thần tượng ca nhạc hay các thần tượng trong lĩnh vực thể thao, kinh tế, chính trị, … thì với họ, Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh chỉ là một trò hề, là điều vô nghĩa lý, là điều điên rồ, là sự ô nhục, vì Ngài chẳng đem lại thứ gì theo nguyện vọng của họ. Nếu có ai hỏi tại sao bạn cho rằng tin vào Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là điều điên rồ thì những kẻ vô tín sẽ trả lời rằng.

Không điên rồ sao được khi một vị Thiên Chúa, được coi là Đấng cao cả quyền năng lại chấp nhận trở nên một chấm nhỏ, thành một con người trong chúng ta.

Không điên rồ sao được khi đấng muôn dân trông đợi sẽ đến để đánh đông dẹp tây, để làm chính trị, để giải phóng người nô lệ lại có một kết cục bi thảm như vậy.

Bạn hãy nhìn lên thập giá xem có điên rồ không khi có một ông vua như thế: giường không được trải bằng chăn ấm nệm êm, không phải là long sàng như của vua chúa quan quyền thế gian nhưng là cây khổ giá; đầu không đội vương miện nhưng là mũ gai; chân tay không đeo trang sức như hạt xoàn, đá quý nhưng bị đóng đinh bằng gai nhọn, khiến máu tứa tuôn ra. Còn nỗi đau thể lý nào hơn khi theo khoa học lịch sử, người ta đã đóng vào cườm tay của Người chiếc đinh sắt nhọn dài chừng 20 cm. Khi gân chủ dẫn tới vai bị đứt, Đức Giêsu phải gồng mọi cơ lưng để thở vì phổi đang thiếu khí. Người chỉ còn cách tự xoay xở vào chiếc đinh trụ đóng ở bàn chân để oằn mình chống đỡ với sức nặng của thân thể. Và cứ thế, vết thương ở lỗ đinh bàn chân mỗi lúc một toác ra, máu cùng nước tứa tuôn theo. Đức Giêsu chịu đựng cảnh như thế suốt ba giờ đồng hồ trên thập giá. Chao ôi, hỏi thế gian còn nỗi đau nào lớn hơn?

Còn nỗi đau tinh thần ư? Người là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng lại bị chính thụ tạo của mình bêu rếu, khạc nhổ, phỉ báng và đồng hoá với phường trộm cướp. Ngay cả người thân cận trong phút khốn nguy nhất cũng “tan đàn sẻ nghé”, biền biệt tăm hơi. Đức Giêsu cô độc vật lộn với nỗi cô đơn tột điểm trên đỉnh đồi Gôngôtha. Tiếng kêu thất thanh của Người thốt lên như xé nát cả trời chiều: “Ê-li Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni: Lạy Chúa sao Ngài bỏ con?!”

Thưa anh chị em,

Nếu theo luận lý của con người, nếu theo “lô gích” của lý trí thì chúng ta không thể hiểu nổi vì sao Thiên Chúa lại có kết cục như vậy. Nếu cứ theo cái lập luận của những người chỉ biết ăn miếng trả miếng, mắt đền mắt răng đền răng thì họ không thể hiểu được ý nghĩa của cây thập giá, không thể hiểu con đường tình yêu mà Chúa Giêsu đã đi qua. Với những người vô tín, chẳng có Chúa nào cả, chẳng có chân lý nào hết vì thế họ nói rằng:

Chân lý ngày nay giảm giá rồi

Chỉ còn lương thực tăng giá thôi

Lương tâm bán rẻ hơn lương tháng

Chân lý chân giò cũng thế thôi.

Quả thực, với những người chỉ đinh ninh rằng: “chết ba tiếng trống, sống ba miếng dồi chó”; với người coi chúa tể của họ là cái bụng thì Thập giá Đức Giêsu có nghĩa lý gì đâu? Họ sẽ dần đi vào ngõ cụt, là kết quả thuận theo cách chọn lựa của họ. Quả đúng như lời Thánh Phaolô tông đồ đã viết: “có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (1Cr 3,18-19). Còn chúng ta thì sao? Thưa, chúng ta có thái độ hoàn toàn khác. Là người Kitô hữu – người thuộc về Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi rập theo bước chân của Người.

  1. Thái độ đón nhận thập giá của các tín hữu

Thưa anh chị em, với người tín hữu, thập giá Đức Kitô trở nên phương thế cứu độ nhân loại. Thập giá biểu tượng cho công trình hòa giải mà Đức Kitô thực hiện. Trước khi chịu tử nạn, Đức Giêsu đã tiên báo: “Một khi được cất cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12,23). Nhờ cái chết treo thập giá, Đức Giêsu dang rộng cánh tay để ôm lấy nhân loại tội lỗi. Ngài đã mang lấy tội lỗi của con người mà dìm xuống dòng sông Giođan, đã mang lấy vào thân thể mình mà đưa lên cây thập giá. Ngài đã phá tan bức màn ngăn cách giữa Thiên Chúa cửu trùng và phàm nhân tội lỗi. Khi Đức Giêsu tắt thở thì bức màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Theo luật Môsê, Lều tạm có hai bức màn, theo đó đền thờ được xây dựng. Chỉ có thượng tế mới được qua bức màn phía trong lều tạm (màn thứ hai) mỗi năm một lần vào dịp Lễ Xá Tội (Lv 16,1-18). Sau cái chết của Đức Giêsu, tất cả mọi người đều được bước vào cung thánh, trước sự hiện diện của Chúa, bất luận họ là ai.[1]

Như vậy, thập giá dù gai góc sần sùi nhưng trở nên giường cho Đấng Cứu Độ. Ngài như là Ađam mới đem lại sự sống bất diệt cho những kẻ tin. Thánh Gioan Kim Khẩu, trong một bài giảng về sách Sáng Thế đã đối chiếu sự khác biệt giữa Ađam và Đức Kitô khi so sánh cây trong Vườn Địa Đàng và cây thập giá như sau: “Cây thứ nhất đã đưa sự chết vào trong thế gian, cây thứ hai đem lại cho ta phúc trường sinh. Cây thứ nhất đuổi ta khỏi Vườn Địa Đàng, cây thứ hai đưa ta về trời. Cây thứ nhất, chỉ vì một sự vượt giới hạn mà Ađam bị kết án bằng một hình phạt ghê tởm nhất; cây thứ hai cất gánh nặng của tội và tái lập sự tín thác vào Thiên Chúa.”[2]

Kết

Tóm lại, đối với người phàm, thập giá Đức Kitô là một sự thất bại và dẫn vào ngõ cụt, nhưng đối với những người tin nhận Đức Kitô như là nguyên uỷ và cứu cánh của cuộc đời thì thập giá trở nên phương thế cứu độ, là chiến thắng vang dội của tình yêu trên sự chết và sự thù ghét (x. Ep 2,14-17), là chiếc búa đập tan gông cùm tội lỗi, đưa con người vào hưởng phúc vinh quang trong Miền Đất Tự Do. Tuy nhiên, ta cần hiểu rằng, tử nạn và phục sinh làm nên một biến cố không thể tách rời nhau. Ta không nên tách biệt thánh giá khỏi sự thắng trận, tức là sự sống lại. Sự sống lại không phải là sự sửa sai của Thánh giá nhưng là kết quả của Thánh giá. Vì thế, sự sống lại chính là cuối điểm của công cuộc cứu rỗi, là cuối điểm của lịch sử Chúa Kitô trên trần gian, nhưng nó lại là khởi điểm phần rỗi chúng ta. Thánh giá là trọng tâm của Phúc Âm nhưng Thánh giá đó có viền hào quang rực rỡ, tức là viền bằng sự sống lại. Chính hào quang phục sinh mở ra chân trời hy vọng cho chúng ta.[3] Xin cho chúng ta biết đón nhận thập giá, suy tôn Đấng treo thập giá, tín thác vào Đấng treo thập giá, Ngài đã phục sinh vinh hiển và Ngài sẽ cho chúng ta được sống lại ngày sau hết nếu chúng ta tín thác vào Ngài.

L.m Jos. Đồng Đăng

 

[1] Xem lời chú thích trong cuốn New American Bible (St. Joshep Medium Size Edition), tr. 64.

[2] V.GROSSI và B.SESBOUE, Nguyên Tội, Ân Sủng và Sự Công Chính Hoá, tr. 82.

[3] X. Lm G.B Trần Thanh Ngoạn, Thần học Công Đồng, tài liệu lưu hành nội bộ (Phan Thiết, 1992), tr. 46.  

Chia sẻ Bài này:

Related posts